Chương tám
Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngự trong đền thánh Ngài
1, 2. (a) Nhà tiên tri Ê-sai nhận được sự hiện thấy về đền thờ khi nào? (b) Tại sao Vua Ô-xia mất ân huệ của Đức Giê-hô-va?
“VỀ NĂM vua Ô-xia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao-sang, vạt áo của Ngài đầy-dẫy đền-thờ”. (Ê-sai 6:1) Chương 6 sách Ê-sai bắt đầu với những lời này của nhà tiên tri. Đó là vào năm 778 TCN.
2 Ô-xia làm vua cai trị nước Giu-đa 52 năm. Nói chung, triều đại của ông thành công vẻ vang. Vì làm “điều thiện trước mặt Đức Giê-hô-va”, ông được Đức Chúa Trời ủng hộ về quân sự, công việc xây cất và các dự án nông nghiệp. Nhưng sự thành công của ông lại hóa ra sự tàn hại cho ông. Cuối cùng, lòng ông trở nên kiêu ngạo, “đến nỗi làm điều ác, phạm tội cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của người; vì người vào trong đền-thờ Đức Giê-hô-va, xông hương”. Vì hành động tự phụ này và vì nổi giận với các thầy tế lễ khiển trách ông, Ô-xia bị bệnh phung đến chết. (2 Sử-ký 26:3-22) Vào khoảng thời gian này, Ê-sai bắt đầu làm nhà tiên tri.
3. (a) Ê-sai có thật sự nhìn thấy Đức Giê-hô-va không? Hãy giải thích. (b) Ê-sai thấy cảnh tượng nào, và vì lý do gì?
3 Chúng ta không được biết Ê-sai ở đâu khi thấy sự hiện thấy này. Nhưng những gì ông thấy bằng mắt trần của ông thì đúng là một sự hiện thấy, chứ không phải là một cảnh tượng có thật về Đấng Toàn Năng, bởi vì “chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời”. (Giăng 1:18; Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20) Song, được nhìn thấy Đấng Tạo Hóa là Đức Giê-hô-va, ngay cả trong sự hiện thấy, cũng là điều đáng kinh sợ rồi. Ngồi trên một ngôi cao sang là Đấng Thống Trị Hoàn Vũ và Nguồn của sự cai trị công bình! Ngôi cao sang tượng trưng cho địa vị của Ngài là Vua và Quan Án muôn đời. Vạt áo choàng dài của Ngài rủ xuống khắp đền thờ. Ê-sai được gọi để làm nhà tiên tri, tán dương quyền thống trị và công lý của Đức Giê-hô-va. Để chuẩn bị cho ông làm công việc này, ông được ban cho một sự hiện thấy về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời.
4. (a) Tại sao sự mô tả về Đức Giê-hô-va trong sự hiện thấy và được ghi lại trong Kinh Thánh là theo nghĩa bóng? (b) Chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va qua sự hiện thấy của Ê-sai?
4 Ê-sai không tả gì về diện mạo của Đức Giê-hô-va trong sự hiện thấy—không giống như các sự hiện thấy do Ê-xê-chi-ên, Đa-ni-ên và Giăng tường trình; các sự tường thuật này đều khác nhau về những gì được thấy trên trời. (Ê-xê-chi-ên 1:26-28; Đa-ni-ên 7:9, 10; Khải-huyền 4:2, 3) Tuy nhiên, chúng ta phải ghi nhớ bản chất và mục tiêu của những sự hiện thấy này. Chúng không phải là sự miêu tả về sự hiện diện của Đức Giê-hô-va theo nghĩa đen. Mắt phàm không thể thấy được những gì thuộc về thiêng liêng, cũng như trí óc hữu hạn của con người không thể hiểu được lĩnh vực thần linh. Do đó, những sự hiện thấy trình bày tin tức bằng những ngôn từ sao để con người hiểu được. (So sánh Khải-huyền 1:1). Trong sự hiện thấy của Ê-sai, một sự mô tả về diện mạo của Đức Chúa Trời không cần thiết. Sự hiện thấy cho Ê-sai biết là Đức Giê-hô-va ngự trong đền thánh của Ngài và Ngài là thánh và sự phán xét của Ngài là trong sạch.
