Chương 12
Sự chết không phải là một kẻ thù không thể thắng được
SỰ CHẾT là ngược lại với sự sống. Mỗi đám tang cho thấy sự chết có quyền lực như một vị vua chinh phục được tất cả (Rô-ma 5:14). Nhiều thứ cây sống đến hơn 1.000 năm, một số loài cá sống đến 150 năm; nhưng loài người thì chỉ sống đến 70 hay 80 tuổi, rồi bị sự chết nuốt mất (Thi-thiên 90:10).
2 Vậy nên Kinh-thánh rất chí lý khi tả sự chết là một kẻ thù. Mặc dù chúng ta dường như đều có sẵn ước vọng được sống và học hỏi đến vô tận, nhưng dù có ai học đến mấy và có tài năng đến đâu, được bạn bè và thân quyến cảm mến thế nào đi nữa, thì rốt cuộc vẫn bị sự chết cướp đi mất (Truyền-đạo 3:11; 7:2). Phần đông người ta ý thức được sự chết là một kẻ thù; họ cố gắng một cách tuyệt vọng để trì hoãn chiến thắng của sự chết. Những người khác thì điên cuồng lao mình vào đủ mọi thú vui trước khi bị kẻ thù ấy thắng họ.
3 Tuy nhiên, suốt trong lịch sử, nhiều người đã tin là còn có sự sống sau khi chết. Triết gia Hy-lạp Plato dạy rằng con người có một linh hồn bất tử còn sống sau khi thân thể chết đi. Có thật không? Người ta càng chú ý đến điều đó vì gần đây có một số người kể lại chuyện theo đó họ đã chết và được sống lại, và tả những gì họ “đã thấy ở bên kia cửa tử thần”. Liệu người chết có còn tiếp tục sống ở đâu đó chăng? Liệu có thể chiến thắng được sự chết không?
CHIẾN THẮNG ĐẦU TIÊN CỦA SỰ CHẾT
4 Kinh-thánh cho thấy con người được tạo ra để sống chứ không phải để chết. Đức Chúa Trời đặt A-đam và Ê-va trong một cảnh vườn tuyệt diệu, nơi đây họ có thể vui hưởng sự sống. Ngài chỉ định một trong các thứ cây là “cây sự sống”. Chắc hẳn nếu A-đam và Ê-va tỏ ra biết ơn và trung thành với Đức Chúa Trời, thì rồi Ngài ắt sẽ cho phép họ ăn trái của cây ấy, tượng trưng cho việc Ngài ban sự sống đời đời cho họ (Sáng-thế Ký 1:30; 2:7-9). Tuy nhiên, họ đã chọn bất tuân lời Đức Chúa Trời, tội ấy đáng cho họ phải lãnh án tử hình (Sáng-thế Ký 3:17-19).
5 Nếu muốn biết sự chết có thực sự là một kẻ thù không thể thắng được hay không, chúng ta cần xem xét việc gì đã xảy ra khi sự chết chiến thắng trên A-đam và Ê-va. Họ có phải “chết” hoàn toàn không? Hay sự “chết” chỉ là chuyển tiếp sang một hình thái sống khác?
6 Sau khi A-đam đã ngu xuẩn phạm tội, Đức Giê-hô-va giữ theo lời nói thẳng thắn và công bình của Ngài và phán cùng A-đam:
“Ngươi sẽ làm đổ mồ-hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng-thế Ký 3:19).
Điều ấy có nghĩa gì đối với A-đam và đối với chúng ta ngày nay?
7 Sự tường thuật trước đó về việc sáng tạo ra A-đam cho chúng ta biết: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh-khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh-linh [một linh hồn sống]” (Sáng-thế Ký 2:7). Bạn hãy nghĩ xem điều ấy có nghĩa gì. Trước khi Đức Chúa Trời tạo thành A-đam từ bụi đất thì không có A-đam ở đâu cả. Vậy thì, sau khi A-đam chết và “trở về bụi đất”, thì cũng chẳng còn A-đam ở đâu hết (Sáng-thế Ký 5:3-5).
