BÀI HỌC 40
Phát biểu chính xác
TẠI SAO một tín đồ Đấng Christ có thể nói một lời không đúng sự thật? Có thể anh chỉ lặp lại điều anh đã nghe đồn mà không dành thì giờ kiểm tra sự kiện. Hoặc anh có thể nói quá một vấn đề vì hiểu sai nguồn tài liệu mà không biết. Khi chúng ta cẩn thận chú ý đến tính chính xác ngay cả trong vấn đề nhỏ, thính giả sẽ thấy rằng họ có thể tin vào tính xác thực của những khía cạnh quan trọng hơn của thông điệp chúng ta trình bày.
Trong thánh chức rao giảng. Nhiều người cảm thấy e ngại việc bắt đầu đi rao giảng vì nhận thức rằng vẫn còn nhiều điều cần phải học hỏi. Tuy nhiên, họ nhanh chóng thấy rằng họ có thể làm chứng hữu hiệu, dù chỉ có một sự hiểu biết căn bản về lẽ thật. Bằng cách nào? Bí quyết là sự chuẩn bị.
Trước khi đi rao giảng, hãy tìm hiểu rõ đề tài bạn muốn thảo luận. Hãy cố đoán trước những câu hỏi mà những người nghe có thể đặt ra. Hãy tìm những câu trả lời thỏa đáng dựa trên Kinh Thánh. Điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị để bình tĩnh đưa ra câu trả lời chính xác. Bạn sẽ điều khiển một cuộc học hỏi Kinh Thánh chăng? Hãy ôn lại bài học kỹ càng. Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu Kinh Thánh là cơ sở để giải đáp các câu hỏi in sẵn.
Nếu chủ nhà hay bạn đồng nghiệp nêu ra một câu hỏi mà bạn chưa chuẩn bị để trả lời thì nên làm gì? Nếu bạn không biết chắc sự kiện, hãy tránh võ đoán. “Lòng người công-bình suy-nghĩ lời phải đáp”. (Châm 15:28) Bạn có thể tìm thấy sự giúp đỡ cần thiết trong sách Reasoning From the Scriptures (Dùng Kinh Thánh để lý luận) hoặc sách nhỏ Đề tài Kinh-thánh để thảo luận nếu có trong ngôn ngữ của bạn. Nếu không có sẵn những sách này, bạn hãy đề nghị là sẽ nghiên cứu thêm rồi trở lại. Nếu người đặt câu hỏi thật lòng muốn biết, họ sẽ sẵn sàng chờ đợi câu trả lời chính xác. Trên thực tế, tính khiêm nhường của bạn có thể còn tạo được ấn tượng tốt nơi họ.
Đi rao giảng với những người công bố kinh nghiệm có thể giúp bạn phát triển kỹ năng giảng dạy Lời Đức Chúa Trời một cách đúng đắn. Hãy quan sát những câu Kinh Thánh nào họ dùng và lý luận ra sao dựa trên những câu này. Hãy khiêm nhường chấp nhận bất cứ lời đề nghị hay khuyên bảo nào của họ. A-bô-lô, một môn đồ sốt sắng đã được lợi ích từ sự giúp đỡ của người khác. Lu-ca miêu tả A-bô-lô là “có tài hùng biện”, “thông thạo Kinh Thánh”, và “tâm hồn nồng nhiệt”, một người “lên tiếng giảng dạy chính xác những điều liên quan đến Đức Giê-su”. Nhưng sự hiểu biết của ông còn thiếu sót. Khi Bê-rít-sin và A-qui-la nhận thấy điều này, họ “mời ông về nhà trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn”.—Công 18:24-28, Tòa Tổng Giám Mục.
“Gắn bó với lời đáng tin cậy”. Những bài giảng chúng ta trình bày tại các buổi họp phải phản ánh lòng kính trọng đối với vai trò của hội thánh là “trụ và nền của lẽ thật”. (1 Ti 3:15) Để ủng hộ lẽ thật, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu ý nghĩa các câu Kinh Thánh mà chúng ta định dùng trong các bài giảng. Hãy lưu ý đến văn mạch và mục đích của các câu Kinh Thánh đó.
