BÀI HỌC 46
Chọn minh họa từ những gì quen thuộc
DĨ NHIÊN, dù dùng bất cứ minh họa nào, điều quan trọng là phải phù hợp với tài liệu bạn đang thảo luận. Nhưng nếu muốn có hiệu quả nhất, điều không kém quan trọng là minh họa phải thích hợp với cử tọa.
Khi nói trước một nhóm người, yếu tố cử tọa thuộc thành phần nào có thể ảnh hưởng thế nào đến sự lựa chọn minh họa? Chúa Giê-su Christ đã làm gì? Dù nói trước đám đông hay với các môn đồ, Chúa Giê-su không chọn thí dụ lấy từ lối sống đặc trưng của những xứ bên ngoài nước Y-sơ-ra-ên. Những thí dụ như thế hẳn là xa lạ đối với thính giả của ngài. Ví dụ, Chúa Giê-su không nói đến lối sống trong cung điện nước Ê-díp-tô hay những thực hành tôn giáo ở Ấn Độ. Tuy nhiên, ngài đã lấy minh họa từ những sinh hoạt thông thường đối với dân ở mọi xứ. Ngài nói về việc khâu vá quần áo, làm ăn buôn bán, đánh mất một vật quý, và dự tiệc cưới. Ngài hiểu người ta phản ứng thế nào trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, và ngài dùng sự hiểu biết đó. (Mác 2:21; Lu 14:7-11; 15:8, 9; 19:15-23) Vì việc rao giảng của ngài đặc biệt hướng vào dân Y-sơ-ra-ên, các minh họa của ngài thường ám chỉ đến những vật và sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của họ. Do đó, ngài nói đến những việc như cày cấy, cách chiên đáp lại người chăn, và việc dùng da thú để đựng rượu. (Mác 2:22; 4:2-9; Giăng 10:1-5) Ngài cũng đưa ra những thí dụ lịch sử quen thuộc—sự sáng tạo cặp vợ chồng đầu tiên, trận Nước Lụt thời Nô-ê, sự hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, cái chết của vợ Lót; đó chỉ là vài thí dụ. (Mat 10:15; 19:4-6; 24:37-39; Lu 17:32) Tương tự như vậy, khi chọn minh họa, bạn có xem xét kỹ các sinh hoạt thông thường đối với cử tọa và quá trình văn hóa của họ không?
Nếu chỉ nói với một người hoặc có lẽ vài người chứ không phải một nhóm người đông đảo, bạn sẽ làm gì? Hãy cố chọn một minh họa đặc biệt thích hợp cho nhóm cử tọa ít người đó. Khi làm chứng cho người đàn bà Sa-ma-ri tại giếng nước gần Si-kha, Chúa Giê-su nói đến “nước sống”, “chẳng hề khát nữa”, và “một mạch nước... văng ra cho đến sự sống đời đời”—tất cả những điều này là hình thái tu từ liên hệ trực tiếp đến công việc của người đàn bà đó. (Giăng 4:7-15) Và khi ngài nói với những người đang giặt lưới, hình thái tu từ mà ngài chọn liên quan đến công việc đánh cá. (Lu 5:2-11) Trong cả hai trường hợp, có lẽ ngài chỉ cần nói đến việc cày cấy, vì họ sống trong vùng nông nghiệp, nhưng thật hữu hiệu hơn biết bao khi ngài nói đến sinh hoạt riêng của họ bằng cách gợi lên một hình ảnh trong trí! Bạn có cố gắng làm điều đó không?
Mặc dù Chúa Giê-su hướng sự chú ý đến “các con chiên lạc-mất của nhà Y-sơ-ra-ên”, sứ đồ Phao-lô được phái đi đến không những dân Y-sơ-ra-ên mà còn cả các nước Dân Ngoại. (Mat 15:24; Công 9:15) Điều này có ảnh hưởng đến cách Phao-lô nói không? Có. Khi viết cho các tín đồ Đấng Christ ở Cô-rinh-tô, ông nói đến cuộc chạy đua, tập tục ăn uống trong các đền thờ hình tượng, và cuộc diễu hành chiến thắng—những điều mà người ngoại quen thuộc.—1 Cô 8:1-10; 9:24, 25; 2 Cô 2:14-16, Tòa Tổng Giám Mục.
Bạn có cẩn thận như Chúa Giê-su và Phao-lô khi lựa chọn minh họa và thí dụ để sử dụng trong việc giảng dạy không? Bạn có để ý đến gốc gác và sinh hoạt thường ngày của người nghe không? Dĩ nhiên, từ thế kỷ thứ nhất đến nay đã có nhiều thay đổi trên thế giới. Nhiều người có thể biết tin tức thế giới qua ti-vi. Họ thường biết rõ tình hình ở những nước xa lạ. Nếu đó là trường hợp trong khu vực của bạn, chắc chắn không có gì sai khi dựa vào những mẩu tin đó để rút ra minh họa. Tuy nhiên, những điều tác động sâu xa đến người ta nhất thường là những điều liên quan đến đời sống riêng của họ—nhà cửa, gia đình, việc làm, thức ăn, thời tiết nơi họ ở.
Nếu minh họa đòi hỏi phải giải thích dài dòng thì có lẽ bạn đang nói về một điều không quen thuộc đối với người nghe. Minh họa như thế dễ làm lu mờ điểm dạy dỗ. Kết quả là cử tọa có thể nhớ minh họa của bạn nhưng lại không nhớ lẽ thật của Kinh Thánh mà bạn cố truyền đạt.
Thay vì sử dụng những so sánh phức tạp, Chúa Giê-su đã dùng những sự việc đơn giản, xảy ra hàng ngày. Ngài dùng những việc nhỏ để giải thích những việc lớn, những điều dễ để làm sáng tỏ những điều khó. Qua việc liên kết sự kiện thường ngày với lẽ thật thiêng liêng, Chúa Giê-su đã giúp người ta lĩnh hội dễ dàng hơn và nhớ những lẽ thật thiêng liêng mà ngài dạy. Thật là một gương mẫu tốt đáng noi theo!