NGƯỜI CHẾT CÓ CÒN Ý THỨC KHÔNG?
8 Nhiều người có lẽ ngạc nhiên trước ý tưởng là một khi A-đam chết đi thì ông không còn tồn tại ở đâu nữa. Tuy nhiên, án phạt của tội lỗi được báo trước—A-đam phải chết và trở về bụi đất—không hề ám chỉ đến một sự sống tiếp diễn thêm nữa. Sự chết giản dị là trái ngược với sự sống, dù đối với loài người hay loài thú cũng thế. Cả hai loài đều có cùng một “thần linh” hay sinh lực. Do đó Kinh-thánh bình luận:
“Vì việc xảy đến cho con loài người làm sao, thì xảy đến cho loài thú cũng vậy; sự xảy đến cho hai loài giống hẳn với nhau. Sự chết của loài này cũng như sự chết của loài kia; hai loài đều thở một thứ hơi, loài người chẳng hơn gì loài thú... Cả thảy do bụi-đất mà ra, cả thảy sẽ trở về bụi-đất” (Truyền-đạo 3:19, 20).
9 Như thế có phải là người chết không còn nghĩ ngợi hay cảm giác gì nữa chăng? Truyền-đạo 9:4, 5 trả lời: “Con chó sống hơn là sư tử chết. Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết”. Khi một người chết thì “trong chính ngày đó các mưu-mô nó liền mất đi”; người ấy không còn cảm thấy gì và cũng chẳng làm gì được nữa (Thi-thiên 146:3, 4; 31:17).
10 Vì Kinh-thánh quả quyết với chúng ta rằng người chết không còn ý thức và cảm giác gì hết, cho nên điều ấy có nghĩa là sự chết chấm dứt mọi đau đớn và đau buồn. Gióp, một tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời, biết điều này. Khi ông đau khổ vì bị một chứng bệnh hành hạ, ông nói:
“Nhân sao tôi chẳng chết từ trong tử-cung?... Cớ sao hai đầu gối đỡ lấy tôi, và vú để cho tôi bú? Bằng chẳng vậy, bây giờ ắt tôi đã nằm an-tịnh, được ngủ và nghỉ-ngơi” (Gióp 3:11-13).
11 Nhưng còn về linh hồn thì sao?
12 Nói cách giản dị, Kinh-thánh dạy linh hồn bạn chính là bạn. Chúng ta đã đọc thấy điều ấy trong Sáng-thế Ký 2:7 rồi. Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời lấy bụi đất làm ra thân thể của A-đam, sau đó Ngài ban sự sống cho người đồng thời với hơi thở cần thiết để duy trì sự sống ấy. Kết quả là gì? Theo lời của chính Đức Chúa Trời thì người đàn ông ấy “đã trở nên một linh hồn sống [tiếng Hê-bơ-rơ, nephesh]” (Sáng-thế Ký 2:7, NW). A-đam không ban cho một linh hồn, cũng không nhận được một linh hồn; A-đam là một linh hồn. Khi dạy điều này, Kinh-thánh có sự kiên định từ đầu đến cuối. Nhiều thế kỷ sau đó, Phao-lô đã dẫn chiếu câu Sáng-thế Ký 2:7 và viết: “Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh-hồn sống [tiếng Hy-lạp, psykhe]” (I Cô-rinh-tô 15:45).
13 Chữ Hê-bơ-rơ nephesh và chữ Hy-lạp psykhe dùng trong các đoạn văn trên được dịch ra nhiều cách khác nhau. Trong Ê-xê-chi-ên 18:4 và Ma-thi-ơ 10:28, có nhiều bản Kinh-thánh đã dịch các chữ ấy là “linh hồn”, nhưng trong nhiều đoạn khác thì lại dịch là “mạng”, “tạo vật”, hoặc “người”. Các bản dịch ấy như thế đã diễn đạt đúng ý nghĩa của chữ “linh hồn” trong nguyên văn; và đem các bản ấy so sánh với nhau thì ta thấy ngay rằng linh hồn là tạo vật hay chính con người, chứ không phải là một phần vô hình nào của con người. Kinh-thánh áp dụng các từ ngữ nguyên thủy ấy cho cả thú vật, như vậy cho thấy rằng các thú vật cũng là những linh hồn, hay chúng có sự sống với tư cách là những linh hồn (Sáng-thế Ký 2:19; Lê-vi Ký 11:46; Khải-huyền 8:9).
