BÀI HỌC 6
Nhấn mạnh đúng ý nghĩa
KHI nói hay đọc lớn tiếng, điều quan trọng không những bạn phát âm đúng từng chữ mà còn nhấn mạnh những chữ then chốt và những thành ngữ sao cho các ý tưởng được truyền đạt một cách rõ ràng.
Nhấn mạnh đúng ý nghĩa không những đòi hỏi phải nhấn giọng mạnh hơn vào vài từ hoặc ngay cả nhiều từ một lúc, mà còn phải nhấn mạnh đúng từ ngữ. Nếu nhấn sai chữ, thì ý nghĩa của những lời bạn nói có thể không rõ ràng, còn về phần cử tọa, họ có thể để tâm trí nghĩ vẩn vơ đến những chuyện khác. Dù cho tài liệu bổ ích, nhưng nếu không nhấn mạnh đúng ý nghĩa khi trình bày, bài giảng sẽ kém hữu hiệu trong việc thúc đẩy cử tọa.
Nhấn mạnh thêm có thể thực hiện bằng những cách khác nhau. Những cách này thường được sử dụng phối hợp: nói lớn hơn, với cảm xúc mạnh hơn, diễn đạt chậm rãi, tạm ngừng trước hay sau câu nói (hay cả hai cách), và sử dụng điệu bộ cũng như nét mặt. Trong một số ngôn ngữ, sự nhấn mạnh có thể cũng được diễn tả bằng cách lên hoặc xuống giọng. Hãy xem xét tài liệu và tình huống để xác định phương pháp nào thích hợp nhất.
Khi quyết định xem cần nhấn mạnh những từ nào, hãy cân nhắc những yếu tố sau đây: (1) Trong bất kỳ câu nào, những từ cần được nhấn mạnh không những được quyết định bởi các phần còn lại của câu mà còn bởi văn cảnh. (2) Sự nhấn mạnh ý nghĩa có thể được sử dụng nhằm nhấn mạnh sự bắt đầu một ý tưởng mới, dù đó là một điểm chính hoặc chỉ là sự chuyển ý trong dòng lý luận. Nó cũng có thể thu hút sự chú ý vào phần kết thúc dòng lý luận. (3) Diễn giả có thể sử dụng sự nhấn mạnh ý nghĩa để diễn đạt cảm nghĩ của mình về một vấn đề. (4) Sự nhấn mạnh đúng ý nghĩa cũng có thể được sử dụng để làm nổi bật những điểm chính của một bài giảng.
Để nhấn mạnh ý nghĩa theo các cách trên, diễn giả hoặc người đọc trước công chúng phải hiểu rõ tài liệu của mình và tha thiết muốn cử tọa hấp thu tài liệu đó. Nói về sự dạy dỗ trong thời E-xơ-ra, Nê-hê-mi 8:8 ghi như sau: “Họ đọc rõ-ràng trong sách luật-pháp của Đức Chúa Trời, rồi giải nghĩa nó ra, làm cho người ta hiểu lời họ đọc”. Hiển nhiên, những người đọc và giải thích Luật Pháp của Đức Chúa Trời vào dịp đó đã nhận thức được tầm quan trọng của việc giúp người nghe nắm được ý nghĩa, nhớ và áp dụng những điều họ nghe.
Điều gì có thể gây ra vấn đề? Trong cuộc nói chuyện bình thường hàng ngày, đa số người ta có thể diễn đạt rõ ràng ý muốn nói. Tuy nhiên, khi đọc tài liệu do người khác viết, việc xác định xem từ ngữ nào cần được nhấn mạnh có thể là một trở ngại. Bí quyết là hiểu rõ tài liệu. Điều này đòi hỏi phải tìm hiểu kỹ nội dung. Vì vậy nếu được yêu cầu đọc tài liệu nào đó tại buổi họp, bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng.
Thay vì nhấn mạnh ý nghĩa, một số người sử dụng cách tạm gọi là “nhấn giọng cách quãng”. Họ nhấn giọng ở những khoảng cách khá nhất định, bất luận sự nhấn giọng như thế có tác dụng nào hay không. Những người khác thì nhấn mạnh những hư từ, có lẽ nhấn mạnh quá mức các giới từ và liên từ. Nếu sự nhấn mạnh không góp phần làm cho ý tưởng rõ ràng, nó dễ trở thành kiểu cách khiến người nghe phân tâm.
Vì cố sử dụng sự nhấn mạnh ý nghĩa, một số diễn giả nói lớn đến mức có thể làm cử tọa cảm thấy như đang bị trách mắng. Dĩ nhiên, điều này ít khi mang lại kết quả tốt. Sự nhấn mạnh không tự nhiên có thể gây cảm tưởng là diễn giả đang lên giọng kẻ cả với cử tọa. Thật tốt hơn biết bao, khi kêu gọi người nghe hưởng ứng dựa trên tình yêu thương và giúp họ thấy rằng những điều đang được trình bày vừa hợp lý vừa đúng theo Kinh Thánh!
Cách trau dồi. Thường thường một người không biết rằng mình có vấn đề về cách nhấn mạnh ý nghĩa. Một người nào khác có thể cần lưu ý người đó. Nếu bạn cần tiến bộ về mặt này, anh giám thị trường học sẽ giúp bạn. Ngoài ra, đừng ngại nhờ một người ăn nói giỏi giúp bạn. Hãy nhờ người đó lắng nghe cẩn thận khi bạn đọc và nói, sau đó đề nghị những chỗ cần cải tiến.