Những Sê-ra-phim
5. (a) Sê-ra-phim là ai và tên này có nghĩa gì? (b) Tại sao các sê-ra-phim che mặt và chân?
5 Hãy lắng nghe! Ê-sai nói tiếp: “Những sê-ra-phim đứng bên trên Ngài; mỗi sê-ra-phim có sáu cánh, hai cái che mặt, hai cái che chân và hai cái dùng để bay”. (Ê-sai 6:2) Chương 6 sách Ê-sai là chỗ duy nhất trong Kinh Thánh nói đến sê-ra-phim. Hiển nhiên sê-ra-phim là những thiên sứ phụng sự Đức Giê-hô-va, có địa vị, đặc ân và vinh dự rất cao, và được đứng chầu gần ngôi trên trời của Đức Giê-hô-va. Không giống như Vua Ô-xia kiêu ngạo, các sê-ra-phim triệt để khiêm nhường trong khi thi hành chức vụ. Vì ở trước nhan của Đấng Tối Cao ở trên trời, các thiên sứ này che mặt họ bằng một đôi cánh và để tỏ ra tôn kính nơi thánh, họ che chân của họ với một cặp cánh khác. Đứng chầu gần Đấng Chủ Tể Hoàn Vũ, các sê-ra-phim khiêm tốn tột độ để sự vinh hiển qui về một mình Đức Chúa Trời. Từ “sê-ra-phim” nghĩa là “những đấng nhiệt thành” hay “những đấng thiêu đốt”, ngụ ý họ phát ra sự sáng chói, tuy vậy, họ che giấu mặt họ khỏi sự rực rỡ và vinh hiển lớn hơn của Đức Giê-hô-va.
6. Các sê-ra-phim có địa vị nào so với Đức Giê-hô-va?
6 Các sê-ra-phim dùng cặp cánh thứ ba để bay và tất nhiên để giữ vị trí, hay ‘đứng’ yên ở chỗ của họ. (So sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:15). Về vị trí của họ, Giáo Sư Franz Delitzsch bình luận: “Thực ra, sê-ra-phim không cao quá đầu của Đấng ngồi trên ngôi, nhưng họ ở bên trên cái áo choàng của Ngài làm đầy dẫy đền thờ”. (Commentary on the Old Testament) Điều này xem ra hợp lý. Họ “đứng bên trên”, không có nghĩa là cao trọng hơn Đức Giê-hô-va, nhưng để chờ lệnh Ngài, vâng phục và sẵn sàng phụng sự.
7. (a) Các sê-ra-phim làm tròn nhiệm vụ nào? (b) Tại sao các sê-ra-phim tung hô sự thánh thiện của Đức Giê-hô-va đến ba lần?
7 Bây giờ hãy lắng nghe những sê-ra-phim có đặc ân cao quí này! “Các sê-ra-phim cùng nhau kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn-quân! Khắp đất đầy-dẫy sự vinh-hiển Ngài!” (Ê-sai 6:3) Nhiệm vụ của họ là lo sao cho sự thánh thiện của Đức Giê-hô-va được công bố và sự vinh hiển của Ngài được nhận biết trên khắp vũ trụ, trong đó có trái đất. Sự vinh hiển của Ngài được biểu thị qua mọi công trình Ngài tạo dựng và chẳng bao lâu nữa dân cư trên toàn trái đất sẽ thấy rõ sự vinh hiển ấy. (Dân-số Ký 14:21; Thi-thiên 19:1-3; Ha-ba-cúc 2:14) Sự tung hô ba lần, “thánh thay, thánh thay, thánh thay”, không phải là bằng chứng cho thuyết Chúa Ba Ngôi. Nhưng đúng ra, đó là sự nhấn mạnh ba lần về sự thánh thiện của Đức Chúa Trời. (So sánh Khải-huyền 4:8). Sự thánh thiện của Đức Giê-hô-va cao ở mức tuyệt đối.
