BÀI HỌC 24
Lựa chọn từ ngữ
TỪ NGỮ là công cụ giao tiếp rất hữu hiệu. Nhưng để từ ngữ đạt được mục tiêu cụ thể, chúng ta cần lựa chọn kỹ lưỡng. Cùng một từ có thể thích hợp trong tình huống này, nhưng lại có thể phản tác dụng trong một tình huống khác. Sử dụng không đúng, từ ngữ bóng bẩy có thể trở nên “lời nói tổn thương”. Việc dùng những từ ngữ như thế có thể chỉ vì thiếu suy nghĩ, phản ánh sự thiếu quan tâm. Một số từ có hai nghĩa, một trong hai nghĩa ấy xúc phạm đến người khác hoặc xem thường họ. (Châm 12:18; 15:1, Nguyễn Thế Thuấn) Mặt khác, “lời lành”—lời khích lệ—mang lại niềm vui cho người nghe. (Châm 12:25) Việc chọn đúng từ ngữ đòi hỏi nỗ lực, ngay cả đối với một người khôn ngoan. Kinh Thánh cho chúng ta biết Sa-lô-môn đã ý thức việc cần phải tìm kiếm “những câu luận tốt-đẹp” và “các lời... chánh-trực và chân-thật”.—Truyền 12:10.
Trong một số ngôn ngữ, có những từ được dùng xưng hô với người lớn tuổi hơn hoặc với những người có uy quyền, nhưng có những từ khác dành cho người ngang hàng hay nhỏ tuổi hơn. Không lưu ý đến những phép lịch sự như thế bị xem là vô lễ. Tự áp dụng cho mình những từ hàm ý tôn kính mà phong tục địa phương dành cho người khác cũng là thiếu tế nhị. Về vấn đề biểu lộ sự tôn trọng, Kinh Thánh đặt một tiêu chuẩn cao hơn những gì mà luật pháp hay phong tục địa phương có thể đòi hỏi. Kinh Thánh khuyên giục tín đồ Đấng Christ: “Hãy kính mọi người”. (1 Phi 2:17) Những ai thành tâm làm theo lời khuyên này sẽ nói năng lễ độ với mọi người thuộc mọi lứa tuổi.
Dĩ nhiên, nhiều người không phải là tín đồ thật của Đấng Christ nói năng thô lỗ và tục tĩu. Họ có thể nghĩ rằng ngôn ngữ thô tục nhấn mạnh thêm điều họ nói. Hoặc họ dùng những từ ngữ ấy vì vốn từ vựng quá kém cỏi. Nếu đã quen nói năng như thế trước khi học đường lối Đức Giê-hô-va, một người có thể thấy khó bỏ thói tật ấy. Thế nhưng, điều này có thể thực hiện được. Thánh linh Đức Chúa Trời có thể giúp một người thay đổi thói quen ăn nói. Tuy nhiên, họ cũng phải sẵn lòng trau dồi vốn từ vựng bằng những từ tốt lành—tức những từ truyền đạt điều có ích, những từ xây dựng—rồi thường xuyên dùng những từ này.—Rô 12:2; Ê-phê 4:29; Cô 3:8.
Ngôn từ dễ hiểu. Tính dễ hiểu là một điều kiện cơ bản của cách nói hữu hiệu. (1 Cô 14:9) Nếu những từ ngữ bạn dùng khó hiểu đối với cử tọa, thì chẳng khác nào bạn đang nói tiếng ngoại quốc với họ.
Một số từ có nghĩa chuyên môn được dùng giữa những người cùng làm một nghề nào đó. Họ có thể dùng những từ như thế hàng ngày. Nhưng việc dùng từ ngữ không đúng môi trường có thể cản trở khả năng giao tiếp của bạn. Hơn nữa, ngay cả khi dùng những từ vựng thường ngày, nếu bạn cứ lẩn quẩn trong những chi tiết không cần thiết, người nghe có thể dễ dàng nghĩ sang những chuyện khác.
