Chương Hai Mươi Mốt
Sự thờ phượng thật phát triển trên khắp thế giới
1. Chương 60 sách Ê-sai chứa đựng thông điệp khích lệ nào?
CHƯƠNG 60 sách Ê-sai được viết như một vở kịch gây hứng khởi. Trong những câu mở đầu, chúng ta chú ý ngay đến một cảnh cảm động. Một loạt biến cố lần lượt xảy ra mau chóng đưa chúng ta đến hồi kết cuộc xúc động. Chương này mô tả sống động việc tái lập sự thờ phượng thật tại Giê-ru-sa-lem ngày xưa và sự phát triển của sự thờ phượng thật trên toàn thế giới ngày nay. Ngoài ra, nó còn nói đến những ân phước đời đời dành cho tất cả những ai trung thành thờ phượng Đức Chúa Trời. Mỗi người chúng ta có thể đóng một vai trò trong sự ứng nghiệm của phần vô cùng thích thú này trong lời tiên tri của Ê-sai. Do đó chúng ta hãy khảo sát cẩn thận chương này.
Ánh sáng chiếu trong bóng tối
2. Người nữ nằm trong bóng tối nhận được mệnh lệnh nào, và tại sao nàng phải cấp bách tuân theo?
2 Những lời mở đầu trong chương này của sách Ê-sai nói với một người đàn bà trong hoàn cảnh buồn rầu. Nàng có lẽ nằm úp mặt trên đất, trong bóng tối. Bỗng nhiên, ánh sáng xuyên qua màn u ám khi qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va gọi lớn: “[“Hỡi người nữ”, “NW”] hãy dấy lên, và sáng lòe ra! Vì sự sáng ngươi đã đến, và vinh-quang Đức Giê-hô-va đã mọc lên trên ngươi”. (Ê-sai 60:1) Vâng, “người nữ” tượng trưng phải đứng dậy và phản chiếu sự vinh quang của Đức Chúa Trời! Tại sao đây là việc khẩn cấp? Lời tiên tri nói tiếp: “Nầy, sự tối-tăm vây-phủ đất, sự u-ám bao-bọc các dân; song Đức Giê-hô-va dấy lên trên ngươi, vinh-quang Ngài tỏ rạng trên ngươi”. (Ê-sai 60:2) Vì lợi ích của những người chung quanh đang mò mẫm trong bóng tối, “người nữ” phải “sáng lòe ra”. Kết quả sẽ là gì? “Các dân-tộc sẽ đến nơi sự sáng ngươi, các vua sẽ đến nơi sự chói-sáng đã mọc lên trên ngươi”. (Ê-sai 60:3) Những lời mở đầu này cho thấy ý nghĩa then chốt của điều sẽ được giải thích chi tiết hơn trong những câu kế tiếp—sự thờ phượng thật phải phát triển trên khắp toàn cầu.
3. (a) “Người nữ” là ai? (b) Tại sao nàng nằm trong bóng tối?
3 Mặc dù nói về những biến cố trong tương lai, nhưng Đức Giê-hô-va nói với “người nữ” rằng sự sáng của nàng “đã đến”. Điều này nhấn mạnh lời tiên tri chắc chắn sẽ ứng nghiệm. “Người nữ” được nói đến chính là Si-ôn, hay Giê-ru-sa-lem, thủ đô của Giu-đa. (Ê-sai 52:1, 2; 60:14) Thành này đại diện cho toàn quốc gia. Vào lúc lời tiên tri ứng nghiệm lần đầu, “người nữ” đang nằm trong bóng tối. Nàng ở trong tình trạng này từ khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy vào năm 607 TCN. Tuy nhiên, vào năm 537 TCN, một số người Do Thái phu tù trung thành còn sót lại trở về Giê-ru-sa-lem và phục hồi sự thờ phượng thanh sạch. Cuối cùng Đức Giê-hô-va khiến cho ánh sáng chiếu trên “người nữ” của Ngài, và dân sự Ngài nay được khôi phục, trở thành một nguồn sự sáng giữa các nước tăm tối về thiêng liêng.
Một sự ứng nghiệm lớn hơn
4. Ngày nay, ai đại diện cho “người nữ” ở trên đất, và lời tiên tri còn áp dụng rộng ra cho những ai nữa?
4 Chúng ta không chỉ chú ý đến sự ứng nghiệm của những lời tiên tri này trên Giê-ru-sa-lem xưa. Ngày nay “người nữ” trên trời của Đức Giê-hô-va được đại diện bởi “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” trên đất. (Ga-la-ti 6:16) Trong suốt thời kỳ từ khi thành lập vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN đến nay, dân tộc thiêng liêng đã đạt được toàn bộ số 144.000 thành viên được thánh linh xức dầu, tức những người “đã được chuộc khỏi đất” và có triển vọng cai trị với Chúa Giê-su ở trên trời. (Khải-huyền 14:1, 3) Sự ứng nghiệm thời nay của chương 60 sách Ê-sai tập trung vào những người thuộc 144.000 người còn sót lại đang sống trên đất trong những “ngày sau-rốt”. (2 Ti-mô-thê 3:1) Lời tiên tri cũng liên hệ đến bạn đồng hành của nhóm tín đồ Đấng Christ được xức dầu này, đó là đám đông “vô-số người” thuộc “chiên khác”.—Khải-huyền 7:9; Giăng 10:11, 16.
