Chương 18
Có điều tốt trong mọi tôn giáo không?
KHI bàn đến tôn giáo, nhiều người nói: “Có điều tốt trong mọi tôn giáo” hoặc “Tất cả các đạo đều là những con đường khác nhau dẫn đến Thượng Đế”.
2 Cũng dễ hiểu tại sao người ta thấy hầu như đạo nào cũng có cái tốt vì hầu hết các đạo đều nói đến tình yêu thương và dạy rằng giết người, trộm cắp và nói dối là sai quấy. Có những nhóm tôn giáo đã cử giáo sĩ đến điều hành các bệnh viện và giúp đỡ người nghèo. Đặc biệt là trong hai thế kỷ vừa qua, các tôn giáo ấy đã tham gia công việc dịch và truyền bá Kinh-thánh, như vậy đã giúp cho nhiều người hơn nhận được lợi ích của Lời Đức Chúa Trời (II Ti-mô-thê 3:16). Tuy nhiên, chúng ta cần phải tự hỏi xem chính Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su có quan điểm như thế nào về các tôn giáo.
ĐƯỜNG ĐÚNG LÀ ĐƯỜNG CHẬT
3 Một số người cho rằng có điều tốt trong mọi tôn giáo, bởi thế họ nghĩ rằng những người có đầu óc hẹp hòi thì mới tin rằng Đức Chúa Trời không chấp nhận phần đông người dù là họ theo tôn giáo gì đi nữa. Nhưng Chúa Giê-su vốn hiểu rõ và phản ảnh cách suy nghĩ của Cha ngài, nên ngài đã có quan điểm khác hẳn (Giăng 1:18; 8:28, 29). Không ai trong chúng ta có lý do chính đáng để cho rằng Con của Đức Chúa Trời có đầu óc hẹp hòi. Chúng ta hãy xem ngài nói gì trong Bài giảng trên Núi:
“Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng-khoát dẫn đến sự hư-mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít” (Ma-thi-ơ 7:13, 14).
4 Muốn đi vào con đường hẹp ấy và được Đức Chúa Trời chấp nhận thì chúng ta phải làm gì? Một số người cổ xúy chủ nghĩa tự do hoặc chủ trương thống nhất tôn giáo, sẽ đáp rằng: “Thì chỉ cần làm lành, tránh làm dữ cho kẻ khác là đủ rồi”, hoặc “Cốt yếu là phải chấp nhận Giê-su là Chúa”. Nhưng chính Chúa Giê-su nói rằng cần phải làm nhiều hơn thế nữa:
“Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên-đàng đâu; nhưng chỉ kẻ LÀM THEO Ý-MUỐN CỦA CHA TA ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà... làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ-ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian-ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” (Ma-thi-ơ 7:21-23).
5 Quả thật là Chúa Giê-su có khuyên chúng ta chớ nên xét đoán những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác (Ma-thi-ơ 7:3-5; Rô-ma 14:1-4). Nhưng về tôn giáo là một vấn đề tối quan trọng, Chúa Giê-su có cho thấy rõ cần phải triệt để theo sát Kinh-thánh và làm theo ý muốn của Cha ngài. Ngài lên án các sự thực hành và các dạy dỗ trái nghịch với Lời của Đức Chúa Trời. Vì sao vậy? Vì ngài biết rằng Sa-tan dùng tôn giáo làm một cạm bẫy (II Cô-rinh-tô 4:4). Sa-tan chuyên dùng lời phỉnh gạt nhưng trình bày xảo trá khiến thành ra hấp dẫn (Sáng-thế Ký 3:4, 5; I Ti-mô-thê 4:1-3). Ngay cả trong vòng những kẻ tự xưng là tín đồ đấng Christ cũng có nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo phục vụ các ý muốn của Ma-quỉ (II Cô-rinh-tô 11:13-15). Họ dạy dỗ những điều trình bày sai lệch đường lối quảng đại và đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va. Bởi vậy chẳng ngạc nhiên gì khi Chúa Giê-su lột mặt nạ các nhà lãnh đạo tôn giáo dạy những điều trái với Kinh-thánh (Ma-thi-ơ 15:1-20; 23:1-38).
