Quan điểm của Kinh Thánh
Tội tổ tông là gì?
LỜI giải đáp cho câu hỏi này rất quan trọng đối với đời sống chúng ta. Tại sao thế ? Vì A-đam và Ê-va đã bất tuân với Đức Chúa Trời, nên cả nhân loại bị ảnh hưởng, cho đến tận thời chúng ta. Kinh Thánh cho biết: “Bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”. (Rô-ma 5:12) Tuy nhiên, tại sao chỉ ăn trái của một cây mà lại gây ra hậu quả bi thương như thế?
Khi Đức Chúa Trời tạo ra A-đam và Ê-va, Ngài đặt họ trong một khu vườn xinh đẹp có đầy rau quả và cây trái thơm ngon. Họ chỉ không được phép ăn trái của một cây—“cây biết điều thiện và điều ác”. Vì có quyền tự do lựa chọn, A-đam và Ê-va có thể chọn vâng lời Đức Chúa Trời hoặc ngược lại. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cảnh báo A-đam rằng: “Một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết”.—Sáng-thế Ký 1:29; 2:17.
Một giới hạn hợp lý
A-đam và Ê-va có thể ăn trái của tất cả các cây trong vườn, nên điều luật đó không khó khăn đối với họ. (Sáng-thế Ký 2:16) Hơn nữa, luật cấm đó không hàm ý là cặp vợ chồng này có bất kỳ khuynh hướng xấu xa nào, và cũng không lấy đi phẩm cách của họ. Nếu Đức Chúa Trời cấm những điều ác, chẳng hạn như hành động không có nhân tính hoặc giết người, thì hai người hoàn toàn này hẳn đã sẵn có khuynh hướng làm ác cần phải được kiềm chế. Thế nhưng, việc ăn uống là nhu cầu tự nhiên và không có gì sai.
Vậy trái của cây bị cấm đó có tượng trưng cho việc quan hệ tình dục như một số người thường nói không? Kinh Thánh không hề đề cập đến điều này. Thứ nhất, khi Đức Chúa Trời ra luật cấm đó, A-đam chỉ ở một mình. Và hiển nhiên, ông vẫn còn độc thân khoảng một thời gian sau. (Sáng-thế Ký 2:23) Thứ hai, Đức Chúa Trời bảo A-đam và Ê-va “hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất”. (Sáng-thế Ký 1:28) Chắc hẳn Đức Chúa Trời không thể ra lệnh cho họ làm trái với luật pháp của Ngài, rồi lại kết án họ phải chết vì đã làm thế! (1 Giăng 4:8) Thứ ba, Ê-va đã ăn trái cây đó trước, và rồi đưa cho chồng bà. (Sáng-thế Ký 3:6) Rõ ràng, trái của cây đó không tượng trưng cho việc quan hệ tình dục.
Giành lấy quyền tự quyết định tiêu chuẩn đạo đức
Cây biết điều thiện và điều ác là một cây có thật. Tuy nhiên, nó tượng trưng cho quyền cai trị của Đức Chúa Trời, Ngài có quyền quyết định điều đúng và điều sai cho các tạo vật loài người. Vì thế, ăn trái của cây đó không chỉ là hành động ăn cướp — lấy đi điều lẽ ra thuộc về Đức Chúa Trời—mà còn là giành lấy quyền tự quyết định tiêu chuẩn đạo đức. Hãy lưu ý sau khi Sa-tan nói dối rằng nếu Ê-va và chồng bà ăn trái của cây ấy thì họ “chẳng chết đâu”, hắn đã khẳng định: “Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”.—Sáng-thế Ký 3:4, 5.
Thế nhưng, sau khi ăn trái cây đó, A-đam và Ê-va không có được sự thông sáng như Đức Chúa Trời về điều thiện và điều ác. Thật vậy, Ê-va thưa với Đức Chúa Trời rằng: “Con rắn dỗ-dành tôi”. (Sáng-thế Ký 3:13) Tuy nhiên, bà đã biết mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, thậm chí còn nhắc lại lời ấy với con rắn, con vật nói thay mà Sa-tan dùng để nói chuyện với bà. (Khải-huyền 12:9) Vì thế, hành động của bà là cố ý bất tuân. (Sáng-thế Ký 3:1-3) Tuy nhiên, A-đam không bị lừa. (1 Ti-mô-thê 2:14) Thay vì trung thành vâng lời Đấng tạo ra mình, ông đã nghe theo vợ và chọn đi theo con đường độc lập của bà.—Sáng-thế Ký 3:6, 17.
Qua hành động khẳng định tinh thần độc lập, A-đam và Ê-va đã hoàn toàn hủy hoại mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Điều đó gây nên một khiếm khuyết tội lỗi trong cơ thể, ngay trên cấu trúc gen của họ. Thật vậy, dù đã sống nhiều trăm năm, nhưng họ bắt đầu chết vào ngày mà họ phạm tội, cũng giống như một nhánh cây sẽ tàn lụi khi bị cắt lìa khỏi cành. (Sáng-thế Ký 5:5) Hơn nữa, đây là lần đầu tiên A-đam và Ê-va cảm nhận sự bất an trong tâm trí. Họ thấy mình lõa lồ và cố ẩn mình khỏi Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 3:7, 8) Họ cũng cảm thấy tội lỗi, bất ổn và xấu hổ. Vì phạm tội, trong họ có sự thay đổi đột ngột, lương tâm bị dày vò vì đã làm điều sai trái.
Đúng với lời và tiêu chuẩn thánh của Ngài, Đức Chúa Trời công bình kết án tử hình A-đam và Ê-va, rồi đuổi họ ra khỏi vườn Ê-đen. (Sáng-thế Ký 3:19, 23, 24) Vì thế, Địa Đàng, hạnh phúc và đời sống vĩnh cửu đã mất, chỉ còn lại tội lỗi, đau khổ và sự chết. Thật là một điều đau lòng cho nhân loại! Thế nhưng, ngay sau khi kết án cặp vợ chồng đầu tiên, Đức Chúa Trời hứa sẽ xóa bỏ những hậu quả từ tội lỗi của họ mà không vi phạm các tiêu chuẩn công bình của Ngài.
Đức Giê-hô-va có ý định giúp con cháu A-đam và Ê-va được thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Ngài thực hiện điều này qua Chúa Giê-su. (Sáng-thế Ký 3:15; Ma-thi-ơ 20:28; Ga-la-ti 3:16) Qua trung gian Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời sẽ xóa bỏ tội lỗi, cũng như tất cả những hậu quả của nó, và biến cả trái đất thành địa đàng, giống như ý định Ngài từ thời ban đầu.—Lu-ca 23:43; Giăng 3:16.
BẠN CÓ TỰ HỎI
◼ Làm sao chúng ta biết trái cấm không tượng trưng cho quan hệ tình dục?—Sáng-thế Ký 1:28.
◼ Ăn trái cấm có nghĩa gì?—Sáng-thế Ký 3:4, 5.
◼ Đức Chúa Trời đã có sắp đặt nào để loại trừ hậu quả của tội lỗi?—Ma-thi-ơ 20:28.
[Câu nổi bật nơi trang 21]
Trái cấm không tượng trưng cho quan hệ tình dục
[Hình nơi trang 20, 21]
Ê-va muốn được như Đức Chúa Trời, tự quyết định điều thiện và điều ác