Từ kho tàng tư liệu
‘Đó là thông điệp hay nhất từ trước đến giờ’
“Mấy cái này dùng để làm gì?”. Anh George Naish chỉ vào đống gỗ tại nơi trữ vũ khí ở Saskatoon, Saskatchewan, Canada, và hỏi câu đó. Anh được cho biết là những khúc gỗ dài 18m ấy dùng để làm những cột phát tín hiệu trong Thế Chiến l. Anh Naish kể lại: “Lúc đó, tôi chợt nảy ra ý nghĩ là chúng ta có thể dùng những khúc gỗ đó để làm những cột phát thanh. Thế là ý tưởng về đài phát thanh thần quyền được ra đời”. Chỉ một năm sau, vào năm 1924, đài phát thanh hiệu CHUC bắt đầu phát sóng. Đây là một trong những đài phát thanh đầu tiên tại Canada phát sóng những chương trình tôn giáo.
Có diện tích lãnh thổ gần bằng châu Âu, Canada là nơi thích hợp để làm chứng qua đài phát thanh. Chị Florence Johnson, người làm việc tại đài phát thanh ở Saskatoon, nói: “Nhờ các chương trình phát thanh, sự thật đến được với nhiều người mà chúng ta không thể gặp trực tiếp. Vì radio còn mới lạ vào thời đó nên người ta háo hức nghe bất cứ thông tin nào được phát sóng”. Đến năm 1926, Học viên Kinh Thánh (tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va lúc bấy giờ) đã có đài phát thanh tại bốn thành phố của Canadaa.
Một buổi phát sóng gồm những nội dung gì? Đôi khi có tiết mục âm nhạc. Các anh chị trong hội thánh tập hợp lại để hát, cùng với những người chơi nhạc, và thậm chí có cả một dàn nhạc nhỏ. Tất nhiên, cũng có những bài giảng và các cuộc thảo luận về Kinh Thánh. Chị Amy Jones, người tham gia vào các cuộc thảo luận Kinh Thánh, nhớ lại: “Khi đi rao giảng, tôi giới thiệu về mình và thỉnh thoảng có chủ nhà nói: ‘À, tôi đã nghe chị nói trên đài’”.
Các Học viên Kinh Thánh ở thành phố Halifax, tỉnh Nova Scotia, sử dụng một cách thức mới mẻ vào thời ấy, đó là chương trình trao đổi với thính giả. Thính giả có thể gọi điện đến đài phát thanh và nêu những thắc mắc về Kinh Thánh. Một anh viết: “Chương trình này được thính giả nhiệt liệt hưởng ứng. Có quá nhiều người gọi điện đến mức chúng tôi không thể trả lời hết”.
Khi nghe thông điệp mà các Học viên Kinh Thánh rao truyền, người ta phản ứng theo nhiều cách khác nhau, như vào thời sứ đồ Phao-lô (Công 17:1-5). Một số thính giả thích thông điệp. Chẳng hạn, khi nghe Học viên Kinh Thánh nói về sách Khảo cứu Kinh Thánh (Studies in the Scriptures) trên đài, anh Hector Marshall đã đặt sáu tập của sách này. Về sau, anh viết: ‘Tôi đã nghĩ sách này sẽ giúp tôi dạy lớp giáo lý’. Thế nhưng, sau khi đọc hết tập 1, anh Hector quyết định rời bỏ nhà thờ. Anh là người rao giảng sốt sắng và trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va cho đến khi qua đời vào năm 1998. Ở miền đông Nova Scotia, một ngày sau khi bài diễn văn “Nước Trời, hy vọng của thế giới” được phát sóng, đại tá J. A. MacDonald nói với một anh địa phương: “Thông điệp mà người dân ở đảo Cape Breton nghe hôm qua là thông điệp hay nhất từ trước đến giờ”.
Ngược lại, hàng giáo phẩm thì tức giận. Một số tín hữu Công giáo tại Halifax dọa sẽ làm nổ tung địa điểm phát sóng các chương trình của Học viên Kinh Thánh. Bị giới chức sắc gây áp lực, vào năm 1928, chính phủ đột nhiên thông báo là không cấp tiếp giấy phép phát sóng cho các đài phát thanh của Học viên Kinh Thánh. Trước hành động bất công ấy, các anh chị đã xuất bản tờ “Ai làm chủ chốn không trung?” (Who Owns the Air?). Tuy nhiên, các quan chức chính phủ vẫn nhất quyết không cấp thêm giấy phép phát sóng cho Học viên Kinh Thánh.
Điều này có làm nhóm nhỏ tôi tớ Đức Giê-hô-va ở Canada bị nhụt chí không? Chị Isabel Wainwright thừa nhận: “Lúc đầu, dường như kẻ thù đã giành đại thắng. Nhưng tôi biết rằng Đức Giê-hô-va đã có thể ngăn cản chuyện đó để hợp với ý ngài. Sự việc xảy ra như thế chắc có nghĩa là chúng ta phải chuyển sang cách thức khác và nổi bật hơn để loan truyền tin mừng Nước Trời”. Thay vì quá phụ thuộc vào radio để làm chứng, Học viên Kinh Thánh ở Canada bắt đầu tập trung vào việc đến từng nhà để rao giảng. Dù sao đi nữa, vào thời đó, radio đã đóng một vai trò quan trọng để truyền bá ‘thông điệp hay nhất từ trước đến giờ’.—Từ kho tàng tư liệu ở Canada.
a Các anh ở Canada cũng thuê các đài phát thanh khác theo giờ để làm chứng.