5. Những thành viên thuộc dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời sót lại trên đất thấy mình nằm trong bóng tối khi nào, và sự sáng của Đức Giê-hô-va chiếu trên họ khi nào?
5 Trong một thời gian ngắn hồi đầu thế kỷ 20, những người thuộc dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời sót lại trên đất, thấy mình như nằm úp mặt trong bóng tối, theo nghĩa bóng. Khi thế chiến thứ nhất đi dần đến hồi kết cuộc, họ ở trong một tình trạng được mô tả theo lối tượng trưng trong sách Khải-huyền—thây của họ nằm “trên đường cái của thành lớn, gọi bóng là Sô-đôm và Ê-díp-tô”. (Khải-huyền 11:8) Tuy nhiên, đến năm 1919, Đức Giê-hô-va chiếu ánh sáng trên họ. Kết quả là họ đứng dậy và phản chiếu ánh sáng của Đức Chúa Trời, dạn dĩ công bố tin mừng về Nước Trời.—Ma-thi-ơ 5:14-16; 24:14.
6. Thế gian nói chung đã phản ứng thế nào trước lời công bố về sự hiện diện của Vua Giê-su, nhưng ai được thu hút đến với sự sáng của Đức Giê-hô-va?
6 Bị ảnh hưởng bởi Sa-tan, thủ lĩnh của “vua-chúa của thế-gian mờ-tối này”, nhân loại nói chung đã bác bỏ lời công bố về sự hiện diện của Vua Giê-su Christ, tức “sự sáng của thế-gian”. (Ê-phê-sô 6:12; Giăng 8:12; 2 Cô-rinh-tô 4:3, 4) Tuy nhiên, nhiều triệu người đã được thu hút đến với sự sáng của Đức Giê-hô-va, gồm cả “các vua” (những người được xức dầu để kế tự Nước Trời) và “các dân-tộc” (đám đông vô số người thuộc chiên khác).
Sự phát triển đầy vui mừng
7. “Người nữ” thấy cảnh ấm lòng nào?
7 Khai triển chủ đề nơi Ê-sai 60:3, Đức Giê-hô-va ban cho “người nữ” một mệnh lệnh khác: “Hãy ngước mắt lên xung-quanh ngươi, và nhìn-xem”. Khi làm theo, “người nữ” thấy một cảnh làm nàng ấm lòng—con cái nàng đang về nhà! “Họ nhóm lại hết thảy, và đến cùng ngươi. Con trai ngươi đến từ xa, con gái ngươi sẽ được bồng-ẵm trong cánh tay”. (Ê-sai 60:4) Việc công bố về Nước Trời trên khắp thế giới bắt đầu vào năm 1919 đem lại kết quả là có thêm hàng ngàn “con trai” và “con gái” xức dầu gia nhập dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời. Bằng cách này, Đức Giê-hô-va đã thâu nhóm đủ con số 144.000 người theo lời tiên tri, tức những người sẽ cai trị với Đấng Christ.—Khải-huyền 5:9, 10.
8. Kể từ năm 1919, dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời có lý do nào để vui mừng?
8 Sự gia tăng này đem đến vui mừng: “Bấy giờ ngươi sẽ thấy và được chói-sáng, lòng ngươi vừa rung-động vừa nở-nang; vì sự dư-dật dưới biển sẽ trở đến cùng ngươi, sự giàu-có các nước sẽ đến với ngươi”. (Ê-sai 60:5) Việc thâu nhóm những người xức dầu trong thập niên 1920 và 1930 đem lại sự vui mừng lớn cho dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời. Nhưng họ còn một lý do khác để vui mừng. Đặc biệt kể từ giữa thập niên 1930, những người từng là thành phần của “biển” nhân loại xa cách Đức Chúa Trời, đã ra từ mọi nước để thờ phượng với dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời. (Ê-sai 57:20; A-ghê 2:7) Những người này không tự tách biệt để thờ Đức Chúa Trời theo đường lối riêng. Trái lại, họ đến với “người nữ” của Đức Chúa Trời và trở nên thành phần thuộc bầy hợp nhất của Ngài. Kết quả là tất cả các tôi tớ của Đức Chúa Trời góp phần vào việc phát triển sự thờ phượng thật.
Các nước nhóm lại tại Giê-ru-sa-lem
9, 10. Những ai đang đổ về Giê-ru-sa-lem, và Đức Giê-hô-va tiếp nhận họ như thế nào?
