Chương hai mươi chín
Đức tin của một vị vua được tưởng thưởng
1, 2. Ê-xê-chia đã chứng tỏ là một vua tốt hơn A-cha như thế nào?
Ê-XÊ-CHIA lên làm vua nước Giu-đa lúc 25 tuổi. Ông là loại vua nào? Ông có theo gót cha là Vua A-cha, và dẫn dụ thần dân mình thờ thần giả không? Hay là ông hướng dẫn dân sự thờ phượng Đức Giê-hô-va như Vua Đa-vít, tổ phụ ông đã làm?—2 Các Vua 16:2.
2 Chẳng bao lâu sau khi lên ngôi, rõ ràng Ê-xê-chia muốn “làm điều thiện trước mặt Đức Giê-hô-va”. (2 Các Vua 18:2, 3) Trong năm đầu trị vì, ông ra lệnh tu sửa đền thờ Đức Giê-hô-va và phục hồi công tác phụng sự tại đền thờ. (2 Sử-ký 29:3, 7, 11) Rồi ông tổ chức một Lễ Vượt Qua long trọng, và mời cả nước về dự—gồm cả mười chi phái Y-sơ-ra-ên phía bắc nữa. Thật là một lễ hội không thể quên được! Từ thời Vua Sa-lô-môn cho đến lúc đó, chưa hề có một lễ hội nào như vậy.—2 Sử-ký 30:1, 25, 26.
3. (a) Dân Y-sơ-ra-ên và dân Giu-đa dự Lễ Vượt Qua do Ê-xê-chia tổ chức đã có hành động nào? (b) Tín đồ Đấng Christ ngày nay học được gì từ hành động quyết liệt của những người dự Lễ Vượt Qua đó?
3 Vào cuối Lễ Vượt Qua, những người tham dự vì cảm động liền chặt các cây thánh, đập bể các trụ thánh, phá đổ các nơi cao và bàn thờ thần giả, sau đó họ trở về thành của mình, cương quyết phụng sự Đức Chúa Trời thật. (2 Sử-ký 31:1) Thật trái ngược hẳn với thái độ trước đó của họ về tôn giáo! Từ sự kiện này, tín đồ thật của Đấng Christ ngày nay có thể học được bài học về tầm quan trọng của việc ‘chớ bỏ sự nhóm lại’. Những buổi nhóm họp ấy, dù ở hội thánh địa phương hoặc ở các hội nghị hay đại hội có tầm mức lớn hơn, đóng một vai trò tối quan trọng trong việc họ nhận được sự khuyến khích và được tình anh em cũng như thánh linh của Đức Chúa Trời thúc đẩy để “khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành”.—Hê-bơ-rơ 10:23-25.
Đức tin bị thử thách
4, 5. (a) Ê-xê-chia tỏ ra độc lập với A-si-ri như thế nào? (b) San-chê-ríp đã có hành động quân sự nào chống lại Giu-đa, và Ê-xê-chia đã dùng biện pháp nào để tránh cuộc tấn công tức thời vào Giê-ru-sa-lem? (c) Ê-xê-chia chuẩn bị thế nào để bảo vệ Giê-ru-sa-lem khỏi quân A-si-ri?
4 Những thử thách cam go đang chờ đợi Giê-ru-sa-lem. Ê-xê-chia đã hủy bỏ hiệp ước mà cha ông là A-cha, vì thiếu đức tin đã ký kết với A-si-ri. Thậm chí ông đã đánh bại Phi-li-tin, nước đồng minh của A-si-ri. (2 Các Vua 18:7, 8) Điều này làm vua A-si-ri nổi giận. Bởi vậy, chúng ta đọc: “Năm thứ mười bốn đời vua Ê-xê-chia, thì San-chê-ríp, vua A-si-ri, đến đánh các thành bền-vững của Giu-đa và chiếm lấy”. (Ê-sai 36:1) Có lẽ nhằm che chở Giê-ru-sa-lem khỏi một cuộc tấn công tức thời của quân A-si-ri đang say trận nên Ê-xê-chia mới đồng ý trả cho San-chê-ríp một món triều cống khổng lồ là 300 ta-lâng bạc và 30 ta-lâng vàng.a—2 Các Vua 18:14.