8. Sự tung hô của các sê-ra-phim đưa đến kết quả nào?
8 Mặc dù con số sê-ra-phim không được nhắc tới, nhưng có thể có những nhóm sê-ra-phim đứng chầu gần ngôi. Trong bài ca thánh thót, các sê-ra-phim luân phiên tung hô sự thánh thiện và vinh hiển của Đức Chúa Trời. Kết quả là gì? Một lần nữa, hãy lắng nghe Ê-sai nói tiếp: “Nhân tiếng kêu đó, các nền ngạch cửa rúng-động, và đền đầy những khói”. (Ê-sai 6:4) Trong Kinh Thánh, khói hay một đám mây thường là bằng chứng hữu hình về sự hiện diện của Đức Chúa Trời. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:18; 40:34, 35; 1 Các Vua 8:10, 11; Khải-huyền 15:5-8) Nó biểu thị một sự vinh hiển mà tạo vật loài người chúng ta không thể đến gần được.
Không xứng đáng, nhưng được tẩy sạch
9. (a) Sự hiện thấy có ảnh hưởng gì trên Ê-sai? (b) Có sự khác biệt rõ ràng nào giữa Ê-sai và Vua Ô-xia?
9 Sự hiện thấy này về ngôi của Đức Giê-hô-va có ảnh hưởng sâu xa đối với Ê-sai. Ông ghi lại: “Bấy giờ tôi nói: Khốn-nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ-dáy, ở giữa một dân có môi dơ-dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn-quân!” (Ê-sai 6:5) Thật là một sự khác biệt hoàn toàn giữa Ê-sai và Vua Ô-xia! Ô-xia đã chiếm đoạt chức vụ của thầy tế lễ được xức dầu và bất kính xâm phạm gian Thánh của đền thờ. Mặc dù Ô-xia nhìn thấy chân đèn bằng vàng, bàn thờ xông hương bằng vàng và bàn bày “bánh trần-thiết”, nhưng ông không được Đức Giê-hô-va chấp nhận, cũng không nhận được bất cứ sứ mạng đặc biệt nào từ Ngài. (1 Các Vua 7:48-50) Còn tiên tri Ê-sai, ông không dám coi thường chức vụ tế lễ hay xâm phạm đền thờ. Song, ông được thấy một sự hiện thấy về Đức Giê-hô-va trong đền thánh của Ngài và được vinh dự nhận lãnh một sứ mạng do chính Đức Chúa Trời giao cho. Trong khi các sê-ra-phim không dám kiêu ngạo nhìn vào Chúa trên ngôi trong đền thờ thì trong sự hiện thấy, Ê-sai lại được phép nhìn vào “Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn-quân!”
10. Tại sao Ê-sai sợ hãi khi nhìn thấy sự hiện thấy?
10 Sự tương phản mà Ê-sai thấy giữa sự thánh thiện của Đức Chúa Trời và tội lỗi của ông khiến ông cảm thấy mình quá dơ dáy. Vì sự sợ hãi choán lấy hết tâm trí, ông nghĩ rằng ông sẽ chết. (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20) Ông nghe thấy tiếng các sê-ra-phim ngợi khen Đức Chúa Trời với môi trong sạch, còn môi của ông vốn dơ dáy, lại càng dơ dáy thêm bởi môi miếng ô uế của dân sự ở chung quanh ông và những lời lẽ của họ mà ông nghe được. Đức Giê-hô-va là thánh và các tôi tớ của Ngài phải phản ánh phẩm chất ấy. (1 Phi-e-rơ 1:15, 16) Mặc dù đã được chọn làm phát ngôn viên của Đức Chúa Trời, Ê-sai ý thức sâu xa về tình trạng tội lỗi của mình và về việc thiếu môi thanh sạch xứng đáng với một phát ngôn viên của vị Vua vinh hiển và thánh. Trên trời sẽ trả lời như thế nào?
11. (a) Một trong các sê-ra-phim làm gì, và hành động này tượng trưng cho điều gì? (b) Việc suy ngẫm về những gì sê-ra-phim nói với Ê-sai có thể giúp chúng ta như thế nào khi cảm thấy mình không xứng đáng làm tôi tớ Đức Chúa Trời?
