Hãy đến gần Đức Chúa Trời
Đức Giê-hô-va tiết lộ về Ngài
Bạn miêu tả thế nào về Đức Chúa Trời, các đức tính và đường lối của Ngài? Hãy tưởng tượng bạn có thể trực tiếp thưa chuyện với Đức Chúa Trời, hỏi về Ngài và nghe Ngài trả lời. Nhà tiên tri Môi-se đã từng có đặc ân đó. Thật tốt thay vì ông đã được soi dẫn để ghi lại những gì xảy ra lúc ấy!
Trên núi Si-na-i, Môi-se đã cầu khẩn Đức Giê-hô-va: “Tôi xin Ngài cho tôi xem sự vinh-hiển của Ngài!” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:18). Hôm sau, nhà tiên tri này có đặc ân được thấy thoáng qua sự vinh hiển của Đức Chúa Trờia. Môi-se đã không miêu tả chi tiết những điều tuyệt diệu mà ông nhìn thấy, nhưng đã ghi lại một điều quan trọng hơn nhiều: Đó là những gì Đức Chúa Trời phán với ông. Hãy xem Đức Giê-hô-va tiết lộ thế nào nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7.
Trước tiên, Đức Giê-hô-va tiết lộ Ngài là “Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót” (câu 6). Từ được dịch là “nhân-từ” có liên hệ với một động từ “miêu tả thái độ tận tình giúp người đang cần sự giúp đỡ”. Theo một học giả, từ Do Thái cổ được dịch là “thương-xót” muốn nói đến “lòng trắc ẩn [của Đức Chúa Trời], như một người cha đối với con mình”. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta biết rằng Ngài chăm sóc những người thờ phượng Ngài như cha mẹ chăm sóc con cái mình, với tình yêu trìu mến và lòng quan tâm sâu xa đến nhu cầu của các con.—Thi-thiên 103:8, 13.
Tiếp theo, Đức Giê-hô-va nói rằng Ngài “chậm giận” (câu 6). Ngài không dễ giận những người thờ phượng Ngài, nhưng kiên nhẫn, bỏ qua những thiếu sót của họ, cũng như cho họ thời gian để sửa đổi hành vi sai trái.—2 Phi-e-rơ 3:9.
Đức Chúa Trời tiếp tục cho biết Ngài “đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực” (câu 6). Từ “ân-huệ” cũng có thể được dịch là “tình thương” hay “nhân nghĩa”. Đó là đức tính cao quý của Đức Giê-hô-va. Nhờ đức tính này, Đức Giê-hô-va duy trì mối quan hệ bền vững với dân Ngài (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:9). Đức Giê-hô-va cũng là nguồn của sự “thành-thực”. Ngài không bao giờ lừa dối ai hoặc bị ai lừa dối. Vì Ngài là “Đức Chúa Trời chân-thật”, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng mọi điều Ngài nói, kể cả những lời hứa của Ngài về tương lai.—Thi-thiên 31:5.
Một sự thật quan trọng khác mà Đức Giê-hô-va muốn chúng ta biết là Ngài tha thứ “điều gian-ác, tội trọng, và tội-lỗi” (câu 7). Ngài “sẵn tha-thứ cho” những người phạm tội đã ăn năn (Thi-thiên 86:5). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không bao giờ bỏ qua những điều gian ác. Đức Chúa Trời nói Ngài “chẳng kể kẻ có tội là vô-tội” (câu 7). Là Đấng công bình và thánh khiết, Đức Chúa Trời không dung túng những ai cố ý phạm tội. Sớm hay muộn, họ sẽ gánh lấy hậu quả từ những hành vi của mình.
Việc Đức Giê-hô-va tiết lộ các đức tính cho thấy Ngài muốn chúng ta hiểu biết về Ngài và đường lối của Ngài. Vậy, bạn có mong muốn tìm hiểu về các đức tính tuyệt vời của Đức Chúa Trời không?
[Chú thích]
a Môi-se không trực tiếp thấy Đức Giê-hô-va, vì không người nào có thể thấy Đức Chúa Trời mà còn sống (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20). Rất có thể Đức Giê-hô-va đã cho Môi-se một sự hiện thấy về sự vinh hiển của Ngài, và thông tri với ông qua một thiên sứ.