14 Với tư cách là một linh hồn, A-đam, hoặc bất cứ ai trong chúng ta, đều có thể đói, ăn và cảm thấy mệt. Trong nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ, Kinh-thánh nói linh hồn làm những điều đó (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:24; Châm-ngôn 19:15; 25:25). Khi Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên điều răn cấm họ làm việc vào một ngày nào đó, Ngài đã làm rõ ràng một điểm quan trọng khác liên quan đến linh hồn, khi Ngài nói: “Phàm sinh linh [linh hồn sống] nào làm bất kỳ việc gì trong chính ngày ấy, ta sẽ diệt sinh linh ấy khỏi giữa lòng dân nó” (Lê vi [Lê-vi Ký 23:30] 23:30, Bản dịch Nguyễn thế Thuấn). Như vậy trong câu này, cũng như trong nhiều câu khác, Kinh-thánh đều dạy rằng linh hồn có thể chết (Ê-xê-chi-ên 18:4, 20; Thi-thiên 33:19)·
15 Biết lẽ thật này của Kinh-thánh có thể giúp chúng ta đánh giá đúng những chuyện gần đây về những người coi như đã chết (không còn nhịp tim đập và hoạt động của não bộ), nhưng sau đó hồi tỉnh và kể lại họ đã bay lơ lửng ngoài thân thể họ. Một lý do có thể là họ đã bị ảo giác do thuốc men gây ra, hay do não bộ bị thiếu dưỡng khí tạo thành. Dù giải thích như thế có là đầy đủ hay chưa đi nữa, chúng ta biết chắc chắn rằng chẳng có một linh hồn vô hình nào đã tách rời khỏi thân thể.
16 Hơn nữa, vì người chết ở trong tình trạng hoàn toàn không ý thức, và không có “linh hồn” nào thoát khỏi thân thể họ, cho nên không thể có một địa ngục đầy lửa hực chờ đón linh hồn của kẻ ác, phải không? Thế mà nhiều giáo hội dạy rằng kẻ ác bị hành hạ sau khi chết. Một số người sau khi học biết lẽ thật về người chết đã tỏ ra ngỡ ngàng đúng lý và hỏi: “Tại sao đạo của chúng tôi lại không cho biết lẽ thật về người chết?” Bạn thì có phản ứng thế nào? (So sánh Giê-rê-mi 7:31).
CÓ TƯƠNG LAI GÌ CHO NGƯỜI CHẾT KHÔNG?
17 Nếu người sống chỉ có một tương lai duy nhất là đi đến sự chết, chẳng còn ý thức gì nữa, thì sự chết quả là một kẻ thù không thể thắng được. Nhưng Kinh-thánh cho thấy là không phải như thế.
18 Tương lai liền trước mắt của một người sau khi chết là ở trong mồ mả. Trong những thứ tiếng nguyên thủy dùng để viết Kinh-thánh đều có một chữ để chỉ về chỗ của kẻ chết, mồ mả chung của nhân loại. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, chữ đó là Sheol; trong tiếng Hy-lạp là Hades. Một vài bản Kinh-thánh đã dịch những chữ ấy là “mồ”, “âm phủ”, hay “địa ngục”. Dù các bản dịch chọn cách dịch ra thế nào đi nữa, thì ý nghĩa trong tiếng nguyên thủy không nói đến một nơi lửa hực thống khổ, mà chỉ nói về mồ mả của người chết không còn ý thức gì nữa. Chúng ta đọc:
“Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình; vì dưới Âm-phủ [Sheol], là nơi ngươi đi đến, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan” (Truyền-đạo 9:10).