5 Vì không đủ số lượng vàng và bạc trong kho nhà vua để triều cống, Ê-xê-chia phải dùng đến những quý kim thuộc đền thờ. Ông cũng cắt những cửa bọc vàng của đền thờ và gởi sang cho San-chê-ríp. Điều này làm người A-si-ri thỏa mãn, nhưng chỉ được một thời gian. (2 Các Vua 18:15, 16) Hiển nhiên, Ê-xê-chia ý thức là A-si-ri sẽ chẳng để Giê-ru-sa-lem yên lâu. Do đó, cần phải chuẩn bị. Dân sự xây đập chặn nguồn cung cấp nước khiến quân xâm lược A-si-ri không có nước dùng. Ê-xê-chia cũng tăng cường các công sự của Giê-ru-sa-lem và xây một kho tích trữ vũ khí, gồm cả “nhiều cây lao cùng khiên”.—2 Sử-ký 32:4, 5.
6. Ê-xê-chia đặt tin cậy nơi ai?
6 Tuy nhiên, Ê-xê-chia không tin cậy vào tài mưu lược hoặc vào các công sự, nhưng vào Đức Giê-hô-va vạn quân. Ông khuyên các quan tướng của ông: “Khá vững lòng bền chí, chớ sợ, chớ kinh-hãi trước mặt vua A-si-ri và đám quân đông-đảo theo người; vì có một Đấng ở cùng chúng ta thắng hơn kẻ ở với họ: Với người chỉ một cánh tay xác-thịt; còn với chúng ta có Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng ta, đặng giúp-đỡ và chiến-tranh thế cho chúng ta”. Dân sự hưởng ứng, bắt đầu “nương-cậy nơi lời của Ê-xê-chia, vua Giu-đa”. (2 Sử-ký 32:7, 8) Chúng ta hãy mường tượng những biến cố hào hứng tuần tự xảy ra khi duyệt lại lời tiên tri trong các chương 36 đến 39 sách Ê-sai.
Ráp-sa-kê biện luận
7. Ráp-sa-kê là ai, và tại sao hắn được sai đến Giê-ru-sa-lem?
7 San-chê-ríp phái Ráp-sa-kê (một tước hiệu về quân sự chứ không phải tên riêng) cùng với hai viên chức cao cấp khác tới Giê-ru-sa-lem để đòi thành này đầu hàng. (2 Các Vua 18:17) Phái đoàn được ba đại diện của Ê-xê-chia đón bên ngoài tường thành Giê-ru-sa-lem. Đó là Ê-li-a-kim, cung giám của Ê-xê-chia, thư ký Sép-na, và Giô-a, con của A-sáp quan thái sử.—Ê-sai 36:2, 3.
8. Ráp-sa-kê cố gắng làm Giê-ru-sa-lem nhụt chí để không chống cự lại như thế nào?
8 Mục tiêu của Ráp-sa-kê rất giản dị—thuyết phục Giê-ru-sa-lem đầu hàng mà không cần phải đánh. Hắn nói lớn bằng tiếng Hê-bơ-rơ: “Sự trông-cậy mà ngươi nương-dựa là gì?... Vậy ngươi cậy ai mà dám làm phản ta?” (Ê-sai 36:4, 5) Rồi Ráp-sa-kê sỉ nhục người Giu-đa lúc ấy đang run sợ, nhắc họ nhớ rằng họ hoàn toàn bị cô lập. Họ có thể quay về ai để cầu cứu? Về Ê-díp-tô, “cây sậy đã gãy” chăng? (Ê-sai 36:6) Vào lúc này, Ê-díp-tô quả giống như một cây sậy gẫy; thật ra, nguyên cường quốc thế giới đó tạm thời bị Ê-thi-ô-bi chinh phục, và Pha-ra-ôn đương kim của Ê-díp-tô, Vua Tiệt-ha-ca, không phải là người Ê-díp-tô nhưng là người Ê-thi-ô-bi. Và vua ấy sắp bị A-si-ri đánh bại. (2 Các Vua 19:8, 9) Vì Ê-díp-tô không thể tự cứu mình nên nó sẽ chẳng giúp Giu-đa được gì.
