Độc giả thắc mắc
Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va tránh nâng ly chúc mừng trong khi Kinh Thánh không đề cập đến điều này?
Dù cách thức ở mỗi nơi mỗi khác, nâng ly rượu (hoặc những thức uống có cồn khác) để chúc mừng là một tập tục có từ lâu đời và phổ biến rộng rãi. Người ta thỉnh thoảng còn cụng ly. Thông thường người đề nghị nâng ly sẽ chúc một người nào đó hạnh phúc, sức khỏe, sống lâu hoặc những điều tương tự. Những người khác có thể đồng tình bằng cách nói theo hoặc nâng ly và uống. Đối với nhiều người, đây dường như chỉ là một tập tục vô hại hoặc phép xã giao, nhưng Nhân Chứng Giê-hô-va có lý do chính đáng để không làm theo tập tục này.
Không phải các tín đồ Đấng Christ không mong muốn cho ai đó được hạnh phúc và có sức khỏe tốt. Cuối một lá thư gởi cho các hội thánh, hội đồng lãnh đạo trung ương vào thế kỷ thứ nhất đã dùng một từ có thể được dịch là “Kính chúc bình an” hoặc “Chúc anh em an mạnh”. (Công-vụ 15:29) Ngoài ra, một vài người theo sự thờ phượng thật đã chúc các vị vua: “Nguyện. . . chúa tôi, vạn tuế!” hoặc “Nguyện vua vạn tuế!”—1 Các Vua 1:31; Nê-hê-mi 2:3.
Tuy nhiên, việc nâng ly chúc mừng bắt nguồn từ đâu? Trích Tập 13, trang 121 của The Encyclopædia Britannica (Bách khoa từ điển Anh quốc, xuất bản năm 1910), số Tháp Canh (Anh ngữ) ra ngày 1-1-1968 cho biết: “Phong tục uống chúc ‘sức khỏe’ người sống hầu như chắc chắn bắt nguồn từ nghi thức uống mừng các thần và người chết trong các tôn giáo cổ xưa. Người Hy Lạp và La Mã thường rưới rượu để cúng thần của họ vào các bữa ăn, cũng như uống mừng các thần và người chết trong các bữa tiệc long trọng”. Bách khoa từ điển này nói thêm: “Việc uống mừng sức khỏe người sống hầu như chắc chắn có liên hệ chặt chẽ với phong tục uống để cúng tế các thần”.
Ngày nay điều này có còn đúng không? Cuốn International Handbook on Alcohol and Culture (Cẩm nang quốc tế về văn hóa và rượu), xuất bản năm 1995, cho biết: “[Tục nâng ly] có lẽ là vết tích còn lưu lại trong đời thường của cổ tục rưới các chất lỏng thánh, như huyết hoặc rượu, để cúng các thần nhằm cầu xin một phước lành, nay được tóm gọn trong những câu như ‘chúc sống lâu!’ hay ‘chúc sức khỏe!’ ”
Đúng là những người thờ phượng thật không nhất thiết phải loại bỏ một vật dụng, hình ảnh hoặc thực hành nào đó chỉ vì chúng có nguồn gốc hay được sử dụng trong các tôn giáo giả cổ xưa. Điển hình như hình ảnh trái lựu. Một bách khoa từ điển Kinh Thánh ghi nhận: “Trái lựu dường như cũng là một hình ảnh thánh của ngoại giáo”. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã quy định lai áo của thầy tế lễ cả phải được kết những tua hình trái lựu bằng chỉ, và những cột đồng ở đền thờ do Sa-lô-môn xây cất cũng được trang trí bằng trái lựu. (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:33; 2 Các Vua 25:17) Ngoài ra, trước đây nhẫn cưới cũng mang ý nghĩa tôn giáo. Nhưng hầu hết người ta ngày nay không biết ý nghĩa đó, và chỉ xem nhẫn cưới như dấu hiệu cho thấy một người đã kết hôn.