9 Dùng minh họa quen thuộc đối với những người đương thời với Ê-sai, Đức Giê-hô-va mô tả sự phát triển. Quan sát từ một vị trí thuận lợi trên Núi Si-ôn, “người nữ” nhìn về chân trời phía đông. Nàng thấy gì? “Muôn-vàn lạc-đà sẽ che khắp xứ ngươi, cả đến lạc-đà một gu ở Ma-đi-an và Ê-pha cũng vậy. Nầy, hết thảy những người Sê-ba đem vàng và nhũ-hương đến, và rao-truyền lời ngợi-khen Đức Giê-hô-va”. (Ê-sai 60:6) Các đoàn lạc đà của những lái buôn thuộc các bộ lạc khác nhau đang đi dọc theo những con đường về hướng Giê-ru-sa-lem. (Sáng-thế Ký 37:25, 28; Các Quan Xét 6:1, 5; 1 Các Vua 10:1, 2) Đâu đâu cũng có lạc đà, giống như nước lũ bao phủ đất! Đoàn lạc đà chở tặng phẩm quý giá, cho thấy các lái buôn đến với mục đích hòa bình. Họ muốn thờ phượng Đức Giê-hô-va và dâng cho Ngài của-lễ tốt nhất.
10 Các lái buôn này không phải là những người duy nhất đi đến đó. “Hết thảy bầy súc-vật của Kê-đa sẽ nhóm lại nơi ngươi, những chiên đực xứ Nê-ba-giốt sẽ làm của ngươi dùng”. Đúng vậy, các đoàn mục đồng cũng đi về Giê-ru-sa-lem. Họ đến với lễ vật quý giá nhất tức những bầy chiên và tự nguyện hầu việc Ngài. Đức Giê-hô-va sẽ tiếp nhận họ như thế nào? Ngài phán: “[Họ] dâng lên bàn-thờ ta làm một của-lễ đẹp ý, nên ta sẽ làm sáng nhà của sự vinh-hiển ta”. (Ê-sai 60:7) Đức Giê-hô-va chấp nhận lễ vật của họ và sẽ dùng cho sự thờ phượng thanh sạch.—Ê-sai 56:7; Giê-rê-mi 49:28, 29.
11, 12. (a) “Người nữ” thấy cảnh nào khi chăm chú nhìn về phía tây? (b) Tại sao có rất nhiều người vội vã về Giê-ru-sa-lem?
11 Giờ đây Đức Giê-hô-va bảo “người nữ” nhìn về chân trời phía tây, rồi hỏi: “Những kẻ bay như mây, giống chim bồ-câu về cửa sổ mình, đó là ai?” Chính Đức Giê-hô-va trả lời: “Các cù-lao chắc sẽ trông-đợi ta, các tàu-bè của Ta-rê-si trước nhứt đem con trai ngươi từ xa về, cùng với bạc vàng của họ, vì danh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và vì Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, bởi Ngài đã làm vinh-hiển ngươi”.—Ê-sai 60:8, 9.
12 Hãy tưởng tượng bạn đang đứng với “người nữ”, chăm chú nhìn về phía tây ngang qua Biển Lớn. Bạn thấy gì? Cụm mây xa xa với những đốm nhỏ màu trắng lướt trên mặt nước. Chúng trông giống những con chim, nhưng khi chúng lại gần hơn, bạn nhận ra đó là những chiếc tàu với các cánh buồm giương lên. Chúng đến “từ xa”.a (Ê-sai 49:12) Có nhiều tàu bè phóng nhanh về phía Si-ôn, nhiều đến độ chúng giống như một bầy chim bồ câu bay về chuồng. Tại sao đoàn tàu đó lại vội vã như thế? Đó là vì chúng háo hức chuyển giao lô hàng gồm những người thờ phượng Đức Giê-hô-va từ các cảng xa xôi. Tất cả những người mới tới—cả dân Y-sơ-ra-ên lẫn người ngoại bang, từ phía đông hoặc phía tây và từ các xứ gần xa—quả thật đang vội vã tiến về Giê-ru-sa-lem để dâng chính bản thân và mọi vật họ có cho danh Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của họ.—Ê-sai 55:5.
13. Thời nay, ai là những “con trai” và “con gái”, và ai là “sự giàu-có các nước”?
13 Quả là một bức tranh sống động mà Ê-sai 60:4-9 vẽ ra về sự phát triển trên toàn thế giới, diễn ra từ khi “người nữ” của Đức Giê-hô-va bắt đầu phát ra ánh sáng giữa thế gian tăm tối này! Kéo đến trước nhất là “con trai” và “con gái” của Si-ôn trên trời, tức những người trở thành tín đồ Đấng Christ được xức dầu. Vào năm 1931, những người này công khai nhận danh hiệu Nhân Chứng Giê-hô-va. Rồi một đám mây những người nhu mì, tức “sự giàu-có các nước” và “sự dư-dật dưới biển”, hối hả đến kết hợp với anh em của Đấng Christ còn sót lại.b Ngày nay tất cả những tôi tớ này của Đức Giê-hô-va đến từ bốn phương trời và từ mọi tầng lớp xã hội, kết hợp với dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời để ngợi khen Chúa Tối Thượng của họ là Đức Giê-hô-va, và ca tụng danh Ngài là danh vĩ đại nhất trong toàn vũ trụ.
