Tháng 1
Thứ Bảy, ngày 1 tháng 1
Từ thuở thơ ấu, con đã biết Kinh Thánh, là lời có thể khiến con khôn ngoan để được cứu rỗi qua đức tin nơi Đấng Ki-tô Giê-su.—2 Ti 3:15.
Đức tin của Ti-mô-thê dựa trên những sự thật kéo ông đến gần hơn với Đức Giê-hô-va. Anh chị cũng cần lý luận dựa trên những gì anh chị học được về Đức Giê-hô-va qua việc đọc Kinh Thánh. Ban đầu, anh chị cần chứng minh cho chính mình ít nhất ba sự thật cơ bản. Thứ nhất, anh chị cần tin chắc Giê-hô-va Đức Chúa Trời là đấng tạo nên muôn vật (Xuất 3:14, 15; Hê 3:4; Khải 4:11). Thứ hai, anh chị cần chứng minh cho chính mình rằng Kinh Thánh là thông điệp của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại (2 Ti 3:16, 17). Và thứ ba, anh chị cần tin chắc Đức Giê-hô-va có một tổ chức gồm những người thờ phượng ngài dưới sự lãnh đạo của Đấng Ki-tô, và tổ chức này chính là Nhân Chứng Giê-hô-va (Ê-sai 43:10-12; Giăng 14:6; Công 15:14). Điều này không đòi hỏi anh chị phải biết mọi điều về Kinh Thánh. Mục tiêu của anh chị nên là dùng “lý trí” để củng cố niềm tin là anh chị đã tìm được chân lý.—Rô 12:1. w20.07 trg 10 đ. 8, 9
Chủ Nhật, ngày 2 tháng 1
Chúng không được giết những người ấy nhưng được phép hành hạ họ trong 5 tháng.—Khải 9:5.
Lời tiên tri này miêu tả một đàn châu chấu có mặt người và “trên đầu chúng có cái gì giống như vương miện bằng vàng” (Khải 9:7). Chúng hành hạ “người nào [kẻ thù của Đức Chúa Trời] không có dấu của Đức Chúa Trời trên trán” trong 5 tháng, là vòng đời trung bình của con châu chấu (Khải 9:4). Lời này miêu tả về các tôi tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va. Họ can đảm công bố sự phán xét của ngài đối với thế gian gian ác này, và điều đó khiến những kẻ ủng hộ thế gian rất khó chịu. Có phải chúng ta muốn nói rằng châu chấu được miêu tả nơi Giô-ên 2:7-9 không phải là châu chấu được nói trong sách Khải huyền? Đúng vậy. Trong Kinh Thánh, đôi khi một hình ảnh tượng trưng mang ý nghĩa khác nhau khi được dùng trong những văn cảnh khác nhau. Chẳng hạn, nơi Khải huyền 5:5, Chúa Giê-su được gọi là “Sư Tử của chi phái Giu-đa”, nhưng nơi 1 Phi-e-rơ 5:8, Ác Quỷ cũng được miêu tả như “sư tử gầm rống”. w20.04 trg 3 đ. 8; trg 5 đ. 10
Thứ Hai, ngày 3 tháng 1
Mắt Đức Giê-hô-va ở khắp nơi, quan sát cả người xấu lẫn người tốt.—Châm 15:3.
Ha-ga, người tớ gái của Sa-rai, đã hành động ngu dại sau khi trở thành vợ của Áp-ram. Ha-ga có thai và sau đó bắt đầu khinh bỉ Sa-rai lúc đó chưa có con. Mối quan hệ giữa hai người phụ nữ này trở nên tệ đến mức Ha-ga bỏ trốn (Sáng 16:4-6). Theo quan điểm bất toàn của chúng ta, dường như Ha-ga chẳng hơn gì một người phụ nữ thù hằn và cô đáng bị trừng phạt. Nhưng Đức Giê-hô-va không cảm thấy như thế về Ha-ga. Ngài phái thiên sứ đến gặp cô. Khi thấy Ha-ga, thiên sứ đã giúp cô thay đổi thái độ và chúc phước cho cô. Ha-ga cảm nhận được Đức Giê-hô-va đang quan sát mình và hiểu rõ hoàn cảnh của mình. Cô được thúc đẩy để gọi ngài “là Đức Chúa Trời thấy mọi sự... đấng thấy tôi” (Sáng 16:7-13). Đức Giê-hô-va thấy điều gì nơi Ha-ga? Ngài biết rõ xuất thân của cô và mọi điều mà cô phải trải qua. Dù không dung túng việc Ha-ga bất kính với Sa-rai, nhưng chắc chắn Đức Giê-hô-va để ý đến xuất thân và hoàn cảnh của Ha-ga. w20.04 trg 16 đ. 8, 9
Thứ Ba, ngày 4 tháng 1
Ta... đã chạy đến đích cuộc đua.—2 Ti 4:7.
Sứ đồ Phao-lô nói rằng mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính đều phải chạy đua (Hê 12:1). Tất cả chúng ta dù trẻ hay già, mạnh hay yếu, đều phải bền bỉ chạy cho đến cùng nếu muốn nhận được giải thưởng từ Đức Giê-hô-va (Mat 24:13). Phao-lô nói năng dạn dĩ vì ông “đã chạy đến đích cuộc đua” (2 Ti 4:7, 8). Nhưng cuộc đua mà Phao-lô nói đến là cuộc đua nào? Đôi khi ông dùng đặc điểm của các cuộc thi đấu ở Hy Lạp cổ đại để dạy những bài học quan trọng (1 Cô 9:25-27; 2 Ti 2:5). Trong một số dịp, ông dùng hình ảnh chạy đua để minh họa cho lối sống của một tín đồ (1 Cô 9:24; Ga 2:2; Phi-líp 2:16). Một người bắt đầu tham gia cuộc đua này khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va và chịu phép báp-têm (1 Phi 3:21). Người ấy về đích khi được Đức Giê-hô-va ban phần thưởng là sự sống vĩnh cửu.—Mat 25:31-34, 46; 2 Ti 4:8. w20.04 trg 26 đ. 1-3
Thứ Tư, ngày 5 tháng 1
Hãy mang trọn bộ khí giới mà Đức Chúa Trời ban.—Ê-phê 6:13.
