Một sự thiết kế?
Đôi cánh của loài vật
◼ Bay trong không trung hiệu quả hơn—bạn nghĩ đến máy bay hay những sinh vật như dơi, côn trùng và chim? Dù tin hay không, máy bay không thể sánh kịp với những sinh vật nhỏ bé tuyệt diệu ấy trong thiên nhiên. Về những sinh vật này, ông Wei Shyy, giáo sư về không gian vũ trụ tại đại học Michigan nói: “[Chúng] có những khả năng nổi bật giúp bay trong không trung dù gặp gió mạnh, mưa và tuyết”a. Bí quyết của chúng là gì? Đó là vỗ cánh. Những phi công khao khát có được khả năng đó khi con người lần đầu tiên cố gắng cất mình khỏi mặt đất.
Hãy suy nghĩ điều này: Khi một số loài chim và côn trùng bay, đôi cánh của chúng thay đổi hình dạng liên tục để thích ứng với môi trường. Nhờ thế, chúng có thể bay lượn và quay ngoắt đột ngột. Tạp chí Science News tường thuật những gì quan sát được từ loài dơi: “Lúc bay chậm khoảng 1,5m mỗi giây, dơi gập đầu cánh xuống và nhanh chóng đập mạnh về phía sau. Các nhà khoa học phỏng đoán rằng kỹ thuật này... tạo ra lực nâng và lực đẩy”.
Chắc chắn còn có nhiều điều để tìm hiểu về loài vật biết bay. Một giáo sư về cơ học và không gian vũ trụ tại đại học Florida là ông Peter Ifju đã hỏi: “Về mặt vật lý, chúng làm gì trong không khí để có thể tạo ra lực nâng hiệu quả đến vậy?”. Ông nói thêm: “Có nhiều điều chúng ta không hiểu về các luồng khí tác động lên cánh của chúng. Chúng ta có thể nhìn thấy những gì chúng [chim và côn trùng] đang làm, nhưng lại không hiểu những gì chúng làm tương tác với không khí như thế nào”.
Bạn nghĩ sao? Đôi cánh linh hoạt của các loài vật là do tự nhiên mà có? Hay đó là sự thiết kế?
[Chú thích]
a Dù nhiều loài có cánh có thể bay trong mưa, nhưng đa số kiếm nơi để trú ẩn.
[Hình nơi trang 9]
Một con chim ruồi
[Nguồn tư liệu]
Laurie Excell/Fogstock/ age fotostock
[Hình nơi trang 9]
Dơi tai chuột
[Nguồn tư liệu]
© Delpho, M/age fotostock