Những người rao giảng về Nước Trời kể lại
“Họ tiếp tục không ngừng”
TỪ thời Giê-su Christ và các sứ đồ, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã cố gắng dùng bất cứ phương tiện nào để cản trở công việc rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Chính quyền địa phương ở Giê-ru-sa-lem nhiều lần “cấm” tuyệt đối các sứ đồ “không cho lấy danh đó mà dạy-dỗ” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:27, 28, 40). Tuy thế, lời tường thuật trong Kinh-thánh nói rằng “đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn-đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm” (Công-vụ các Sứ-đồ 6:7).
Hai ngàn năm sau chúng ta vẫn thấy các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Do Thái gây ảnh hưởng trên các chính quyền địa phương để cản trở công việc của tín đồ thật của đấng Christ tại xứ đó. Vào tháng 11-1987, dưới áp lực của những thành phần tôn giáo cực đoan, chính quyền địa phương tại Tel Aviv, Do Thái, ra lệnh cấm các Nhân-chứng tổ chức những buổi họp tín đồ đấng Christ tại Phòng Nước Trời đặt tại văn phòng chi nhánh của Hội Tháp Canh. Vào tháng 10-1989, sắc lệnh này bắt đầu có hiệu lực. Để theo đúng sắc lệnh đó, ba năm qua các Nhân-chứng nhóm họp tại những chỗ mướn ở địa phương trong khi Phòng Nước Trời của họ vẫn hầu như không dùng đến.
Trong lúc đó, vấn đề được đưa ra trước Tối cao Pháp viện Do Thái. Văn phòng tổng trưởng tư pháp xét lại luận án của các Nhân-chứng và tuyên bố rằng người ta không thể nào kháng biện được lời kháng cáo của họ vì lý do lệnh đó đã rõ ràng dựa trên thành kiến tôn giáo. Do đó, chính quyền địa phương bắt buộc phải sửa đổi phán quyết và Nhân-chứng Giê-hô-va vui mừng trở lại Phòng Nước Trời của họ.
Phải chăng công việc rao giảng về lẽ thật của Kinh-thánh bị suy giảm trong những năm đó? Tuyệt đối không! Vào thời hạn Phòng Nước Trời bị đóng cửa, có hai hội thánh tại Tel Aviv và một nhóm học Kinh-thánh khác tại thành phố Lod gần đó. Ba năm sau, khi Phòng Nước Trời được mở cửa lại, Nhân-chứng Giê-hô-va đã tăng lên bốn hội thánh, và thêm một nhóm học Kinh-thánh họp mặt ở Beersheba.
Sự gia tăng ở Do Thái không chỉ giới hạn trong những nhóm ngôn ngữ chính, như Á Rạp và Hê-bơ-rơ. Có nhiều người từ cựu Liên bang Sô Viết di cư đến đây, vậy các Nhân-chứng Giê-hô-va nói tiếng Nga giờ đây bận rộn chia sẻ tin mừng với họ. Một số buổi họp bằng tiếng Nga được tổ chức trong ba hội thánh; gần đây có hơn một trăm người nhóm họp tại hội nghị bằng tiếng Nga.
Chắc chắn, những người cuồng tín và có thành kiến sẽ tiếp tục vận động chống lại sự thờ phượng thật. Nhưng những người rao giảng về Nước Trời tiếp tục noi gương tín đồ đấng Christ thời ban đầu, bất chấp sự chống đối, “tiếp tục không ngừng dạy dỗ và tuyên bố tin mừng về đấng Christ, tức Chúa Giê-su” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:42, NW).