Chương 124
Bị giao cho kẻ thù và bị điệu đi
PHI-LÁT động lòng vì phong cách trang nghiêm của Giê-su dù bị tra tấn, và khi ông tìm cách để tha ngài một lần nữa thì các thầy tế lễ cả càng giận dữ thêm. Họ nhất quyết không để ai ngăn cản ý đồ ác độc của chúng. Do đó họ lại gào thét: “Hãy đóng đinh hắn trên cây thập-tự! Hãy đóng đinh hắn trên cây thập-tự!”
Phi-lát nói: “Chính mình các ngươi hãy bắt mà đóng đinh người”. (Trái với lời người Do Thái nói lúc nãy, họ có quyền xử tử kẻ nào phạm một tội nghiêm trọng về tôn giáo). Và đây ít nhất là lần thứ năm mà Phi-lát tuyên bố Giê-su vô tội: “Về phần ta không thấy người có tội-lỗi chi hết”.
Người Do Thái thấy mưu ép tội chính trị không có hiệu quả, bèn quay sang ép tội về tôn giáo là tội phạm thượng, như họ đã kết tội Giê-su vài giờ trước đó tại Tòa Công luận. Họ nói: “Chúng tôi có luật, chiếu luật đó hắn phải chết; vì hắn tự xưng là Con Đức Chúa Trời”.
Lời buộc tội này là mới mẻ đối với Phi-lát, khiến ông càng kinh hãi hơn. Vào lúc đó ông ý thức được rằng Giê-su không phải là một người thường, đúng như giấc mộng của vợ ông cho hay, và sự kiên cường phi thường của ngài cũng cho thấy như vậy. Nhưng “Con Đức Chúa Trời” ư? Phi-lát chỉ biết Giê-su nguyên quán ở Ga-li-lê. Nhưng biết đâu người này đã sống ở đâu trước đó thì sao? Vậy Phi-lát lại cho đem Giê-su vào dinh, và hỏi: “Ngươi từ đâu tới?”
Giê-su im lặng. Trước đó ngài đã bảo Phi-lát rằng ngài là vua, nhưng Nước ngài không thuộc về thế gian này. Giờ đây có giải thích thêm cũng chỉ vô ích. Tuy nhiên, Phi-lát bị chạm tự ái vì Giê-su từ chối không trả lời và Phi-lát nổi giận hỏi: “Ngươi chẳng nói chi với ta hết sao? Ngươi há chẳng biết rằng ta có quyền buông-tha ngươi và quyền đóng đinh ngươi sao?”
Giê-su lễ phép đáp: “Nếu chẳng phải từ trên cao đã ban cho ngươi, thì ngươi không có quyền gì trên ta”. Ngài muốn nói về việc Đức Giê-hô-va cho phép các nhà cầm quyền cai trị trên đất. Ngài nói thêm: “Vậy nên, kẻ nộp ta cho ngươi là có tội trọng hơn nữa”. Quả thật, thầy tế lễ thượng phẩm Cai-phe và đồng lõa, và cả Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đều phải gánh trách nhiệm nặng hơn Phi-lát về cách đối xử bất công với Giê-su.
Thêm phần thán phục Giê-su và lo sợ ngài có một nguồn gốc thần thánh, Phi-lát lại kiếm cách để tha ngài. Nhưng người Do Thái phản đối Phi-lát và nhắc lại lời buộc tội chính trị vừa rồi. Họ hăm dọa một cách khôn khéo: “Ví bằng quan tha người nầy, thì quan không phải là trung-thần của Sê-sa; vì hễ ai tự xưng là vua, ấy là xướng lên nghịch cùng Sê-sa vậy”.
Bất kể lời đe dọa kinh khủng ấy, Phi-lát dẫn Giê-su ra ngoài một lần nữa và khẩn khoản nói cùng dân Do Thái: “Vua các ngươi kia kìa!”
Dân chúng la ó: “Hãy trừ hắn đi! Trừ hắn đi! Đóng đinh hắn trên cây thập-tự đi!”
Phi-lát hỏi một cách tuyệt vọng: “Ta sẽ đóng đinh vua của các ngươi lên thập-tự-giá hay sao?”
Dân Do Thái căm ghét ách đô hộ của La Mã. Thế nhưng các thầy tế lễ cả chẳng ngại nói một cách giả dối: “Chúng tôi không có vua khác, chỉ Sê-sa mà thôi”.
Phi-lát lo sợ cho danh tiếng và địa vị của mình, nên rốt cuộc đành chịu nhượng bộ trước những đòi hỏi dai dẳng của người Do Thái, và ông giao Giê-su cho họ. Quân lính cởi cái áo đỏ tía trên người Giê-su và mặc áo ngoài của ngài vào. Trên đường giải đi đóng đinh, chính Giê-su phải vác cây cột khổ hình của mình.
Lúc đó là giữa buổi sáng Thứ Sáu, ngày 14 Ni-san, và có lẽ sắp đến trưa. Giê-su đã thức từ sáng sớm Thứ Năm, và trải qua hết đau đớn này đến đau đớn khác. Do đó việc ngài chóng kiệt sức dưới sức nặng của cây cột cũng là điều dễ hiểu. Bởi vậy người ta nhờ một người qua đường tên là Si-môn, quê ở Sy-ren bên Phi Châu, vác cây cột giùm ngài. Trong khi đi, có nhiều người đi theo, kể cả đàn bà, và họ vừa đấm ngực vừa khóc lóc về ngài.
Giê-su quay lại nói với mấy người đàn bà: “Hỡi con gái thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc về ta, song khóc về chính mình các ngươi và về con-cái các ngươi. Vì nầy, ngày hầu đến, người ta sẽ nói rằng: Phước cho đàn bà son, phước cho dạ không sanh-đẻ và vú không cho con bú!... vì nếu người ta làm những sự ấy cho cây xanh, thì cây khô sẽ xảy ra sao?”
Giê-su ám chỉ cây đây là nước Do Thái. Cây còn sót lại chút ít nhựa sống nhờ sự có mặt của Giê-su và những người Do Thái tin nơi ngài. Nhưng mai đây, khi những người này cũng sẽ được lấy đi, thì nước Do Thái chỉ còn lại như một cây khô héo về mặt thiêng liêng. Đúng vậy, đó là một tổ chức quốc gia khô héo. Lúc đó các đạo binh La Mã sẽ được dùng như một công cụ của Đức Chúa Trời để tàn phá nước Do Thái. Thật là một lý do để người ta phải than khóc thay! (Giăng 19:6-17; 18:31; Lu-ca 23:24-31; Ma-thi-ơ 27:31, 32; Mác 15:20, 21).
▪ Khi thấy mưu ép tội chính trị không có hiệu quả, các nhà lãnh đạo tôn giáo buộc Giê-su vào tội gì?
▪ Tại sao Phi-lát càng sợ thêm?
▪ Ai phải chịu tội nặng hơn về những điều xảy đến cho Giê-su?
▪ Rốt cuộc, làm sao các thầy tế lễ khiến Phi-lát giao Giê-su ra để hành quyết?
▪ Giê-su nói gì với các người đàn bà khóc về ngài, và ngài muốn nói gì khi nói về cây “xanh” sau này trở nên “khô”?