Chương Bốn
Hồi phát và hồi tàn của một pho tượng khổng lồ
1. Tại sao chúng ta nên chú ý đến tình trạng xảy ra một thập niên sau khi Vua Nê-bu-cát-nết-sa đem Đa-ni-ên và những người khác đi làm phu tù?
MỘT thập niên trôi qua kể từ khi Vua Nê-bu-cát-nết-sa đem Đa-ni-ên và “những người sang-trọng của xứ” Giu-đa sang làm phu tù ở Ba-by-lôn. (2 Các Vua 24:15) Đang lúc người trai trẻ Đa-ni-ên phụng sự trong triều đình thì xảy ra một tình trạng nguy kịch đe dọa đến tính mạng ông. Tại sao chúng ta nên chú ý đến điều này? Bởi vì cách mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời can thiệp vào vấn đề không những cứu mạng sống của Đa-ni-ên và những người khác nhưng còn cho chúng ta thấy được các cường quốc thế giới tuần tự xuất hiện trong lời tiên tri của Kinh Thánh cho tới thời kỳ chúng ta.
MỘT VUA GẶP VẤN ĐỀ NAN GIẢI
2. Nê-bu-cát-nết-sa có giấc chiêm bao đầu tiên mang tính cách tiên tri khi nào?
2 Tiên tri Đa-ni-ên viết: “Trong năm thứ hai đời vua Nê-bu-cát-nết-sa, vua thấy chiêm-bao, thì trong lòng bối-rối và mất giấc ngủ”. (Đa-ni-ên 2:1) Người chiêm bao là Nê-bu-cát-nết-sa, vua của Đế Quốc Ba-by-lôn. Có thể nói ông trở thành người cai trị thế giới vào năm 607 TCN khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho phép ông phá hủy thành cùng đền thờ Giê-ru-sa-lem. Vào năm thứ hai triều đại Nê-bu-cát-nết-sa là lãnh tụ thế giới (606/605 TCN), Đức Chúa Trời cho ông mơ một giấc chiêm bao hãi hùng.
3. Những ai đã bất lực không thể thông giải được giấc chiêm bao, và Nê-bu-cát-nết-sa đã phản ứng như thế nào?
3 Giấc chiêm bao này đã làm cho Nê-bu-cát-nết-sa băn khoăn khiến ông trằn trọc ngủ không được. Hiển nhiên, ông khắc khoải muốn biết ý nghĩa của giấc chiêm bao đó. Nhưng vị vua hùng mạnh này đã quên mất giấc mơ rồi! Vì vậy ông cho gọi các thuật sĩ, người niệm thần chú, phù thủy, và yêu cầu họ thuật lại giấc chiêm bao và giải nghĩa nó. Họ không đáp ứng được điều ông yêu cầu. Sự bất lực của họ làm Vua Nê-bu-cát-nết-sa nổi giận đến độ ông ban hành lệnh “giết chết hết những bác-sĩ [“người thông thái”, NW] của Ba-by-lôn”. Lệnh này cũng khiến nhà tiên tri Đa-ni-ên bị nguy cơ hành quyết. Tại sao? Tại vì ông và ba đồng bạn người Hê-bơ-rơ—Ha-na-nia, Mi-sa-ên, và A-xa-ria—nằm trong số những người thông thái của Ba-by-lôn.—Đa-ni-ên 2:2-14.
ĐA-NI-ÊN, VỊ CỨU TINH
4. (a) Làm thế nào Đa-ni-ên biết được nội dung giấc chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa và ý nghĩa của nó? (b) Đa-ni-ên nói gì để cám ơn Giê-hô-va Đức Chúa Trời?
4 Sau khi biết được lý do về mạng lệnh nghiêm khắc của Nê-bu-cát-nết-sa, “Đa-ni-ên vào, xin vua cho mình một hạn nữa, hầu có thể giải nghĩa điềm chiêm-bao đó cho vua”. Vua đồng ý. Đa-ni-ên liền trở về nhà, và cùng với ba người bạn Hê-bơ-rơ cầu nguyện, xin “Đức Chúa Trời ở trên trời dủ lòng thương-xót họ về sự kín-nhiệm nầy”. Trong một sự hiện thấy ngay đêm ấy, Đức Giê-hô-va tỏ cho Đa-ni-ên biết bí mật của giấc chiêm bao. Đầy lòng biết ơn, Đa-ni-ên thốt lên: “Ngợi-khen danh Đức Chúa Trời đời đời vô-cùng! vì sự khôn-ngoan và quyền-năng đều thuộc về Ngài. Chính Ngài thay-đổi thì-giờ và mùa, bỏ và lập các vua; ban sự khôn-ngoan cho kẻ khôn-ngoan, và sự thông-biết cho kẻ tỏ-sáng. Chính Ngài tỏ ra những sự sâu-xa kín-nhiệm; Ngài biết những sự ở trong tối-tăm, và sự sáng ở với Ngài”. Đa-ni-ên ca ngợi Đức Giê-hô-va vì sự thông sáng ấy.—Đa-ni-ên 2:15-23.
5. (a) Khi đứng trước mặt vua, Đa-ni-ên đã qui công trạng cho Đức Giê-hô-va như thế nào? (b) Tại sao ngày nay chúng ta chú ý đến lời giải thích của Đa-ni-ên?
