BÀI HỌC 36
Khai triển chủ đề
NHỮNG diễn giả giàu kinh nghiệm đều biết giá trị của việc có một chủ đề. Khi họ chuẩn bị bài giảng, chủ đề giúp họ tập trung vào phần tài liệu cụ thể và đào sâu tài liệu hơn. Kết quả là thay vì nói phớt qua nhiều điểm, họ khai triển tài liệu sao cho cử tọa được lợi ích hơn. Khi mỗi điểm chính liên kết trực tiếp với chủ đề và giúp khai triển chủ đề, thì cử tọa cũng được giúp để nhớ những điểm đó và biết được tầm quan trọng của chúng.
Mặc dù có thể nói rằng chủ đề là đề tài bài nói chuyện của bạn, nhưng bạn sẽ thấy rằng phẩm chất bài giảng của mình sẽ cải tiến nếu xem chủ đề là quan điểm đặc biệt mà bạn dựa vào để khai triển đề tài. Nước Trời, Kinh Thánh và sự sống lại là những đề tài bao quát. Có thể khai triển nhiều chủ đề khác nhau dựa trên những đề tài này. Đây là một số thí dụ: “Nước Trời, một chính phủ có thật”, “Nước Trời sẽ biến trái đất thành Địa Đàng”, “Kinh Thánh là do Đức Chúa Trời soi dẫn”, “Kinh Thánh là sự hướng dẫn thực tiễn cho thời chúng ta”, “Sự sống lại mang đến hy vọng cho người đau buồn”, và “Hy vọng về sự sống lại giúp chúng ta tiếp tục đứng vững khi bị bắt bớ”. Tất cả những chủ đề này đòi hỏi phải khai triển hoàn toàn khác nhau.
Phù hợp với chủ đề nổi bật của Kinh Thánh, thánh chức rao giảng của Chúa Giê-su Christ trên đất đã nhấn mạnh chủ đề: “Nước thiên-đàng đã đến gần”. (Mat 4:17) Chủ đề đó được khai triển như thế nào? Nước Trời được nói đến hơn 110 lần trong bốn cuốn Phúc Âm. Nhưng Chúa Giê-su không chỉ lặp đi lặp lại nhiều lần từ “Nước Trời”. Qua những điều ngài dạy lẫn phép lạ ngài làm, Chúa Giê-su cho thấy rõ ngài, người đang hiện diện, chính là Con của Đức Chúa Trời, Đấng Mê-si, đấng mà Đức Giê-hô-va sẽ giao Nước Trời cho. Chúa Giê-su cũng cho thấy rằng qua ngài, những người khác sẽ có được cơ hội dự phần trong Nước Trời đó. Ngài cho biết những đức tính mà những người sẽ được đặc ân đó phải biểu lộ. Qua sự dạy dỗ và những việc làm quyền phép của ngài, Chúa Giê-su cho thấy rõ Nước Trời có ý nghĩa gì trong đời sống người ta và nêu rõ rằng việc ngài trừ quỉ bằng thánh linh Đức Chúa Trời là bằng chứng “nước Đức Chúa Trời đã đến nơi” những thính giả của ngài. (Lu 11:20) Làm chứng về Nước Trời chính là việc mà Chúa Giê-su đã giao phó cho các môn đồ.—Mat 10:7; 24:14.
Dùng một chủ đề thích hợp. Công việc của bạn không phải là khai triển một chủ đề đến mức độ như Kinh Thánh, nhưng có một chủ đề thích hợp cũng quan trọng.
Nếu phải tự chọn chủ đề, trước tiên hãy xem xét mục tiêu bài giảng của bạn. Rồi khi chọn những điểm chính cho dàn bài, hãy chắc chắn là những điểm này thật sự hỗ trợ cho chủ đề bạn đã chọn.
Nếu chủ đề đã định sẵn, hãy phân tích kỹ xem chủ đề cho biết gì về cách tài liệu phải được khai triển. Có thể cần phải cố gắng để hiểu rõ giá trị và tiềm năng của một chủ đề như thế. Nếu bạn sẽ chọn tài liệu để khai triển chủ đề đã được định sẵn, hãy chọn lựa kỹ để lúc nào cũng tập trung vào chủ đề. Mặt khác, nếu tài liệu đã được định sẵn, bạn vẫn phải phân tích cách dùng tài liệu đó để phù hợp với chủ đề. Bạn cũng cần xem xét tại sao tài liệu quan trọng cho cử tọa và mục tiêu của bài giảng phải là gì. Việc này sẽ giúp bạn xác định điều nào cần nhấn mạnh khi trình bày.
Cách nhấn mạnh chủ đề. Để nhấn mạnh chủ đề một cách thích đáng, bạn phải đặt nền tảng khi chọn lựa và sắp xếp tài liệu. Nếu bạn chỉ dùng tài liệu nào chứng minh được chủ đề, và làm theo các nguyên tắc trong việc soạn một dàn bài hữu hiệu, thì chủ đề hầu như tự động được nhấn mạnh.
Sự lặp lại có thể giúp củng cố chủ đề. Thí dụ, trong suốt một bản tình ca, nhạc sĩ trình bày chủ đề, đó là tình yêu đối với người mình ngưỡng mộ. Anh có thể lặp lại chủ đề này theo những cách khác nhau. Anh có thể dùng những từ tương đương với từ “yêu”. Ngoài ra, anh cũng có thể dùng từ đồng nghĩa, phép ẩn dụ, văn thơ hoặc những minh họa khác. Song bài ca vẫn xoay quanh một chủ đề. Trong một bài giảng, chủ đề cũng nên giống như vậy. Như ý niệm tình yêu được nhắc đi nhắc lại trong suốt bản nhạc, bạn có thể lặp lại những từ then chốt của chủ đề trong suốt bài giảng. Để có sự thay đổi, bạn có thể dùng từ đồng nghĩa với những từ then chốt đó hoặc nói lại chủ đề bằng những từ khác. Dùng những cách đó sẽ làm cho chủ đề là ý tưởng chính mà cử tọa sẽ nhớ.
Các nguyên tắc này không chỉ áp dụng cho bài giảng trên bục mà còn cho những cuộc thảo luận trong thánh chức rao giảng. Một cuộc nói chuyện tương đối ngắn sẽ dễ nhớ hơn nếu chủ đề được làm nổi bật lên. Người học sẽ dễ nhớ lại những lời chỉ dẫn trong cuộc học hỏi Kinh Thánh hơn nếu chủ đề đã được nhấn mạnh. Nỗ lực của bạn trong việc chọn và khai triển chủ đề thích hợp sẽ giúp bạn rất nhiều để là một diễn giả và một người dạy Lời Đức Chúa Trời hữu hiệu hơn.