9. Ráp-sa-kê dựa vào bằng cớ nào để đi đến kết luận là Đức Giê-hô-va từ bỏ dân Ngài, nhưng sự thật là gì?
9 Bây giờ Ráp-sa-kê lập luận là Đức Giê-hô-va sẽ chẳng chiến đấu cho dân Ngài vì Ngài không hài lòng về họ. Ráp-sa-kê nói: “Có lẽ các ngươi bảo ta rằng: Chúng ta cậy Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta; nhưng ấy chẳng phải là Đấng mà Ê-xê-chia đã bỏ các nơi cao và các bàn-thờ Ngài... hay sao?” (Ê-sai 36:7) Dĩ nhiên, việc dân Giu-đa phá đổ các nơi cao và các bàn thờ trong xứ đâu phải là họ từ bỏ Đức Giê-hô-va nhưng thật ra là họ trở lại với Ngài.
10. Tại sao việc Giu-đa có nhiều hay ít lính phòng thủ không thành vấn đề?
10 Kế đó, Ráp-sa-kê nhắc dân Giu-đa nhớ là sức mạnh quân sự của A-si-ri trổi hơn họ về mọi phương diện. Hắn đưa ra thách thức ngạo mạn này: “Nếu ngươi tìm được đủ lính-kỵ, thì ta sẽ cấp cho hai ngàn con ngựa”. (Ê-sai 36:8) Tuy nhiên, trong thực tế, có phải việc Giu-đa có nhiều hay ít kỵ binh thiện nghệ là vấn đề chăng? Không, bởi vì sự cứu rỗi của Giu-đa không tùy thuộc vào sức mạnh ưu thế về quân sự. Châm-ngôn 21:31 giải thích vấn đề như sau: “Ngựa sắm-sửa về ngày tranh-chiến; nhưng sự thắng-trận thuộc về Đức Giê-hô-va”. Rồi Ráp-sa-kê cho rằng ân phước của Đức Giê-hô-va ở với người A-si-ri chứ không phải với dân Giu-đa. Hắn lý luận, nếu không thì A-si-ri không thể tiến sâu vào lãnh thổ của Giu-đa như thế được.—Ê-sai 36:9, 10.
11, 12. (a) Tại sao Ráp-sa-kê cứ nói bằng “tiếng Giu-đa”, và hắn cố dụ dỗ người Giu-đa đang lắng nghe như thế nào? (b) Những lời của Ráp-sa-kê có thể có ảnh hưởng nào trên người Giu-đa?
11 Các đại diện của Ê-xê-chia lo ngại lập luận của Ráp-sa-kê sẽ ảnh hưởng đến quân lính của mình từ trên nóc tường thành nghe hắn nói. Phái đoàn Giu-đa yêu cầu: “Xin nói với tôi-tớ ông bằng tiếng A-ram, vì chúng tôi hiểu tiếng ấy. Song đừng lấy tiếng Giu-đa nói cùng chúng tôi, cho dân nầy đương ở trên tường-thành nó nghe”. (Ê-sai 36:11) Nhưng Ráp-sa-kê đâu có ý định nói bằng tiếng A-ram. Hắn muốn gieo hạt giống nghi ngờ và sợ hãi trong dân Giu-đa để rồi họ sẽ đầu hàng và Giê-ru-sa-lem bị chinh phục mà không cần phải đánh! (Ê-sai 36:12) Do đó, người A-si-ri này lại nói bằng “tiếng Giu-đa”. Hắn cảnh cáo dân cư Giê-ru-sa-lem: “Các ngươi chớ để vua Ê-xê-chia lừa-dối mình; vì người chẳng có thể cứu các ngươi”. Tiếp theo, hắn cố dụ những ai đang nghe bằng cách vẽ ra một bức tranh về đời sống dân Giu-đa sẽ ra sao dưới sự cai trị của A-si-ri: “Hãy hòa với ta, và ra hàng ta đi, thì các ngươi ai nấy sẽ được ăn trái nho trái vả của mình, uống nước giếng mình, cho tới chừng ta đến, đặng đem các ngươi vào một xứ như xứ các ngươi, tức là xứ có mạch-nha và rượu mới, lúa mì và nho”.—Ê-sai 36:13-17.
12 Năm nay, dân Giu-đa sẽ không có mùa gặt—vì cuộc xâm lăng của A-si-ri đã cản trở họ cày cấy mùa màng. Viễn tượng được ăn trái nho ngon ngọt và uống nước mát chắc phải rất hấp dẫn đối với những người đang ở trên tường lắng nghe. Nhưng Ráp-sa-kê chưa chấm dứt việc cố làm nhụt chí dân Giu-đa.