5 Ngày hôm sau, Đa-ni-ên đến gặp A-ri-ốc, trưởng toán cận vệ vua, là người được chỉ định giết các người thông thái của Ba-by-lôn. Khi hay Đa-ni-ên có thể thông giải được giấc chiêm bao, A-ri-ốc vội vàng đưa ông đến gặp vua. Không hề dám nhận công trạng về mình, Đa-ni-ên tâu với Nê-bu-cát-nết-sa: “Có một Đức Chúa Trời ở trên trời tỏ ra những điều kín-nhiệm; và đã cho vua Nê-bu-cát-nết-sa biết điều sẽ tới trong những ngày sau-rốt”. Đa-ni-ên sẵn sàng tiết lộ không những tương lai của Đế Quốc Ba-by-lôn mà cả một phác thảo các biến cố thế giới từ thời Nê-bu-cát-nết-sa tới thời đại chúng ta và còn xa hơn nữa.—Đa-ni-ên 2:24-30.
GIẤC CHIÊM BAO—ĐƯỢC NHỚ LẠI
6, 7. Giấc chiêm bao mà Đa-ni-ên kể lại cho nhà vua là gì?
6 Nê-bu-cát-nết-sa chăm chú lắng nghe Đa-ni-ên giải thích: “Hỡi vua, vua nhìn-xem, và nầy, có một pho tượng lớn. Pho tượng đó to-lớn và rực-rỡ lạ thường; đứng trước mặt vua, và hình-dạng dữ-tợn. Đầu pho tượng nầy bằng vàng ròng; ngực và cánh tay bằng bạc; bụng và vế bằng đồng; ống chân bằng sắt; và bàn chân thì một phần bằng sắt một phần bằng đất sét. Vua nhìn pho tượng cho đến khi có một hòn đá chẳng phải bởi tay đục ra, đến đập vào bàn chân bằng sắt và đất sét của tượng, và làm cho tan-nát. Bấy giờ sắt, đất sét, đồng, bạc, và vàng đều cùng nhau tan-nát cả; trở nên như rơm-rác bay trên sân đạp lúa mùa hạ, phải gió đùa đi, chẳng tìm nơi nào cho chúng nó; nhưng hòn đã đập vào pho tượng thì hóa ra một hòn núi lớn và đầy khắp đất”.—Đa-ni-ên 2:31-35.
7 Nê-bu-cát-nết-sa hẳn xúc động biết bao khi nghe Đa-ni-ên tiết lộ giấc chiêm bao của mình! Nhưng khoan! Những người thông thái của Ba-by-lôn được tha chết chỉ khi nào Đa-ni-ên giải thích giấc chiêm bao. Phát ngôn cho mình và cho ba bạn người Hê-bơ-rơ, Đa-ni-ên tuyên bố: “Đó là điềm chiêm-bao. Bây giờ chúng tôi sẽ giải nghĩa ra trước mặt vua”.—Đa-ni-ên 2:36.
MỘT VƯƠNG QUỐC NỔI BẬT
8. (a) Đa-ni-ên thông giải cái đầu bằng vàng là ai hoặc cái gì? (b) Cái đầu bằng vàng xuất hiện khi nào?
8 “Hỡi vua, vua là vua các vua, vì Chúa trên trời đã ban nước, quyền, sức-mạnh, và sự vinh-hiển cho vua. Ngài đã trao trong tay vua những con-cái loài người, những thú đồng và chim trời, dầu chúng nó ở nơi nào, Ngài cũng đã làm cho vua được cai-trị hết thảy; vậy vua là cái đầu bằng vàng”. (Đa-ni-ên 2:37, 38) Những lời này áp dụng cho Nê-bu-cát-nết-sa sau khi Đức Giê-hô-va dùng ông để hủy diệt Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN. Đó là vì những vua ngồi trên ngôi ở Giê-ru-sa-lem là thuộc dòng tộc Đa-vít, vua được xức dầu của Đức Giê-hô-va. Giê-ru-sa-lem là thủ đô của Giu-đa, một vương quốc đại diện cho quyền thống trị của Đức Giê-hô-va trên đất. Với việc thành này bị phá hủy vào năm 607 TCN, vương quốc tiêu biểu này của Đức Chúa Trời không còn tồn tại nữa. (1 Sử-ký 29:23; 2 Sử-ký 36:17-21) Các cường quốc thế giới nối gót nhau được tượng trưng bằng các phần bằng kim loại của pho tượng, bây giờ được tự do thống trị thế giới mà không có sự can thiệp của vương quốc của Đức Chúa Trời. Là đầu bằng vàng, một loại quý kim giá trị nhất vào thời xưa, Nê-bu-cát-nết-sa được nổi bật vì đã lật đổ vương quốc đó qua việc phá hủy thành Giê-ru-sa-lem.—Xin xem khung “Một vua cũng là chiến sĩ xây dựng một đế quốc”, nơi trang 63.
9. Cái đầu bằng vàng tượng trưng cho cái gì?
9 Nê-bu-cát-nết-sa làm vua 43 năm, đứng đầu một triều đại cai trị Đế Quốc Ba-by-lôn. Triều đại này cũng gồm cả con rể của ông là Na-bô-nê-đô và con trưởng nam là Ê-vinh-mê-rô-đác. Triều đại đó kéo dài liên tục thêm 43 năm, cho tới khi con trai của Na-bô-nê-đô là Bên-xát-sa bị giết vào năm 539 TCN. (2 Các Vua 25:27; Đa-ni-ên 5:30) Vậy cái đầu bằng vàng của pho tượng trong giấc chiêm bao không chỉ tượng trưng cho Nê-bu-cát-nết-sa mà cho cả dòng tộc cai trị của Ba-by-lôn nữa.
10. (a) Giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa cho thấy Cường Quốc Thế Giới Ba-by-lôn không đứng mãi như thế nào? (b) Ê-sai đã tiên tri gì về người chinh phục Ba-by-lôn? (c) Mê-đi Phe-rơ-sơ kém Ba-by-lôn theo nghĩa nào?
