Những người tốt nghiệp Trường Ga-la-át—“Giáo sĩ thứ thiệt”!
“GIÁO SĨ là hạng người như thế nào?” Một nhà xã thuyết của một tờ báo đã nêu lên câu hỏi này cách đây khoảng 40 năm. Ông lý luận rằng nếu muốn làm giáo sĩ thứ thiệt thì một người phải là công cụ để cải cách xã hội và kinh tế. Tuy nhiên, vào Chủ nhật, ngày 5-3-1995, chương trình tại Phòng Hội nghị của Nhân-chứng Giê-hô-va ở Jersey City, đã cho câu trả lời một cách dứt khoát, hoàn toàn khác biệt. Dịp nào vậy? Đó là lễ tốt nghiệp khóa 98 của Trường Kinh-thánh Ga-la-át Watchtower—trường này đã gửi giáo sĩ đi khắp đất!
Sau bài hát khai mạc và cầu nguyện, anh Albert D. Schroeder thuộc Hội đồng Lãnh đạo Trung ương nồng nhiệt chào mừng tất cả 6.430 người tham dự. Trong lời bình luận mở đầu, anh Schroeder giải nghĩa tường tận tại sao những người tốt nghiệp Trường Ga-la-át khác hẳn với những người khác tự xưng là giáo sĩ. Anh nói: “Kinh-thánh là sách giáo khoa chánh của Trường Ga-la-át”. Những người tốt nghiệp Trường Ga-la-át đã được huấn luyện, không phải để trở thành người làm việc từ thiện cho xã hội, mà để dạy dỗ Lời của Đức Chúa Trời. Vì thế, họ là người duy nhất có đủ tư cách để chăm sóc nhu cầu thiêng liêng của những người trong khu vực nước ngoài mà họ sẽ đi đến.
Các diễn giả kế tiếp đề cập đến một số phương diện khác mà những người tốt nghiệp Trường Ga-la-át chứng tỏ là giáo sĩ “thứ thiệt”. Anh Charles Molohan nói với họ về đề tài “Tiếp tục sanh bông trái tốt với tư cách giáo sĩ”. Trích dẫn lời của sứ đồ Phao-lô nơi Cô-lô-se 1:9, 10, anh Molohan nhắc nhở những người tốt nghiệp rằng trong 5 tháng vừa qua, Trường Ga-la-át đã giúp họ gia tăng “trong sự hiểu-biết về Đức Chúa Trời”. Rồi điều này sẽ giúp họ sanh ra bông trái bằng hai cách: biểu lộ bông trái thánh linh Đức Chúa Trời và chia sẻ lẽ thật Kinh-thánh với người khác.
Anh Daniel Sydlik thuộc Hội đồng Lãnh đạo Trung ương tiếp tục chương trình với chủ đề nghiêm trọng “Chớ làm hại đời mình với những sự hòa giải”. Anh nêu lên câu hỏi của Giê-su: “Vậy thì người lấy chi mà đổi linh-hồn mình lại?” (Ma-thi-ơ 16:26). Anh Sydlik nhận xét: “Loài người đã đổi chác sự sống họ để có nếp sống dễ chịu, nhàn hạ hơn”. Tuy nhiên, ai có đức tin sống động không thể hòa giải trước những sự thử thách. Những lời của Giê-su cho thấy một người phải sẵn lòng “đổi”, tức hy sinh, để được lại linh hồn hoặc sự sống của chính mình. Các giáo sĩ tương lai được khuyến khích hiến dâng cho Đức Giê-hô-va cả con người họ, những gì tốt nhất của họ, trong việc phụng sự ngài!
Kế đó, anh William Van de Wall thuộc Ủy ban Công tác nói về đề tài “Sứ đồ Phao-lô—Một gương đáng noi theo”. Anh Van de Wall giải thích: “Phao-lô đã dẫn đầu công việc giáo sĩ vào thế kỷ thứ nhất”. Rồi anh nêu rõ một cách thích hợp bốn khía cạnh mà trong đó sứ đồ Phao-lô nêu gương tốt cho các giáo sĩ ngày nay: 1) sự quan tâm và tình yêu thương chân thật của Phao-lô đối với mọi người, 2) các rao giảng hữu hiệu của ông, 3) sự kiện ông khiêm tốn từ chối đề cao chính mình, 4) sự tin tưởng triệt để nơi Đức Giê-hô-va.