13, 14. Bất kể lập luận của Ráp-sa-kê, tại sao điều đã xảy ra cho Sa-ma-ri không áp dụng cho tình trạng của Giu-đa?
13 Từ kho vũ khí lập luận của hắn, Ráp-sa-kê rút ra một vũ khí khác bằng lời nói. Hắn cảnh cáo người Giu-đa chớ tin lời Ê-xê-chia nói: “Đức Giê-hô-va sẽ giải-cứu chúng ta”. Ráp-sa-kê nhắc nhở người Giu-đa là các thần của Sa-ma-ri đã không thể ngăn được việc mười chi phái bị A-si-ri đánh bại. Và còn thần của các nước khác mà A-si-ri đã chinh phục thì sao? “Nào các thần của Ha-mát và của Ạt-bát đâu tá?” hắn hỏi. “Nào các thần của Sê-phạt-va-im đâu tá? Các thần ấy đã cứu Sa-ma-ri ra khỏi tay ta chưa?”—Ê-sai 36:18-20.
14 Dĩ nhiên, Ráp-sa-kê, một người thờ thần giả, không hiểu là có sự khác biệt rất xa giữa Sa-ma-ri bội đạo và Giê-ru-sa-lem dưới thời Ê-xê-chia. Các thần giả của Sa-ma-ri không có quyền lực để giải cứu vương quốc gồm mười chi phái. (2 Các Vua 17:7, 17, 18) Mặt khác, Giê-ru-sa-lem dưới thời Ê-xê-chia đã từ bỏ thần giả và quay về với Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, ba đại biểu của Giu-đa không muốn giải thích điều này cho Ráp-sa-kê. “Chúng làm thinh, chẳng đáp lại một lời, vì vua có truyền lịnh rằng: Các ngươi đừng đáp lại”. (Ê-sai 36:21) Ê-li-a-kim, Sép-na và Giô-a trở vào gặp Ê-xê-chia và chính thức tường trình về những lời của Ráp-sa-kê.—Ê-sai 36:22.
Ê-xê-chia quyết định
15. (a) Bây giờ Ê-xê-chia phải đối phó với những quyết định nào? (b) Đức Giê-hô-va lại cam đoan với dân Ngài như thế nào?
15 Bây giờ Vua Ê-xê-chia phải quyết định. Giê-ru-sa-lem sẽ đầu hàng A-si-ri chăng? hợp lực với Ê-díp-tô chăng? hay giữ vững vị trí và đánh lại? Ê-xê-chia bị áp lực nặng nề. Ông đi đến đền thờ Đức Giê-hô-va, trong khi sai Ê-li-a-kim và Sép-na cùng với các trưởng lão trong hàng thầy tế lễ cầu vấn Đức Giê-hô-va qua tiên tri Ê-sai. (Ê-sai 37:1, 2) Các sứ giả của vua đều quấn bao gai đi đến gặp Ê-sai, họ thưa: “Ngày nay là ngày hoạn-nạn, quở-phạt, và hổ-nhuốc... Có lẽ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ nghe những lời của Ráp-sa-kê, mà chủ nó là vua A-si-ri đã sai đến để đố-thách Đức Chúa Trời hằng sống; và có lẽ Ngài sẽ quở-phạt nó theo như những lời mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã nghe”. (Ê-sai 37:3-5) Đúng vậy, A-si-ri đã thách thức Đức Chúa Trời hằng sống! Đức Giê-hô-va có để ý đến những lời nhục mạ của chúng không? Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va cam đoan một lần nữa với dân Giu-đa: “Chớ sợ về những lời ngươi đã nghe, là lời của tôi-tớ vua A-si-ri dùng mà nói phạm ta. Nầy ta đặt thần-linh trong nó, rồi nó sẽ nghe tin mà trở về xứ mình; tại đó, ta sẽ làm cho nó ngã dưới gươm”.—Ê-sai 37:6, 7.