10 Đa-ni-ên nói với Nê-bu-cát-nết-sa: “Sau vua, sẽ dấy lên một nước khác, kém nước của vua”. (Đa-ni-ên 2:39) Một nước tượng trưng bởi ngực và cánh tay bằng bạc của pho tượng sẽ kế tục triều đại của Nê-bu-cát-nết-sa. Trước đó khoảng 200 năm, Ê-sai đã tiên tri về vương quốc này, thậm chí cho biết cả tên của vị vua chiến thắng là Si-ru nữa. (Ê-sai 13:1-17; 21:2-9; 44:24–45:7, 13) Đó là Đế Quốc Mê-đi Phe-rơ-sơ. Mặc dù Mê-đi Phe-rơ-sơ đã phát triển một nền văn minh phi thường, không kém gì Đế Quốc Ba-by-lôn, nhưng chỉ được tượng trưng bằng bạc, một kim loại không quý bằng vàng. Nước ấy kém Đế Quốc Ba-by-lôn ở chỗ nó không có nét nổi bật là lật đổ Giu-đa, vương quốc của Đức Chúa Trời mà thủ đô ở Giê-ru-sa-lem.
11. Khi nào triều đại của Nê-bu-cát-nết-sa chấm dứt?
11 Khoảng 60 năm sau khi giải giấc chiêm bao, Đa-ni-ên được chứng kiến triều đại của Nê-bu-cát-nết-sa chấm dứt. Đa-ni-ên có mặt trong đêm mồng 5/6 tháng 10 năm 539 TCN, khi đạo quân Mê-đi Phe-rơ-sơ chiếm được thành Ba-by-lôn, một thành kiên cố dường như không thể thất thủ, và hành quyết Vua Bên-xát-sa. Với cái chết của Bên-xát-sa, cái đầu bằng vàng của pho tượng trong giấc chiêm bao—Đế Quốc Ba-by-lôn—không còn nữa.
MỘT VƯƠNG QUỐC PHÓNG THÍCH DÂN BỊ LƯU ĐÀY
12. Sắc lệnh do Si-ru ban hành vào năm 537 TCN có lợi cho dân Do Thái bị lưu đày như thế nào?
12 Mê-đi Phe-rơ-sơ thay thế Đế Quốc Ba-by-lôn trong địa vị cường quốc bá chủ thế giới vào năm 539 TCN. Sau khi chiếm được Ba-by-lôn, Đa-ri-út người Mê-đi, lúc ấy 62 tuổi, trở thành vua đầu tiên cai trị thành này. (Đa-ni-ên 5:30, 31) Trong một thời gian ngắn, ông và Si-ru người Phe-rơ-sơ đồng cai trị Đế Quốc Mê-đi Phe-rơ-sơ. Khi Đa-ri-út chết, Si-ru trở thành vị nguyên thủ độc nhất của Đế Quốc Phe-rơ-sơ. Đối với người Do Thái ở Ba-by-lôn, sự cai trị của Si-ru đưa lại sự phóng thích khỏi phu tù. Vào năm 537 TCN, Si-ru ra một sắc lệnh cho phép những người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn được trở về quê hương, và xây lại thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, vương quốc của Đức Chúa Trời không được tái lập ở Giu-đa và ở Giê-ru-sa-lem.—2 Sử-ký 36:22, 23; E-xơ-ra 1:1–2:2a.
13. Ngực và cánh tay bằng bạc của pho tượng trong giấc chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa tượng trưng cho cái gì?
13 Ngực và cánh tay bằng bạc của pho tượng trong giấc chiêm bao tượng trưng các vua Phe-rơ-sơ bắt đầu từ Si-ru Đại Đế. Triều đại này kéo dài trên 200 năm. Người ta cho rằng Si-ru chết trong một chiến dịch quân sự vào năm 530 TCN. Trong số khoảng 12 vua lần lượt kế vị ông trong ngôi vua Đế Quốc Phe-rơ-sơ, ít nhất có hai vua đối xử tốt với dân sự của Đức Giê-hô-va. Một là Đa-ri-út I (người Phe-rơ-sơ), và vua kia là Ạt-ta-xét-xe I.
14, 15. Đa-ri-út Đại Đế và Ạt-ta-xét-xe I đã giúp dân Do Thái như thế nào?
14 Đa-ri-út I là vua thứ ba trong dòng các vua Phe-rơ-sơ sau Si-ru Đại Đế. Hai người trước ông có thể là Cambyses II và em ông là Bardiya (hay có lẽ một thầy tế lễ người Phe-rơ-sơ tên là Gaumata giả làm Bardiya). Vào lúc Đa-ri-út I, cũng được gọi là Đa-ri-út Đại Đế, lên ngôi năm 521 TCN thì công việc tái thiết đền thờ Giê-ru-sa-lem đang bị cấm. Vừa khi tìm được bản chiếu chỉ do Si-ru ban hành trong văn khố ở Éc-ba-tan, Đa-ri-út liền thâu hồi lệnh cấm vào năm 520 TCN và còn làm hơn thế nữa. Ông lấy của cải trong kho vua để chi phí công việc tái thiết đền thờ.—E-xơ-ra 6:1-12.
15 Một vua Phe-rơ-sơ nữa giúp người Do Thái trong nỗ lực tái thiết là Ạt-ta-xét-xe I, người nối ngôi cha ông là A-suê-ru (Xerxes I) vào năm 475 TCN. Ạt-ta-xét-xe có tục danh là Longimanus vì tay phải ông dài hơn tay trái. Vào năm thứ 20 của triều đại ông tức là năm 455 TCN, ông bổ nhiệm quan dâng rượu người Do Thái là Nê-hê-mi làm tổng đốc xứ Giu-đa để tái thiết tường thành Giê-ru-sa-lem. Hành động này đánh dấu sự khởi đầu ‘bảy mươi tuần lễ năm’ được phác họa trong chương 9 sách Đa-ni-ên và ấn định ngày xuất hiện và ngày chết của Đấng Mê-si, hay Đấng Christ, Chúa Giê-su ở Na-xa-rét.—Đa-ni-ên 9:24-27; Nê-hê-mi 1:1; 2:1-18.
