Bài học số 3—Xác định những biến cố trong dòng thời gian
Bàn luận về cách tính thời gian vào thời Kinh Thánh và về niên đại của những biến cố nổi bật trong Kinh Thánh, cả phần tiếng Hê-bơ-rơ lẫn phần tiếng Hy Lạp.
1. (a) Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va là Đấng ấn định thì giờ cách chính xác? (b) Việc hiểu biết niên đại Kinh Thánh đã tiến triển thế nào?
KHI ban cho Đa-ni-ên sự hiện thấy về “vua phương bắc” và “vua phương nam”, thiên sứ của Đức Giê-hô-va đã nhiều lần dùng cụm từ “kỳ đã định”. (Đa 11:6, 27, 29, 35) Ngoài ra, nhiều câu Kinh Thánh khác cũng cho thấy Đức Giê-hô-va là Đấng ấn định thì giờ cách chính xác và hoàn thành các ý định Ngài đúng lúc. (Lu 21:24; 1 Tê 5:1, 2) Trong Lời Ngài, Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã cung cấp một số “dấu hiệu” giúp chúng ta xác định những sự kiện quan trọng trong dòng thời gian. Việc hiểu biết niên đại Kinh Thánh đã tiến triển nhiều. Công cuộc nghiên cứu của những nhà khảo cổ và nhiều người khác tiếp tục soi sáng nhiều vấn đề, giúp chúng ta xác định thời điểm của các biến cố mấu chốt ghi trong Kinh Thánh.—Châm 4:18.
2. Hãy cho thí dụ về cách tính theo số thứ tự.
2 Số thứ tự và số đếm. Trong bài học trước (đoạn 24 và 25), chúng ta đã học về sự khác biệt giữa số thứ tự và số đếm. Cần nhớ điều này khi tính các thời kỳ trong Kinh Thánh theo các phương pháp hiện đại về phép tính ngày tháng. Chẳng hạn khi nói đến “năm thứ ba mươi bảy, sau khi vua Giu-đa là Giê-hô-gia-kin bị bắt”, thì cụm từ “năm thứ ba mươi bảy” là số thứ tự. Nó tương đương 36 năm tròn cộng thêm một số ngày, tuần lễ hay tháng (khoảng thời gian đã trôi qua từ cuối năm thứ 36).—Giê 52:31.
3. (a) Các văn kiện nào giúp cho việc xác định ngày tháng trong Kinh Thánh? (b) Năm trị vì và năm lên ngôi là gì?
3 Năm trị vì và năm lên ngôi. Kinh Thánh nói đến các văn kiện quốc gia của chính phủ xứ Giu-đa và xứ Y-sơ-ra-ên, cũng như quốc sự của xứ Ba-by-lôn và Phe-rơ-sơ. Trong cả bốn vương quốc này, niên đại nhà nước được tính một cách chính xác theo thời gian trị vì của các vua; cùng hệ thống tính toán này đã được dùng trong Kinh Thánh. Rất nhiều lần Kinh Thánh cho biết tên của một văn kiện được trích dẫn, chẳng hạn như “sách Sử biên niên của Sa-lô-môn”. (1 Vua 11:41, Tòa Tổng Giám Mục) Thời gian trị vì của một vị vua bao gồm một phần của năm lên ngôi, và tiếp theo là số năm tròn mà vua ấy trị vì. Năm trị vì là những năm chính thức chấp chính quyền vua và thường được tính kể từ tháng Ni-san này đến tháng Ni-san sau, tức từ mùa xuân này cho đến xuân sau. Khi một vua lên nối ngôi, những tháng trước tháng xuân Ni-san tới được gọi là năm lên ngôi, trong giai đoạn này vua kế vị cai trị thế cho vua tiền nhiệm. Tuy nhiên, giai đoạn trị vì chính thức của vua ấy được tính kể từ ngày 1 tháng Ni-san kế tiếp.
4. Hãy cho thấy làm thế nào có thể tính niên đại Kinh Thánh theo số năm trị vì?
4 Hãy xem một thí dụ. Xem chừng Vua Sa-lô-môn đã bắt đầu trị vì một thời gian trước tháng Ni-san năm 1037 TCN; lúc ấy Vua Đa-vít vẫn còn sống. Một thời gian ngắn sau đó, Đa-vít băng hà. (1 Vua 1:39, 40; 2:10) Tuy nhiên, năm trị vì cuối cùng của Đa-vít tiếp tục cho đến mùa xuân năm 1037 TCN, vẫn được tính là một trong 40 năm vua cầm quyền. Giai đoạn bắt đầu từ khi Sa-lô-môn lên nối ngôi cho đến mùa xuân năm 1037 TCN chưa trọn một năm, được gọi là năm Sa-lô-môn lên ngôi, nên không thể tính là năm trị vì, vì lúc ấy Sa-lô-môn cai trị thế cho vua cha. Thế nên, mãi đến tháng Ni-san năm 1037 TCN, năm trị vì đầu tiên của Sa-lô-môn mới bắt đầu. (1 Vua 2:12) Cuối cùng, Sa-lô-môn trị vì trọn 40 năm. (1 Vua 11:42) Bằng cách tách riêng năm lên ngôi khỏi số năm trị vì, ta có thể tính chính xác niên đại Kinh Thánh.a
[Chú thích]
a Khi nghiên cứu chương này, nếu tra xem thêm Insight on the Scriptures, Quyển 1, trang 458-467, điều ấy có thể hữu ích.
[Câu hỏi thảo luận]