14. Những người mới đến “dâng lên bàn-thờ [Đức Chúa Trời]” như thế nào?
14 Vậy việc những người mới đến từ các nước “dâng lên bàn-thờ [Đức Chúa Trời]” nghĩa là gì? Một của-lễ hy sinh được đặt trên bàn thờ. Sứ đồ Phao-lô dùng từ ngữ liên hệ đến của-lễ hy sinh khi ông viết: “Tôi... khuyên anh em dâng thân-thể mình làm của-lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ-phượng phải lẽ của anh em”. (Rô-ma 12:1) Tín đồ thật của Đấng Christ sẵn sàng vận dụng mọi khả năng của mình. (Lu-ca 9:23, 24) Họ dành ra thời giờ, sức lực và khả năng để phát huy sự thờ phượng thanh sạch. (Rô-ma 6:13) Làm thế là dâng của-lễ ngợi khen cho Đức Chúa Trời và được Ngài chấp nhận. (Hê-bơ-rơ 13:15) Thật khích lệ biết bao khi thấy nhiều triệu người thờ phượng Đức Giê-hô-va ngày nay, trẻ lẫn già, đã để ước muốn cá nhân đứng hàng thứ yếu sau quyền lợi Nước Trời! Họ biểu lộ tinh thần tự hy sinh chân thành.—Ma-thi-ơ 6:33; 2 Cô-rinh-tô 5:15.
Những người mới đến góp phần vào sự phát triển
15. (a) Vào thời xưa, Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng thương xót đối với người ngoại như thế nào? (b) Thời nay “các người dân ngoại” góp phần vào việc xây dựng sự thờ phượng thật ra sao?
15 Những người mới đến dâng cả công của để ủng hộ “người nữ” của Đức Giê-hô-va. “Các người dân ngoại sẽ sửa-xây thành [“những bức tường”, “NW”] ngươi, các vua họ sẽ hầu-việc ngươi; vì khi ta giận, có đánh ngươi, nhưng nay ta ra ơn thương-xót ngươi”. (Ê-sai 60:10) Đức Giê-hô-va đã biểu lộ lòng thương xót vào thế kỷ thứ sáu TCN khi những người dân ngoại trợ giúp công việc xây cất ở Giê-ru-sa-lem. (E-xơ-ra 3:7; Nê-hê-mi 3:26) Trong sự ứng nghiệm lớn hơn ngày nay, “các người dân ngoại”, tức đám đông, trợ giúp lớp người xức dầu còn sót lại trong việc xây dựng sự thờ phượng thật. Họ xây dựng hội thánh và củng cố “những bức tường” giống như tường thành của tổ chức Đức Giê-hô-va bằng cách giúp những người học Kinh Thánh vun trồng các đức tính tốt của tín đồ Đấng Christ. (1 Cô-rinh-tô 3:10-15) Họ cũng xây cất theo nghĩa đen khi làm việc vất vả để xây dựng Phòng Nước Trời, Phòng Hội Nghị, và cơ sở Bê-tên. Do đó, họ hợp lực với các anh em xức dầu để chăm sóc các nhu cầu ngày càng phát triển của tổ chức Đức Giê-hô-va.—Ê-sai 61:5.
16, 17. (a) “Các cửa” của tổ chức Đức Chúa Trời luôn luôn mở như thế nào? (b) “Các vua” đã hầu việc Si-ôn như thế nào? (c) Điều gì sẽ xảy ra cho những kẻ cố đóng “các cửa” mà Đức Giê-hô-va muốn để mở?
16 Mỗi năm, nhờ chương trình xây dựng về thiêng liêng, hàng trăm ngàn “người dân ngoại” bắt đầu kết hợp với tổ chức của Đức Giê-hô-va và cánh cửa vẫn mở cho nhiều người nữa. Đức Giê-hô-va phán: “Các cửa ngươi sẽ mở luôn, ngày đêm đều không đóng, hầu cho người ta đem của báu các nước đến cho ngươi, và dẫn các vua đến làm phu-tù [“các vua của họ sẽ dẫn đầu”, “NW”]”. (Ê-sai 60:11) Tuy nhiên, ai là “các vua” dẫn đầu trong việc đem của báu các nước đến Si-ôn? Vào thời xưa, Đức Giê-hô-va đã thúc đẩy lòng của một số vua chúa để “hầu-việc” Si-ôn. Chẳng hạn như Si-ru đã khởi xướng việc cho người Do Thái trở về Giê-ru-sa-lem để xây cất lại đền thờ. Sau này, Ạt-ta-xét-xe đóng góp của cải và phái Nê-hê-mi về để tái thiết các bức tường của Giê-ru-sa-lem. (E-xơ-ra 1:2, 3; Nê-hê-mi 2:1-8) Thật vậy “lòng của vua ở trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy”. (Châm-ngôn 21:1) Đức Chúa Trời của chúng ta có thể thúc đẩy ngay cả những nhà cai trị hùng mạnh hành động phù hợp với ý muốn của Ngài.