16. Khi nào và vào thời vua nào, Cường Quốc Thế giới Mê-đi Phe-rơ-sơ chấm dứt?
16 Vua cuối cùng trong sáu vua kế vị Ạt-ta-xét-xe I cai trị Đế Quốc Phe-rơ-sơ là Đa-ri-út III. Triều đại của ông chấm dứt bất ngờ vào năm 331 TCN khi ông bị đại bại trước A-léc-xan-đơ Đại Đế ở Gaugamela, gần thành Ni-ni-ve cổ. Cuộc bại trận này đưa Cường Quốc Thế giới Mê-đi Phe-rơ-sơ, được tượng trưng bằng phần bằng bạc của pho tượng trong giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa, tới chỗ chấm dứt. Cường quốc sẽ đến mạnh về một số phương diện, nhưng lại yếu về những phương diện khác. Chúng ta sẽ thấy điều này rõ hơn khi nghe Đa-ni-ên giải nghĩa thêm về giấc chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa.
MỘT VƯƠNG QUỐC RỘNG LỚN NHƯNG THUA KÉM
17-19. (a) Bụng và vế bằng đồng tượng trưng cho cường quốc thế giới nào, và sự cai trị của nó lớn rộng như thế nào? (b) A-léc-xan-đơ III là ai? (c) Làm thế nào tiếng Hy Lạp trở thành ngôn ngữ quốc tế, và nó rất thích hợp cho điều gì?
17 Đa-ni-ên nói với Nê-bu-cát-nết-sa là cái bụng và vế của pho tượng khổng lồ sẽ là “một nước thứ ba, tức là đồng, sẽ cai-quản khắp đất”. (Đa-ni-ên 2:32, 39) Nước thứ ba này sẽ tiếp theo Ba-by-lôn và Mê-đi Phe-rơ-sơ. Vì đồng kém bạc nên cường quốc mới này sẽ kém Mê-đi Phe-rơ-sơ ở chỗ nó không được vinh dự có đặc ân giải phóng dân sự của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, nước giống như đồng này sẽ “cai-quản khắp đất”, cho thấy nó cai trị rộng lớn hơn nhiều so với Ba-by-lôn và Mê-đi Phe-rơ-sơ. Các sự kiện lịch sử xác nhận gì về cường quốc thế giới này?
18 Ít lâu sau khi kế vị ở Macedonia vào năm 336 TCN, lúc 20 tuổi, A-léc-xan-đơ III đầy tham vọng khởi sự ngay một chiến dịch xâm lăng. Vì thành công lẫy lừng về quân sự ông được gọi là A-léc-xan-đơ Đại Đế. Đạt được hết chiến thắng này đến chiến thắng khác, ông tiếp tục tiến quân vào tới lãnh thổ của Phe-rơ-sơ. Khi đánh bại Đa-ri-út III trong trận ở Gaugamela vào năm 331 TCN, Đế Quốc Phe-rơ-sơ bắt đầu tan rã và A-léc-xan-đơ biến Hy Lạp thành cường quốc thế giới mới.
19 Sau chiến thắng ở Gaugamela, A-léc-xan-đơ tiến chiếm luôn những thành phố lớn của Phe-rơ-sơ như Ba-by-lôn, Su-san, Persepolis, và Ecbatana. Sau khi chinh phục phần còn lại của Đế Quốc Phe-rơ-sơ, ông bành trướng tới miền tây Ấn Độ. Những vùng đất chiếm được trở thành thuộc địa của Hy Lạp. Do đó, tiếng Hy Lạp và văn hóa của Hy Lạp lan tràn khắp lãnh địa. Thật ra, Đế Quốc Hy Lạp trở thành lớn hơn bất cứ đế quốc nào khác trước đó. Như Đa-ni-ên đã tiên tri, nước như đồng sẽ “cai-quản khắp đất”. Điều này đưa lại một kết quả là tiếng Hy Lạp (Koine) trở thành ngôn ngữ quốc tế. Với khả năng diễn đạt chính xác nên thật là thích hợp để phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp được viết bằng ngôn ngữ này và để loan truyền tin mừng về Nước của Đức Chúa Trời.
20. Sau khi A-léc-xan-đơ Đại Đế chết, điều gì xảy ra cho Đế Quốc Hy Lạp?
20 A-léc-xan-đơ Đại Đế cai trị với tư cách là lãnh tụ thế giới chỉ được tám năm. Mặc dù còn trẻ mới 32 tuổi, A-léc-xan-đơ ngã bệnh sau một đại tiệc và chết sau đó ít lâu vào ngày 13 tháng 6 năm 323 TCN. Cuối cùng, đế quốc vĩ đại của ông bị chia ra làm bốn lãnh địa, mỗi lãnh địa do một tướng của ông cai trị. Vậy là từ một vương quốc vĩ đại, bốn nước được lập ra, và dần dần bốn nước này bị Đế Quốc La Mã thôn tính. Cường quốc thế giới giống như đồng tiếp tục tồn tại tới năm 30 TCN, khi nước cuối cùng trong bốn nước này—triều đại Ptolemy cai trị ở Ê-díp-tô—cuối cùng rơi vào tay La Mã.