6 Phần đông người ta theo đạo kiểu cha truyền con nối. Người khác thì làm theo số đông người xung quanh họ. Tuy nhiên, ngay cho dù người ta có thành tâm đi nữa, thì điều ấy vẫn có thể đưa người ấy vào ‘đường khoảng-khoát dẫn đến sự hư-mất’ (Giăng 16:2; Châm-ngôn 16:25). Sứ đồ Phao-lô (cũng có tên là Sau-lơ) đã hết sức sốt sắng trong đạo của ông đến nỗi ông đi bắt bớ tín đồ đấng Christ. Thế nhưng để được Đức Chúa Trời chấp nhận, ông đã phải cải đạo để đi theo một lối thờ phượng mới (I Ti-mô-thê 1:12-16; Công-vụ các Sứ-đồ 8:1-3; 9:1, 2). Sau này, ông được Đức Chúa Trời soi dẫn để viết rằng có những người rất sùng đạo và có “lòng sốt sắng về Đức Chúa Trời, nhưng không theo sự hiểu biết chính xác” (Rô-ma 10:2). Bạn có sự hiểu biết chính xác về ý muốn của Đức Chúa Trời như ghi trong Kinh-thánh không? Bạn có hành động phù hợp theo đó không?
7 Bạn chớ nên coi thường điều ấy mà nghĩ rằng cho dù bạn không hoàn toàn ở trên con đường đúng đi nữa thì Đức Chúa Trời cũng vẫn thông cảm cho bạn mà không đòi bạn phải thay đổi gì cả. Kinh-thánh nói rằng Đức Chúa Trời muốn người ta “đạt tới sự hiểu biết chính xác về lẽ thật” và rồi sống phù hợp với sự hiểu biết ấy (I Ti-mô-thê 2:3, 4; Gia-cơ 4:17). Ngài đã báo trước là trong “ngày sau-rốt” sẽ có lắm kẻ “bề ngoài giữ điều nhơn-đức, nhưng chối-bỏ quyền-phép của nhơn-đức đó” và Ngài đã ra lệnh sau đây: “Những kẻ thể ấy, con hãy lánh xa đi” (II Ti-mô-thê 3:1-5).
LÀM SAO BIẾT ĐƯỢC?
8 Tuy rằng sự thờ phượng đẹp lòng Đức Chúa Trời phải phù hợp với “sự hiểu biết chính xác”, vậy mà phần lớn các giáo hội đã dạy những giáo lý nghịch lại với Kinh-thánh (Rô-ma 10:2). Để thí dụ, họ cố giữ giáo lý trái ngược với Kinh-thánh cho rằng con người có một linh hồn bất diệt. (Ê-xê-chi-ên 18:4, 20; xem trang 115). Một số người có thể nói: “Giáo lý ấy có gì là xấu đâu”. Nhưng chớ nên quên lời nói dối đầu tiên của Sa-tan là phạm tội không chết đâu (Sáng-thế Ký 3:1-4). Ngày nay sự chết là điều không thể tránh được, nhưng giáo lý về linh hồn bất tử tiếp tục tán trợ cho lời nói dối của Sa-tan. Điều này đã khiến hàng triệu người đi đến chỗ có những liên lạc đáng sợ với các quỉ vì chúng giả vờ làm như linh hồn của người chết. Hơn nữa, giáo lý giả dối ấy còn làm mất đi ý nghĩa của lời dạy dỗ trong Kinh-thánh nói về sự sống lại (Công-vụ các Sứ-đồ 24:15).