Anh Lyman A. Swingle thuộc Hội đồng Lãnh đạo Trung ương thảo luận về đề tài “Hãy để Đức Giê-hô-va dò xét bạn tại nhiệm sở mới của bạn”. Dùng đoạn Kinh-thánh cho ngày hôm đó—Thi-thiên 139:16—anh Swingle công nhận rằng, là giáo sĩ mới, họ sẽ phải đương đầu với nhiều vấn đề tại nhiệm sở và Đức Giê-hô-va biết giải pháp. Anh khuyên: “Hãy xin Ngài giúp đỡ, hãy nói chuyện với Ngài khi gặp vấn đề khó khăn. Cố gắng nhận định đâu là ý Ngài”.
Rồi, anh John E. Barr thuộc Hội đồng Lãnh đạo Trung ương nói về đề tài “Đức tin anh em rất tấn tới” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:3). Nơi Lu-ca 17:1, Giê-su nói: “Không có thể khỏi xảy đến sự gây nên phạm tội được”. Một số người đã vấp phạm vì nhân cách của giáo sĩ khác. Nhưng anh Barr khuyên các giáo sĩ nên có đức tin cần thiết để tha thứ. Đúng vậy, chính vì vấn đề này mà các môn đồ của Giê-su nài xin: “Xin thêm đức-tin cho chúng tôi” (Lu-ca 17:2-5). Đức tin của các giáo sĩ cũng có thể bị thử thách bởi nhiều sự sửa đổi khác nhau trong tổ chức. Anh Barr hỏi: “Chúng ta có đức tin hầu chấp nhận những sự sửa đổi này hay để cho chúng trở thành chướng ngại vật cao như núi?”
Đến lượt hai giảng viên Trường Ga-la-át phát biểu đôi lời nhắn nhủ. Anh Jack Redford khuyên những người tốt nghiệp duy trì thái độ tích cực. Anh kể lại chuyện một chị giáo sĩ nọ đã rời nhiệm sở giáo sĩ chỉ vì những người cùng làm giáo sĩ với chị chế nhạo chị gì đó. Tuy nhiên, Kinh-thánh cảnh cáo chúng ta chớ nên mếch lòng vô cớ (Truyền-đạo 7:9). Anh khuyên: “Hãy có thái độ đúng. Hãy tha thứ những lỗi lầm và sự bất toàn của người khác xung quanh bạn”.
Sau đó anh U. V. Glass, tổng thư ký trường Ga-la-át, hỏi: “Các bạn có chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với thời cuộc và những chuyện bất trắc chưa”? (Truyền-đạo 9:11, NW). Anh Glass ghi nhận: “Đời sống chúng ta luôn luôn thay đổi, và một số những sự thay đổi có thể gây ấn tượng lâu dài”. Một số giáo sĩ bỗng dưng phải đương đầu với sức khỏe sa sút, bệnh tật và vấn đề gia đình, buộc lòng họ phải rời nhiệm sở. Anh Glass nói: “Bất kể chuyện bất trắc là gì đi nữa, chúng ta biết là Đức Giê-hô-va am hiểu sự việc và Ngài quan tâm đến điều đó. Nếu chúng ta nương tựa nơi Ngài, chúng ta biết chúng ta sẽ chiến thắng!”
Bài diễn văn tựa đề “Biệt riêng ra cho công việc giáo sĩ” chấm dứt loạt các bài giảng cho buổi sáng. Anh Theodore Jaracz thuộc Hội đồng Lãnh đạo Trung ương nói về câu hỏi nêu ra ở đầu bài, tức “Giáo sĩ là hạng người như thế nào?” Để trả lời, anh thảo luận Công-vụ các Sứ-đồ đoạn 13 và 14 về công việc giáo sĩ của Phao-lô và Ba-na-ba. Rõ ràng, công việc của họ không nhằm mục đích giải quyết những vấn đề xã hội, nhưng cốt là để ‘rao-truyền tin lành’ (Công-vụ các Sứ-đồ 13:32). Anh Jaracz hỏi: “Các bạn có đồng ý rằng Phao-lô và Ba-na-ba đã cho thấy một giáo sĩ thứ thiệt nên là hạng người như thế nào không?” Rồi anh Robert Tracy, một giáo sĩ lão luyện ở Mễ-tây-cơ, được mời kể lại vài kinh nghiệm đã làm anh cảm thấy ấm lòng với tư cách người rao truyền tin mừng.