MỘT NƯỚC ĐẬP VỠ VÀ NGHIỀN NÁT
21. Đa-ni-ên mô tả “nước thứ tư” như thế nào?
21 Đa-ni-ên tiếp tục giải thích về pho tượng trong giấc chiêm bao như sau: “Lại có một nước thứ tư [sau Ba-by-lôn, Mê-đi Phe-rơ-sơ, và Hy Lạp] mạnh như sắt; vì sắt hay đập vỡ và bắt phục mọi vật, thì nước ấy cũng sẽ đập vỡ và nghiền nát như là sắt vậy”. (Đa-ni-ên 2:40) Vì sức mạnh và khả năng đập vỡ của nó, cường quốc thế giới này sẽ giống như sắt—mạnh hơn những đế quốc được tượng trưng bằng vàng, bạc hoặc đồng. Đế Quốc La Mã có sức mạnh như thế.
22. Đế Quốc La Mã được ví như sắt như thế nào?
22 La Mã đập vỡ và nghiền nát Đế Quốc Hy Lạp và thôn tính luôn cả những phần đất còn sót lại của các cường quốc Ba-by-lôn và Mê-đi Phe-rơ-sơ. Cường quốc ấy cũng không kính nể Nước của Đức Chúa Trời do Chúa Giê-su Christ công bố. Nó đã giết ngài trên cây khổ hình vào năm 33 CN. Trong một nỗ lực nghiền nát đạo thật của Đấng Christ, La Mã bắt bớ các môn đồ của Chúa Giê-su. Hơn nữa, quân đội La Mã đã phá hủy thành và đền Giê-ru-sa-lem vào năm 70 CN.
23, 24. Ngoài Đế Quốc La Mã, ống chân của pho tượng còn tượng trưng cho cái gì?
23 Ống chân bằng sắt của pho tượng trong giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa không phải chỉ tượng trưng cho Đế Quốc La Mã nhưng cũng cho sự phát triển về chính trị của nó nữa. Khải-huyền 17:10 có ghi những lời như sau: “Nó cũng là bảy vị vua nữa; năm vì trước đã đổ, một vì hiện có, còn một vị nữa chưa đến; khi vị ấy sẽ đến, cũng chẳng còn được bao lâu”. Khi sứ đồ Giăng viết những lời này, ông đang bị người La Mã giam biệt xứ ở đảo Bát-mô. Năm vua hay năm cường quốc thế giới đã đổ là Ê-díp-tô, A-si-ri, Ba-by-lôn, Mê-đi Phe-rơ-sơ và Hy Lạp. Cường quốc thứ sáu—Đế Quốc La Mã—vẫn đang bá chủ. Nhưng rồi nó cũng đổ, và vua thứ bảy sẽ nổi lên từ một trong các thuộc địa của La Mã. Cường quốc thế giới đó là nước nào?
24 Anh Quốc từng là một phần phía tây bắc của Đế Quốc La Mã. Nhưng vào năm 1763, nó trở thành Đế Quốc Anh—bá chủ bảy đại dương. Vào năm 1776, mười ba thuộc địa của đế quốc này ở Châu Mỹ tuyên bố độc lập để lập thành Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sau đó Anh Quốc và Hoa Kỳ trở thành đồng đội trong cả thời chiến cũng như thời bình. Do đó, sự phối hợp Anh-Mỹ hình thành cường quốc thế giới thứ bảy trong lời tiên tri của Kinh Thánh. Giống như Đế Quốc La Mã, đế quốc thứ bảy đã chứng tỏ “mạnh như sắt”, hành sử quyền hành mạnh như sắt vậy. Vậy ống chân bằng sắt của pho tượng trong giấc mơ bao gồm cả Đế Quốc La Mã và cường quốc thế giới đôi Anh-Mỹ.
HỢP CHẤT MỎNG MANH
25. Đa-ni-ên nói gì về bàn chân và ngón chân của pho tượng?
25 Đa-ni-ên giải thích tiếp cho Nê-bu-cát-nết-sa: “Còn như vua đã thấy bàn chân và ngón chân nửa bằng đất sét nửa bằng sắt, ấy là một nước sẽ phải phân-chia ra; nhưng trong nước đó sẽ có sức-mạnh của sắt, theo như vua đã thấy sắt lộn với đất sét. Những ngón chân nửa sắt nửa đất sét, nước đó cũng nửa mạnh nửa giòn. Vua đã thấy sắt lộn với đất sét, ấy là chúng nó lộn nhau bởi giống loài người; song không dính cùng nhau, cũng như sắt không ăn với đất sét”.—Đa-ni-ên 2:41-43.
26. Khi nào sự cai trị được tượng trưng bởi bàn chân và ngón chân lộ diện?
26 Việc các cường quốc thế giới tiếp nối nhau được tượng trưng bằng những phần khác nhau của pho tượng trong giấc chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa, bắt đầu từ cái đầu và cho đến bàn chân. Vậy hợp lý là bàn chân và ngón chân bằng “sắt lộn với đất sét” tượng trưng cho hình thức cai trị cuối cùng của con người vào “kỳ cuối-cùng”.—Đa-ni-ên 12:4.
27. (a) Bàn chân và ngón chân bằng sắt trộn với đất sét tượng trưng cho tình trạng thế giới như thế nào? (b) Mười ngón chân của pho tượng tượng trưng cho cái gì?
