BÀI HỌC 51
Đúng giờ, cân đối
MẶC DÙ nên đặt trọng tâm vào phẩm chất dạy dỗ của bạn, nhưng thời hạn bài giảng cũng đáng được lưu ý đến. Buổi họp của chúng ta được sắp đặt để bắt đầu và kết thúc vào giờ giấc rõ rệt. Muốn thực hiện điều này, cần có sự hợp tác của mọi người có phần trong chương trình.
Vào thời Kinh Thánh, quan điểm của người ta về đời sống khác với nhiều nơi ngày nay. Thì giờ được nói đến bằng những từ phỏng độ như “ước-chừng giờ thứ ba” hoặc “độ chừng giờ thứ mười”. (Mat 20:3-6; Giăng 1:39) Hiếm khi người ta lo lắng về giờ giấc chính xác trong các hoạt động hàng ngày. Tại một số nơi trên đất ngày nay, người ta cũng có quan điểm tương tự như thế về thì giờ.
Tuy nhiên dù phong tục địa phương hoặc sở thích cá nhân có thể khiến người ta có phần nào không quan tâm nhiều về thì giờ, nhưng chúng ta có thể được lợi ích bằng cách tập lưu ý thích đáng đến giờ giấc. Khi nhiều người được chỉ định phụ trách những phần trong chương trình, cần phải lưu ý đến thời hạn dành cho mỗi phần. Nguyên tắc “mọi sự đều nên làm cho phải phép và theo thứ-tự” có thể chính đáng áp dụng cho thời hạn của các phần giao cho chúng ta trong buổi họp.—1 Cô 14:40.
Giữ đúng thời hạn. Chuẩn bị là yếu tố quyết định. Thường thường, những diễn giả không chuẩn bị đầy đủ sẽ gặp vấn đề về thời hạn. Có thể họ quá tự tin. Hoặc có thể trì hoãn tới phút chót mới chuẩn bị. Việc giữ đúng thời hạn bắt đầu với sự ý thức nhiệm vụ được giao phó và sẵn sàng chuẩn bị kỹ.
Có phải bạn được giao phần đọc chăng? Trước hết, hãy ôn lại Bài Học 4 đến 7, những bài này đề cập đến việc nói lưu loát, tạm ngừng, nhấn mạnh ý nghĩa và nhấn mạnh các ý chính. Rồi hãy áp dụng lời khuyên đó khi đọc lớn tiếng tài liệu đã được chỉ định. Hãy tự canh giờ lấy. Bạn có cần đọc nhanh hơn để xong đúng thời hạn không? Hãy tăng nhịp độ khi đọc những phần kém quan trọng, nhưng tiếp tục dùng sự tạm ngừng và nhịp độ chậm hơn để nhấn mạnh những ý tưởng quan trọng. Hãy tập nhiều lần. Khi được lưu loát hơn, bạn sẽ dễ điều chỉnh thời gian.
Bạn sẽ nói theo giấy ghi chép không? Không cần thiết ghi chép nhiều chi tiết—hầu như một bài viết sẵn—để bảo đảm đúng thời hạn. Khi thực tập Bài Học 25, bạn học được một phương cách tốt hơn. Hãy nhớ năm điểm này: (1) Chuẩn bị tài liệu hữu ích, nhưng không quá nhiều. (2) Có những ý tưởng chính rõ rệt trong trí, nhưng đừng học thuộc lòng cả câu. (3) Hãy đánh dấu trên dàn bài thời gian bạn định dùng cho mỗi phần trong bài giảng, hoặc bao nhiêu thì giờ trôi qua khi bạn đến những điểm nào đó. (4) Khi chuẩn bị, hãy xem xét những chi tiết nào có thể loại ra khi thấy mình đi quá giờ. (5) Hãy tập dượt bài giảng.
Việc tập dượt rất quan trọng. Khi tập dượt, hãy canh thời hạn mỗi phần của bài giảng. Hãy tập đi tập lại cho đến khi toàn thể bài giảng vừa đúng thời hạn ấn định. Đừng nhét quá nhiều tài liệu vào bài giảng. Hãy nói ngắn hơn thời gian ấn định chút ít, bởi vì khi nói trước cử tọa bài giảng có thể dài hơn một chút so với khi tập dượt một mình.
Chia phần cho cân đối. Đúng thời hạn có liên hệ nhiều đến việc chia các phần cho cân đối trong một bài giảng. Nên dành phần nhiều thì giờ cho thân bài là phần có những điểm dạy dỗ chính. Phần nhập đề chỉ vừa đủ dài để đạt ba mục tiêu được thảo luận trong Bài Học 38. Thân bài không nên quá dài để rồi không đủ thì giờ cho phần kết luận hữu hiệu, phù hợp với Bài Học 39.
Sự cố gắng của bạn để giữ đúng thời hạn đưa đến kết quả là sẽ có một bài giảng hay hơn và cho thấy bạn tôn trọng những người có phần trong chương trình cũng như toàn thể hội thánh.