Một diễn giả quan tâm sẽ chọn những từ ngữ mà ngay cả những người có trình độ học vấn thấp cũng có thể hiểu được. Noi gương Đức Giê-hô-va, anh biểu lộ lòng quan tâm đối với “kẻ thấp hèn”. (Gióp 34:19, NW) Nếu thấy cần dùng một từ ngữ không quen thuộc, diễn giả nên sử dụng từ này trong những câu đơn giản để cho ý nghĩa được rõ ràng.
Những từ ngữ đơn giản, khéo lựa chọn truyền đạt ý tưởng một cách mạnh mẽ. Những câu ngắn và những nhóm từ đơn giản thì dễ hiểu. Có thể xen lẫn một số câu dài hơn để cách nói không trở thành nhát gừng. Nhưng đối với những ý tưởng mà bạn đặc biệt muốn cử tọa ghi nhớ, hãy chọn những từ ngữ đơn giản và những câu ngắn gọn.
Cách diễn đạt đa dạng và chính xác. Những từ ngữ hay, đẹp không thiếu. Thay vì dùng mãi một câu nói cho mọi tình huống, hãy dùng nhiều từ ngữ khác nhau. Có vậy lời lẽ của bạn mới lý thú và đầy ý nghĩa. Làm thế nào bạn có thể gia tăng vốn từ vựng?
Khi đọc, hãy đánh dấu những chữ nào bạn không hiểu rõ, và tra nghĩa từ điển trong ngôn ngữ của bạn, nếu có. Chọn vài chữ trong số này, và cố chủ ý sử dụng khi thích hợp. Hãy cẩn thận phát âm cho đúng và sử dụng những từ này trong một văn cảnh khiến chúng dễ hiểu và không chỉ nhằm thu hút sự chú ý. Gia tăng vốn từ vựng sẽ làm cho cách nói của bạn thêm đa dạng. Nhưng cần thận trọng—khi một người phát âm sai hay sử dụng từ ngữ không đúng, người nghe có thể kết luận rằng anh ấy không hiểu mình nói gì.
Mục tiêu của chúng ta trong việc gia tăng vốn từ vựng là để truyền đạt sự hiểu biết, chứ không gây ấn tượng với người nghe, làm cho họ thán phục chúng ta. Ngôn từ phức tạp và dài dòng thường khiến người nghe chú ý vào diễn giả. Mong muốn của chúng ta phải là chia sẻ các thông tin quý giá và làm cho người nghe thích thú. Hãy nhớ câu châm ngôn: “Lưỡi người khôn-ngoan truyền ra sự tri-thức cách phải”. (Châm 15:2) Dùng những từ hay, tức những từ thích hợp, dễ hiểu, giúp cách nói năng của chúng ta tươi sáng và khích lệ thay vì nhàm chán và vô vị.
Khi gia tăng vốn từ vựng, hãy chú ý cẩn thận đến việc dùng đúng từ ngữ. Hai từ ngữ có thể có nghĩa tương tự nhưng hơi khác nhau khi dùng trong những tình huống khác nhau. Nếu nhận thức được điều này, bạn sẽ làm cho lời nói được sáng sủa hơn và không xúc phạm đến người nghe. Hãy cẩn thận lắng nghe những người nói giỏi. Trong một số từ điển, cả chữ đồng nghĩa (những từ có nghĩa tương tự nhau, nhưng hơi khác nhau) lẫn chữ phản nghĩa (những từ có nghĩa hơi trái ngược nhau) đều được liệt kê bên dưới mỗi chữ. Như thế bạn không những tìm được nhiều cách diễn đạt cho cùng một ý tưởng mà cả những nghĩa tinh tế, hơi khác nhau một chút. Điều này rất có ích khi bạn tìm kiếm một từ thích hợp cho một tình huống cá biệt. Trước khi thêm một từ vào vốn từ vựng, hãy chắc chắn rằng bạn hiểu nghĩa, biết cách phát âm, và khi nào nên dùng từ đó.
