Sự phát triển và gia tăng của họ ngày nay
Lịch sử hiện đại của Nhân-chứng Giê-hô-va đã hình thành cách đây hơn một trăm năm. Vào đầu thập niên 1870, một nhóm nhỏ các học viên Kinh-thánh được thành lập ở Allegheny City, Pennsylvania, Hoa Kỳ—nay thuộc thành phố Pittsburgh. Anh Charles Taze Russell là người đứng ra dẫn đầu nhóm. Tháng 7-1879, số đầu tiên của tạp chí Zion’s Watch Tower and Herald of Christ’s Presence (Tháp Canh Si-ôn và Sứ giả loan báo sự hiện diện của đấng Christ) ra mắt độc giả. Đến năm 1880, nhóm nhỏ các học viên Kinh-thánh đã tăng lên đến cả chục hội thánh, lan rộng sang các tiểu bang lân cận. Vào năm 1881 Zion’s Watch Tower Tract Society (Hội Tháp Canh Si-ôn) được thành lập, và năm 1884, Hội được chính thức công nhận về mặt pháp lý với anh Russell làm chủ tịch. Sau đó Hội được đổi tên thành Watch Tower Bible and Tract Society (Hội Tháp Canh). Nhiều người làm chứng từ nhà này sang nhà kia để mời đọc các tài liệu Kinh-thánh. Vào năm 1888, có 50 người đã làm công việc này trọn thời gian—hiện nay con số trung bình trên khắp thế giới đã vượt quá 660.000 người.
Đến năm 1909, công việc đã mang tầm vóc quốc tế, và trụ sở trung ương của Hội được dời về địa điểm hiện nay ở Brooklyn, New York. Những bài thuyết giảng được đăng trên các báo, và đến năm 1913, những bài này được thực hiện trong bốn thứ tiếng và đăng trên 3.000 tờ báo ở Hoa Kỳ, Canada và Châu Âu. Các sách, sách mỏng và giấy nhỏ được phân phối đến hàng trăm triệu bản.
Năm 1912, Photo-Drama of Creation (Hình ảnh về sự sáng tạo) bắt đầu được thực hiện bằng phim đèn chiếu (slide) và phim chiếu bóng có tiếng nói. Bộ phim tường thuật từ sự sáng tạo trái đất cho đến khi kết thúc Triều đại Một Ngàn Năm của đấng Christ. Hội bắt đầu chiếu phim này vào năm 1914, và mỗi ngày có 35.000 người xem. Đó là cuốn phim đầu tiên thuộc loại phim chiếu bóng có tiếng nói.
NĂM 1914
Lúc ấy thời kỳ vô cùng quan trọng sắp đến gần. Năm 1876 học viên Kinh-thánh Charles Taze Russell đã viết bài “Gentile Times: When Do They End?” (Thời kỳ dân ngoại: Khi nào chấm dứt?) đăng trên tạp chí Bible Examiner (Xem xét Kinh-thánh), xuất bản ở Brooklyn, New York, nơi trang 27 số phát hành tháng 10 có nói: “Bảy kỳ sẽ kết thúc vào năm 1914 công nguyên”. Thời kỳ dân ngoại là khoảng thời gian mà Giê-su gọi là “các thời-kỳ Ngoại-bang” (Lu-ca 21:24, Ghi-đê-ôn). Không phải tất cả mọi điều chờ đợi đã xảy ra vào năm 1914, nhưng năm này thật đã đánh dấu sự kết thúc của Thời kỳ dân ngoại và là năm có ý nghĩa đặc biệt. Nhiều sử gia và bình luận gia đều đồng ý rằng năm 1914 là một khúc quanh trong lịch sử nhân loại. Những lời trích dẫn sau đây minh chứng điều này:
“Năm cuối cùng hoàn toàn ‘bình thường’ trong lịch sử là năm 1913; cái năm trước Thế chiến I bắt đầu” (bài xã luận của tờ Times-Herald, Washington, D.C., ngày 13-3-1949).