27 Vào đầu thế kỷ 20, Đế Quốc Anh cai trị một phần tư dân số trên trái đất. Các đế quốc khác thuộc Âu Châu cũng cai trị nhiều triệu người nữa. Nhưng Thế Chiến I đã đưa đến việc xuất hiện những nhóm quốc gia thay vì đế quốc. Sau Thế Chiến II, chiều hướng này gia tăng mạnh. Với tinh thần quốc gia chủ nghĩa phát triển mạnh hơn, số quốc gia trên thế giới gia tăng đáng kể. Mười ngón chân của pho tượng tượng trưng cho toàn thể các thế lực và chính quyền cùng hiện hữu, vì số mười trong Kinh Thánh đôi khi tượng trưng sự trọn vẹn trên đất.—So sánh Xuất Ê-díp-tô Ký 34:28; Ma-thi-ơ 25:1; Khải-huyền 2:10.
28, 29. (a) Theo Đa-ni-ên, đất sét tượng trưng cho cái gì? (b) Chúng ta có thể nói gì về sự pha trộn sắt và đất sét?
28 Ngày nay chúng ta đang sống trong “kỳ cuối-cùng”. Chúng ta đã tới bàn chân của pho tượng. Một số chính quyền, được tượng trưng bởi bàn chân và ngón chân bằng sắt trộn lẫn với đất sét của pho tượng, mạnh như sắt—độc tài hoặc chuyên chế. Những chính quyền khác thì giống như đất sét. Như thế nào? Đa-ni-ên gắn liền đất sét với “giống loài người”. (Đa-ni-ên 2:43) Bất kể bản chất mỏng manh của đất sét mà từ đó con cháu loài người được tạo ra, những nhà cai trị theo truyền thống cứng rắn như sắt đã bắt buộc phải lắng nghe người dân càng ngày càng nhiều hơn; người dân muốn có tiếng nói trong chính quyền cai trị trên họ. (Gióp 10:9) Nhưng giữa chính quyền độc tài và thường dân, không hề có sự gắn bó chặt chẽ với nhau—cũng như sắt và đất sét không dính với nhau. Vào thời điểm pho tượng tan tành, chính trường thế giới sẽ thật sự vỡ thành nhiều mảnh!
29 Có phải tình trạng chia rẽ của bàn chân và ngón chân khiến toàn thể pho tượng sụp đổ không? Điều gì sẽ xảy ra cho pho tượng?
MỘT CAO ĐIỂM GAY CẤN!
30. Hãy tả cao điểm trong giấc chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa.
30 Chúng ta hãy xem xét cao điểm của giấc chiêm bao. Đa-ni-ên nói với vua: “Vua nhìn pho tượng cho đến khi có một hòn đá chẳng phải bởi tay đục ra, đến đập vào bàn chân bằng sắt và đất sét của tượng, và làm cho tan-nát. Bấy giờ sắt, đất sét, đồng, bạc, và vàng đều cùng nhau tan-nát cả; trở nên như rơm-rác bay trên sân đạp lúa mùa hạ, phải gió đùa đi, chẳng tìm nơi nào cho chúng nó; nhưng hòn đã đập vào pho tượng thì hóa ra một hòn núi lớn và đầy khắp đất”.—Đa-ni-ên 2:34, 35.
31, 32. Lời tiên tri nói gì về phần cuối của giấc chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa?
31 Để giải thích, lời tiên tri tiếp tục: “Trong đời các vua nầy, Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy-diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân-tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời; theo như vua đã xem-thấy hòn đá đục ra từ núi, chẳng phải bởi tay, đã đập vỡ sắt, đồng, đất sét, bạc, và vàng. Đức Chúa Trời lớn đã cho vua biết sự sau nầy sẽ đến. Điềm chiêm-bao nầy là thật, và lời giải nó là chắc-chắn”.—Đa-ni-ên 2:44, 45.
32 Khi thấy giấc chiêm bao của ông đã được tả lại và được giải thích, Nê-bu-cát-nết-sa xác nhận rằng chỉ Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên mới là “Chúa của các vua; chính Ngài là Đấng tỏ ra những sự kín-nhiệm”. Nhà vua cũng ban cho Đa-ni-ên và ba đồng bạn chức vị quan trọng. (Đa-ni-ên 2:46-49) Vậy ý nghĩa thời nay của ‘lời giải chắc-chắn’ của Đa-ni-ên là gì?
‘MỘT HÒN NÚI ĐẦY KHẮP ĐẤT’
33. “Hòn đá” được đục ra từ “núi” nào, và điều này xảy ra khi nào và thế nào?
33 Khi “các kỳ dân ngoại” chấm dứt vào tháng 10-1914, “Chúa trên trời” thiết lập Nước Trời qua việc phong Con được xức dầu của Ngài là Chúa Giê-su Christ lên làm “Vua của các vua và Chúa của các chúa”.a (Lu-ca 21:24; Khải-huyền 12:1-5; 19:16) Vậy Nước Trời hình thành là do quyền năng của Đức Chúa Trời chứ không do bàn tay của con người; “hòn đá”, tức là Nước của Đấng Mê-si, được đục ra từ “núi” của sự thống trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va. Chính phủ Nước Trời trong tay của Chúa Giê-su Christ, đấng đã được Đức Chúa Trời ban cho sự bất tử. (Rô-ma 6:9; 1 Ti-mô-thê 6:15, 16) Do đó, nước này “thuộc về Chúa [Đức Chúa Trời] chúng ta và Đấng Christ của Ngài”—một biểu hiệu của quyền thống trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va—sẽ không chuyển sang cho bất cứ người nào. Nước này sẽ tồn tại đời đời.—Khải-huyền 11:15.