17 Thời nay nhiều “vua”, tức chính quyền thế gian, đã cố đóng “các cửa” của tổ chức Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, có một số đã hầu việc Si-ôn bằng các quyết định giúp cho “các cửa” đó tiếp tục mở. (Rô-ma 13:4) Vào năm 1919, chính quyền thế gian đã thả Joseph F. Rutherford và các cộng sự viên vì bị bỏ tù oan. (Khải-huyền 11:13) Các chính quyền loài người đã “nuốt” cơn nước lũ của sự bắt bớ mà Sa-tan đã phun ra sau khi bị đánh đuổi khỏi trời. (Khải-huyền 12:16) Một số chính quyền đã cổ vũ sự khoan dung về tôn giáo, đôi khi đặc biệt vì Nhân Chứng Giê-hô-va. Loại hầu việc này tạo điều kiện dễ dàng hơn cho đám đông người nhu mì đi qua “các cửa” mở để vào tổ chức của Đức Giê-hô-va. Còn về những kẻ cố đóng “các cửa” đó thì sao? Chúng sẽ không bao giờ thành công. Đức Giê-hô-va phán về họ: “Vì dân và nước nào chẳng thần-phục ngươi thì sẽ bị diệt-vong. Những nước đó sẽ bị hoang-vu cả”. (Ê-sai 60:12) Tất cả những kẻ chống lại “người nữ” của Đức Chúa Trời—dù là cá nhân hay tổ chức—sẽ bị hủy diệt, muộn nhất là trong trận chiến Ha-ma-ghê-đôn sắp tới.—Khải-huyền 16:14, 16.
18. (a) Lời hứa cây cối ở Y-sơ-ra-ên sẽ tốt tươi có nghĩa gì? (b) ‘Chỗ Đức Giê-hô-va đặt chân’ ngày nay là gì?
18 Sau khi cảnh cáo về sự phán xét, lời tiên tri trở lại với lời hứa về sự vinh hiển và thịnh vượng. Đức Giê-hô-va nói với “người nữ” của Ngài: “Những cây tùng, cây sam, cây hoàng-dương vốn là sự vinh-hiển của Li-ban, sẽ cùng nhau bị đem đến cho ngươi để trang-hoàng nơi thánh ta. Ta sẽ làm cho chỗ ta đặt chân được vinh-hiển”. (Ê-sai 60:13) Những cây sum suê tượng trưng cho sự đẹp đẽ và sự thịnh vượng. (Ê-sai 41:19; 55:13) Từ ngữ “nơi thánh” và “chỗ ta đặt chân” trong câu này nói về đền thờ Giê-ru-sa-lem. (1 Sử-ký 28:2; Thi-thiên 99:5) Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô giải thích là đền thờ ở Giê-ru-sa-lem tượng trưng cho đền thờ thiêng liêng vĩ đại hơn, tức sự sắp đặt để thờ phượng Đức Giê-hô-va dựa trên căn bản sự hy sinh của Đấng Christ. (Hê-bơ-rơ 8:1-5; 9:2-10, 23) Ngày nay, Đức Giê-hô-va làm vinh hiển ‘chỗ Ngài đặt chân’, tức những sân trên đất của đền thờ thiêng liêng vĩ đại. Những sân này có sức hấp dẫn mạnh đến độ lôi cuốn được người ta từ mọi nước đến tham gia vào sự thờ phượng thật tại đó.—Ê-sai 2:1-4; A-ghê 2:7.
19. Những kẻ chống đối sẽ buộc phải nhìn nhận điều gì, và chậm nhất là khi nào?
19 Bây giờ về những kẻ chống đối, Đức Giê-hô-va phán: “Các con trai của những kẻ ức-hiếp ngươi sẽ cúi đầu đến cùng ngươi; mọi kẻ vốn khinh-dể ngươi sẽ quì-lạy nơi bàn chân ngươi. Ngươi sẽ được xưng là Thành của Đức Giê-hô-va, là Si-ôn của Đấng Thánh Y-sơ-ra-ên”. (Ê-sai 60:14) Đúng vậy, nhờ Đức Chúa Trời ban phước, dân Ngài được gia tăng nhiều và có lối sống tốt lành. Khi thấy những điều này, một số kẻ chống đối buộc phải cúi đầu và kêu cầu “người nữ”. Điều này có nghĩa là họ buộc phải nhìn nhận—chậm nhất là tại Ha-ma-ghê-đôn—rằng những người xức dầu còn sót lại và bạn đồng hành của họ thật sự đại diện cho tổ chức của Đức Chúa Trời trên trời, tức “thành của Đức Giê-hô-va, là Si-ôn của Đấng Thánh Y-sơ-ra-ên”.