16. San-chê-ríp gởi những lá thư nào?
16 Trong khi đó, Ráp-sa-kê được triệu hồi về gặp San-chê-ríp, lúc vua này đang tiến hành cuộc chiến tại Líp-na. San-chê-ríp sẽ tính chuyện với Giê-ru-sa-lem sau. (Ê-sai 37:8) Tuy nhiên, việc Ráp-sa-kê vắng mặt không làm giảm áp lực trên Ê-xê-chia chút nào. San-chê-ríp gởi những lá thư đe dọa, miêu tả những gì sẽ xảy ra cho dân cư Giê-ru-sa-lem nếu họ không chịu đầu hàng: “Nầy, vua hẳn có nghe những sự các vua A-si-ri đã làm ra ở các nước. Các nước ấy đã bị hủy-diệt cả rồi; còn vua, vua sẽ được cứu khỏi ư! Các thần của các nước mà tổ-tiên chúng ta đã diệt... có cứu được họ không? Chớ nào vua của Ha-mát, vua của Ạt-bát, các vua của thành Sê-phạt-va-im, thành Hê-na và thành Y-va ở đâu?” (Ê-sai 37:9-13) Về cơ bản, người A-si-ri nói rằng chống lại là dại dột—chống lại chỉ đem lại thêm khó khăn mà thôi!
17, 18. (a) Khi cầu xin Đức Giê-hô-va bảo vệ, động lực của Ê-xê-chia là gì? (b) Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va trả lời cho A-si-ri như thế nào?
17 Vì quan tâm sâu xa đến hậu quả gây ra bởi quyết định của mình, Ê-xê-chia mở các lá thơ của San-chê-ríp ra trước mặt Đức Giê-hô-va trong đền thờ. (Ê-sai 37:14) Ông tha thiết cầu xin Đức Giê-hô-va hãy nghe sự đe dọa của A-si-ri, và ông kết thúc bằng những lời này: “Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi, vậy, bây giờ, xin Ngài cứu chúng tôi khỏi tay San-chê-ríp, hầu cho mọi nước trên đất đều biết chỉ một mình Ngài là Đức Giê-hô-va!” (Ê-sai 37:15-20) Qua lời cầu nguyện này, chúng ta thấy rõ mối quan tâm chính yếu của Ê-xê-chia không phải là việc ông được giải cứu mà là việc danh của Đức Giê-hô-va sẽ bị sỉ nhục nếu như A-si-ri đánh bại Giê-ru-sa-lem.
18 Đức Giê-hô-va đáp lại lời cầu nguyện của Ê-xê-chia qua Ê-sai. Giê-ru-sa-lem sẽ không đầu hàng A-si-ri; thành sẽ đứng vững. Như là nói với San-chê-ríp, Ê-sai dạn dĩ tuyên bố thông điệp của Đức Giê-hô-va cho A-si-ri: “Gái đồng-trinh Si-ôn khinh-dể ngươi, nhạo-cười ngươi; gái Giê-ru-sa-lem lắc đầu [nhạo báng] sau ngươi!” (Ê-sai 37:21, 22) Rồi Đức Giê-hô-va như thể nói thêm: ‘Ngươi là ai mà dám nói phạm đến Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên? Ta biết các việc làm của ngươi. Ngươi có tham vọng cao; ngươi khoác lác nhiều điều. Ngươi tin cậy vào sức mạnh về quân sự của ngươi và ngươi đã chinh phục nhiều nước. Nhưng ngươi không phải là vô địch. Ta sẽ làm hỏng các kế hoạch của ngươi. Ta sẽ chinh phục ngươi. Rồi Ta sẽ làm cho ngươi như ngươi đã làm cho các nước khác. Ta sẽ xỏ móc vào mũi ngươi và lôi ngươi trở về A-si-ri!’—Ê-sai 37:23-29.
“Điều nầy sẽ là dấu”
19. Đức Giê-hô-va cho Ê-xê-chia dấu nào, và dấu này có nghĩa gì?
19 Ê-xê-chia có bảo đảm nào là lời tiên tri của Ê-sai sẽ được ứng nghiệm? Đức Giê-hô-va trả lời: “Điều nầy sẽ là dấu: năm nay sẽ ăn hoa-lợi chính ruộng tự sanh ra, sang năm còn ăn lúa tự-nhiên mọc lên không gieo giống. Nhưng, đến năm thứ ba, hãy gieo và gặt, hãy trồng vườn nho và ăn trái”. (Ê-sai 37:30) Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp lương thực cho dân Giu-đa đang bị mắc kẹt. Mặc dù không thể trồng trọt vì sự chiếm đóng của quân A-si-ri, nhưng họ vẫn có thể mót từ mùa gặt năm trước để ăn. Năm sau là năm Sa-bát, họ không được cày cấy mà phải để cho đất nghỉ tức để hoang, cho dù họ đang ở trong tình trạng tuyệt vọng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:11) Đức Giê-hô-va hứa là nếu dân sự vâng theo tiếng Ngài thì cánh đồng của họ sẽ mọc lên đủ lúa để nuôi họ. Rồi, vào năm sau, họ sẽ gieo trồng như thường lệ và sẽ hưởng kết quả công lao mình.