34. Nước Đức Chúa Trời sinh ra “trong đời các vua này” như thế nào?
34 Vương quốc này ra đời “trong đời các vua nầy”. (Đa-ni-ên 2:44) Các vua này không chỉ là những vua được tượng trưng bởi mười ngón chân của pho tượng, nhưng cũng là những vua được tượng trưng bởi sắt, đồng, bạc và vàng nữa. Mặc dù đế quốc Ba-by-lôn, Phe-rơ-sơ, Hy Lạp và La Mã không còn là những cường quốc thế giới nữa, nhưng những gì còn sót lại của các đế quốc này vẫn hiện hữu vào năm 1914. Vào lúc này, Đế Quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman chiếm ngụ lãnh thổ của Ba-by-lôn, và cũng có các chính phủ điều hành ở Phe-rơ-sơ (I-ran) và Hy Lạp và Rô-ma, Ý.
35. Khi nào “hòn đá” đập vào pho tượng, và pho tượng bị bể nát tan tành như thế nào?
35 Chẳng bao lâu nữa, Nước Trời của Đức Chúa Trời sẽ đập vào bàn chân của pho tượng. Kết quả là các nước được tượng trưng bởi pho tượng đó bị bể tan tành, đưa chúng đến chỗ chấm dứt. Thật vậy, tại cuộc “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng”, “hòn đá” đó sẽ đập với sức mạnh nghiền nát đến nỗi pho tượng tan nát thành bụi, và sẽ bị gió của cơn bão của Đức Chúa Trời thổi đi giống như rơm rác bay trên sân đạp lúa. (Khải-huyền 16:14, 16) Rồi giống như hòn đá lớn thành quả núi và đầy khắp đất, Nước của Đức Chúa Trời sẽ trở thành núi cai trị “khắp đất”.—Đa-ni-ên 2:35.
36. Tại sao có thể gọi Nước Trời của Đấng Mê-si là một chính phủ vững chắc?
36 Mặc dù Nước của Đấng Mê-si ở trên trời, nước ấy sẽ cai trị toàn trái đất của chúng ta để ban phước cho mọi dân cư trên đất biết vâng lời. Chính phủ vững chắc này sẽ “không bao giờ bị hủy-diệt” hay “để cho một dân-tộc khác”. Không giống như các nước do con người hay chết cai trị, nước này sẽ “đứng đời đời”. (Đa-ni-ên 2:44) Mong bạn được đặc ân là một trong những công dân đời đời của nước ấy.
[Chú thích]
BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?
• Các phần khác nhau của pho tượng khổng lồ trong giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa tượng trưng cho những cường quốc thế giới nào?
• Bàn chân và mười ngón chân bằng sắt trộn với đất sét tượng trưng cho tình trạng nào trên thế giới?
• Khi nào và từ “núi” nào “hòn đá” được đục ra?
• Khi nào “hòn đá” sẽ đập vào pho tượng?
[Khung nơi trang 63-67]
MỘT VUA CŨNG LÀ CHIẾN SĨ XÂY DỰNG MỘT ĐẾ QUỐC
HOÀNG THÁI TỬ của Ba-by-lôn và đạo quân của ông phá tan lực lượng Ê-díp-tô của Pha-ra-ôn Nê-cô tại Cạt-kê-mít ở Sy-ri. Quân Ê-díp-tô bại trận trốn chạy về phía nam, hướng về nước Ê-díp-tô, và quân Ba-by-lôn đuổi theo. Nhưng một thông điệp từ Ba-by-lôn buộc vị hoàng tử đang chiến thắng này phải bỏ cuộc rượt đuổi. Ông được tin báo cha ông là Nabopolassar đã chết. Giao cho các tướng của ông trách nhiệm giải tù binh và đem của cướp về nước, Nê-bu-cát-nết-sa vội trở về nhà và lên ngôi vua mà cha ông để trống.
Vậy Nê-bu-cát-nết-sa lên ngôi vua Ba-by-lôn vào năm 624 TCN và trở thành vua thứ hai của Đế Quốc Tân Ba-by-lôn. Trong thời gian 43 năm cai trị, ông đã chiếm hữu các lãnh thổ từng nằm dưới quyền cai trị của Cường Quốc Thế Giới A-si-ri, và bành trướng lãnh thổ của ông, về phía bắc gồm Sy-ri, và về phía tây gồm luôn Pha-lê-tin, trải dài xuống tận biên giới Ê-díp-tô.—Xin xem bản đồ.
Vào năm thứ tư triều đại của ông (620 TCN), Nê-bu-cát-nết-sa chiếm Giu-đa làm nước chư hầu. (2 Các Vua 24:1) Ba năm sau, một cuộc phản nghịch của người Giu-đa đưa đến việc thành Giê-ru-sa-lem bị Ba-by-lôn vây hãm. Nê-bu-cát-nết-sa bắt Giê-hô-gia-kin, Đa-ni-ên, và những người khác sang Ba-by-lôn làm phu tù. Ông cũng lấy mang theo một số khí dụng thuộc đền thờ của Đức Giê-hô-va và đặt Sê-đê-kia là chú của Giê-hô-gia-kin làm vua chư hầu của Giu-đa.—2 Các Vua 24:2-17; Đa-ni-ên 1:6, 7.
Ít lâu sau đó, Sê-đê-kia cũng phản nghịch, kết phe với Ê-díp-tô. Nê-bu-cát-nết-sa lại vây hãm thành Giê-ru-sa-lem lần nữa, và vào năm 607 TCN, ông đập bể các tường thành, đốt đền thờ, và phá hủy thành. Ông giết tất cả các con trai của Sê-đê-kia, rồi làm mù mắt vua này và trói lại giải về Ba-by-lôn. Nê-bu-cát-nết-sa bắt phần lớn dân cư đi làm phu tù và chuyển những khí dụng còn lại của đền thờ sang Ba-by-lôn. “Như vậy, dân Giu-đa bị bắt đem đi khỏi xứ mình”.—2 Các Vua 24:18–25:21.
