Quan điểm của Kinh Thánh
Ai là Tác giả của Kinh Thánh?
Kinh Thánh thẳng thắn nói ai viết ra những lời trong đó. Những phần khác nhau của sách này bắt đầu bằng các nhóm từ như: “lời của Nê-hê-mi”, “Ê-sai. . . có sự hiện-thấy” và “lời Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-ên” (Nê-hê-mi 1:1; Ê-sai 1:1; Giô-ên 1:1). Kinh Thánh cho biết một số lời ghi chép về lịch sử là của Na-than, Gát hoặc Sa-mu-ên (1 Sử-ký 29:29). Lời ghi chú ở đầu của một số bài Thi-thiên cho biết tên người soạn.—Thi-thiên 79, 88, 89, 90, 103 và 127.
Vì con người được dùng để viết ra Kinh Thánh, nên những người hay hoài nghi nói rằng đó chỉ là sản phẩm do sự khôn ngoan của con người, như bất cứ cuốn sách nào khác. Nhưng ý kiến đó có cơ sở vững chắc không?
Bốn mươi người viết, một Tác giả
Đa số người viết Kinh Thánh thừa nhận họ thực hiện công việc nhân danh Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời duy nhất, và họ được Ngài hoặc một thiên sứ của Ngài hướng dẫn (Xa-cha-ri 1:7, 9). Các tiên tri viết Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ tuyên bố hơn 300 lần những câu tương tự như: “Đức Giê-hô-va phán như vầy” (A-mốt 1:3; Mi-chê 2:3; Na-hum 1:12). Nhiều sách họ viết bắt đầu bằng những nhóm từ chẳng hạn như “lời Đức Giê-hô-va phán cùng Ô-sê” (Ô-sê 1:1; Giô-na 1:1). Về các tiên tri của Đức Chúa Trời, sứ đồ Phi-e-rơ cho biết là do “Thánh-Linh cảm-động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời”.—2 Phi-e-rơ 1:21.
Vậy Kinh Thánh là một cuốn sách gồm nhiều phần hợp lại nhưng thống nhất, do nhiều người viết, và những người này đều thừa nhận những gì họ ghi lại đến từ Đức Chúa Trời. Nói cách khác, Đức Chúa Trời dùng con người làm thư ký để ghi ra ý tưởng của Ngài. Ngài làm thế bằng cách nào?
“Bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn”
Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn” (2 Ti-mô-thê 3:16). Từ Hy Lạp dịch là “bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn” có nghĩa đen là “Đức Chúa Trời hà hơi vào”. Điều này có nghĩa Đức Chúa Trời dùng một lực vô hình để tác động đến tâm trí của những người viết, truyền tải thông điệp của Ngài cho họ. Tuy nhiên, trong trường hợp về Mười Điều Răn, chính Đức Giê-hô-va đã khắc những điều luật ấy trên bảng đá (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18). Đôi khi Đức Chúa Trời trực tiếp đọc thông điệp của Ngài để các tôi tớ loài người chép. Xuất Ê-díp-tô Ký 34:27 viết: “Đức Giê-hô-va cũng phán cùng Môi-se rằng: Hãy chép các lời nầy. . . ”.
Những lần khác, Đức Chúa Trời khiến con người thấy sự hiện thấy về những gì Ngài muốn họ ghi lại. Vì thế, Ê-xê-chi-ên nói: “Ta xem những sự hiện-thấy của Đức Chúa Trời” (Ê-xê-chi-ên 1:1). Tương tự, “Đa-ni-ên đang nằm trên giường, thì thấy chiêm-bao, và những sự hiện-thấy trong đầu mình. Người bèn viết chiêm-bao đó ra” (Đa-ni-ên 7:1). Sách cuối cùng của Kinh Thánh là Khải-huyền, được truyền cho sứ đồ Giăng theo cách tương tự. Ông viết: “Nhằm ngày của Chúa, tôi được. . . cảm-hóa, nghe đằng sau có tiếng kêu vang, như tiếng loa, rằng: Điều ngươi thấy, hãy chép vào một quyển sách”.—Khải-huyền 1:10, 11.
