Câu hỏi của độc giả
Kinh-thánh nói gì về án tử hình, xử tử tội nhân?
Điều dễ hiểu là mỗi người chúng ta có thể có cảm nghĩ riêng về vấn đề này, dựa trên kinh nghiệm hay hoàn cảnh trong đời sống. Thế nhưng, là Nhân-chứng Giê-hô-va, chúng ta nên cố gắng có đồng một ý tưởng với Đức Chúa Trời về việc xử tử, đồng thời giữ trung lập về những lập trường chính trị mà nhiều người tuyên bố trong vấn đề này.
Nói một cách vắn tắt, trong Lời được viết ra của ngài, Đức Chúa Trời không nói rằng tử hình là một điều sai.
Vào thời ban đầu lịch sử loài người, Đức Giê-hô-va bày tỏ ý tưởng của ngài về vấn đề này, như chúng ta đọc nơi Sáng-thế Ký đoạn 9. Đoạn này liên quan đến Nô-ê và gia đình ông, những người đã trở thành tổ tiên của toàn thể gia đình nhân loại. Sau khi họ ra khỏi tàu, Đức Chúa Trời bảo họ có thể ăn thịt thú vật—tức là có thể giết con vật, đổ huyết ra, sau đó ăn thịt. Rồi nơi Sáng-thế Ký 9:5, 6, Đức Chúa Trời nói: “Quả thật, ta sẽ đòi máu của sự sống ngươi lại, hoặc nơi các loài thú vật, hoặc nơi tay người, hoặc nơi tay của anh em người. Hễ kẻ nào làm đổ máu người, thì sẽ bị người khác làm đổ máu lại; vì Đức Chúa Trời làm nên người như hình của Ngài”. Vậy Đức Giê-hô-va cho phép tử hình trong trường hợp sát nhân.
Khi Đức Chúa Trời đối xử với Y-sơ-ra-ên như dân tộc của ngài, những ai vi phạm các luật nghiêm trọng khác đều bị xử tử. Nơi Dân-số Ký 15:30, chúng ta đọc lời tuyên bố khái quát này: “Ai cố-ý phạm tội, hoặc người sanh trong xứ, hay là khách ngoại-bang, thì ai đó khinh-bỉ Đức Giê-hô-va; người sẽ bị truất khỏi dân-sự mình”.
Nhưng sau khi hội thánh đấng Christ được thành lập thì sao? Chúng ta biết Đức Giê-hô-va cho phép các chính phủ loài người hiện hữu, và ngài cho phép họ cầm quyền trên loài người. Thật thế, sau khi khuyên tín đồ đấng Christ vâng phục các nhà cầm quyền, Kinh-thánh nói rằng các nhà cầm quyền phục vụ với tư cách “chức-việc của Đức Chúa Trời để làm ích cho ngươi. Song nếu ngươi làm ác thì hãy sợ, vì người cầm gươm chẳng phải là vô cớ; người là chức-việc của Đức Chúa Trời để làm ra sự công-bình và phạt kẻ làm dữ” (Rô-ma 13:1-4).
Có phải điều này có nghĩa là các chính phủ được quyền kể cả lấy mạng sống của những người phạm trọng tội không? Theo những lời nơi I Phi-e-rơ 4:15, chúng ta phải kết luận là đúng vậy. Trong câu Kinh-thánh đó sứ đồ khuyên các anh em: “Trong anh em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, như kẻ trộm-cướp, như kẻ hung-ác, như kẻ thày-lay việc người khác”. Bạn có để ý câu “chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người” không? Phi-e-rơ không có ý muốn nói rằng các chính phủ không có quyền làm khổ một kẻ sát nhân vì hắn phạm tội. Trái lại, ông cho thấy kẻ nào giết người thì có thể phải chịu hình phạt đích đáng. Điều này có bao gồm án tử hình không?
Có thể. Chúng ta thấy rõ điều này qua những lời của Phao-lô được tìm thấy nơi Công-vụ các Sứ-đồ đoạn 25. Những người Do Thái lúc đó buộc tội Phao-lô đã phạm Luật của họ. Khi giải tù nhân Phao-lô lên quan tổng trấn La Mã, viên sĩ quan tường trình như được ghi nơi Công-vụ các Sứ-đồ 23:29: “Tôi thấy người bị cáo mấy việc về luật-pháp họ, nhưng họ không kiện người về một tội nào đáng chết hay đáng tù cả”. Hai năm sau, Phao-lô đứng trước mặt quan tổng trấn Phê-tu. Chúng ta đọc nơi Công-vụ các Sứ-đồ 25:8: “Phao-lô nói đặng bênh-vực mình, rằng: Tôi chẳng từng làm điều dữ chi, hoặc nghịch cùng đền-thờ, hay là nghịch cùng Sê-sa”. Nhưng bây giờ hãy chú ý đến những lời phát biểu của ông về hình phạt, ngay cả án tử hình. Chúng ta đọc nơi Công-vụ các Sứ-đồ 25:10, 11:
“Phao-lô bèn thưa rằng: Tôi ứng hầu trước mặt tòa án Sê-sa, ấy là nơi tôi phải chịu xử; tôi chẳng có lỗi chi với người Giu-đa, như chính mình quan biết rõ-ràng. Ví bằng tôi có tội hay là phạm điều gì đáng chết, thì tôi chẳng từ-chối chết đâu; trái lại, nếu trong đơn-từ họ kiện tôi không có cớ gì hết, thì chẳng ai được nộp tôi cho họ. Tôi kêu-nài sự đó đến Sê-sa”.
Đứng trước quan quyền được bổ nhiệm chính đáng, Phao-lô nhìn nhận rằng Sê-sa có quyền phạt kẻ làm ác, ngay cả xử tử họ. Sứ đồ không phản đối hình phạt nếu ông quả có tội. Hơn nữa, ông cũng không nói rằng Sê-sa chỉ có thể áp dụng án tử hình đối với những kẻ giết người mà thôi.
Phải thừa nhận rằng hệ thống tư pháp của người La Mã không phải là hoàn hảo; hệ thống tòa án của loài người ngày nay cũng thế. Một số người vô tội thời ấy và ngày nay đã bị kết án và bị trừng phạt. Chính Phi-lát cũng nói về Chúa Giê-su: “Ta không tìm thấy người có sự gì đáng chết. Vậy, đánh đòn xong, ta sẽ tha”. Vâng, mặc dù nhà cầm quyền đã thừa nhận rằng Chúa Giê-su là người vô tội, ngài cũng đã bị xử tử (Lu-ca 23:22-25).
Những sự bất công như thế đã không khiến cho Phao-lô và Phi-e-rơ biện luận rằng về cơ bản tử hình là trái với luân lý. Thay vì thế, ý tưởng của Đức Chúa Trời về vấn đề này là hễ các nhà cầm quyền còn hiện hữu, thì họ ‘cầm gươm để phạt kẻ làm dữ’. Và điều này cũng bao hàm việc cầm gươm theo nghĩa họ áp dụng biện pháp tử hình. Nhưng khi bàn đến vấn đề gây nhiều tranh luận là chính phủ của thế gian này có nên sử dụng quyền hành quyết những kẻ sát nhân hay không, thì tín đồ chân chính của đấng Christ cẩn thận giữ trung lập. Khác với hàng giáo phẩm tự xưng theo đấng Christ, họ không tham dự vào bất cứ cuộc tranh luận nào về đề tài này.