11 Thay vì đuổi Ê-sai hèn kém ra khỏi mặt Đức Giê-hô-va, các sê-ra-phim giúp đỡ ông. Lời tường thuật nói: “Bấy giờ một sê-ra-phim bay đến tôi, tay cầm than lửa đỏ mà đã dùng kiềm gắp nơi bàn-thờ, để trên miệng ta, mà nói rằng: Nầy, cái nầy đã chạm đến môi ngươi; lỗi ngươi được bỏ rồi, tội ngươi được tha rồi”. (Ê-sai 6:6, 7) Theo nghĩa bóng, lửa có năng lực làm tinh sạch. Khi đem than đỏ từ lò lửa thánh của bàn thờ chạm đến môi của Ê-sai, sê-ra-phim bảo đảm với Ê-sai là tội lỗi của ông đã được tha đến mức cho phép ông nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời và được Ngài giao một sứ mạng. Điều này làm chúng ta yên lòng biết bao! Chúng ta cũng tội lỗi và không xứng đáng đến gần Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta đã được chuộc bởi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su và có thể nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời và đến gần Ngài qua lời cầu nguyện.—2 Cô-rinh-tô 5:18, 21; 1 Giăng 4:10.
12. Ê-sai nhìn thấy bàn thờ nào, và hiệu quả của lửa là gì?
12 Việc “bàn-thờ” được nói tới nhắc nhở chúng ta một lần nữa đây là sự hiện thấy. (So sánh Khải-huyền 8:3; 9:13). Tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, có hai bàn thờ. Ngay trước cái màn của Nơi Chí Thánh, có một bàn thờ xông hương nhỏ, và trước lối vào nơi thánh là bàn thờ lớn hơn để dâng của-lễ hy sinh, nơi người ta để ngọn lửa cháy luôn. (Lê-vi Ký 6:12, 13; 16:12, 13) Nhưng những bàn thờ trên đất này chỉ là hình bóng, tượng trưng cho những điều lớn hơn mà thôi. (Hê-bơ-rơ 8:5; 9:23; 10:5-10) Chính lửa từ trời đã thiêu của-lễ trên bàn thờ khi đền thờ được Vua Sa-lô-môn khánh thành. (2 Sử-ký 7:1-3) Và bây giờ, đó là lửa từ bàn thờ thật ở trên trời khử đi sự dơ bẩn trên môi miệng của Ê-sai.
13. Đức Giê-hô-va đưa ra câu hỏi nào, và ai bao gồm trong chữ “chúng ta”?
13 Chúng ta hãy nghe Ê-sai nói: “Tôi nghe tiếng Chúa phán rằng: Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa rằng: Có tôi đây; xin hãy sai tôi”. (Ê-sai 6:8) Câu hỏi Đức Giê-hô-va đưa ra rõ ràng có mục đích gợi cho Ê-sai trả lời vì không có nhà tiên tri nào khác xuất hiện trong sự hiện thấy. Đúng là một lời mời Ê-sai làm sứ giả cho Đức Giê-hô-va. Nhưng tại sao Đức Giê-hô-va hỏi: “Ai sẽ đi cho chúng ta?” Qua việc đổi đại từ số ít “Ta” sang đại từ số nhiều “chúng ta”, Đức Giê-hô-va bây giờ bao gồm với Ngài ít nhất một nhân vật khác nữa. Ai đây? Chẳng phải là Con độc sanh của Ngài mà sau này trở thành con người, Chúa Giê-su Christ, sao? Thật vậy, cũng chính với người Con này, Đức Chúa Trời đã nói: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta”. (Sáng-thế Ký 1:26; Châm-ngôn 8:30, 31) Vâng, bên cạnh Đức Giê-hô-va trong cung điện ở trên trời là Con độc sanh của Ngài.—Giăng 1:14.
14. Ê-sai đáp ứng lời mời của Đức Giê-hô-va như thế nào, và ông nêu gương nào cho chúng ta?
14 Ê-sai trả lời không chút lưỡng lự! Bất kể thông điệp là gì, ông trả lời ngay lập tức: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”. Ông cũng không hề hỏi ông được lợi lộc gì khi nhận lãnh trách nhiệm. Tinh thần sẵn sàng của ông là một gương tốt cho tất cả các tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay, những người có sứ mạng rao giảng ‘tin mừng về Nước Trời ra khắp đất’. (Ma-thi-ơ 24:14) Giống như Ê-sai, họ trung kiên với công việc được giao phó và hoàn thành công việc “làm chứng cho muôn dân”, bất chấp sự lãnh đạm của phần đông người ta. Họ tiếp tục công việc với niềm tin tưởng giống như Ê-sai, biết rằng sứ mạng của họ đến từ một thẩm quyền cao nhất.
