Câu hỏi của độc giả
Phải chăng Đức Chúa Trời tỏ ra thiên vị trong việc chọn người hợp thành hội đồng lãnh đạo trung ương thời ban đầu toàn những người có cùng chủng tộc và xứ sở tất cả đều là người Do Thái cả?
Không, Ngài chắc chắn không thiên vị. Tất cả những người được Giê-su gọi đầu tiên để làm môn đồ ngài đều là người Do Thái. Sau đó, vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, người Do Thái và người nhập đạo Do Thái là những người đầu tiên được xức dầu bằng thánh linh và vì vậy ở trong tư thế được cai trị với đấng Christ ở trên trời. Chỉ sau này người Sa-ma-ri và người dân ngoại không cắt bì mới được thâu nhận. Bởi vậy, điều dễ hiểu là hội đồng lãnh đạo trung ương thời bấy giờ gồm người Do Thái, “các sứ-đồ và trưởng lão ở thành Giê-ru-sa-lem,” như Công-vụ các Sứ-đồ 15:2 nói đến. Họ có căn bản rộng lớn hơn về sự hiểu biết của Kinh-thánh và nhiều năm kinh nghiệm trong sự thờ phượng thật, và họ có nhiều thì giờ hơn để trở thành trưởng lão thành thục của tín đồ đấng Christ. (So sánh Rô-ma 3:1, 2).
Vào buổi nhóm họp của hội đồng lãnh đạo trung ương được kể lại nơi Công-vụ các Sứ-đồ đoạn 15, đã có nhiều dân ngoại trở thành tín đồ đấng Christ. Những người này gồm có người Phi Châu, Âu châu và những người thuộc các miền khác. Tuy nhiên, không có nơi nào ghi lại việc người dân ngoại được bổ sung vào hội đồng lãnh đạo trung ương để làm cho đạo thật đấng Christ thu hút những người không phải là Do Thái. Những người ngoại mới nhập đạo đấng Christ này là những thành viên ngang hàng với những người khác trong “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, tuy vậy họ tôn trọng sự thành thục và kinh nghiệm nhiều hơn của tín đồ đấng Christ gốc Do Thái, như các sứ đồ trong hội đồng lãnh đạo trung ương thời đó (Ga-la-ti 6:16). Hãy chú ý nơi Công-vụ các Sứ-đồ 1:21, 22 cho thấy kinh nghiệm như thế được xem trọng biết bao (Hê-bơ-rơ 2:3; II Phi-e-rơ 1:18; I Giăng 1:1-3).
Trải qua nhiều thế kỷ, Đức Chúa Trời đã đối xử một cách đặc biệt với nước Y-sơ-ra-ên; Giê-su đã chọn các sứ đồ ở giữa họ. Không có sự nhầm lẫn hoặc bất công khi không một sứ đồ nào thuộc các miền mà ngày nay là Nam Mỹ, Phi Châu hoặc Viễn Đông. Với thời gian, những người đàn ông và đàn bà sống ở những nơi ấy, sẽ nhận được cơ hội để có đặc ân còn lớn hơn việc làm sứ đồ trên đất, được làm thành viên của hội đồng lãnh đạo trung ương trong thế kỷ thứ nhất, hoặc được bổ nhiệm làm những việc khác trong dân sự Đức Chúa Trời ngày nay (Ga-la-ti 3:27-29).
Một sứ đồ đã được thúc đẩy để nói rằng “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:34, 35). Đúng vậy, lợi ích của giá chuộc của Đấng Christ sẵn có cho mọi người, không thiên vị. Và những người từ mọi chi phái, tiếng nói, dân tộc và quốc gia sẽ góp mặt trong Nước Trời ở trên trời và giữa đám đông sẽ sống đời đời trên đất.
Có nhiều người trở nên nhạy cảm về vấn đề chủng tộc, ngôn ngữ hoặc nguồn gốc dân tộc. Chúng ta thấy điều này khi đọc nơi Công-vụ các Sứ-đồ 6:1 về một vấn đề gây ra sự than phiền giữa tín đồ đấng Christ người nói tiếng Hy Lạp và những người nói tiếng Hê-bơ-rơ. Chúng ta có lẽ lớn lên với tinh thần đặt nặng vấn đề nguồn gốc chủng tộc, ngôn ngữ, sắc tộc, giới tính hay đã hấp thụ khuynh hướng đó. Vì cớ điều đó rất có thể xảy ra, chúng ta nên cố gắng hết sức để cho quan điểm của Đức Chúa Trời uốn nắn cảm nghĩ và phản ứng của mình. Và Đức Chúa Trời xem tất cả chúng ta đều như nhau, bất luận diện mạo bề ngoài thế nào. Khi Đức Chúa Trời ghi ra những điều kiện cho các trưởng lão và tôi tớ thánh chức, Ngài không đề cập đến chủng tộc và nguồn gốc quốc gia. Không, Ngài chú mục đến những khả năng thiêng liêng của những người có thể phục vụ được. Ngày nay, điều này áp dụng cho các trưởng lão địa phương, giám thị lưu động và nhân viên trong các chi nhánh ngày nay, cũng như đã áp dụng cho hội đồng lãnh đạo trung ương trong thế kỷ thứ nhất.