Bước đầu, người làm cố vấn cho bạn có thể đề nghị dùng một bài trong Tháp Canh để luyện tập. Chắc chắn anh ấy sẽ bảo bạn phân tích từng câu để xác định xem những từ hay nhóm từ nào cần được nhấn mạnh để người nghe hiểu được ý nghĩa một cách dễ dàng. Anh ấy có thể nhắc nhở bạn chú ý đặc biệt đến những chữ in nghiêng nào đó. Hãy nhớ rằng những từ trong cùng một câu bổ sung ý nghĩa cho nhau. Thường thường, phải nhấn mạnh cả một nhóm từ, chứ không chỉ một từ riêng lẻ. Trong một số ngôn ngữ, có thể cần khuyến khích các học viên xem xét kỹ hơn vai trò của những dấu ghi thanh điệu trong việc nhấn mạnh đúng ý nghĩa.
Bước kế tiếp trong việc học cách nhấn mạnh, người cố vấn có thể khuyên bạn xem xét văn mạch chung quanh chính câu văn ấy. Ý tưởng chính yếu nào đang được khai triển trong toàn bộ đoạn văn? Ý này phải ảnh hưởng thế nào đến những chữ bạn nhấn mạnh trong mỗi câu? Hãy nhìn tựa đề và tiểu đề in đậm bên trên đoạn tài liệu mà bạn đang xem xét. Chúng ảnh hưởng thế nào đến việc bạn lựa chọn những từ ngữ cần nhấn mạnh? Cần xem xét tất cả các yếu tố trên. Nhưng hãy cẩn thận, đừng nhấn mạnh quá nhiều chữ.
Dù bạn đọc hay nói ứng khẩu, người cố vấn cũng có thể khuyến khích bạn để cho dòng lý luận ảnh hưởng việc bạn nhấn mạnh ý nghĩa. Bạn cần biết khi nào dòng lý luận chấm dứt hoặc khi nào chuyển ý từ điểm quan trọng này sang một điểm khác. Cử tọa sẽ thấy dễ theo nếu cách bạn trình bày báo cho họ biết về những chỗ ấy. Bạn có thể thực hiện việc này bằng cách nhấn giọng vào các từ ngữ như trước hết, kế đó, cuối cùng, vì thế, và suy ra.
Người cố vấn cũng sẽ lưu ý bạn đến những ý tưởng mà bạn muốn diễn đạt với cảm xúc đặc biệt. Để làm điều này bạn có thể nhấn mạnh những từ như rất, tuyệt đối, chắc chắn không, không thể nào tưởng tượng được, quan trọng, và luôn luôn. Nhấn giọng như thế có thể ảnh hưởng đến cảm nghĩ của cử tọa đối với điều bạn đang trình bày. Bài Học 11, “Nồng ấm và diễn cảm”, sẽ bàn thêm về điều này.
Để giúp bạn trau dồi cách thức nhấn mạnh ý nghĩa, người cố vấn cũng sẽ khuyến khích bạn hãy xác định rõ ràng trong trí những điểm chính mà bạn muốn cử tọa nhớ. Điều này sẽ được thảo luận thêm khi bàn về việc đọc trước công chúng trong Bài Học 7, “Nhấn mạnh các ý tưởng chính”, và khi bàn về việc nói trước công chúng trong Bài Học 37, “Làm nổi bật các điểm chính”.
Nếu đang cố gắng cải tiến thánh chức rao giảng của bạn, hãy để ý đến cách bạn đọc những câu Kinh Thánh. Hãy luôn tự hỏi: ‘Tại sao tôi đọc câu Kinh Thánh này?’ Muốn dạy dỗ, chỉ phát âm đúng các từ thôi, nhiều khi vẫn chưa đủ. Ngay cả việc đọc câu Kinh Thánh với sự diễn cảm có thể vẫn chưa đủ. Nếu đang giải đáp câu hỏi của một người nào đó hay dạy một lẽ thật cơ bản, nên nhấn mạnh vào những từ hoặc nhóm từ trong câu Kinh Thánh chứng minh những điều đang được thảo luận. Bằng không, người nghe có thể không hiểu điểm bạn muốn trình bày.
Bởi lẽ việc nhấn mạnh ý nghĩa đòi hỏi phải nhấn mạnh thêm các từ và nhóm từ nào đó, nên một diễn giả thiếu kinh nghiệm có thể có khuynh hướng nhấn mạnh quá mức các từ và nhóm từ đó. Kết quả của việc này có phần nào giống như những nốt nhạc của một người mới bắt đầu tập chơi một nhạc khí. Tuy nhiên, nhờ luyện tập thêm, những “nốt nhạc” riêng rẽ sẽ tự nhiên trở thành một phần của bài “nhạc” biểu cảm tuyệt hay.
Sau khi đã học được một số khái niệm cơ bản, bạn sẽ đủ điều kiện để rút tỉa lợi ích bằng cách quan sát những diễn giả giàu kinh nghiệm. Chẳng bao lâu, bạn sẽ nhận biết điều gì mình có thể đạt được qua việc thay đổi độ nhấn mạnh. Và bạn sẽ nhận thức được giá trị của việc nhấn mạnh bằng nhiều cách khác nhau để làm sáng tỏ ý nghĩa lời nói. Trau dồi kỹ năng nhấn mạnh đúng ý nghĩa sẽ làm cho việc đọc và cách ăn nói của chính bạn được hiệu quả hơn rất nhiều.
Đừng chỉ học để biết tạm đủ về sự nhấn mạnh ý nghĩa. Để ăn nói có hiệu quả, hãy tiếp tục rèn luyện cho đến khi bạn thông thạo việc nhấn mạnh ý nghĩa và có thể dùng nó sao cho người nghe thấy tự nhiên.