Dùng nguồn tài nguyên sẵn có
20. Hoàn cảnh của “người nữ” trải qua sự thay đổi lớn nào?
20 Hoàn cảnh của “người nữ” của Đức Giê-hô-va quả đã trải qua sự thay đổi lớn dường nào! Đức Giê-hô-va phán: “Xưa kia ngươi đã bị bỏ, bị ghét, đến nỗi không ai đi qua giữa ngươi, ta sẽ làm cho ngươi nên cao-trọng đời đời, nên sự vui-mừng của nhiều đời. Ngươi sẽ hút sữa của các nước; bú vú của các vua; ngươi sẽ biết ta Đức Giê-hô-va, là Đấng Cứu ngươi, Đấng Chuộc ngươi, và là Đấng Toàn-năng của Gia-cốp”.—Ê-sai 60:15, 16.
21. (a) Giê-ru-sa-lem cổ xưa trở thành “cao-trọng” như thế nào? (b) Các tôi tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va vui hưởng ân phước nào kể từ năm 1919, và họ hút “sữa của các nước” như thế nào?
21 Giê-ru-sa-lem cổ xưa bị xóa tên trên bản đồ trong 70 năm, “không ai đi qua giữa [nó]” nói theo nghĩa bóng. Nhưng bắt đầu từ năm 537 TCN, Đức Giê-hô-va làm cho thành đó đông dân trở lại, khiến nó nên “cao-trọng”. Tương tự như thế, đến gần cuối thế chiến thứ nhất, dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời đã trải qua một giai đoạn hoang vu, khi họ cảm thấy hoàn toàn bị “bỏ”. Nhưng vào năm 1919, Đức Giê-hô-va đã chuộc tôi tớ được xức dầu của Ngài khỏi tù đày, rồi từ đó ban phước cho họ bằng sự gia tăng và sự thịnh vượng về thiêng liêng chưa từng thấy. Dân Ngài đã hút “sữa của các nước”, tức dùng tài nguyên từ các nước để phát triển sự thờ phượng thật. Chẳng hạn, họ đã khôn ngoan dùng kỹ thuật tân tiến để dịch Kinh Thánh và các sách báo dựa trên Kinh Thánh ra hàng trăm thứ tiếng. Kết quả là mỗi năm hàng trăm ngàn người học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va và nhận biết Đức Giê-hô-va, qua Đấng Christ, là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc.—Công-vụ 5:31; 1 Giăng 4:14.
Cải tiến về mặt tổ chức
22. Đức Giê-hô-va hứa sự cải tiến đặc biệt nào?
22 Nhân số dân Đức Giê-hô-va gia tăng đi đôi với sự tiến triển về mặt tổ chức. Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ ban vàng thay cho đồng, ban bạc thay cho sắt, ban đồng thay cho gỗ, ban sắt thay cho đá. Ta sẽ khiến sự bình-an làm quan cai-trị ngươi, và sự công-bình làm quan xử-đoán ngươi”. (Ê-sai 60:17) Việc thay đồng bằng vàng là một sự cải tiến, các vật liệu khác được nói đến ở đây cũng vậy. Hòa hợp với điều này, dân sự Đức Giê-hô-va đã có những sự cải tiến về mặt tổ chức trong suốt những ngày cuối cùng.
23, 24. Dân Đức Giê-hô-va đã có những sự cải tiến nào về mặt tổ chức kể từ năm 1919?
23 Cho đến năm 1919, hội thánh có các trưởng lão và chấp sự được bầu cử theo lối dân chủ. Bắt đầu từ năm đó, một giám đốc công tác được bổ nhiệm theo thần quyền để giám thị các hoạt động rao giảng của hội thánh, nhưng có những trường hợp một số trưởng lão được bầu đã chống lại giám đốc công tác. Vào năm 1932, sự việc đã thay đổi. Qua tạp chí Tháp Canh (Anh ngữ), các hội thánh được chỉ thị bãi bỏ việc bầu cử trưởng lão và chấp sự. Thay vì thế, hội thánh bầu một ủy ban công tác cùng làm việc với giám đốc công tác. Đó là một sự cải tổ lớn.