9 Hạnh kiểm đạo đức cũng bị ảnh hưởng vì cớ nhiều tôn giáo chấp nhận hoặc khuyến khích các ngày lễ và phong tục dựa trên niềm tin về linh hồn bất tử. Lễ Chư thánh, Lễ Người chết và nhiều lễ khác tương tợ là các lễ pha trộn các sự thực hành bắt nguồn từ các tôn giáo không phải là đạo đấng Christ.
10 Việc pha trộn ngoại giáo với đạo đấng Christ còn thấy trong những lễ khác nữa, như lễ Giáng sinh chẳng hạn. Đức Chúa Trời bảo tín đồ đấng Christ làm lễ kỷ niệm sự chết của Chúa Giê-su chứ không hề dặn kỷ niệm sự sanh ra của ngài (I Cô-rinh-tô 11:24-26). Hơn nữa, Kinh-thánh cho thấy rằng Chúa Giê-su không sanh vào tháng 12, vì vào tháng ấy trời thường lạnh và mưa dầm ở xứ Y-sơ-ra-ên (Lu-ca 2:8-11). Bạn có thể kiểm chứng trong hầu hết mọi bách khoa tự điển để thấy rằng ngày 25 tháng 12 đã được chọn vì là một ngày lễ của dân Rô-ma. Ông James Frazer lưu ý:
“Xem xét chung mọi sự trùng hợp giữa các lễ này [Giáng sinh và Phục sinh] với các lễ ngoại giáo, thì ta thấy những nét trùng hợp ấy quá gần nhau và quá nhiều, khó lòng mà cho là ngẫu nhiên được... [Hàng giáo phẩm] hiểu rằng nếu đạo của Đấng Kitô muốn chinh phục cả thế gian thì chỉ có cách nới lỏng các nguyên tắc quá khắt khe của Đấng Sáng lập, nới rộng đôi chút cánh cửa hẹp dẫn đến sự cứu rỗi” (The Golden Bough).
11 Một khi hiểu rõ được sự kiện đích xác, thì liệu một người có lòng yêu mến thành thật đối với Đức Giê-hô-va có thể nào lại tiếp tục chấp nhận các tin tưởng và thực hành dựa trên sự hòa giải với tà giáo, hay không? Có thể đối với một số người thì những điều dạy dỗ ấy hay những sự thực hành ấy có vẻ chỉ là nhỏ nhặt. Nhưng Kinh-thánh nói rõ: “Một ít men làm cho dậy cả đống bột” (Ga-la-ti 5:9).
CHIẾN TRANH VÀ ĐẠO ĐỨC
12 Chúa Giê-su nêu ra một qui tắc khác nữa để cho phép người ta nhận biết tôn giáo nào được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Ngài nói với môn đồ: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:34, 35). Đa số các giáo hội có nói đến việc bày tỏ tình yêu thương, nhưng họ có thật sự khuyến khích loại tình yêu thương mà Chúa Giê-su đã khuyến khích không?
13 Chúng ta đã thấy là tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất đã sống phù hợp với sự mô tả tiên tri nơi Ê-sai 2:4. Họ đã ‘lấy gươm rèn lưỡi-cày... chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng kẻ khác và chẳng còn tập sự chiến-tranh nữa’. (Xem trang 116, 117). Nhưng các giáo hội và hàng giáo phẩm của họ có thái độ nào? Nhiều người qua kinh nghiệm cá nhân biết rằng các giáo hội đã chấp nhận và ban phước cho các cuộc chiến tranh—người Công giáo giết người Công giáo, người Tin lành giết người Tin lành. Điều này chắc chắn là không theo gương của Chúa Giê-su để lại. Điều đáng chú ý là chính các nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái thời xưa đã chấp thuận việc giết Chúa Giê-su, vì cho rằng quyền lợi của quốc gia bị đe dọa (Giăng 11:47-50; 15:17-19; 18:36).