Những câu cụ thể diễn đạt hình ảnh rõ ràng hơn những câu khái quát. Một diễn giả có thể nói: “Vào thời đó, nhiều người mắc bệnh”, hoặc: “Trong vòng vài tháng sau Thế Chiến I, khoảng 21.000.000 người chết vì bệnh cúm Tây Ban Nha”. Thật khác biệt biết bao khi diễn giả nói rõ ra điều anh muốn phát biểu qua các từ ngữ như “vào thời đó”, “nhiều người” và “mắc bệnh”! Cách diễn đạt này đòi hỏi phải hiểu biết các dữ kiện liên quan đến đề tài cũng như phải cẩn thận lựa chọn từ ngữ.
Dùng đúng chữ cũng có thể giúp bạn nói thẳng vào vấn đề, tránh được sự rườm rà dễ làm lu mờ ý. Tính đơn giản làm cho người khác dễ nắm và nhớ được những dữ kiện quan trọng. Nó giúp truyền đạt sự hiểu biết chính xác. Chúa Giê-su Christ đã dạy dỗ xuất sắc nhờ dùng ngôn từ đơn giản. Hãy học cách dạy dỗ của ngài. (Xem các thí dụ ghi nơi Ma-thi-ơ 5:3-12; Mác 10:17-21). Bạn hãy tập diễn đạt ngắn gọn bằng những từ ngữ khéo lựa chọn.
Những từ ngữ biểu đạt sự hăng hái, cảm xúc, màu sắc. Khi gia tăng vốn từ vựng, bạn không chỉ nghĩ đến những từ mới mà còn đến những từ có đặc điểm cá biệt. Thí dụ, hãy xem những động từ diễn đạt sự hăng hái; những tính từ biểu đạt màu sắc; và những từ ngữ nói lên sự nồng ấm, tử tế, hoặc truyền đạt sự tha thiết.
Kinh Thánh chứa đầy những thí dụ về ngôn từ mang nhiều ý nghĩa như thế. Qua nhà tiên tri A-mốt, Đức Giê-hô-va thúc giục: “Hãy tìm điều lành và đừng tìm điều dữ... Hãy ghét điều dữ mà ưa điều lành”. (A-mốt 5:14, 15) Nhà tiên tri Sa-mu-ên tuyên bố với Vua Sau-lơ: “Ngày nay Đức Giê-hô-va xé nước Y-sơ-ra-ên khỏi ngươi”. (1 Sa 15:28) Khi nói với Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va dùng những lời khó quên sau: “Cả nhà Y-sơ-ra-ên đều cứng trán cứng lòng”. (Ê-xê 3:7) Nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng trong việc làm sai trái của Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va hỏi: “Người ta có thể ăn trộm Đức Chúa Trời sao? Mà các ngươi ăn trộm ta”. (Mal 3:8) Khi miêu tả cuộc thử thách về đức tin ở Ba-by-lôn, Đa-ni-ên tường thuật một cách sống động rằng: “Vua Nê-bu-cát-nết-sa cả giận”, vì Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô không quỳ lạy hình tượng mà ông ta dựng nên, vì thế ông ra lệnh trói họ lại và quăng vào “lò lửa hực”. Giúp chúng ta hiểu rõ được độ nóng dữ dội, Đa-ni-ên tường thuật rằng nhà vua hạ lệnh “đốt lò lửa nóng gấp bảy lần hơn lúc bình-thường đã đốt”—nóng đến độ những thuộc hạ của nhà vua bị chết cháy khi đến gần lò. (Đa 3:19-22) Vài ngày trước khi chết, Chúa Giê-su nói với những người ở thành Giê-ru-sa-lem bằng giọng vô cùng cảm xúc: “Bao nhiêu lần ta muốn nhóm-họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng! Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!”—Mat 23:37, 38. (Chúng tôi viết nghiêng trong đoạn này).