“Chúa là đấng trung tín, ngài sẽ làm anh em vững mạnh và bảo vệ anh em khỏi Kẻ Ác” (2 Tê 3:3). Đức Giê-hô-va bảo vệ chúng ta như thế nào? Ngài ban bộ khí giới để bảo vệ chúng ta khỏi những đòn tấn công của Sa-tan (Ê-phê 6:13-17). Bộ khí giới này rất chắc chắn và hữu hiệu! Nhưng nó chỉ bảo vệ chúng ta khi chúng ta mang tất cả các phần của bộ khí giới và luôn mặc lấy. Chẳng hạn, “dây thắt lưng là chân lý” tượng trưng cho những sự thật trong Lời Đức Chúa Trời. Tại sao chúng ta cần đeo dây thắt lưng này? Vì Sa-tan là “cha sự nói dối” (Giăng 8:44). Hắn đã có hàng ngàn năm để luyện nói dối và lừa gạt được “toàn thể dân cư trên đất” (Khải 12:9). Nhưng nhờ những sự thật trong Kinh Thánh, chúng ta được bảo vệ khỏi sự lừa dối. Chúng ta đeo dây thắt lưng tượng trưng này bằng cách nào? Đó là bằng cách học sự thật về Đức Giê-hô-va, thờ phượng ngài “theo thần khí và chân lý” và sống lương thiện trong mọi việc.—Giăng 4:24; Ê-phê 4:25; Hê 13:18. w21.03 trg 26, 27 đ. 3-5
Thứ Năm, ngày 6 tháng 1
Vua cũng sẽ vào Xứ Vinh Hiển.—Đa 11:41.
Điều khiến cho xứ ấy đặc biệt đẹp là vì nơi đó có những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Từ Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, “xứ” ấy không nằm tại một địa điểm cụ thể vì dân Đức Giê-hô-va ở khắp nơi trên đất. Thời nay, “Xứ Vinh Hiển” là lĩnh vực hoạt động của dân Đức Giê-hô-va, trong đó có việc thờ phượng ngài qua các buổi nhóm họp và thánh chức rao giảng. Trong những ngày sau cùng, vua phương bắc nhiều lần vào “Xứ Vinh Hiển”. Chẳng hạn, vào thời Đức Quốc Xã là vua phương bắc, đặc biệt trong thế chiến thứ hai, vua đã vào “Xứ Vinh Hiển” khi bắt bớ và giết hại dân Đức Chúa Trời. Sau Thế Chiến II, vào thời Liên bang Xô Viết là vua phương bắc, vua đã vào “Xứ Vinh Hiển” khi ngược đãi dân Đức Chúa Trời và bắt họ đi lưu đày. w20.05 trg 13 đ. 7, 8
Thứ Sáu, ngày 7 tháng 1
Tình bạn thiết với Đức Giê-hô-va dành cho ai kính sợ ngài; ngài tỏ cho họ biết giao ước mình.—Thi 25:14.
Hãy xem một số trường hợp của những người sống trước thời Đấng Ki-tô mà đã trở thành bạn của Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham là người thể hiện đức tin nổi bật. Hơn 1.000 năm sau khi ông qua đời, Đức Giê-hô-va gọi ông là “bạn ta” (Ê-sai 41:8). Thế nên, ngay cả cái chết cũng không chia lìa Đức Giê-hô-va khỏi những bạn thiết. Áp-ra-ham vẫn sống trong ký ức của ngài (Lu 20:37, 38). Một trường hợp khác là Gióp. Trước sự hiện diện của các thiên sứ, Đức Giê-hô-va đã khen Gióp. Ngài gọi ông là “người ngay thẳng và trọn thành, kính sợ Đức Chúa Trời và tránh xa điều ác” (Gióp 1:6-8). Còn Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về Đa-ni-ên, người đã giữ lòng trung thành khi sống ở xứ ngoại giáo trong khoảng 80 năm? Các thiên sứ đã ba lần khẳng định với người cao niên này rằng ông là “người rất đáng quý” trước mắt ngài (Đa 9:23; 10:11, 19). Chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va mong mỏi ngày mà ngài sẽ làm cho những người bạn yêu dấu sống lại.—Gióp 14:15. w20.05 trg 26, 27 đ. 3, 4
Thứ Bảy, ngày 8 tháng 1
Xin chỉ dạy con các điều lệ ngài.—Thi 119:68.
Một học viên có thể học về luật pháp của Đức Chúa Trời, thậm chí quý trọng luật pháp đó. Nhưng người ấy có vâng lời Đức Chúa Trời vì yêu thương ngài không? Hãy nhớ là Ê-va biết rõ luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng bà không thật lòng yêu thương Đấng Lập Luật, và A-đam cũng vậy (Sáng 3:1-6). Thế nên, chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ dạy người khác về các tiêu chuẩn và đòi hỏi công chính của Đức Chúa Trời. Các đòi hỏi và tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va thật hữu ích và đáng chuộng (Thi 119:97, 111, 112). Nhưng có thể học viên Kinh Thánh không nhận thấy điều đó cho đến khi họ thấy được tình yêu thương của Đức Giê-hô-va nằm đằng sau những đòi hỏi và tiêu chuẩn ấy. Thế nên, chúng ta có thể hỏi học viên: “Tại sao Đức Chúa Trời đòi hỏi tôi tớ ngài làm điều này hoặc không làm điều kia? Điều đó cho chúng ta biết gì về ngài?”. Nếu giúp học viên nghĩ về Đức Giê-hô-va và củng cố tình yêu thương chân thành với danh vinh hiển của ngài, chúng ta có thể dễ động đến lòng họ hơn. Học viên sẽ không chỉ quý trọng luật pháp của Đức Giê-hô-va mà còn yêu mến chính Đấng Lập Luật. Đức tin của học viên sẽ lớn mạnh và nhờ thế, họ vượt qua được những thử thách cam go như lửa.—1 Cô 3:12-15. w20.06 trg 10 đ. 10, 11
Chủ Nhật, ngày 9 tháng 1
Phải mau nghe, chậm nói.—Gia 1:19.