14 Để giúp xem xét thêm một tôn giáo nào có được Đức Chúa Trời chấp nhận hay không, hãy xem xét tôn giáo ấy có bênh vực các tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời hay không, hay là nhắm mắt lờ đi trước các sự sai quấy. Chúa Giê-su đã cố gắng giúp đỡ những kẻ đầy tội lỗi, kể cả kẻ say sưa và gái điếm nữa. Môn đồ của ngài cũng đã cố gắng y như vậy (Ma-thi-ơ 9:10-13; 21:31, 32; Lu-ca 7:36-48; 15:1-32). Còn nếu người nào đã là tín đồ đấng Christ rồi mà lại phạm tội, thì các anh em tín đồ có thể giúp người ấy tìm lại được ân phước của Đức Chúa Trời, và phục hồi sức khỏe thiêng liêng (Ga-la-ti 6:1; Gia-cơ 5:13-16). Nhưng nếu một người thực hành tội lỗi mà không ăn năn thì sao?
15 Đó là trường hợp một người đàn ông ở Cô-rinh-tô mà Phao-lô có nói như sau:
“Tôi viết khuyên anh em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian-dâm, hoặc tham-lam, hoặc thờ hình-tượng, hoặc chửi-rủa, hoặc say-sưa, hoặc [cưỡng đoạt], cũng không nên ăn chung với người thể ấy... Hãy trừ-bỏ kẻ gian-ác khỏi anh em’” (I Cô-rinh-tô 5:11-13).
Nhân-chứng Giê-hô-va theo đúng lời căn dặn của Đức Chúa Trời về mặt này. Khi một người nào phạm tội nặng mà lại từ chối sự giúp đỡ và không chịu từ bỏ lối sống vô luân, thì người ấy phải bị khai trừ ra khỏi hội thánh. Điều này có thể khiến cho người ấy nhận thức ra rằng cần phải quay trở về với lẽ phải. Nhưng dù trường hợp này có xảy ra hay không, thì biện pháp ấy cũng nhằm che chở các hội viên thành thật trong hội thánh, là những người mặc dù cũng còn bất toàn, nhưng vẫn cố gắng sống phù hợp với các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 5:1-8; II Giăng 9-11).
16 Dầu vậy, có lẽ bạn từng biết có người đều đặn đi nhà thờ nhưng vẫn công khai thực hành tội lỗi, thế mà họ vẫn rất được tôn trọng trong nhà thờ vì lẽ họ giàu có hoặc có thế lực. Khi từ chối vâng theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời truyền dặn phải khai trừ những kẻ phạm tội mà không ăn năn, các giáo hội đã khiến cho giáo dân của họ nghĩ rằng họ cũng có thể phạm tội mà không bị phạt (Truyền-đạo 8:11; I Cô-rinh-tô 15:33). Đức Chúa Trời không thể chấp nhận những ai sanh ra bông trái xấu như vậy (Ma-thi-ơ 7:15-20; Khải-huyền 18:4-8).
VỮNG BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG SỰ SỐNG
17 Một khi bạn tìm được “con đường dẫn đến sự sống”, thì bạn phải tiếp tục học hỏi Kinh-thánh để vững bước trên con đường ấy. Hãy thử đọc Kinh-thánh mỗi ngày, và vun trồng lòng ham thích làm thế (I Phi-e-rơ 2:2, 3; Ma-thi-ơ 4:4). Như vậy bạn sẽ được sắm sẵn để làm “mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16, 17).
18 Những việc lành ấy bao gồm việc sống phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời, tỏ lòng nhân từ và sẵn sàng giúp đỡ mọi người, nhất là anh em cùng đức tin với mình (Gia-cơ 1:27; Ga-la-ti 6:9, 10). Đây là điều chính Chúa Giê-su đã làm. Ngoài việc nêu gương mẫu tuyệt hảo về phương diện đạo đức, ngài còn chữa lành kẻ ốm đau, nuôi ăn kẻ đói khát và an ủi người ngã lòng. Ngài đặc biệt chăm lo dạy dỗ và làm vững mạnh môn đồ ngài. Mặc dù chúng ta không thể nào bắt chước các phép lạ của ngài, nhưng chúng ta có thể cố gắng trong khả năng của mình giúp đỡ thực tế cho người khác; điều này có thể thúc đẩy một số người tôn vinh Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 2:12).