20. Những người thoát khỏi cuộc tấn công của A-si-ri sẽ “châm rễ mới ở dưới và ra trái ở trên” như thế nào?
20 Bây giờ Đức Giê-hô-va so sánh dân Ngài với một cây mà rễ không dễ gì bị trốc: “Trong nhà Giu-đa kẻ nào tránh khỏi nạn... sẽ châm rễ mới ở dưới và ra trái ở trên”. (Ê-sai 37:31, 32) Đúng vậy, những ai tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ không sợ hãi gì. Họ và con cháu họ sẽ tiếp tục định cư yên ổn trong xứ.
21, 22. (a) Lời tiên tri nói gì về San-chê-ríp? (b) Lời của Đức Giê-hô-va phán về San-chê-ríp được ứng nghiệm như thế nào và khi nào?
21 Còn về những lời A-si-ri đe dọa Giê-ru-sa-lem thì sao? Đức Giê-hô-va trả lời: “Nó sẽ không vào thành nầy, chẳng bắn vào một mũi tên, cũng chẳng dùng một cái thuẫn mà nghịch với, và chẳng đắp lũy mà cự lại. Nó sẽ theo con đường mình đã noi đến mà trở về, không vào thành nầy đâu”. (Ê-sai 37:33, 34) Cuối cùng thì giữa A-si-ri và Giê-ru-sa-lem sẽ chẳng có trận chiến nào cả. Điều đáng ngạc nhiên là chính A-si-ri, chứ không phải Giu-đa, sẽ bại trận mà không cần đánh.
22 Đúng theo lời Ngài, Đức Giê-hô-va sai một thiên sứ diệt thành phần tinh nhuệ của đạo quân San-chê-ríp—gồm 185.000 người. Điều này hình như xảy ra tại Líp-na, và chính San-chê-ríp thức giấc và thấy các quan tướng chỉ huy và những người mạnh mẽ của đạo quân đã chết hết. Quá xấu hổ, ông trở về Ni-ni-ve; nhưng dù bị bại trận nặng nề, ông vẫn cố chấp tôn sùng thần giả Nít-róc của ông. Vài năm sau, trong khi cúng vái trong đền thờ Nít-róc, San-chê-ríp bị hai con trai mình ám sát. Một lần nữa, Nít-róc vô tri vô giác đã tỏ ra bất lực không thể cứu giúp.—Ê-sai 37:35-38.
Đức tin của Ê-xê-chia được vững mạnh thêm
23. Ê-xê-chia gặp phải khủng hoảng nào khi San-chê-ríp tiến đánh Giu-đa lần đầu, và sự khủng hoảng này bao hàm những gì?
23 Vào khoảng thời gian khi San-chê-ríp tiến đánh Giu-đa lần đầu, Ê-xê-chia bị bệnh nặng. Ê-sai bảo là ông sẽ chết. (Ê-sai 38:1) Lòng vị vua mới 39 tuổi này tan nát. Ông không chỉ quan tâm đến sự an lạc của riêng mình nhưng cũng lo cho tương lai của dân sự nữa. Giê-ru-sa-lem và Giu-đa đang trong nguy cơ bị A-si-ri xâm lăng. Nếu Ê-xê-chia chết, ai sẽ lãnh đạo cuộc chiến? Vào lúc đó, Ê-xê-chia lại không có con trai để đảm đương việc nước. Trong lời cầu nguyện tha thiết, Ê-xê-chia van xin Đức Giê-hô-va thương xót ông.—Ê-sai 38:2, 3.
24, 25. (a) Đức Giê-hô-va thương xót đáp lời cầu xin của Ê-xê-chia như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va thực hiện phép lạ nào như được diễn tả nơi Ê-sai 38:7, 8?