Chúng ta nên kiên nhẫn vì cần có thời gian để một người phục hồi về thiêng liêng. Nhiều anh chị từng ngưng hoạt động cho biết các trưởng lão và anh chị khác đến thăm họ nhiều lần trước khi họ trở về với Đức Giê-hô-va. Một chị tên là Nancy đến từ Đông Nam Á kể lại: “Một người bạn thân trong hội thánh giúp tôi rất nhiều. Chị ấy xem tôi như người trong nhà. Chị giúp tôi nhớ lại quãng thời gian tốt đẹp mà hai chị em có. Chị kiên nhẫn lắng nghe khi tôi nói ra cảm xúc và chị không ngại cho tôi lời khuyên. Chị cho thấy mình là người bạn đích thực, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ lúc nào”. Giống như thuốc mỡ hữu hiệu để bôi vết thương, lòng đồng cảm có thể xoa dịu cảm giác bị tổn thương. Một số người ngưng hoạt động phải vật lộn với cảm xúc cay đắng về một ai đó trong hội thánh suốt nhiều năm. Cảm xúc này có thể cản trở họ quay về với Đức Giê-hô-va. Có thể một số anh chị nghĩ mình bị đối xử bất công. Họ cần ai đó lắng nghe cũng như thấu hiểu cảm xúc của mình. w20.06 trg 26 đ. 10, 11
Thứ Hai, ngày 10 tháng 1
Anh em đã thắng Kẻ Ác.—1 Giăng 2:14.
Mỗi lần kháng cự cám dỗ, anh chị sẽ dễ làm điều đúng hơn. Cũng hãy nhớ rằng quan điểm sai trái của thế gian về tình dục bắt nguồn từ Sa-tan. Thế nên, khi cương quyết không thỏa hiệp thì anh chị chiến thắng Kẻ Ác. Chúng ta biết Đức Giê-hô-va có quyền đặt ra tiêu chuẩn về điều đúng, điều sai, và chúng ta cố gắng hết sức làm theo tiêu chuẩn ấy để không phạm tội. Nhưng khi phạm tội, chúng ta thú nhận tội lỗi với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện (1 Giăng 1:9). Và nếu phạm tội trọng, chúng ta tìm đến sự giúp đỡ của các trưởng lão, là những anh mà Đức Giê-hô-va bổ nhiệm để chăm sóc chiên ngài (Gia 5:14-16). Tuy nhiên, chúng ta không nên để cho cảm giác tội lỗi khiến mình trở nên kiệt quệ. Tại sao? Vì Cha yêu thương đã ban Con ngài làm giá chuộc để chúng ta có cơ hội được tha tội. Khi Đức Giê-hô-va nói rằng ngài tha thứ cho người phạm tội biết ăn năn, thì ngài làm đúng như vậy. Thế nên, chẳng điều gì cản trở chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va với một lương tâm trong sạch.—1 Giăng 2:1, 2, 12; 3:19, 20. w20.07 trg 22, 23 đ. 9, 10
Thứ Ba, ngày 11 tháng 1
Nguồn sự sống ở nơi ngài.—Thi 36:9.
Có một thời gian chỉ mình Đức Giê-hô-va hiện hữu, nhưng ngài không cảm thấy cô đơn. Đức Giê-hô-va không cần có ai ở bên để làm ngài hạnh phúc. Dù vậy, ngài muốn cho các tạo vật hiện hữu và vui hưởng sự sống. Tình yêu thương thúc đẩy ngài bắt đầu công việc sáng tạo (1 Giăng 4:19). Đầu tiên, Đức Giê-hô-va tạo ra một thần linh cùng làm việc với ngài. Rồi qua Con ấy, “mọi tạo vật khác được dựng nên”, trong đó có hàng triệu tạo vật thần linh (Cô 1:16). Chúa Giê-su vui mừng khi được cùng làm việc với Cha (Châm 8:30). Các thiên sứ cũng có lý do để vui mừng. Họ tận mắt thấy Đức Giê-hô-va và Thợ Cả, là Chúa Giê-su, dựng nên trời và đất. Các thiên sứ phản ứng thế nào? Họ “cất tiếng tung hô” khi trái đất được dựng nên, và chắc chắn họ tiếp tục tung hô sau khi Đức Giê-hô-va hoàn tất mỗi công trình sáng tạo, kể cả kiệt tác cuối cùng là con người (Gióp 38:7; Châm 8:31). Mỗi công trình sáng tạo đều cho thấy tình yêu thương và sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va.—Thi 104:24; Rô 1:20. w20.08 trg 14 đ. 1, 2
Thứ Tư, ngày 12 tháng 1
Anh em sẽ bị mọi dân thù ghét vì danh tôi.—Mat 24:9.
Đức Giê-hô-va tạo ra chúng ta để yêu thương và được yêu thương. Vì thế, khi bị ai đó ghét, chúng ta cảm thấy tổn thương, thậm chí sợ hãi. Một anh viết: “Khi bị binh lính đánh đập, sỉ nhục và đe dọa vì là một Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi rất sợ và cảm thấy bị hạ nhục”. Sự thù ghét như thế làm chúng ta tổn thương nhưng không khiến mình ngạc nhiên. Chúa Giê-su báo trước rằng chúng ta sẽ bị thù ghét. Tại sao thế gian ghét môn đồ của Chúa Giê-su? Vì giống như Chúa Giê-su, chúng ta “không thuộc về thế gian” (Giăng 15:17-19). Thế nên, dù tôn trọng chính phủ loài người, chúng ta từ chối tôn thờ họ hoặc những biểu tượng đại diện cho họ. Chúng ta dành cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc và ủng hộ quyền cai trị của ngài trên nhân loại, là quyền mà Sa-tan và “dòng dõi” của hắn ra sức thách thức (Sáng 3:1-5, 15). Chúng ta rao giảng Nước Trời là hy vọng duy nhất cho nhân loại, và không lâu nữa Nước ấy sẽ hủy diệt những kẻ chống đối (Đa 2:44; Khải 19:19-21). Thông điệp đó là tin mừng cho người khiêm hòa nhưng là tin dữ cho kẻ ác. w21.03 trg 20 đ. 1, 2
Thứ Năm, ngày 13 tháng 1
Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời.—1 Giăng 5:19.