19 Nhưng Chúa Giê-su còn thực hiện nhiều việc tốt lành khác nữa. Ngài biết rằng việc tốt lành nhất có thể làm cho người khác là giúp họ hiểu biết về sự thờ phượng mà Đức Chúa Trời chấp nhận và dạy họ biết đến ý định của Nước Đức Chúa Trời. Nhờ sự hiểu biết ấy, họ có thể đạt tới mục tiêu là sống đời đời trong hạnh phúc (Lu-ca 4:18-21).
20 Ngày nay cũng vậy, tín đồ đấng Christ phải cố gắng làm chứng cho Đức Giê-hô-va qua hạnh kiểm tốt của mình, gồm việc giúp đỡ người khác và “giữ lấy mình cho khỏi sự ô-uế của thế gian” (Ê-sai 43:10-12; Gia-cơ 1:27; Tít 2:14). Họ cũng có thể đem “tin mừng” đến tận nhà mỗi người, kiên tâm làm công việc này cho đến khi Đức Chúa Trời phán là công việc ấy đã xong (Lu-ca 10:1-9). Bạn không muốn giúp người lân cận, kể cả gia đình mình, biết được cách thờ phượng mà Đức Giê-hô-va đẹp lòng hay sao? Thế thì bạn cũng nên công bố đức tin của mình; làm như vậy bạn sẽ có thể giúp người khác tìm được con đường dẫn tới sự sống (Rô-ma 10:10-15).
[Câu hỏi thảo luận]
Tại sao chúng ta phải xem xét để biết có điều tốt trong mọi tôn giáo không? (1, 2)
Chúa Giê-su có quan điểm nào về tôn giáo, và tại sao? (3-5)
Tại sao chúng ta phải có sự hiểu biết chính xác là điều rất quan trọng? (6, 7)
Có những điều dạy dỗ và thực hành thông thường nghịch với Kinh-thánh như thế nào? (8-11)
Về vấn đề chiến tranh, các giáo hội và đạo thật của đấng Christ khác nhau ở điểm nào? (12, 13)
Đạo thật của đấng Christ có thái độ nào đối với các tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời? (14-16)
Làm sao chúng ta có thể vững bước trên con đường sự sống? (17, 18)
Tín đồ đấng Christ còn phải thi hành một công việc rất quan trọng nào? (19, 20)
[Khung nơi trang 173]
GIÁ TRỊ VÀ BẠO LỰC TẠI AUSCHWITZ”
Trong cuốn sách nhan đề như trên, tác giả Anna Pawelczynska, một nhà xã hội học người Ba-lan, ghi nhận rằng tại Đức Quốc Xã, “Nhân-chứng Giê-hô-va đã vì đức tin của họ mà kháng cự một cách bất bạo động chống lại mọi hình thức chiến tranh và bạo lực”. Kết quả là gì? Bà giải thích:
“Nhóm tù nhân nhỏ đó là một lực lượng vững chắc có lý tưởng và họ đã thắng Chủ nghĩa quốc xã. Nhóm người Đức theo giáo phái này giống như một hòn đảo nhỏ xíu bền bỉ kháng cự, hòn đảo nằm trong lòng cả một quốc gia đang bị khiếp sợ; và cũng với cái tinh thần không nao núng ấy, họ đã hoạt động trong trại tập trung ở Auschwitz. Họ được sự kính nể của các tù nhân khác... của các tù nhân làm việc hành chánh, và của cả các sĩ quan SS nữa. Mọi người đều biết rằng không một Nhân-chứng Giê-hô-va nào thi hành một mệnh lệnh đi ngược lại giáo điều và tín ngưỡng của mình”.
[Hình nơi trang 175]
Bạn đang ở trên đường rộng...
...hay trên đường hẹp?