Những từ ngữ khéo lựa chọn có thể truyền đạt ấn tượng sâu sắc trong trí người nghe. Nếu bạn dùng những từ ngữ sống động, người nghe sẽ “thấy” và “sờ” những vật mà bạn diễn tả, “nếm” và “ngửi” những thức ăn mà bạn nhắc đến, và “nghe” những âm thanh mà bạn miêu tả và những người mà bạn trích dẫn. Cử tọa sẽ bị cuốn hút vào những điều bạn nói vì bạn làm cho những điều ấy trở nên sống động đối với họ.
Những từ ngữ truyền đạt ý tưởng một cách sống động có thể làm cho người nghe cười hoặc khóc. Chúng có thể truyền hy vọng, đem lại cho người ngã lòng sự ham sống và khơi dậy trong lòng họ tình yêu thương đối với Đấng Tạo Hóa. Niềm hy vọng nằm trong lời của những câu Kinh Thánh như Thi-thiên 37:10, 11, 34; Giăng 3:16; và Khải-huyền 21:4, 5 đã ảnh hưởng sâu xa đến người ta khắp nơi trên thế giới.
Khi đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm của “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, bạn sẽ thấy rất nhiều từ ngữ và nhóm từ khác nhau. (Mat 24:45) Đừng chỉ đọc rồi quên đi. Hãy chọn những từ làm bạn thích, và thâu thập chúng vào vốn từ ngữ bạn dùng hàng ngày.
Nói đúng ngữ pháp. Một số người nhận thức rằng ngôn từ của họ có thể không luôn luôn phù hợp với các quy tắc ngữ pháp. Nhưng làm thế nào họ có thể cải tiến trong vấn đề này?
Nếu bạn vẫn còn đang đi học, hãy tận dụng cơ hội hiện có để học đúng ngữ pháp và lựa chọn từ ngữ kỹ lưỡng. Nếu không hiểu một quy tắc ngữ pháp nào đó, hãy hỏi thầy cô. Đừng chỉ học qua loa. Bạn có động cơ thúc đẩy mà các học sinh khác có thể không có, đó là bạn muốn làm người truyền giáo hữu hiệu.
Còn nếu bạn đã lớn và từ nhỏ đã nói một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ bạn đang dùng bây giờ thì sao? Hoặc có lẽ bạn không có nhiều cơ hội đi học trong ngôn ngữ của mình. Bạn đừng nản chí. Thay vì thế, hãy vì tin mừng mà thành thật cố gắng học hỏi. Chúng ta học biết nhiều về ngữ pháp nhờ lắng nghe người khác nói. Vì vậy hãy cẩn thận lắng nghe bài giảng của những diễn giả giàu kinh nghiệm. Khi đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, hãy lưu ý đến cấu trúc của câu, những từ được dùng chung với nhau, và dùng trong văn cảnh nào. Tập nói theo những kiểu mẫu này.
Những ca sĩ và những nghệ sĩ nổi tiếng có thể dùng những từ ngữ và những lối nói trái ngược với các quy tắc ngữ pháp. Người ta có khuynh hướng bắt chước những người như thế. Những người buôn bán ma túy và những người có lối sống phạm pháp hoặc vô luân thường có từ vựng riêng, dùng những từ ngữ rất khác với ý nghĩa thông thường. Tín đồ Đấng Christ không nên bắt chước bất cứ người nào trong giới này, vì làm thế chúng ta sẽ chẳng khác nào những phần tử thế gian này và có cùng lối sống với họ.—Giăng 17:16.
Hàng ngày hãy tập thói quen nói năng đàng hoàng. Nếu quen ăn nói cẩu thả, đừng mong rằng bạn có thể nói hay trong những dịp đặc biệt. Nhưng nếu dùng lời lẽ đàng hoàng trong những tình huống bình thường trong cuộc sống, ngôn từ của bạn sẽ phát ra dễ dàng và tự nhiên khi ở trên bục giảng hoặc khi làm chứng cho người khác về lẽ thật.