Đức Giê-hô-va ban cho các nữ tín đồ vị thế đáng trọng trong hội thánh. Họ nêu gương về đức tin, sự khôn ngoan, sốt sắng, can đảm, rộng rãi và làm việc lành (Lu 8:2, 3; Công 16:14, 15; Rô 16:3, 6; Phi-líp 4:3; Hê 11:11, 31, 35). Chúng ta vui khi được phụng sự vai kề vai với nhiều anh chị lớn tuổi. Hẳn các anh chị lớn tuổi phải chống chọi với vấn đề sức khỏe liên quan đến tuổi già. Tuy nhiên, họ làm hết sức trong thánh chức và dồn hết năng lực để khích lệ cũng như huấn luyện người khác. Chúng ta được lợi ích từ kinh nghiệm của họ. Họ rất quý giá với Đức Giê-hô-va và chúng ta (Châm 16:31). Cũng hãy nghĩ đến những người trẻ. Họ đối mặt với nhiều thử thách khi lớn lên trong thế gian dưới sự ảnh hưởng của Sa-tan Ác Quỷ và các triết lý gian ác của hắn. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều được khích lệ khi thấy các em trẻ bình luận tại buổi nhóm họp, tham gia thánh chức và can đảm bênh vực niềm tin. Thật vậy, người trẻ có vị thế đáng trọng trong hội thánh.—Thi 8:2. w20.08 trg 21, 22 đ. 9-11
Thứ Sáu, ngày 14 tháng 1
Tôi phái anh em đi như cừu ở giữa muông sói.—Mat 10:16.
Khi bắt đầu rao giảng và cho người khác biết mình là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta có thể gặp phải “những cơn bão” như gia đình chống đối, bạn bè chế giễu và một số người thờ ơ với tin mừng. Anh chị có thể vun trồng lòng can đảm bằng cách nào? Trước tiên, hãy tin chắc rằng từ trời Chúa Giê-su vẫn đang hướng dẫn công việc rao giảng (Giăng 16:33; Khải 14:14-16). Tiếp theo, hãy củng cố đức tin nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va là ngài sẽ chăm sóc anh chị (Mat 6:32-34). Càng có đức tin mạnh, anh chị sẽ càng can đảm. Anh chị đã thể hiện đức tin mạnh mẽ khi cho bạn bè và người thân biết mình tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va và tham dự nhóm họp! Hẳn anh chị đã thay đổi nhiều điều trong hạnh kiểm và lối sống để làm theo tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va. Điều đó cũng đòi hỏi đức tin và lòng can đảm. Khi tiếp tục vun trồng lòng can đảm, hãy tin chắc rằng ‘Giê-hô-va Đức Chúa Trời ở cùng anh chị tại bất cứ nơi nào anh chị đến’.—Giô-suê 1:7-9. w20.09 trg 4, 5 đ. 11, 12
Thứ Bảy, ngày 15 tháng 1
Đức Giê-hô-va cho ông được bình yên.—2 Sử 14:6.
Vua A-sa nêu gương xuất sắc cho chúng ta. Ông hành động khôn ngoan qua việc hoàn toàn nương cậy Đức Giê-hô-va. Ông phụng sự ngài không chỉ trong lúc khó khăn mà còn trong giai đoạn bình an. Từ nhỏ, “lòng A-sa trọn vẹn với Đức Giê-hô-va” (1 Vua 15:14). Một cách A-sa chứng tỏ lòng trọn vẹn là xóa bỏ sự thờ phượng sai lầm khỏi Giu-đa. Kinh Thánh cho biết: “Ông dẹp bỏ các bàn thờ ngoại bang và những nơi cao, đập nát các trụ thờ và đốn ngã các cột thờ” (2 Sử 14:3, 5). Thậm chí, ông còn cách chức thái hậu của bà nội là Ma-a-ca. Tại sao? Vì bà đẩy mạnh việc thờ tượng thần (1 Vua 15:11-13). A-sa làm nhiều hơn là chỉ xóa bỏ sự thờ phượng sai lầm. Ông đẩy mạnh sự thờ phượng thật, giúp dân Giu-đa trở về với Đức Giê-hô-va. Ngài đã ban thưởng cho A-sa và dân Y-sơ-ra-ên bằng cách cho họ hưởng giai đoạn bình an. Vào triều đại A-sa, “xứ không có loạn lạc” trong mười năm.—2 Sử 14:1, 4, 6. w20.09 trg 14 đ. 2, 3
Chủ Nhật, ngày 16 tháng 1
Hỡi Ti-mô-thê, hãy gìn giữ những gì đã được giao phó cho con.—1 Ti 6:20.
Chúng ta thường giao cho người khác giữ những điều quý giá của mình. Chẳng hạn, chúng ta có thể gửi tiền vào ngân hàng, và tin là tài khoản của mình sẽ an toàn, không bị mất hoặc đánh cắp. Sứ đồ Phao-lô nhắc Ti-mô-thê nhớ rằng ông đã được giao phó điều quý giá: Đó là sự hiểu biết chính xác về ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại. Ti-mô-thê cũng được giao phó đặc ân “rao giảng lời Đức Chúa Trời” và “làm công việc của người rao truyền tin mừng” (2 Ti 4:2, 5). Phao-lô khuyến giục Ti-mô-thê gìn giữ những gì đã được giao phó. Như Ti-mô-thê, chúng ta cũng được giao phó những điều quý giá. Đức Giê-hô-va giao phó cho chúng ta sự hiểu biết chính xác về những sự thật quý giá trong Lời ngài là Kinh Thánh. Những sự thật ấy quý giá vì giúp chúng ta có mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và cho biết điều gì mang lại hạnh phúc thật. Khi chấp nhận và sống theo những sự thật đó, chúng ta được giải thoát khỏi vòng nô lệ của sự dạy dỗ sai lầm và thực hành vô luân.—1 Cô 6:9-11. w20.09 trg 26 đ. 1-3
Thứ Hai, ngày 17 tháng 1
Anh em cũng biết chúng tôi đã trở nên loại người nào giữa anh em hầu mang lại lợi ích cho anh em.—1 Tê 1:5.
