TỪ KHO TÀNG TƯ LIỆU
“Đức Giê-hô-va đã đưa anh chị sang Pháp để học sự thật”
Khi còn là cậu bé, Antoine Skalecki luôn có một chú ngựa làm bạn đồng hành. Cậu bé cùng con ngựa nặng nề chậm chạp đi qua những đường hầm mờ tối, chở nhiều than từ hầm mỏ sâu dưới lòng đất 500m. Cha của Antoine bị thương trong một vụ sập hầm mỏ. Vì không có lựa chọn nào khác nên gia đình đã phải gửi Antoine vào những mỏ than để làm việc. Cậu bé phải làm quần quật chín tiếng một ngày. Có lần, Antoine suýt thiệt mạng trong một vụ sập hầm.
Antoine là một trong nhiều đứa trẻ sinh ra ở Pháp có cha mẹ là người Ba Lan vào thập niên 1920 và 1930. Tại sao người Ba Lan lại nhập cư sang Pháp? Khi người Ba Lan giành độc lập sau Thế Chiến I, tình trạng dân số quá đông đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Ngược lại, nước Pháp mất hơn một triệu người nam trong chiến tranh và rất cần những thợ mỏ. Vì vậy, vào tháng 9 năm 1919 chính phủ Pháp và Ba Lan đã ký một thỏa thuận về việc nhập cư. Đến năm 1931, số người Ba Lan sống tại Pháp lên đến 507.800 người, trong đó có nhiều người định cư ở những vùng khai thác mỏ thuộc phía bắc.
Những người Ba Lan siêng năng đã mang sang Pháp bản sắc văn hóa riêng của họ, trong đó có tình cảm đặc biệt dành cho tôn giáo. Anh Antoine, hiện đã 90 tuổi, nhớ lại: “Ông ngoại tôi là Joseph đã nói về Kinh Thánh với lòng sùng kính sâu xa vì cha của ông đã khắc ghi điều đó vào lòng ông”. Vào những ngày chủ nhật, các gia đình thợ mỏ người Ba Lan mặc quần áo đẹp nhất để đi nhà thờ như hồi còn ở quê nhà. Điều này khiến người Pháp địa phương có quan điểm thế tục khinh thường.
Tại Nord-Pas-de-Calais, nhiều người Ba Lan đã lần đầu tiên tiếp xúc với Học viên Kinh Thánh, là những người sốt sắng rao giảng ở vùng này kể từ năm 1904. Đến năm 1915, Tháp Canh trong tiếng Ba Lan bắt đầu được in mỗi tháng, và vào năm 1925 thì cũng có thêm tạp chí Thời Đại Hoàng Kim (The Golden Age, hiện nay là Tỉnh Thức!). Nhiều gia đình đã đón nhận những nội dung dựa trên Kinh Thánh của các tạp chí này cũng như sách Đàn cầm của Đức Chúa Trời (The Harp of God) trong tiếng Ba Lan.
Gia đình của anh Antoine biết về Học viên Kinh Thánh qua người chú bác, người mà lần đầu tham dự nhóm họp vào năm 1924. Vào năm đó, Học viên Kinh Thánh tổ chức hội nghị đầu tiên trong ngôn ngữ Ba Lan ở Bruay-en-Artois. Chưa đầy một tháng sau cũng trong thị trấn đó, một anh đại diện trụ sở trung ương là anh Joseph Franklin Rutherford tổ chức một buổi họp công cộng với khoảng 2.000 người tham dự. Khi thấy số lượng lớn cử tọa, phần lớn là người Ba Lan, anh Rutherford cảm động và nói với họ: “Đức Giê-hô-va đã đưa anh chị sang Pháp để học sự thật. Bây giờ, anh chị và con cái của anh chị phải giúp người Pháp! Một công việc rao giảng rộng lớn vẫn cần được thực hiện, và Đức Giê-hô-va sẽ dấy lên những người công bố để làm công việc đó”.
Đức Giê-hô-va đã làm đúng như thế! Những tín đồ người Ba Lan này đã rao giảng hết lòng giống như lúc họ làm việc siêng năng trong các hầm mỏ! Có những người trong số họ trở lại quê hương Ba Lan để chia sẻ sự thật quý giá mà họ học được. Teofil Piaskowski, Szczepan Kosiak và Jan Zabuda nằm trong số những người đã rời Pháp để chia sẻ tin mừng trong khắp các vùng rộng lớn của Ba Lan.
Nhưng nhiều người truyền giảng tin mừng nói tiếng Ba Lan vẫn ở lại Pháp và tiếp tục sốt sắng rao giảng cùng với anh em đồng đạo người Pháp. Tại một hội nghị năm 1926 ở Sin-le-Noble, có 1.000 người tham dự trong tiếng Ba Lan và 300 người tham dự trong tiếng Pháp. Niên giám (Yearbook) năm 1929 cho biết: “Trong năm đó có 332 người Ba Lan biểu trưng sự dâng mình qua phép báp-têm”. Trước khi Thế Chiến II bùng nổ, trong số 84 hội thánh ở Pháp thì có 32 hội thánh nói tiếng Ba Lan.
Vào năm 1947, nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va nhận lời mời của chính phủ Ba Lan và trở về quê nhà. Nhưng ngay cả sau khi những người Ba Lan này rời đi, thì kết quả từ những nỗ lực mà họ cùng với anh em đồng đạo người Pháp đã thực hiện vẫn có thể được thấy rõ qua việc số người công bố Nước Trời gia tăng 10% vào năm đó. Trong những năm kế tiếp, từ 1948 đến 1950, số người công bố tăng 20%, 23% và thậm chí là 40%! Để giúp huấn luyện những người công bố mới này thì vào năm 1948, chi nhánh Pháp bổ nhiệm những giám thị vòng quanh đầu tiên. Trong số năm anh được chọn, có bốn anh là người Ba Lan, trong đó có anh Antoine Skalecki.
Nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va ở Pháp vẫn mang họ Ba Lan của các thế hệ cha ông, những người làm việc cần cù trong cả những mỏ than lẫn ngoài cánh đồng rao giảng. Ngày nay cũng có rất đông người nhập cư đang học sự thật ở Pháp. Dù những người truyền giảng tin mừng từ các nước khác trở về quê nhà hay định cư tại nơi ở mới, họ vẫn sốt sắng đi theo đường lối của những người công bố Nước Trời giống như các thế hệ người Ba Lan đi trước.—Từ kho tàng tư liệu ở Pháp.