“Kể từ năm 1914, bất cứ ai quan sát tình hình thế giới đều lo sợ tột độ vì dường như có một tiến trình đã được định trước và không thể tránh được đang đưa đẩy người ta tới một thảm họa còn tệ hơn bao giờ hết. Nhiều người có trí óc suy nghĩ đã cảm thấy rằng ta không thể làm được gì để tránh cho thế giới khỏi lao vào sự sụp đổ” (Bertrand Russell, The New York Times Magazine, ngày 27-9-1953).
“Toàn thế giới đã thật sự bị nổ tung trong Thế chiến I và chúng ta vẫn không biết tại sao. Trước đó, người ta nghĩ rằng một xã hội lý tưởng đã gần đến. Lúc đó đang có hòa bình và thịnh vượng. Thế rồi mọi cái đều nổ tung cả lên. Chúng ta đã ở trong trạng thái bất động kể từ đó... Số người bị giết trong thế kỷ này nhiều hơn trong suốt lịch sử” (Tiến sĩ Walker Percy, American Medical News, ngày 21-11-1977).
Hơn 50 năm sau năm 1914, chính khách người Đức Konrad Adenauer viết: “An ninh và yên ổn đã biến mất khỏi cuộc sống con người kể từ năm 1914” (The West Parker, Cleveland, Ohio, ngày 20-1-1966).
Anh C. T. Russell, chủ tịch đầu tiên của Hội, mất năm 1916, và năm sau đó anh Joseph F. Rutherford lên thay thế. Rồi có nhiều sự thay đổi. Một tạp chí đồng hành với tạp chí Tháp Canh, gọi là The Golden Age (Thời đại Hoàng Kim), được ra mắt độc giả. (Ngày nay tờ này được gọi là Awake! [Tỉnh Thức!], với tổng số phát hành gần 16.000.000 bản trong hơn 75 thứ tiếng). Việc làm chứng từ nhà này sang nhà kia được đẩy mạnh hơn. Để phân biệt với các đạo tự xưng theo đấng Christ, những người này lấy tên Nhân-chứng Giê-hô-va vào năm 1931. Tên này dựa trên sách Ê-sai 43:10 -12.
Phương tiện truyền thanh được sử dụng rộng rãi trong những thập niên 1920 và 1930. Đến năm 1933, Hội đã dùng 403 đài phát thanh để phổ biến các bài diễn văn về Kinh-thánh. Sau này, các Nhân-chứng gia tăng những cuộc viếng thăm từ nhà này sang nhà kia để thay thế cho việc sử dụng phương tiện truyền thanh. Họ dùng những máy quay đĩa xách tay và những bài giảng Kinh-thánh được thu vào đĩa. Khi có người chú ý, họ bắt đầu học hỏi Kinh-thánh tại nhà với người đó.
NHỮNG VỤ THẮNG KIỆN
Trong những thập niên 1930 và 1940, nhiều Nhân-chứng bị bắt giam vì làm công việc này và họ đã nhờ luật pháp để bảo vệ quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp và thờ phượng. Ở Hoa Kỳ, các Nhân-chứng đã kháng án các phán quyết của tòa sơ thẩm và đã thắng 43 vụ kiện trước Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Cũng vậy, ở các xứ khác, tòa án cao cấp đã đưa ra những phán quyết thuận lợi. Liên quan đến những vụ thắng kiện này, Giáo sư C. S. Braden, trong cuốn sách của ông nhan đề These Also Believe (Họ cũng có niềm tin), nói về các Nhân-chứng: “Họ đã đóng góp một cách đáng kể vào nền dân chủ bằng việc phấn đấu để bảo vệ các quyền công dân của họ, vì trong cuộc phấn đấu, họ đã làm được rất nhiều để bảo đảm các quyền đó cho mọi nhóm người thiểu số ở Mỹ”.
NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN ĐẶC BIỆT
Anh J. F. Rutherford mất năm 1942 và anh N. H. Knorr lên tiếp tục chức vụ chủ tịch. Một chương trình phối hợp để huấn luyện đã bắt đầu. Năm 1943 một trường đặc biệt đào tạo giáo sĩ, gọi là Trường Kinh-thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh được thành lập. Từ đó trở đi, những người tốt nghiệp trường này được gửi đi trên 200 xứ ở khắp đất. Nhiều hội thánh được thành lập tại những nước mà trước đây chưa từng có hội thánh, và ngày nay có hơn 100 chi nhánh được thành lập trên khắp thế giới. Thỉnh thoảng cũng có những khóa học đặc biệt để huấn luyện các trưởng lão hội thánh, những người làm việc tự nguyện ở các chi nhánh, và những người rao giảng trọn thời gian (người tiên phong).
Anh N. H. Knorr mất năm 1977. Một trong những thay đổi cuối cùng về mặt tổ chức mà anh đã giúp thực hiện trước khi chết là mở rộng Hội đồng Lãnh đạo Trung ương, tại trụ sở trung ương ở Brooklyn. Năm 1976 các trách nhiệm quản trị được phân chia và giao cho nhiều ủy ban khác nhau do các thành viên của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương hợp thành. Mỗi người trong số 11 thành viên của Hội đồng (vào năm 1994) đều đã phụng sự trọn thời gian trung bình hơn 58 năm.
MỞ RỘNG CÁC CƠ SỞ ẤN LOÁT
Trong lịch sử hiện đại của Nhân-chứng Giê-hô-va có rất nhiều biến cố sôi nổi. Từ một nhóm nhỏ những người học hỏi Kinh-thánh ở Pennsylvania vào năm 1870, đến năm 1995 số các Nhân-chứng đã gia tăng lên đến hơn 78.000 hội thánh trên khắp thế giới. Ban đầu thì Hội mướn in hết các sách báo; sau đó, vào năm 1920, một số tài liệu được Nhân-chứng xuất bản tại các nhà in thuê. Nhưng từ năm 1927 trở đi, nhiều tài liệu hơn đã bắt đầu được sản xuất ở xưởng in tám tầng của Hội Tháp Canh (Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc.) tọa lạc tại Brooklyn, New York. Hiện nay tòa nhà này đã mở rộng thành bảy nhà in và một khu văn phòng rộng lớn. Gần đó, cũng ở Brooklyn, có nhiều tòa nhà khác dùng làm chỗ ở cho hơn 3.000 người tình nguyện làm việc tại các nhà in này. Hàng trăm người khác nữa phục vụ tại một cơ sở giáo dục ở Patterson, New York. Thêm vào đó có một nông trại và cũng là cơ xưởng với khoảng 1.000 nhân công hoạt động gần Wallkill ở phía bắc New York. Nơi đây in tạp chí Tháp Canh và Awake! và sản xuất thực phẩm cho mấy ngàn người tình nguyện. Mỗi người được một khoản tiền nhỏ hoàn lại các món chi tiêu riêng.
CÁC HỘI NGHỊ QUỐC TẾ
Năm 1893, hội nghị lớn đầu tiên được tổ chức ở Chicago, Illinois, Hoa Kỳ. Có 360 người tham dự, và 70 người mới đã làm báp têm. Vào năm 1958, một hội nghị quốc tế lớn được tổ chức lần cuối tại New York City. Hội nghị này diễn ra tại cả hai sân vận động Yankee Stadium và Polo Grounds, số người tham dự cao nhất là 253.922 người, và có 7.136 người làm báp têm. Kể từ đó, các hội nghị quốc tế được tổ chức thành một chuỗi hội nghị ở nhiều nước. Ngày nay có hơn 1.500 các hội nghị như thế trong hơn 120 nước.
[Câu nổi bật nơi trang 6]
Những cuốn phim đầu tiên có tiếng nói
[Câu nổi bật nơi trang 7]
Một khúc quanh trong lịch sử nhân loại
[Câu nổi bật nơi trang 8]
Góp phần một cách đáng kể vào sự tự do của người dân
[Hình nơi trang 6]
Tạp chí Tháp Canh tăng từ 6.000 bản trong một thứ tiếng đến hơn 18.000.000 bản trong hơn 120 thứ tiếng
[Các hình nơi trang 10]
Các nhà in ở Wallkill, New York,
...và ở Brooklyn, New York