Sứ đồ Phi-e-rơ quả quyết với chúng ta rằng ngay cả Chúa Giê-su khi chết cũng đã đi vào mồ mả [tức Sheol, Hades, hay Âm phủ] (Công-vụ các Sứ-đồ 2:31; so sánh Thi-thiên 16:10).
19 Dĩ nhiên người chết không thể thay đổi tình trạng của họ (Gióp 14:12). Vậy có phải tương lai chỉ là sự vô ý thức trong sự chết hay không? Đối với một số người, câu trả lời là: đúng thế. Kinh-thánh dạy rằng kẻ nào bị Đức Chúa Trời từ bỏ hoàn toàn thì sẽ vĩnh viễn ở trong sự chết (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-9).
20 Người Do-thái thời xưa tin rằng những kẻ cực kỳ gian ác thì chẳng còn một tương lai nào cả sau khi chết. Bởi thế nên họ không chôn xác những kẻ ấy, mà đem quăng xuống một thung lũng ngoài tường thành Giê-ru-sa-lem, nơi mà người ta thường xuyên giữ cho lửa cháy để thiêu hủy rác rến. Đấy là thung lũng Hi-nôm, hay Ghê-hen-na. Chiếu theo tập quán ấy, Chúa Giê-su đã dùng chữ Ghê-hen-na để tượng trưng cho sự hủy diệt trọn vẹn và không còn hy vọng nào nữa về tương lai (Ma-thi-ơ 5:29, 30). Chẳng hạn ngài nói:
“Đừng sợ kẻ giết thân-thể mà không giết được linh-hồn [hy vọng sống với tư cách một linh hồn]; nhưng thà sợ Đấng [Đức Chúa Trời] làm cho mất được linh-hồn và thân-thể trong địa-ngục [Gehenna]” (Ma-thi-ơ 10:28).
Lời của Chúa Giê-su cho chúng ta lý do để hy vọng rằng nhiều người đã chết sẽ được sống lại trong tương lai, và như thế sẽ thắng được sự chết.
CHIẾN THẮNG NHỜ SỰ SỐNG LẠI
21 Đức Chúa Trời đã thực hiện một trong những việc phi thường nhất lịch sử khi Ngài làm cho Chúa Giê-su sống lại, sau khi Giê-su đã chết nhiều ngày rồi. Từ đó Chúa Giê-su trở thành một tạo vật thần linh, như trước khi ngài xuống trái đất (I Cô-rinh-tô 15:42-45; I Phi-e-rơ 3:18). Hàng trăm người đã thấy Chúa Giê-su hiện ra sau khi ngài được sống lại (Công-vụ các Sứ-đồ 2:22-24; I Cô-rinh-tô 15:3-8). Những nhân chứng này sẵn sàng liều chết để khẳng định đức tin của họ vào sự sống lại của Chúa Giê-su. Sự sống lại ấy chứng minh rằng sự chết không phải là một kẻ thù không thể thắng được. Chúng ta có thể chiến thắng sự chết! (I Cô-rinh-tô 15:54-57).
22 Nhiều người khác nữa cũng có thể chiến thắng sự chết. Những người sẽ được sống lại trên đất. Trong Lời của Ngài, Đức Giê-hô-va, Đấng không thể nói dối, đã bảo đảm với chúng ta là “sẽ có sự sống lại của người công-bình [những người đã biết ý định của Đức Chúa Trời và làm theo] và không công-bình [kẻ không thực hành sự công bình]” (Công-vụ các Sứ-đồ 24:15).