Học viên cần thấy được lòng nhiệt tình và niềm tin chắc của anh chị về những sự thật trong Kinh Thánh. Rất có thể điều đó sẽ giúp học viên thích thú hơn với những điều mình đang học. Nếu thích hợp, hãy kể cho học viên nghe việc sống theo nguyên tắc Kinh Thánh đã giúp cá nhân anh chị như thế nào. Rồi họ sẽ nhận ra rằng sự hướng dẫn trong Kinh Thánh rất thiết thực và cũng có thể mang lại lợi ích cho chính họ. Trong khi học hỏi, hãy kể cho học viên kinh nghiệm có thật của những người từng đương đầu với thử thách giống họ và đã vượt qua được. Anh chị có thể đi cùng một người trong hội thánh có những trải nghiệm có lẽ giúp ích cho học viên. Hãy giúp học viên thấy việc áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh vào đời sống là điều khôn ngoan. Nếu học viên đã lập gia đình, người hôn phối của họ có đang học Kinh Thánh không? Nếu không, hãy mời người ấy cùng tham dự cuộc học hỏi. Khuyến khích học viên chia sẻ những gì họ học với gia đình và bạn bè.—Giăng 1:40-45. w20.10 trg 16 đ. 7-9
Thứ Ba, ngày 18 tháng 1
Anh em phải khắc ghi những điều đó vào lòng con cái mình.—Phục 6:7.
Giô-sép và Ma-ri đã giúp Chúa Giê-su trở thành người được Đức Chúa Trời chấp nhận nhờ vâng theo chỉ dẫn mà ngài dành cho các bậc cha mẹ (Phục 6:6, 7). Giô-sép và Ma-ri yêu thương Đức Giê-hô-va một cách sâu đậm, và điều ưu tiên trong đời sống họ là giúp con cái cũng vun trồng tình yêu thương như thế. Giô-sép và Ma-ri đã đưa ra quyết định quan trọng là giúp gia đình gìn giữ nề nếp thiêng liêng. Hẳn họ đã tham dự các buổi nhóm họp hằng tuần tại nhà hội ở Na-xa-rét, cũng như tới Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt Qua hằng năm (Lu 2:41; 4:16). Có lẽ họ đã tận dụng những chuyến đi Giê-ru-sa-lem để dạy Chúa Giê-su và các em ngài về lịch sử của dân Đức Giê-hô-va; trên đường đi có thể họ đã ghé thăm các địa điểm được nhắc đến trong Kinh Thánh. Khi gia đình càng đông hơn, hẳn không dễ để Giô-sép và Ma-ri duy trì nề nếp thiêng liêng. Nhưng họ đã nhận được rất nhiều ân phước nhờ làm thế. Khi đặt việc thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu, gia đình họ được chăm sóc tốt về thiêng liêng. w20.10 trg 28 đ. 8, 9
Thứ Tư, ngày 19 tháng 1
Ê-xơ-ra đã chuẩn bị lòng để tra cứu Luật pháp Đức Giê-hô-va… và dạy các điều lệ cùng phán quyết trong đó.—Ê-xơ-ra 7:10.
Nếu anh chị được mời tham dự cuộc học hỏi Kinh Thánh, điều hữu ích là chuẩn bị trước tài liệu sẽ được thảo luận. Anh Dorin, một tiên phong đặc biệt, nói: “Tôi biết ơn khi người đi cùng chuẩn bị trước cho buổi học. Nhờ thế người ấy có thể tham gia một cách ý nghĩa”. Ngoài ra, rất có thể học viên sẽ để ý thấy cả người dạy lẫn người đi cùng đã chuẩn bị kỹ, và điều này sẽ nêu gương tốt cho học viên. Ngay cả khi anh chị không thể chuẩn bị kỹ tài liệu thì ít nhất hãy dành chút thời gian để nắm được những điểm chính của bài học. Cầu nguyện đóng một vai trò quan trọng trong buổi học hỏi Kinh Thánh, vì thế hãy suy nghĩ trước điều anh chị sẽ nói nếu được mời dâng lời cầu nguyện. Hẳn điều này sẽ làm cho lời cầu nguyện có ý nghĩa hơn (Thi 141:2). Chị Hanae sống ở Nhật Bản nhớ những lời cầu nguyện của một chị đã đi cùng người dạy Kinh Thánh cho mình. Chị Hanae nói: “Tôi cảm nhận được mối quan hệ mật thiết mà chị ấy có với Đức Giê-hô-va, và tôi muốn được giống như thế. Tôi cũng cảm thấy mình được yêu thương khi chị ấy nhắc đến tên tôi trong lời cầu nguyện”. w21.03 trg 9, 10 đ. 7, 8
Thứ Năm, ngày 20 tháng 1
Hãy can đảm lên! Anh cũng phải làm chứng ở Rô-ma.—Công 23:11.