24 Vào năm 1938, nhiều “vàng” hơn đã được đưa vào khi có sự minh định rằng tất cả các tôi tớ trong hội thánh đều phải được bổ nhiệm theo thể thức thần quyền. Việc quản trị hội thánh do một tôi tớ hội đoàn (sau này là tôi tớ hội thánh) phụ trách và anh được một số tôi tớ khác nhau trợ giúp, tất cả đều được bổ nhiệm dưới sự giám thị của “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”.c (Ma-thi-ơ 24:45-47) Tuy nhiên, vào năm 1972, Hội thấy theo cách thức của Kinh Thánh, hội thánh được giám thị bởi một hội đồng trưởng lão thay vì một người. (Phi-líp 1:1) Những thay đổi khác đã được thực hiện ở tầm mức hội thánh lẫn Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương. Chẳng hạn ở tầm mức Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương, vào ngày 7-10-2000, có thông báo là những thành viên của Hội Đồng đang giữ chức giám đốc của Hội Watch Tower Society of Pennsylvania và các hội liên hệ, đã tự nguyện từ chức. Bằng cách này, Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương đại diện cho lớp người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, có thể chú ý nhiều hơn đến công việc giám sát thiêng liêng “hội-thánh của Đức Chúa Trời” và những người cùng cộng tác, tức các chiên khác. (Công-vụ 20:28) Tất cả những sắp đặt đó là những sự cải tiến, làm vững mạnh tổ chức của Đức Giê-hô-va, và là ân phước cho những người thờ phượng Ngài.
25. Ai đứng đằng sau sự cải tiến về tổ chức của dân Đức Giê-hô-va, và những lợi ích nào đã gặt được?
25 Ai đứng đằng sau những sự cải tiến này? Có phải một số người nào đó có khả năng tổ chức và có tài trí chăng? Không, vì Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ ban vàng”. Tất cả những sự cải tiến này là do Đức Chúa Trời hướng dẫn. Khi phục tùng và điều chỉnh theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, họ được lợi ích. Giữa họ có sự bình an, và họ phụng sự Ngài vì yêu mến sự công bình.
26. Tín đồ thật của Đấng Christ được nhận diện nhờ dấu hiệu nào mà ngay cả kẻ chống đối cũng thấy?
26 Sự bình an do Đức Chúa Trời ban cho có tác dụng làm biến đổi. Đức Giê-hô-va hứa: “Trong xứ ngươi sẽ chẳng nghe nói về sự hung-dữ nữa, trong bờ-cõi ngươi cũng không có sự hoang-vu và phá-hủy nữa; nhưng ngươi sẽ gọi tường mình là ‘Cứu-rỗi,’ cửa mình là ‘Ngợi-khen’ ”. (Ê-sai 60:18) Thật đúng làm sao! Ngay cả những kẻ chống đối cũng phải công nhận bình an là dấu hiệu nổi bật của tín đồ thật của Đấng Christ. (Mi-chê 4:3) Sự bình an mà Nhân Chứng Giê-hô-va có với Đức Chúa Trời và với nhau làm cho mỗi nơi nhóm họp của tín đồ Đấng Christ thành một ốc đảo mát mẻ giữa một thế gian bạo động. (1 Phi-e-rơ 2:17) Sự bình an đó chỉ là một phần nhỏ của sự bình an dư dật sẽ có khi hết thảy dân cư trên đất “được Đức Giê-hô-va dạy-dỗ”.—Ê-sai 11:9; 54:13.
Sự chấp nhận của Đức Chúa Trời tỏa ánh sáng rực rỡ
27. Ánh sáng nào luôn chiếu trên “người nữ” của Đức Giê-hô-va?
27 Đức Giê-hô-va mô tả ánh sáng chói lọi chiếu trên Giê-ru-sa-lem: “Ngươi sẽ chẳng nhờ mặt trời soi-sáng ban ngày nữa, và cũng chẳng còn nhờ mặt trăng chiếu-sáng ban đêm; nhưng Đức Giê-hô-va sẽ làm sự sáng đời đời cho ngươi, Đức Chúa Trời ngươi sẽ làm vinh-quang cho ngươi. Mặt trời của ngươi không lặn nữa; mặt trăng chẳng còn khuyết, vì Đức Giê-hô-va sẽ là sự sáng đời đời cho ngươi, những ngày sầu-thảm của ngươi đã hết rồi”. (Ê-sai 60:19, 20) Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục là “sự sáng đời đời” cho “người nữ” của Ngài. Ngài sẽ không bao giờ “lặn” như mặt trời hoặc “khuyết” như mặt trăng.d Ngài luôn chấp nhận, chiếu ánh sáng trên tín đồ Đấng Christ được xức dầu, tức những người đại diện của “người nữ” của Đức Chúa Trời. Cùng với đám đông, họ vui hưởng sự rực rỡ của ánh sáng thiêng liêng mà không bóng tối nào trên trường chính trị hay kinh tế của thế giới này có thể làm giảm bớt được. Họ tin chắc nơi tương lai huy hoàng mà Đức Giê-hô-va đặt trước mặt họ.—Rô-ma 2:7; Khải-huyền 21:3-5.
28. (a) Có lời hứa nào cho dân cư Giê-ru-sa-lem hồi hương? (b) Vào năm 1919, tín đồ Đấng Christ được xức dầu được sở hữu cái gì? (c) Người công bình sở hữu trái đất trong bao lâu?