24 Ê-sai chưa rời sân cung điện thì Đức Giê-hô-va sai ông trở lại bên giường bệnh của vua với một thông điệp khác: “Ta đã nghe lời cầu-nguyện của ngươi, đã thấy nước mắt ngươi. Nầy, ta sẽ thêm cho ngươi mười lăm tuổi. Ta sẽ giải-cứu ngươi cùng thành nầy khỏi tay vua A-si-ri, và ta sẽ binh-vực thành nầy”. (Ê-sai 38:4-6; 2 Các Vua 20:4, 5) Đức Giê-hô-va sẽ xác nhận lời hứa của Ngài bằng một dấu lạ: “Trên bàn trắc-ảnh A-cha, ta sẽ làm cho bóng mặt trời đương đi và đã đi quá, lui lại mười độ”.—Ê-sai 38:7, 8a.
25 Theo sử gia Do Thái Josephus thì trong cung điện vua có một cái cầu thang, có lẽ gần một cây cột. Khi ánh sáng mặt trời chiếu vào thì bóng của cây cột nằm trên cầu thang. Người ta có thể đo giờ trong ngày bằng cách quan sát sự xê dịch của bóng trên bậc thang. Bây giờ Đức Giê-hô-va thực hiện một phép lạ. Sau khi bóng từ từ xuống các bậc thang như thường lệ, nó sẽ đi ngược trở lại mười bậc. Có ai nghe một sự lạ như vậy bao giờ chưa? Kinh Thánh nói: “Bóng mặt trời đã lui lại mười độ mà nó đã đi quá rồi”. (Ê-sai 38:8b) Sau đó ít lâu, Ê-xê-chia khỏi bệnh. Tin này lan xa đến tận Ba-by-lôn. Khi vua Ba-by-lôn hay tin, vua sai sứ giả đến Giê-ru-sa-lem để thâu thập sự kiện.
26. Việc Ê-xê-chia được sống thêm ít năm đưa lại kết quả nào?
26 Khoảng ba năm sau khi Ê-xê-chia được khỏi bệnh bằng phép lạ thì con đầu lòng của ông là Ma-na-se được sinh ra. Khi lớn lên, Ma-na-se không tỏ lòng biết ơn về lòng thương xót của Đức Chúa Trời mà nhờ đó ông mới được sinh ra! Thay vì thế, trong phần lớn đời ông, Ma-na-se đã làm ác gấp bội trước mắt Đức Giê-hô-va.—2 Sử-ký 32:24; 33:1-6.
Lầm lẫn trong sự phán đoán
27. Ê-xê-chia biểu lộ lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va như thế nào?
27 Giống tổ phụ Đa-vít, Ê-xê-chia là một người có đức tin. Ông quý trọng Lời Đức Chúa Trời. Theo Châm-ngôn 25:1, ông đã sắp đặt công việc sưu tập tài liệu mà ngày nay chúng ta thấy nơi chương 25 đến 29 sách Châm-ngôn. Một số người tin là ông cũng đã soạn bài Thi-thiên 119. Một bài ca cảm động về lòng biết ơn mà Ê-xê-chia soạn sau khi được bình phục cho thấy ông là người có ân nghĩa sâu xa. Ông kết luận rằng điều quan trọng nhất trong đời là có thể khen ngợi Đức Giê-hô-va trong đền thờ của Ngài “trọn đời chúng tôi”. (Ê-sai 38:9-20) Mong sao tất cả chúng ta đều có cảm nghĩ như vậy về sự thờ phượng thanh sạch!
28. Một thời gian sau khi được khỏi bệnh bằng phép lạ, Ê-xê-chia đã phạm lỗi lầm nào trong việc phán đoán?
28 Dù Ê-xê-chia trung thành, nhưng ông bất toàn. Một thời gian sau khi được Đức Giê-hô-va chữa khỏi bệnh, ông đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng trong việc phán đoán. Ê-sai giải thích: “Trong lúc đó, vua Ba-by-lôn, là Mê-rô-đác-Ba-la-đan, con vua Ba-la-đan, sai đưa thơ và lễ-vật dâng Ê-xê-chia; vì nghe người đau và được lành. Ê-xê-chia vui-mừng vì các sứ-thần, thì cho xem trong cung-điện, nơi để những của quí, như bạc, vàng, thuốc thơm, dầu báu, cùng kho khí-giới, và mọi đồ trong phủ-khố mình. Phàm vật chi trong cung và trong cả nước mình, chẳng có tí gì là Ê-xê-chia chẳng cho các sứ-thần xem đến”.—Ê-sai 39:1, 2.b
29. (a) Có lẽ Ê-xê-chia có động lực nào khi cho phái đoàn Ba-by-lôn xem kho tàng của mình? (b) Sự phán xét lầm lẫn của Ê-xê-chia sẽ có hậu quả nào?
