Tại sao khó nói xin lỗi đến thế?
VÀO tháng 7 năm 2000, Cơ Quan Lập Pháp Bang California ở Hoa Kỳ đã thông qua dự luật nhằm miễn trừ trách nhiệm bồi thường, nếu những người gây tai nạn bày tỏ lòng thương cảm đối với người bị nạn. Tại sao cần luật này? Theo nhận xét, khi gây một tai nạn làm thương tích hay tổn hại, người ta thường do dự không ngỏ lời xin lỗi vì e rằng khi ra trước tòa án, lời xin lỗi này sẽ bị xem là lời thú tội. Mặt khác, những người nghĩ rằng người gây tai nạn phải xin lỗi tức khắc, có thể bực bội. Thế là một tai nạn nhỏ có thể trở thành một cuộc tranh chấp lớn.
Dĩ nhiên, không cần xin lỗi về một tai nạn nếu không phải lỗi của bạn. Và có thể có những lúc nên khôn ngoan nói năng thận trọng. Một câu châm ngôn cổ nói: “Hễ lắm lời, vi-phạm nào có thiếu, nhưng ai cầm-giữ miệng mình là khôn-ngoan”. (Châm-ngôn 10:1; 27:12) Tuy vậy, bạn có thể tỏ ra nhã nhặn và giúp đỡ.
Nhưng sự thật chẳng phải là nhiều người đã không chịu xin lỗi, ngay cả khi không bị kiện tụng hay sao? Trong gia đình, một người vợ có lẽ than phiền: ‘Chồng tôi không bao giờ xin lỗi về bất cứ điều gì’. Tại sở làm, một người đốc công có thể than phiền: ‘Nhân viên của tôi không nhận lỗi, và hầu như họ không bao giờ nói rằng họ lấy làm tiếc vì đã phạm lỗi’. Ở trường, một giáo viên có thể báo cáo: ‘Không ai tập cho trẻ em nói xin lỗi’.
Một lý do khiến một người do dự không xin lỗi là sợ bị hất hủi. Vì sợ bị đối xử lạnh nhạt, người đó có thể không bộc lộ cảm nghĩ thực sự. Quả vậy, người bị tổn thương có lẽ hoàn toàn tránh mặt người phạm lỗi, khiến rất khó hòa giải.
Thiếu quan tâm đến cảm nghĩ của người khác có thể là một lý do khác khiến một số người ngần ngại xin lỗi. Họ có thể lý luận: ‘Việc xin lỗi không sửa chữa được lỗi tôi đã phạm’. Những người khác ngần ngại nói xin lỗi vì những hậu quả có thể xảy ra. Họ tự hỏi: ‘Tôi sẽ phải chịu trách nhiệm và buộc phải bồi thường không?’ Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với việc nhận lỗi là sự kiêu ngạo. Khi một người quá kiêu ngạo không chịu xin lỗi, thực chất của vấn đề có thể là họ kết luận: ‘Tôi không muốn mất thể diện vì nhận lỗi. Điều đó sẽ làm tôi mất uy tín’.
Vì bất cứ lý do gì đi nữa, nhiều người thấy khó thốt ra lời xin lỗi. Nhưng có thật sự cần xin lỗi không? Xin lỗi đem lại những lợi ích nào?
[Hình nơi trang 3]
“Không ai tập cho trẻ em nói xin lỗi”
[Hình nơi trang 3]
“Chồng tôi không bao giờ xin lỗi”
[Hình nơi trang 3]
“Nhân viên của tôi không nhận lỗi”