Bạn có nên dễ dãi không?
KHI được nhận xét là người dễ dãi—tức người có tính tình dễ chịu, trầm tĩnh và khoan dung—thì có lẽ phần đông người ta cảm thấy đó là một lời khen. Tuy nhiên, dễ dãi còn được hiểu theo nghĩa khác. Kinh Thánh nói: “Sự yên-ổn [“dễ dãi”, NW] của kẻ dại-dột sẽ làm hại cho chúng nó”. (Châm-ngôn 1:32) Điều này có nghĩa gì?
Những bản Kinh Thánh khác dịch từ Hê-bơ-rơ nguyên thủy này là “vô tâm” (Tòa Tổng Giám Mục), “tự thị tự mãn” (Bản Diễn Ý), “vô lo” (Trịnh Văn Căn). Theo nghĩa này, dễ dãi liên kết với sự lười biếng, lơ đễnh, và vì vậy liên kết với sự dại dột, xuẩn ngốc.
Trong thế kỷ thứ nhất, tín đồ Đấng Christ ở hội thánh Lao-đi-xê sơ suất không để ý đến hay không lưu tâm đến những thiếu sót về thiêng liêng của họ. Họ tự mãn khoe khoang rằng họ “không cần chi nữa”. Chúa Giê-su Christ đã sửa dạy và kêu gọi họ khôi phục lại lòng sốt sắng của người tín đồ Đấng Christ.—Khải-huyền 3:14-19.
Tự mãn cũng là đặc tính của những người thời Nô-ê. Họ bận tâm với những điều thông thường trong đời sống, “ăn, uống, cưới, gả như thường..., và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy”. Sau đó Chúa Giê-su nói thêm: “Khi Con người đến cũng như vậy”.—Ma-thi-ơ 24:37-39.
Những lời tiên tri trong Kinh Thánh được ứng nghiệm cho thấy rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ “Con người [Chúa Giê-su] đến”. Mong sao chúng ta không bao giờ trở nên tự mãn, vô tâm, lơ đễnh—tức dễ dãi theo nghĩa xấu.—Lu-ca 21:29-36.