Những gì bạn nói tại một buổi họp hội thánh có thể được cử tọa lặp lại. Tất nhiên, “chúng ta thảy đều vấp-phạm nhiều cách lắm”. (Gia 3:2) Nhưng bạn sẽ được lợi ích khi tập những thói quen giúp bạn nói năng chính xác. Với thời gian, nhiều anh đã tham dự Trường Thánh Chức Thần Quyền sẽ trở thành trưởng lão. Những người được giao cho trách nhiệm như thế bị đòi hỏi “nhiều hơn”. (Lu 12:48) Nếu một trưởng lão vì cẩu thả cho lời khuyên sai, dẫn đến vấn đề nghiêm trọng cho các thành viên hội thánh, anh có thể làm Đức Chúa Trời buồn lòng. (Mat 12:36, 37) Vì vậy, một anh hội đủ điều kiện làm trưởng lão phải có tiếng là “gắn bó với lời đáng tin cậy” khi dạy dỗ.—Tít 1:9, TTGM.
Hãy lập luận cách thận trọng, phù hợp với “mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích” là điều thể hiện rõ trong toàn bộ lẽ thật Kinh Thánh. (2 Ti 1:13) Bạn không nên lo sợ về điều này. Có lẽ bạn chưa đọc hết cuốn Kinh Thánh. Hãy tiếp tục cố gắng làm điều đó. Nhưng trong thời gian ấy, hãy lưu ý xem những đề nghị sau đây có thể giúp bạn như thế nào trong việc phân tích tài liệu định sử dụng để dạy dỗ.
Trước tiên, hãy tự hỏi: ‘Tài liệu này có phù hợp với những gì tôi đã học biết từ Kinh Thánh không? Nó có thu hút thính giả đến với Đức Giê-hô-va không, hay nó đề cao sự khôn ngoan của thế gian, khuyến khích người ta theo đường lối đó?’ Chúa Giê-su nói: “Lời Cha tức là lẽ thật”. (Giăng 17:17; Phục 13:1-5; 1 Cô 1:19-21) Kế tiếp, hãy tận dụng những công cụ giúp học hỏi do lớp người đầy tớ trung tín và khôn ngoan cung cấp. Những công cụ này không chỉ giúp bạn hiểu chính xác những câu Kinh Thánh mà còn biết cách áp dụng một cách thăng bằng và hợp lý nữa. Nếu bài giảng của bạn dựa trên “mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích” và nhờ vào công cụ của Đức Giê-hô-va khi giải thích và áp dụng câu Kinh Thánh, lời phát biểu của bạn sẽ chính xác.
Kiểm tra tính chính xác của thông tin. Các tin thời sự, lời trích dẫn và kinh nghiệm có thể giúp ích bạn khi minh họa và áp dụng một số điểm. Làm thế nào bạn có thể chắc rằng những tài liệu đó là chính xác? Một cách là lấy tin tức như thế từ những nguồn đáng tin cậy. Hãy nhớ kiểm tra để chắc chắn đó là những thông tin cập nhật. Có những thống kê đã cũ; những khám phá về khoa học nhanh chóng bị lỗi thời; và khi con người càng hiểu rõ lịch sử và những cổ ngữ thì những kết luận dựa trên sự hiểu biết trước đây cần phải được sửa lại. Phải hết sức thận trọng nếu bạn nghĩ đến việc dùng thông tin từ báo chí, truyền hình, radio, thư điện tử, hoặc Internet. Châm-ngôn 14:15 khuyên: “Kẻ ngu-dốt tin hết mọi lời; nhưng người khôn-khéo xem-xét các bước mình”. Hãy tự hỏi: ‘Nguồn thông tin đó có tiếng là chính xác không? Thông tin đó có thể được xác minh bằng cách khác không?’ Nếu bạn nghi ngờ tính xác thực của một thông tin nào thì đừng sử dụng.
Ngoài việc kiểm tra tính đáng tin cậy của nguồn thông tin, hãy xem xét cẩn thận cách bạn định dùng thông tin đó. Hãy chắc chắn là những trích dẫn và thống kê sử dụng phù hợp với văn cảnh của phần tài liệu mà bạn trích. Khi cố gắng nhấn mạnh điểm trình bày, hãy cẩn thận đừng để cho “vài người” trở thành “phần đông người ta”, “nhiều người” trở thành “mọi người”, và “trong một số trường hợp” trở thành “luôn luôn”. Nói quá vấn đề hoặc phóng đại những báo cáo bao gồm con số, mức độ, hoặc tính chất nghiêm trọng sẽ khiến người ta nghi ngờ tính chất đáng tin cậy của bạn.
Khi luôn nói chính xác, bạn sẽ được tiếng là người tôn trọng sự thật. Điều này mang lại tiếng tốt cho Nhân Chứng Giê-hô-va nói chung. Quan trọng hơn nữa, nó tôn vinh “Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời chân-thật”.—Thi 31:5.