Chương trình buổi sáng đạt đến cao điểm khi anh Schroeder phát bằng cấp cho 48 người tốt nghiệp. Cử tọa rất vui mừng khi nghe các giáo sĩ được bổ nhiệm đi 21 xứ: Barbados, Benin, Bolivia, Costa Rica, Cộng Hòa Trung Phi, Côte d’Ivoire, Đài Loan, Ecuador, Equatorial Guinea, Estonia, Guinea-Bissau, Honduras, Latvia, Leeward Islands, Mauritius, Mozambique, Nicaragua, Paraguay, Peru, Senegal và Venezuela.
Sau khi nghỉ ăn trưa, cử tọa trở lại họp và thích thú nghe anh Robert P. Johnson thuộc Ban Công tác điều khiển buổi học Tháp Canh một cách sống động. Các học viên của khóa 98 trả lời các câu hỏi. Sau đó những nhân viên của Trường Ga-la-át điều khiển một loạt những cuộc phỏng vấn thú vị. Cử tọa được khuyến khích rất nhiều khi những người tốt nghiệp chia sẻ kinh nghiệm đi rao giảng và nói lên cảm nghĩ của họ về nhiệm sở hải ngoại.
Trong sáu năm rưỡi vừa qua, Trường Ga-la-át hoạt động tại các cơ sở của Hội Watchtower ở Wallkill, Nữu Ước. Tuy nhiên, vào tháng 4 năm 1995, trường được dời về Trung tâm Giáo dục mới lập của Hội Watchtower ở Patterson, Nữu Ước. Gia đình Bê-tên ở Wallkill có cảm nghĩ gì về sự thay đổi này? Tại lễ mãn khóa này, một số anh chị ở Wallkill được phỏng vấn. Những lời cảm động của họ cho thấy rõ ràng là các học viên Trường Ga-la-át đã để lại cho họ một ấn tượng lâu dài. Quả thật, những người đàn ông và đàn bà sốt sắng này là giáo sĩ thứ thiệt—khiêm nhường, hy sinh chính mình, quan tâm sâu xa đến việc giúp đỡ người khác.
Khi lễ mãn khóa kết thúc, toàn thể cử tọa tin chắc rằng Trường Ga-la-át sẽ tiếp tục thành công trong công việc mà trường này đã thực hiện hơn 50 năm qua—đào tạo những giáo sĩ thứ thiệt.
[Khung nơi trang 18]
Thống kê khóa 98:
Các học viên đến từ: 8 xứ
Họ được phái đi đến: 21 xứ
Sĩ số: 48 người
Tuổi trung bình: 32,72
Trung bình ở trong lẽ thật: 15,48 năm
Trung bình làm thánh chức trọn thời gian: 10,91 năm
[Hình nơi trang 18]
Khóa 98 của Trường Kinh-thánh Ga-la-át đã tốt nghiệp
Trong danh sách dưới đây, những hàng được đánh số từ trước ra sau, và tên được liệt kê từ trái sang phải của mỗi hàng.
1) Eszlinger, A.; Mann, T.; Rivera, G.; Baruero, M.; Vaz, M.; Durga, K.; Silweryx, H.; Alvarado, D. 2) Toth, B.; Segarra, S.; Hart, R.; Rooryck, I.; Escobar, P.; Ejstrup, J.; Sligh, L.; Rivera, E. 3) Archard, D.; Snaith, S.; Marciel, P.; Koljonen, D.; Waddell, S.; Blackburn, L.; Escobar, M .; Archard, K. 4) Hart, M.; Toth, S.; Koljonen, J.; Bergman, H.; Mann, D.; Blackburn, J.; Park, D.; Vaz, F. 5) Segarra, S.; Sligh, L.; Leslie, L.; Bergman, B.; Baruero, W.; Alvarado, J.; Leslie, D.; Park, D. 6) Silweryx, K.; Eszlinger, R.; Waddell, J.; Snaith, K.; Durga, A.; Rooryck, F.; Ejstrup, C.; Marciel, D.