28 Về dân cư Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-hô-va phán tiếp: “Còn dân ngươi, hết thảy sẽ là công-bình. Họ sẽ hưởng được xứ nầy đời đời; ấy là nhánh ta đã trồng, việc tay ta làm, để ta được vinh-hiển”. (Ê-sai 60:21) Khi dân Y-sơ-ra-ên từ Ba-by-lôn trở về, họ “hưởng được xứ”. Nhưng trong trường hợp của họ thì “đời đời” hóa ra chỉ đến thế kỷ thứ nhất CN khi quân La Mã phá hủy Giê-ru-sa-lem và nước Do Thái. Vào năm 1919, tín đồ Đấng Christ được xức dầu còn sót lại ra khỏi sự cầm tù về thiêng liêng và được hưởng một xứ thiêng liêng. (Ê-sai 66:8) Xứ này, tức lãnh vực hoạt động, có đặc điểm là sự thịnh vượng về thiêng liêng sẽ không bao giờ suy tàn. Khác với Y-sơ-ra-ên xưa, Y-sơ-ra-ên thiêng liêng với tư cách tập thể sẽ chứng tỏ trung thành. Hơn nữa, lời tiên tri của Ê-sai cũng sẽ ứng nghiệm theo nghĩa đen khi trái đất trở thành địa đàng với đặc điểm “bình-yên dư-dật”. Rồi người công bình có hy vọng sống trên đất sẽ sở hữu đất đời đời.—Thi-thiên 37:11, 29.
29, 30. “Kẻ rất nhỏ” đã trở thành “một ngàn” như thế nào?
29 Nơi câu cuối cùng trong chương 60 sách Ê-sai, chúng ta thấy một lời hứa long trọng mà Đức Giê-hô-va dùng chính danh Ngài để bảo đảm. Ngài phán: “Kẻ rất nhỏ trong vòng họ sẽ nên một ngàn, còn kẻ rất hèn-yếu sẽ trở nên một dân mạnh. Ta, Đức Giê-hô-va, sẽ nôn-nả làm điều ấy trong kỳ nó!” (Ê-sai 60:22) Khi những người được xức dầu từ tình trạng bị phân tán được khôi phục để hoạt động trở lại vào năm 1919, họ là “kẻ rất nhỏ”.e Nhưng họ gia tăng gấp bội khi những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng còn sót lại được thâu vào. Rồi sự gia tăng trở thành lạ thường khi đám đông bắt đầu được thâu nhóm.
30 Chẳng bao lâu, sự bình an và công bình giữa dân Đức Chúa Trời đã thu hút nhiều người có lòng thành thật đến độ “kẻ rất nhỏ” thật sự đã lớn thành “một dân mạnh”. Hiện giờ nước này đông dân hơn nhiều nước có chủ quyền trên thế giới. Rõ ràng, qua Chúa Giê-su Christ, Đức Giê-hô-va đã hướng dẫn và đẩy mạnh công việc Nước Trời. Thật hào hứng biết bao khi nhìn thấy sự thờ phượng thật phát triển trên khắp thế giới và được dự phần vào đó! Quả là vui mừng khi ý thức rằng sự gia tăng này làm vinh hiển Đức Giê-hô-va, Đấng đã tiên tri những sự này từ xưa.
[Chú thích]
a Ta-rê-si rất có thể nằm ở Tây Ban Nha ngày nay. Tuy nhiên, theo một số tài liệu tham khảo, từ ngữ “tàu-bè của Ta-rê-si” ám chỉ loại tàu—“những tàu biển có cột buồm cao”—“đủ sức để đi đến Ta-rê-si”, nói cách khác, đó là loại tàu được coi là thích hợp cho chuyến hành trình dài, tới những cảng xa xôi.—1 Các Vua 22:48.
b Mặc dù trước năm 1930, cũng có những tín đồ Đấng Christ tích cực và nhiệt thành, có hy vọng sống trên đất, kết hợp với dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời, nhưng con số bắt đầu gia tăng đáng kể trong thập niên 1930.
c Vào thời đó, hội thánh địa phương được gọi là hội đoàn.
d Sứ đồ Giăng dùng ngôn ngữ tương tự để miêu tả “Giê-ru-sa-lem mới”, tức 144.000 người trong sự vinh hiển trên trời. (Khải-huyền 3:12; 21:10, 22-26) Điều này thật thích hợp, vì “Giê-ru-sa-lem mới” đại diện cho tất cả các thành viên thuộc dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời sau khi nhận được phần thưởng trên trời. Họ cùng với Chúa Giê-su hợp thành thành phần chính của “người nữ” của Đức Chúa Trời, tức “Giê-ru-sa-lem trên cao”.—Ga-la-ti 4:26.
e Vào năm 1918, trung bình chưa đầy 4.000 người tham gia rao giảng mỗi tháng.
[Hình nơi trang 305]
“Người nữ” được lệnh “dấy lên”
[Hình nơi trang 312, 313]
“Tàu-bè của Ta-rê-si” chuyên chở người thờ phượng đến với Đức Giê-hô-va