29 Ngay cả sau khi bị thiên sứ của Đức Giê-hô-va đánh bại thảm hại, A-si-ri tiếp tục là mối đe dọa cho nhiều nước, gồm cả Ba-by-lôn. Ê-xê-chia có thể muốn gây ấn tượng với vua Ba-by-lôn như là một đồng minh trong tương lai. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không muốn dân Giu-đa kết giao với kẻ thù của họ; Ngài muốn họ tin cậy Ngài! Qua tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va tiết lộ tương lai cho Ê-xê-chia: “Ngày đến, là khi mọi vật trong cung ngươi, mọi vật mà tổ-tiên ngươi đã chứa trong kho cho đến ngày nay, sẽ dời sang Ba-by-lôn, chẳng còn tí nào hết... Các con trai ngươi, con-cháu ra từ ngươi, sanh bởi ngươi, cũng có kẻ sẽ bị bắt để làm quan hoạn trong cung vua Ba-by-lôn”. (Ê-sai 39:3-7) Vâng, chính nước mà Ê-xê-chia tìm cách gây ấn tượng cuối cùng sẽ cướp phá kho tàng của Giê-ru-sa-lem và bắt dân thành đi làm nô lệ. Việc Ê-xê-chia cho người Ba-by-lôn thấy kho tàng của ông chỉ kích thích sự thèm thuồng tham lam của họ mà thôi.
30. Ê-xê-chia biểu lộ một thái độ tốt nào?
30 Có lẽ ám chỉ sự việc Ê-xê-chia cho người Ba-by-lôn xem kho tàng của ông, 2 Sử-ký 32:26 ghi lại: “Ê-xê-chia hạ sự tự-cao trong lòng mình xuống, người và dân-cư Giê-ru-sa-lem cũng vậy, nên trong đời Ê-xê-chia, cơn thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va không giáng trên chúng”.
31. Sự việc xảy ra như thế nào trong cuộc đời của Ê-xê-chia, và điều này dạy chúng ta gì?
31 Dẫu bất toàn, Ê-xê-chia là người có đức tin. Ông biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời là một Đấng có thật, Đấng có cảm xúc. Khi bị áp lực, Ê-xê-chia cầu nguyện tha thiết với Đức Giê-hô-va, và Ngài đáp lời cầu nguyện của ông. Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho ông sự bình an trong suốt quãng đời còn lại và Ê-xê-chia biết ơn về điều đó. (Ê-sai 39:8) Ngày nay đối với chúng ta, Đức Giê-hô-va cũng phải có thật như vậy. Khi có vấn đề khó khăn, mong sao chúng ta, giống như Ê-xê-chia, trông vào Đức Giê-hô-va để có sự khôn ngoan và lối thoát, vì Ngài “ban cho mọi người cách rộng-rãi, không trách-móc ai”. (Gia-cơ 1:5) Nếu tiếp tục chịu đựng và thực hành đức tin nơi Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể chắc chắn Ngài sẽ là “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”, bây giờ và trong tương lai—Hê-bơ-rơ 11:6.
[Chú thích]
a Trị giá hơn 9 triệu rưởi Mỹ kim theo thời giá.
b Sau khi San-chê-ríp bại trận, các nước xung quanh đem lễ vật gồm vàng, bạc và các báu vật khác đến cho Ê-xê-chia. Nơi sách 2 Sử-ký 32:22, 23, 27, chúng ta đọc thấy “Ê-xê-chia được rất giàu rất sang” và “người được tôn-cao trước mặt các nước”. Những lễ vật này có thể đã giúp ông bổ sung kho báu vật đã cạn vì triều cống cho A-si-ri.
[Hình nơi trang 383]
Vua Ê-xê-chia tin cậy Đức Giê-hô-va khi đối diện với A-si-ri hùng mạnh
[Trang hình ảnh nơi trang 384]
[Hình nơi trang 389]
Vua sai sứ giả đi đến Ê-sai để nghe lời phán của Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 390]
Ê-xê-chia cầu xin cho danh Đức Giê-hô-va được tôn vinh qua việc đánh bại A-si-ri
[Hình nơi trang 393]
Thiên sứ của Đức Giê-hô-va giết 185.000 quân A-si-ri