Chúa Giê-su đảm bảo với sứ đồ Phao-lô rằng ông sẽ đến Rô-ma. Tuy nhiên, một số người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem đã bày mưu để phục kích giết Phao-lô. Khi viên chỉ huy quân đội La Mã là Cơ-lo-đi-ô Ly-si-a biết được âm mưu này, ông đã giúp Phao-lô. Ông lập tức sai một nhóm lính bảo vệ Phao-lô và giải ông đến Sê-sa-rê. Tại đó, quan tổng đốc Phê-lích lệnh cho “canh giữ ông trong dinh Hê-rốt”. Nhờ vậy Phao-lô thoát khỏi bàn tay của những kẻ muốn giết ông (Công 23:12-35). Nhưng Phê-tô đã làm quan tổng đốc kế nhiệm Phê-lích. Phê-tô “muốn làm hài lòng người Do Thái”, nên ông hỏi Phao-lô: “Ngươi có muốn lên Giê-ru-sa-lem để được xét xử trước mặt ta về vụ này không?”. Phao-lô biết mình có thể sẽ bị giết ở Giê-ru-sa-lem. Ông nói: “Tôi kháng án lên Sê-sa!”. Phê-tô tuyên bố: “Ngươi đã kháng án lên Sê-sa thì sẽ đến Sê-sa”. Không lâu sau, Phao-lô được giải đến Rô-ma, cách xa những người Do Thái muốn giết ông.—Công 25:6-12. w20.11 trg 13 đ. 4; trg 14 đ. 8-10
Thứ Sáu, ngày 21 tháng 1
Lòng mình [có thể] lên án mình.—1 Giăng 3:20.
Tất cả chúng ta đều có lúc mặc cảm tội lỗi. Chẳng hạn, một số người mặc cảm vì tội lỗi họ đã phạm trước khi học chân lý. Số khác mặc cảm vì lỗi lầm họ phạm sau khi báp-têm (Rô 3:23). Dĩ nhiên, chúng ta muốn làm điều đúng nhưng “hết thảy chúng ta đều vấp ngã nhiều lần” (Gia 3:2; Rô 7:21-23). Đúng là không ai thích cảm giác mặc cảm tội lỗi nhưng cảm giác ấy cũng có thể mang lại lợi ích. Tại sao? Vì cảm giác ấy có thể thúc đẩy chúng ta chỉnh sửa đường lối mình và quyết tâm không tái phạm (Hê 12:12, 13). Mặt khác, chúng ta có thể cảm thấy mặc cảm tội lỗi quá mức, tức cứ bị dằn vặt dù mình đã ăn năn và Đức Giê-hô-va cho thấy ngài đã tha thứ. Mặc cảm tội lỗi quá mức có thể gây hại (Thi 31:10; 38:3, 4). Điều thiết yếu là chúng ta phải đề phòng bẫy mặc cảm tội lỗi quá mức. Nếu chúng ta đánh mất hy vọng nơi chính mình trong khi Đức Giê-hô-va vẫn hy vọng nơi chúng ta thì Sa-tan sẽ vô cùng hả hê!—So sánh 2 Cô-rinh-tô 2:5-7, 11. w20.11 trg 27 đ. 12, 13
Thứ Bảy, ngày 22 tháng 1
Ích gì khi tôi giữ lòng trong sạch, khi tôi rửa tay xưng mình vô tội!—Thi 73:13.
Người Lê-vi viết bài Thi thiên này bắt đầu sinh lòng ghen tị với những người gian ác và ngạo mạn, không phải vì ông muốn làm điều xấu nhưng vì ông thấy họ dường như có đời sống thịnh vượng (Thi 73:2-9, 11-14). Có vẻ như họ có tất cả: sự giàu có, đời sống sung túc và không phải lo lắng. Người Lê-vi cần nhìn vấn đề theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Khi làm thế, ông có sự bình an và vui mừng trở lại. Ông nói: “Dưới đất, con chẳng mong ai ngoài [Đức Giê-hô-va]” (Thi 73:25). Tương tự, đừng bao giờ ghen tị với những người ác dường như có đời sống thịnh vượng. Hạnh phúc của họ chỉ là vẻ bề ngoài và tạm thời (Truyền 8:12, 13). Nếu ghen tị với họ, chúng ta sẽ buồn nản, thậm chí có thể đánh mất mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Vậy nếu thấy mình ghen tị với những người ác có vẻ thành công, hãy làm điều mà người Lê-vi đã làm. Hãy vâng theo lời khuyên yêu thương của Đức Chúa Trời và kết hợp với những người làm theo ý muốn ngài. Khi xem Đức Giê-hô-va là niềm vui lớn nhất của mình, anh chị sẽ tìm được hạnh phúc thật và tiếp tục ở trên con đường dẫn đến “sự sống thật”.—1 Ti 6:19. w20.12 trg 19, 20 đ. 14-16
Chủ Nhật, ngày 23 tháng 1
Vấn đề là chúng ta không biết mình cần cầu nguyện về điều gì, nhưng thần khí cầu thay cho chúng ta với sự than thở không thành lời.—Rô 8:26.
Khi trút lo lắng cho Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, đừng quên cảm tạ ngài. Điều tốt là nghĩ đến những ân phước chúng ta có, ngay cả khi gặp nhiều vấn đề. Khi anh chị không biết phải bày tỏ cảm xúc của mình như thế nào, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời dù anh chị chỉ có thể nói: “Xin Cha giúp con!” (2 Sử 18:31). Nương cậy sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va, thay vì của chính mình. Vào thế kỷ thứ tám TCN, dân Giu-đa lo sợ về việc bị A-si-ri tấn công. Vì không muốn nằm dưới ách đô hộ của A-si-ri nên họ xin sự tiếp viện của Ai Cập ngoại giáo (Ê-sai 30:1, 2). Đức Giê-hô-va cảnh báo rằng quyết định sai trái của họ sẽ dẫn đến tai họa (Ê-sai 30:7, 12, 13). Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va cho dân chúng biết cách để tìm được sự an ổn thật. Ngài nói: “Thế mạnh các ngươi là sự bình tĩnh và lòng tin cậy” nơi Đức Giê-hô-va.—Ê-sai 30:15b. w21.01 trg 3, 4 đ. 8, 9
Thứ Hai, ngày 24 tháng 1
Tôi nghe số người được đóng dấu là 144.000 người.—Khải 7:4.