Nê-bu-cát-nết-sa cũng chinh phục thành Ty-rơ bằng chiến thuật vây hãm—một cuộc bao vây dài tới 13 năm. Trong thời gian vây hãm, đầu của các lính chiến bị “trọc” vì phải đội mũ trụ, và vai họ bị “mòn” vì phải khiêng vác vật liệu dùng để đắp lũy bao vây. (Ê-xê-chi-ên 29:18) Cuối cùng, Ty-rơ đầu hàng lực lượng Ba-by-lôn.
Rõ ràng vua Ba-by-lôn là một nhà chiến lược lỗi lạc về quân sự. Một số văn phẩm tham khảo, đặc biệt văn phẩm phát xuất từ Ba-by-lôn, cũng mô tả ông là một vị vua chính trực. Kinh Thánh không nói gì đến việc Nê-bu-cát-nết-sa chính trực nhưng tiên tri Giê-rê-mi nói rằng, mặc dù phản nghịch, Sê-đê-kia sẽ được đối xử tử tế ‘nếu ông ra đầu hàng các quan-trưởng của vua Ba-by-lôn’. (Giê-rê-mi 38:17, 18) Sau khi phá hủy thành Giê-ru-sa-lem, Nê-bu-cát-nết-sa đối xử với Giê-rê-mi một cách kính trọng. Về Giê-rê-mi, vua ban lệnh như sau: “Hãy đem người đi, săn-sóc người, và đừng làm hại; nhưng phải đãi người theo ý-muốn riêng của người”.—Giê-rê-mi 39:11, 12; 40:1-4.
Là một nhà hành chánh, Nê-bu-cát-nết-sa mau chóng nhận ra các đức tính và khả năng của Đa-ni-ên và ba đồng bạn—Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô—mà tên Hê-bơ-rơ là Ha-na-nia, Mi-sa-ên, và A-xa-ria. Vì vậy nhà vua đã dùng họ trong các chức vị quan trọng trong nước của ông.—Đa-ni-ên 1:6, 7, 19-21; 2:49.
Nê-bu-cát-nết-sa đặc biệt tôn sùng Marduk, thần chính của Ba-by-lôn. Vua quy mọi chiến công cho thần Marduk. Tại Ba-by-lôn, ông xây cất và trang hoàng nhiều đền thờ cho Marduk và cho các thần Ba-by-lôn khác nữa. Pho tượng vàng dựng lên ở đồng bằng Đu-ra có thể là để dâng hiến cho Marduk. Dường như Nê-bu-cát-nết-sa dựa rất nhiều vào bói khoa trong việc lập kế hoạch điều quân.
Nê-bu-cát-nết-sa cũng kiêu hãnh về công trình trùng tu Ba-by-lôn, một thành có tường bao bọc chung quanh kiên cố nhất vào thời đó. Khi xây xong những bức tường thành đồ sộ gồm hai lớp mà cha ông đã khởi công, Nê-bu-cát-nết-sa làm cho thủ đô xem ra không thể nào thất thủ được. Vua cho sửa chữa lại cung điện cũ nằm ở trung tâm thành và xây một lâu đài để nghỉ hè khoảng hai cây số về phía bắc cung điện. Để thỏa mãn hoàng hậu người Mê-đi của ông vốn nhung nhớ đồi và rừng ở quê nhà, người ta nói rằng Nê-bu-cát-nết-sa đã xây những khu vườn treo—được xếp vào một trong bảy kỳ công của thế giới cổ xưa.
Một ngày kia, trong khi đi dạo trong hoàng cung Ba-by-lôn, nhà vua tự hào: “Đây chẳng phải là Ba-by-lôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao-cả ta, để làm đế-đô ta, và làm sự vinh-hiển oai-nghi của ta sao?” “Lời chưa ra khỏi miệng vua” thì ông thành điên dại. Ông không còn khả năng để cai trị trong bảy năm, ông ăn rau cỏ đúng y như Đa-ni-ên đã tiên tri. Vào cuối thời hạn đó, nước được trao trả lại cho Nê-bu-cát-nết-sa. Ông cai trị đến khi chết vào năm 582 TCN.—Đa-ni-ên 4:30-36.
BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?
Người ta nói gì về Nê-bu-cát-nết-sa với tư cách là
• một nhà chiến lược quân sự?
• một nhà hành chánh?
• một người thờ thần Marduk?
• một nhà xây cất?
[Bản đồ]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
ĐẾ QUỐC BA-BY-LÔN
BIỂN ĐỎ
Giê-ru-sa-lem
Sông Ơ-phơ-rát
Sông Tigris
Ni-ni-ve
Su-san
Ba-by-lôn
U-rơ
[Hình]
Ba-by-lôn, thành có tường bao bọc kiên cố nhất vào thời ấy
[Hình]
Con rồng là biểu tượng của Marduk
[Hình]
Những ngôi vườn treo nổi tiếng của Ba-by-lôn
[Biểu đồ/Hình nơi trang 56]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
CÁC CƯỜNG QUỐC THẾ GIỚI TRONG LỜI TIÊN TRI CỦA ĐA-NI-ÊN
Pho tượng khổng lồ (Đa-ni-ên 2:31-45)
BA-BY-LÔN từ năm 607 TCN
MÊ-ĐI PHE-RƠ-SƠ từ năm 539 TCN
HY LẠP từ năm 331 TCN
LA MÃ từ năm 30 TCN
CƯỜNG QUỐC THẾ GIỚI ANH-MỸ từ năm 1763 CN
THẾ GIỚI CHIA RẼ VỀ CHÍNH TRỊ vào kỳ cuối cùng
[Trang hình ảnh nơi trang 47]
[Trang hình ảnh nơi trang 58]