Sứ mạng của Ê-sai
15, 16. (a) Ê-sai phải nói gì với “dân nầy”, và họ sẽ đáp ứng như thế nào? (b) Phản ứng của dân sự có phải do bất cứ lỗi nào của Ê-sai không? Hãy giải thích.
15 Bây giờ Đức Giê-hô-va cho Ê-sai biết phải nói gì và ông sẽ nhận được sự đáp ứng nào: “Đi đi! nói với dân nầy rằng: Các ngươi hãy nghe [“nhiều lần”, “NW”], nhưng chẳng hiểu chi; hãy xem, nhưng chẳng thấy chi. Hãy làm cho dân ấy béo lòng, nặng tai, nhắm mắt, e rằng mắt nó thấy được, tai nó nghe được, lòng nó hiểu được, nó trở lại và được chữa-lành chăng!” (Ê-sai 6:9, 10) Phải chăng điều này có nghĩa là Ê-sai phải thẳng thừng, thô lỗ và xúc phạm đến người Do Thái, cứ để cho họ thù nghịch với Đức Giê-hô-va? Tuyệt đối là không! Họ là dân sự của Ê-sai, tức những người ông cảm thấy có quan hệ họ hàng. Nhưng những lời của Đức Giê-hô-va cho thấy dân sự sẽ đáp ứng thế nào với thông điệp của ông bất kể ông trung thành thi hành nhiệm vụ đến đâu.
16 Lỗi là tại dân sự. Ê-sai sẽ nói “nhiều lần” với họ, nhưng họ sẽ không chấp nhận thông điệp hay là tiếp nhận sự hiểu biết. Phần đông sẽ ngoan cố và không hưởng ứng, như thể họ mù và điếc hoàn toàn. Qua việc lui tới với họ nhiều lần, Ê-sai sẽ khiến “dân nầy” để lộ ra là họ không muốn hiểu biết. Họ sẽ chứng tỏ họ đóng trí và lòng của họ lại trước thông điệp của Ê-sai—tức thông điệp của Đức Chúa Trời—gởi cho họ. Điều này đúng với người ta ngày nay làm sao! Có quá nhiều người từ chối nghe Nhân Chứng Giê-hô-va rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời sắp đến.
17. Khi hỏi “cho đến chừng nào?”, Ê-sai có ý nói đến điều gì?
17 Ê-sai lo lắng: “Tôi lại nói: Lạy Chúa, cho đến chừng nào? Ngài đáp rằng: Cho đến chừng các thành bị hoang-vu, không có dân ở, nhà không có người, và đất đã nên hoang-vu cả; cho đến chừng Đức Giê-hô-va dời dân đi xa, và trong xứ rất là tiêu-điều”. (Ê-sai 6:11, 12) Khi hỏi “cho đến chừng nào?”, Ê-sai không có ý hỏi ông sẽ phải tiếp tục rao giảng cho một dân tộc ngoan cố trong bao lâu. Đúng hơn, ông quan tâm đến dân chúng và hỏi tình trạng xấu xa về thiêng liêng của họ sẽ tiếp tục bao lâu và danh của Đức Giê-hô-va sẽ bị sỉ nhục trên đất này cho đến chừng nào. (So sánh Thi-thiên 74:9-11). Vậy thì tình trạng bi quan này tiếp tục cho đến bao giờ?
18. Tình trạng xấu xa về thiêng liêng của dân chúng kéo dài cho đến khi nào, và Ê-sai có được sống để nhìn thấy sự ứng nghiệm hoàn toàn của lời tiên tri không?
18 À, câu trả lời của Đức Giê-hô-va cho thấy là tình trạng xấu xa về thiêng liêng của dân chúng sẽ tiếp tục cho tới khi toàn thể các hậu quả của sự bất tuân phục Đức Chúa Trời, như được ghi trong giao ước, được nên trọn. (Lê-vi Ký 26:21-33; Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:49-68) Nước sẽ bị hủy phá, dân sự sẽ bị bắt đi đày và đất đai sẽ bị bỏ hoang. Ê-sai không được sống để nhìn thấy thành và đền thờ Giê-ru-sa-lem bị quân đội Ba-by-lôn phá hủy vào năm 607 TCN, nhưng ông vẫn tiên tri trong hơn 40 năm, tiếp tục tới triều Vua Ê-xê-chia, chắt của Vua Ô-xia. Tuy nhiên, Ê-sai tiếp tục trung thành với sứ mạng của ông tới lúc ông qua đời, hơn 100 năm trước khi thảm họa xảy ra cho nước đó.