Phần thưởng cho lòng trung thành của anh em được xức dầu của Đấng Ki-tô là trở thành vua kiêm thầy tế lễ ở trên trời (Khải 20:6). Tất cả những ai hợp thành phần trên trời của gia đình Đức Giê-hô-va sẽ vui mừng khi thấy 144.000 tín đồ được xức dầu nhận phần thưởng trên trời. Sau khi nhắc đến 144.000 vua kiêm thầy tế lễ, sứ đồ Giăng thấy một cảnh tượng hào hứng, đó là “một đám đông lớn” sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn. Khác với nhóm thứ nhất, nhóm thứ hai này đông hơn và không có con số nhất định (Khải 7:9, 10). Họ “mặc áo trắng dài”, điều này cho thấy họ “giữ mình khỏi mọi vết nhơ” của thế gian Sa-tan cũng như trung thành với Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô (Gia 1:27). Họ hô lớn rằng họ được cứu rỗi nhờ những gì Đức Giê-hô-va và Chiên Con của ngài là Chúa Giê-su đã làm. Ngoài ra, họ cũng cầm nhánh chà là, cho thấy họ vui mừng chấp nhận Chúa Giê-su là Vua được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm.—So sánh Giăng 12:12, 13. w21.01 trg 15, 16 đ. 6, 7
Thứ Ba, ngày 25 tháng 1
Nhờ ngài khiêm nhường, con nên cao trọng.—2 Sa 22:36.
Để biết cách thi hành tốt vai trò làm đầu gia đình, người nam cần bắt chước cách Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su thi hành quyền làm đầu. Chẳng hạn, hãy xem xét đức tính khiêm nhường. Đức Giê-hô-va là đấng khôn ngoan nhất trong vũ trụ. Dù vậy, ngài lắng nghe ý kiến của các tôi tớ ngài (Sáng 18:23, 24, 32). Đức Giê-hô-va là đấng hoàn hảo, nhưng ngài không đòi hỏi chúng ta phải hoàn hảo. Thay vì thế, ngài giúp các tôi tớ bất toàn của ngài thành công (Thi 113:6, 7). Thực tế, Kinh Thánh miêu tả Đức Giê-hô-va là “đấng giúp đỡ” (Thi 27:9; Hê 13:6). Vua Đa-vít nhận biết rằng nhờ Đức Giê-hô-va khiêm nhường, ông mới có thể thực hiện công việc lớn lao mà ông được giao. Hãy xem gương của Chúa Giê-su. Dù là Chúa của các môn đồ nhưng Chúa Giê-su rửa chân cho họ. Chính Chúa Giê-su nói: “Tôi đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như tôi đã làm cho anh em” (Giăng 13:12-17). Dù có nhiều quyền hành, Chúa Giê-su không đòi hỏi người khác phục vụ mình. Thay vì thế, ngài phục vụ người khác.—Mat 20:28. w21.02 trg 3, 4 đ. 8-10
Thứ Tư, ngày 26 tháng 1
Sự vinh hiển của người trẻ, đó là sức mạnh.—Châm 20:29.
Các anh trẻ thân mến, các anh có thể giúp ích rất nhiều cho hội thánh. Nhiều người trong các anh có sức mạnh và tràn đầy năng lực. Các anh rất quý đối với hội thánh. Có lẽ các anh mong chờ đến lúc mình được bổ nhiệm làm phụ tá. Tuy nhiên, các anh có thể cảm thấy rằng người khác xem mình còn quá trẻ hoặc thiếu kinh nghiệm nên chưa thể được giao nhiệm vụ quan trọng. Dù còn trẻ nhưng các anh có thể làm nhiều điều ngay bây giờ để gây dựng lòng tin cậy của anh chị trong hội thánh. Hỡi các anh trẻ, các anh có kỹ năng nào có thể giúp ích cho người khác không? Hẳn nhiều người trong các anh có. Chẳng hạn, có lẽ anh nhận thấy một số anh chị lớn tuổi biết ơn khi người khác giúp họ biết cách dùng máy tính bảng hoặc thiết bị điện tử khác để học hỏi cá nhân và tham dự nhóm họp. Sự hiểu biết của các anh về các thiết bị ấy có thể mang lại lợi ích rất nhiều cho anh chị lớn tuổi. Trong mọi việc, hãy làm cho Cha trên trời hãnh diện về các anh. w21.03 trg 2 đ. 1, 3; trg 7 đ. 18
Thứ Năm, ngày 27 tháng 1
Mỗi người sẽ gánh lấy phần riêng của mình.—Ga 6:5.
Người chồng vẫn có trách nhiệm dẫn đầu trong buổi thờ phượng của gia đình và những hoạt động thần quyền khác, ngay cả khi vợ có học thức cao hơn anh (Ê-phê 6:4). Vợ phải vâng phục chồng nhưng chị vẫn phải chịu trách nhiệm về sức khỏe thiêng liêng của mình. Thế nên, chị cần dành thời gian để học hỏi cá nhân và suy ngẫm. Điều này sẽ giúp chị giữ được tình yêu thương, lòng kính trọng dành cho Đức Giê-hô-va và có niềm vui khi vâng phục chồng. Những người vợ vâng phục chồng vì yêu thương Đức Giê-hô-va sẽ tìm được nhiều niềm vui và sự thỏa lòng hơn là những người bác bỏ sắp đặt của ngài về quyền làm đầu. Họ nêu gương tốt cho người trẻ, cả nam lẫn nữ. Họ cũng góp phần tạo bầu không khí nồng ấm không chỉ trong gia đình mà còn trong hội thánh (Tít 2:3-5). Ngày nay, đa số tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va là người nữ.—Thi 68:11. w21.02 trg 13 đ. 21-23
Thứ Sáu, ngày 28 tháng 1
Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì ngài sẽ đến gần anh em.—Gia 4:8.