Việc dùng rượu trong nghi thức tôn giáo thì sao? Chẳng hạn, những người dân thành Si-chem thờ thần Ba-anh từng “vào trong đền-thờ của thần chúng, ăn và uống, rồi rủa-sả A-bi-mê-léc”, con trai của Ghê-đê-ôn. (Các Quan Xét 9:22-28) Bạn có nghĩ rằng một người trung thành với Đức Giê-hô-va sẽ cùng uống trong dịp đó, có lẽ để cầu xin thần thánh giáng họa cho A-bi-mê-léc không? A-mốt miêu tả về thời kỳ người Y-sơ-ra-ên nổi loạn chống Đức Giê-hô-va như sau: “Chúng nó nằm gần mỗi bàn-thờ,. . . và uống rượu của kẻ phải phạt trong miếu thần chúng nó”. (A-mốt 2:8) Liệu những người theo sự thờ phượng thật có tham dự vào những thực hành như thế, dù là rưới rượu làm lễ quán cho các thần, hay chỉ đơn giản là uống rượu trong các dịp đó? (Giê-rê-mi 7:18) Họ có nâng ly và cầu phước lành hoặc xin thần thánh phù hộ cho ai đó không?
Điều đáng chú ý là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va đôi khi giơ tay lên trời để cầu xin ân huệ. Họ giơ tay hướng về Đức Chúa Trời thật. Kinh Thánh nói: “Sa-lô-môn đứng trước bàn-thờ của Đức Giê-hô-va,. . . giơ tay lên trời, mà rằng: Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên!. . . Chẳng có một thần nào giống như Chúa. . . Ở nơi ngự của Chúa, tại trên các từng trời, xin Chúa dủ nghe, nhậm lời, và tha-thứ cho”. (1 Các Vua 8:22, 23, 30) Tương tự, “E-xơ-ra ngợi-khen Giê-hô-va. . . ; cả dân-sự bèn giơ tay lên, mà đáp lại rằng: A-men, A-men! rồi chúng cúi đầu, sấp mặt xuống đất mà thờ lạy Đức Giê-hô-va”. (Nê-hê-mi 8:6; 1 Ti-mô-thê 2:8) Rõ ràng, những người trung thành đó đã không giơ tay lên trời để cầu xin một vị thần may mắn ban phước cho họ.—Ê-sai 65:11, cước chú.
Khi nâng ly, nhiều người ngày nay có lẽ không nghĩ rằng họ đang cầu xin ân phước từ thần thánh, nhưng họ cũng không giải thích được tại sao họ lại nâng ly lên trời. Tín đồ thật của Đấng Christ không bắt buộc phải làm theo những người không xem xét kỹ vấn đề như thế.
Phần đông người ta đều biết rằng Nhân Chứng Giê-hô-va cũng tránh một số hành vi khác mà người khác thường làm. Thí dụ, nhiều người đứng chào biểu tượng quốc gia, hoặc quốc kỳ, và không xem đó là một hành động thờ phượng. Tín đồ thật của Đấng Christ không cấm người khác làm thế, nhưng bản thân họ không tham gia. Khi biết trước những nghi thức như thế sẽ diễn ra, họ hành động khéo léo để không làm người khác khó chịu. Trong bất cứ trường hợp nào, họ cương quyết không làm những cử chỉ biểu hiện tinh thần ái quốc, là điều trái với Kinh Thánh. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5; 1 Giăng 5:21) Ngày nay, nhiều người không còn xem việc nâng ly mang ý nghĩa tôn giáo. Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ có lý do chính đáng để không làm theo tập tục này, vì nó bắt nguồn từ ngoại giáo và vẫn còn mang ý nghĩa cầu ‘Trời’ ban phước, như thể xin một lực siêu nhiên nào đó phù hộ.—Xuất Ê-díp-tô Ký 23:2.