19. Mặc dù nước sẽ như một cây bị chặt xuống, Đức Giê-hô-va cho Ê-sai sự bảo đảm nào?
19 Sự phá hủy làm cho Giu-đa “hoang-vu” chắc chắn sẽ đến, nhưng tình trạng không phải là tuyệt vọng. (2 Các Vua 25:1-26) Đức Giê-hô-va bảo đảm với Ê-sai: “Giả-sử còn lại một phần mười dân-cư tại đó, họ sẽ lại bị thiêu-nuốt. Nhưng, như khi người ta hạ cây thông cây dẻ, chừa gốc nó lại, thì cũng vậy, giống thánh là gốc của nó”. (Ê-sai 6:13) Vâng, “một phần mười,... giống thánh” sẽ còn lại, tựa như gốc của một cây cao lớn bị chặt xuống. Sự bảo đảm này chắc hẳn làm cho Ê-sai được an ủi—tức là trong vòng dân sự của ông sẽ có một số người thánh còn sót lại. Mặc dù nước lại bị thiêu hủy, giống như một cây to lớn bị chặt xuống làm củi đốt, nhưng một cái gốc thiết yếu của cây tượng trưng Y-sơ-ra-ên sẽ còn lại. Cái gốc đó sẽ là giống, hay dòng dõi, thánh trước mắt Đức Giê-hô-va. Với thời gian, cái gốc sẽ đâm chồi trở lại và cây sẽ lại mọc lên.—So sánh Gióp 14:7-9; Đa-ni-ên 4:26.
20. Phần sau cùng của lời tiên tri của Ê-sai được ứng nghiệm tiên khởi như thế nào?
20 Lời tiên tri này có thành sự thật không? Có. Sau khi đất Giu-đa bị hoang vu 70 năm, một số người kính sợ Đức Chúa Trời còn sót lại trở về từ Ba-by-lôn, nơi họ bị bắt làm phu tù. Họ tái thiết đền thờ và thành, và họ tái lập sự thờ phượng thật trên đất Giu-đa. Việc người Do Thái được trở về quê hương, vùng đất Đức Chúa Trời ban cho, mở đường cho sự ứng nghiệm thứ hai của lời tiên tri mà Ê-sai nhận được từ Đức Giê-hô-va. Sẽ ứng nghiệm như thế nào?—E-xơ-ra 1:1-4.
Những sự ứng nghiệm khác
21-23. (a) Vào thế kỷ thứ nhất, lời tiên tri của Ê-sai được ứng nghiệm cho ai, và như thế nào? (b) Ai là “giống thánh” vào thế kỷ thứ nhất, và được bảo toàn như thế nào?
21 Công việc mang tính cách tiên tri của Ê-sai là hình bóng cho công việc mà Đấng Mê-si, tức Chúa Giê-su Christ, sẽ thực hiện khoảng 800 năm sau đó. (Ê-sai 8:18; 61:1, 2; Lu-ca 4:16-21; Hê-bơ-rơ 2:13, 14) Mặc dù lớn hơn Ê-sai, Chúa Giê-su cũng sẵn sàng để Cha trên trời của ngài sai đi khi ngài nói: “Nầy tôi đến... để làm theo ý-muốn Chúa”.—Hê-bơ-rơ 10:5-9; Thi-thiên 40:6-8.