23 Chúng ta có thể tin cậy rằng Đức Chúa Trời có khả năng làm cho người ta sống lại. Loài người mà còn có thể ghi lại hình ảnh, tiếng nói và điệu bộ của một người nhờ phim ảnh hay băng vidéo, thì há Đức Chúa Trời lại chẳng có thể làm hơn thế sao? Trí nhớ của Ngài kỳ diệu hơn bất cứ cuộn phim hay cuộn băng nào. Ngài có thể tạo lại một cách trọn vẹn những người nào mà Ngài muốn làm sống lại (Thi-thiên 147:4). Ngài đã cung cấp bằng chứng về việc ấy trong quá khứ. Thực vậy, Kinh-thánh có thuật lại nhiều trường hợp Đức Chúa Trời đã dùng Con của Ngài để làm cho nhiều người được sống lại. Hai trong số các sự tường thuật lý thú ấy được ghi trong Giăng 11:5-44 và Lu-ca 7:11-17. Vậy, những người thờ phượng Đức Chúa Trời thời xưa hẳn có lý do chánh đáng để trông mong đến lúc Ngài sẽ nhớ đến họ và làm cho họ được sống lại. Như thế sẽ như là đánh thức họ dậy từ một giấc ngủ vô ý thức (Gióp 14:13-15).
24 Những người thời xưa được sống lại chắc chắn đã có thân nhân và bạn bè gặp lại vui mừng khôn xiết. Tuy nhiên, họ chỉ chiến thắng sự chết cách tạm thời mà thôi, vì rồi sau đó đến lúc họ lại phải chết nữa. Nhưng dẫu sao họ cho chúng ta nhìn thấy trước một biến cố đầy khích lệ, điều mà Kinh-thánh gọi là “sự sống lại tốt hơn” (Hê-bơ-rơ 11:35). Thật vậy, sự sống lại trong tương lai sẽ tốt hơn lắm lắm, vì lẽ những ai được sống lại trên đất sẽ chẳng phải chết nữa. Đó có nghĩa là một chiến thắng trọn vẹn trên sự chết (Giăng 11:25, 26).
25 Những điều Kinh-thánh nói về việc Đức Chúa Trời có thể và chắc chắn sẽ hủy diệt sự chết cho ta thấy tất cả sự quan tâm đầy yêu thương của Ngài đối với nhân loại. Điều ấy phải giúp chúng ta hiểu hơn về Đức Giê-hô-va, và kéo chúng ta đến gần Ngài hơn. Những lẽ thật ấy cũng giúp chúng ta giữ sự thăng bằng, vì chúng ta được giải thoát khỏi nỗi lo sợ bệnh hoạn trước sự chết thường đè nặng trên nhiều người. Chúng ta cũng có thể nuôi hy vọng tuyệt diệu là gặp lại những người thân yêu đã mất, khi họ được sống lại, và sự chết sẽ bị đánh bại (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13; Lu-ca 23:43).
[Câu hỏi thảo luận]
Tại sao chúng ta lại nên xem xét coi sự chết, “kẻ thù” của chúng ta có nghĩa là gì? (Gióp 14:1, 2) (1-3)
Làm sao sự chết đã đến trên nhân loại? (4, 5)
Sự chết đối với A-đam có nghĩa gì? (6, 7)
Làm sao bạn có thể dựa vào Kinh-thánh để chứng minh rằng những người chết không còn ý thức? (8-11)
Theo Kinh-thánh thì “linh hồn” nghĩa là gì? (12, 13)
Linh hồn có thể chết không? Điều ấy ám chỉ gì? (14-16)
Khi một người chết đi thì điều gì sẽ xảy ra cho người ấy? (17-20)
Làm sao có thể chiến thắng được sự chết? (21, 22)
Tại sao chúng ta có thể vui mừng nghĩ đến tương lai? (23-25)
[Khung nơi trang 117]
‘Điều đáng chú ý là trong Tân Ước chúng ta không thấy địa ngục đầy lửa được nêu ra trong cuộc rao giảng hồi ban đầu. Nhưng người ta thấy trong Tân Ước có những điều cho biết rằng số phận sau cùng của những kẻ từ chối sự cứu rỗi do Đức Chúa Trời cung cấp chỉ có thể là sự hủy diệt, chứ không phải sự trừng phạt đời đời’ (“A Dictionary of Christian Theology”, chủ biên Alan Richardson).
[Hình nơi trang 114]
BỤI ĐẤT
A-ĐAM
BỤI ĐẤT
[Hình nơi trang 119]
Sự sống lại của La-xa-rơ chứng tỏ có thể chiến thắng được sự chết