Sứ đồ Phao-lô nêu gương xuất sắc về lòng can đảm và sự chịu đựng. Đôi khi ông cũng cảm thấy yếu đuối. Nhưng ông chịu đựng được là nhờ nương cậy nơi Đức Giê-hô-va để có sức mạnh cần thiết (2 Cô 12:8-10; Phi-líp 4:13). Chúng ta cũng có thể có sức mạnh và lòng can đảm như thế nếu khiêm nhường nhận biết mình cần sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va (Gia 4:10). Chúng ta có thể tin chắc rằng những thử thách mà mình gặp không phải là hình phạt đến từ Đức Giê-hô-va. Môn đồ Gia-cơ cho biết: “Khi gặp thử thách, chớ có ai nói: ‘Đức Chúa Trời thử thách tôi’. Vì Đức Chúa Trời không thể bị thử thách bởi điều ác nào, và chính ngài cũng không dùng điều ác để thử thách ai” (Gia 1:13). Khi tin chắc điều đó, chúng ta đến gần hơn với Cha yêu thương trên trời. Đức Giê-hô-va “không thay đổi hoặc xê dịch” (Gia 1:17). Ngài đã hỗ trợ các tín đồ thời ban đầu khi họ đối mặt với thử thách thì ngài cũng sẽ giúp mỗi chúng ta ngày nay. Hãy tha thiết cầu xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị có sự khôn ngoan, đức tin và lòng can đảm. Ngài sẽ đáp lời cầu nguyện của anh chị. w21.02 trg 31 đ. 19-21
Thứ Bảy, ngày 29 tháng 1
Sắt mài giũa sắt, bạn rèn giũa bạn.—Châm 27:17.
Anh chị có thể khích lệ học viên đang tham dự nhóm họp bằng cách thể hiện lòng quan tâm đến họ (Phi-líp 2:4). Thay vì hỏi về những chuyện quá riêng tư, anh chị có thể khen về bất cứ sự thay đổi tích cực nào người ấy đã thực hiện và hỏi thăm họ về việc học hỏi Kinh Thánh, gia đình hay công việc. Những cuộc nói chuyện như thế có thể giúp anh chị thân mật với họ hơn. Khi làm bạn với học viên, anh chị giúp họ tiến bộ đến bước báp-têm. Khi học viên tiếp tục tiến bộ và thực hiện những thay đổi, hãy giúp họ cảm thấy mình là một phần của hội thánh. Anh chị có thể làm điều này bằng cách thể hiện lòng hiếu khách (Hê 13:2). Khi học viên hội đủ điều kiện làm công bố, anh chị cũng có thể mời họ cùng tham gia thánh chức. Anh Diego, một công bố đến từ Brazil, nói: “Nhiều anh đã mời tôi đi thánh chức. Đây là cách tốt nhất để hiểu rõ hơn về họ. Nhờ thế, tôi học được nhiều điều, đồng thời cảm thấy gần gũi hơn với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su”. w21.03 trg 12 đ. 15, 16
Chủ Nhật, ngày 30 tháng 1
Đừng lấy ác trả ác cho ai.—Rô 12:17.
Chúa Giê-su bảo các môn đồ hãy yêu kẻ thù (Mat 5:44, 45). Điều này có dễ không? Chắc chắn là không! Nhưng chúng ta có thể làm được với sự trợ giúp của thần khí thánh Đức Chúa Trời. Bông trái của thần khí bao gồm tình yêu thương cũng như kiên nhẫn, nhân từ, mềm mại và tự chủ (Ga 5:22, 23). Những phẩm chất này giúp chúng ta chịu đựng sự thù ghét. Nhiều người chống đối đã thay đổi vì người chồng, người vợ, con cái hoặc hàng xóm thể hiện những phẩm chất tin kính ấy. Thậm chí, nhiều người trong số đó còn trở thành anh chị em yêu dấu của chúng ta. Vì vậy, nếu thấy khó yêu thương những người ghét anh chị chỉ vì anh chị phụng sự Đức Giê-hô-va, hãy cầu xin ngài ban thần khí thánh (Lu 11:13). Và hãy tin chắc rằng đường lối của Đức Chúa Trời luôn là tốt nhất (Châm 3:5-7). Sự thù ghét có thể rất mạnh và gây tổn thương, nhưng tình yêu thương thì mạnh hơn nhiều. Tình yêu thương có thể chinh phục được lòng của người khác. Và tình yêu thương mang lại niềm vui cho Đức Giê-hô-va. Nhưng ngay cả khi tiếp tục bị thù ghét, chúng ta vẫn có thể hạnh phúc. w21.03 trg 23 đ. 13; trg 24 đ. 15, 17
Thứ Hai, ngày 31 tháng 1
Một nước hùng mạnh và đông vô kể đã vào xứ của ta.—Giô-ên 1:6.
Nhà tiên tri Giô-ên báo trước về một cuộc tấn công quân sự (Giô-ên 2:1, 8, 11). Đức Giê-hô-va báo trước rằng ngài sẽ dùng “đạo quân lớn” (quân Ba-by-lôn) để trừng phạt những người Y-sơ-ra-ên bất tuân (Giô-ên 2:25). Đạo quân xâm lăng này được gọi là “kẻ đến từ phương bắc”, vì quân Ba-by-lôn xâm lược Y-sơ-ra-ên từ phương bắc (Giô-ên 2:20). Đạo quân này được ví như đàn châu chấu có tổ chức. Giô-ên miêu tả về đạo quân này như sau: “[Quân lính] tiến theo đường mình... Chúng xông vào thành... Chúng trèo lên nhà, vào cửa sổ như kẻ trộm” (Giô-ên 2:8, 9). Anh chị có hình dung được không? Khắp nơi đều có quân lính. Không có chỗ nào để trốn. Chẳng một ai thoát khỏi lưỡi gươm của quân Ba-by-lôn! Giống như châu chấu, quân Ba-by-lôn (hay Canh-đê) xâm chiếm thành Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN. Kinh Thánh cho biết: “Vua của người Canh-đê... không hề động lòng trắc ẩn với thanh niên hay trinh nữ, người già cả hay người đau yếu”.—2 Sử 36:17. w20.04 trg 5 đ. 11, 12