22 Giống như Ê-sai, Chúa Giê-su trung thành thi hành công việc được giao phó và cũng gặp phải phản ứng tương tự. Những người Do Thái trong thời Chúa Giê-su cũng không hơn gì những người được Ê-sai giảng cho vào thời ông trong việc sẵn sàng chấp nhận thông điệp. (Ê-sai 1:4) Việc dùng minh họa là một nét đặc biệt trong thánh chức của Chúa Giê-su. Điều này khiến môn đồ ngài hỏi: “Sao thầy dùng thí-dụ mà phán cùng chúng vậy?” Chúa Giê-su trả lời: “Bởi vì đã ban cho các ngươi được biết những điều mầu-nhiệm của nước thiên-đàng, song về phần họ, thì không ban cho biết. Vậy nên ta phán thí-dụ cùng chúng; vì họ xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe, và không hiểu chi hết. Vậy, về họ, đã được ứng-nghiệm lời tiên-tri của Ê-sai rằng: Các ngươi sẽ lóng tai nghe, mà chẳng hiểu chi; lấy mắt xem mà chẳng thấy chi. Vì lòng dân nầy đã cứng-cỏi; đã làm cho nặng tai và nhắm mắt mình lại, e khi mắt mình thấy được, tai mình nghe được, lòng mình hiểu được, họ tự hối-cải lại, và ta chữa họ được lành chăng”.—Ma-thi-ơ 13:10, 11, 13-15; Mác 4:10-12; Lu-ca 8:9, 10.
23 Khi trích những lời của Ê-sai, Chúa Giê-su cho thấy rằng lời tiên tri đã có một sự ứng nghiệm vào thời của ngài. Người ta nói chung đều có thái độ trong lòng giống như của những người Do Thái vào thời Ê-sai. Họ tự làm cho mình mù và điếc trước thông điệp của ngài và cũng thế, họ bị hủy diệt. (Ma-thi-ơ 23:35-38; 24:1, 2) Điều này xảy ra khi quân đội La Mã dưới quyền chỉ huy của Tướng Titus đến tấn công thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 CN và hủy phá thành và đền thờ. Song, một số đã vâng lời Chúa Giê-su và trở thành môn đồ ngài. Chúa Giê-su tuyên bố những người này là có “phước”. (Ma-thi-ơ 13:16-23, 51) Ngài cho họ biết là khi thấy “quân-lính vây thành Giê-ru-sa-lem”, họ nên bắt đầu “trốn lên núi”. (Lu-ca 21:20-22) Do đó, “giống thánh”, tức những người đã thực hành đức tin và hợp thành một nước thiêng liêng, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, được cứu thoát.a—Ga-la-ti 6:16.
24. Sứ đồ Phao-lô áp dụng lời tiên tri của Ê-sai như thế nào, và điều này cho thấy gì?
24 Vào khoảng năm 60 CN, sứ đồ Phao-lô bị giam lỏng ở Rô-ma. Tại đây, ông sắp đặt một phiên họp với “các trưởng-lão trong dân Giu-đa” và với những người khác; ông “làm chứng và giảng-giải với họ về nước Đức Chúa Trời”. Khi nhiều người không chấp nhận thông điệp của ông, Phao-lô giải thích rằng điều này làm ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai. (Công-vụ 28:17-27; Ê-sai 6:9, 10) Như thế các môn đồ của Chúa Giê-su thi hành một sứ mạng giống như của Ê-sai vậy.
25. Các Nhân Chứng của Đức Chúa Trời thời nay nhận thức được điều gì và họ đáp ứng như thế nào?
25 Tương tự như thế, Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay biết là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngự trong đền thờ thánh của Ngài. (Ma-la-chi 3:1) Giống như Ê-sai, họ nói: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”. Họ sốt sáng rao thông điệp cảnh cáo về sự cuối cùng của hệ thống gian ác sắp đến. Nhưng như Chúa Giê-su đã cho thấy, tương đối có ít người mở mắt và tai để thấy và nghe hầu được cứu. (Ma-thi-ơ 7:13, 14) Thực vậy, hạnh phúc cho người nào chuyên lòng mình để lắng nghe và “được chữa-lành”!—Ê-sai 6:8, 10.
[Chú thích]
a Vào năm 66 CN, để ứng phó với cuộc nổi loạn của người Do Thái, quân đội La Mã dưới quyền của Tướng Cestius Gallus đến bao vây thành Giê-ru-sa-lem và thâm nhập vào thành đến tận tường của đền thờ. Rồi họ rút lui, nên các môn đồ của Chúa Giê-su có cơ hội trốn lên núi vùng Phê-rê trước khi quân La Mã trở lại vào năm 70 CN.
[Hình nơi trang 94]
“Có tôi đây; xin hãy sai tôi”
[Hình nơi trang 97]
“Cho đến chừng các thành bị hoang-vu, không có dân ở”