Văn phong của con người
Việc được Đức Chúa Trời soi dẫn không làm mất đi tính cách riêng của người viết. Trên thực tế, những người viết đã phải nỗ lực để ghi lại thông điệp của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, người viết sách Truyền-đạo của Kinh Thánh nói rằng ông “chuyên-lo tìm-kiếm những câu luận tốt-đẹp; và các lời đã viết ra đều là chánh-trực và chân-thật” (Truyền-đạo 12:10). Để biên soạn sách sử, E-xơ-ra đã tra cứu ít nhất 14 nguồn tài liệu, chẳng hạn như “sử-ký vua Đa-vít” và “sách các vua Giu-đa và Y-sơ-ra-ên” (1 Sử-ký 27:24; 2 Sử-ký 16:11). Người viết Phúc âm là Lu-ca “đã xét kỹ-càng từ đầu mọi sự. . . nên theo thứ-tự viết”.—Lu-ca 1:3.
Một số sách trong Kinh Thánh cho thấy những khía cạnh của cá tính người viết. Thí dụ, Ma-thi-ơ Lê-vi, một người thâu thuế trước khi trở thành môn đồ của Chúa Giê-su, đặc biệt để ý các con số. Ông là người viết Phúc âm duy nhất ghi lại số tiền trả cho việc phản Chúa Giê-su là “ba chục miếng bạc” (Ma-thi-ơ 27:3; Mác 2:14). Lu-ca, một thầy thuốc, ghi lại chính xác các chi tiết về bệnh lý. Chẳng hạn, khi tả bệnh trạng của một số người mà Chúa Giê-su đã chữa lành, ông dùng những từ như “đau rét nặng” và “mắc bịnh phung đầy mình” (Lu-ca 4:38; 5:12; Cô-lô-se 4:14). Vậy Đức Giê-hô-va thường cho phép người viết diễn đạt bằng từ ngữ và phong cách riêng của mình; thế nhưng, Ngài hướng dẫn ý tưởng của họ để họ viết ra những lời chính xác, truyền đạt thông điệp của Ngài.—Châm-ngôn 16:9.
Kết quả
Thử nghĩ điều này: Khoảng 40 người, viết ở những xứ khác nhau trong thời gian 1.600 năm, hoàn thành một cuốn sách hòa hợp về mọi khía cạnh và chứa đựng một đề tài tuyệt diệu, nhất quán. Chẳng phải điều đó kỳ diệu sao? (Xem bài “Kinh Thánh nói về điều gì?” nơi trang 19). Điều này không thể thực hiện nếu tất cả người viết không có cùng một Tác giả hướng dẫn.
Đức Giê-hô-va có nhất thiết phải dùng con người để viết ra Lời Ngài không? Không. Nhưng việc đó cho thấy sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Thật thế, một trong những lý do Kinh Thánh có sức thu hút trên khắp thế giới là những người viết diễn đạt sinh động mọi cảm xúc của con người—trong trường hợp vua Đa-vít, người viết Kinh Thánh miêu tả ngay cả mặc cảm tội lỗi của một người đã phạm tội nhưng biết ăn năn, nài xin lòng thương xót của Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 51:2-4, 13, 17, lời ghi chú ở đầu bài.
Mặc dù Đức Giê-hô-va dùng con người để viết ra Lời Ngài, chúng ta có thể tin nơi những gì họ viết, giống như các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu, là những người chấp nhận Kinh Thánh, “không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13.
CÓ BAO GIỜ BẠN THẮC MẮC:
◼ Ai là Tác giả của “cả Kinh-thánh”?—2 Ti-mô-thê 3:16.
◼ Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã dùng những cách nào để truyền tải ý tưởng của Ngài?—Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18; 34:27; Ê-xê-chi-ên 1:1; Đa-ni-ên 7:1.
◼ Cá tính và sở trường của những người được soi dẫn phản ánh thế nào qua những gì họ viết?—Ma-thi-ơ 27:3; Lu-ca 4:38.