Hãy chăm chỉ đọc sách
LOÀI VẬT không thể làm điều bạn hiện đang làm. Một trong 6 người không biết đọc—thường là vì thiếu cơ hội đi học—và trong số những người biết đọc, nhiều người không đọc đều đặn. Song, khả năng đọc sách là phương tiện cho phép bạn du lịch đến những nước khác và gặp được dân cư nơi đó; đời sống họ có thể khiến đời bạn thêm phong phú. Ngoài ra, bạn thâu thái được sự hiểu biết thiết thực, giúp bạn đối phó với những vấn đề trong cuộc sống.
Khả năng đọc ảnh hưởng đến việc người trẻ được lợi ích nhiều hay ít qua sự giáo dục. Khi tìm việc làm, khả năng đọc có thể là yếu tố quyết định loại công việc và số giờ phải làm để sinh nhai. Những bà nội trợ đọc thành thạo có thể chăm sóc gia đình tốt hơn về phương diện dinh dưỡng, vệ sinh, và phòng bệnh. Những bà mẹ đọc giỏi cũng có thể ảnh hưởng rất tích cực đến sự phát triển trí tuệ của con cái họ.
Dĩ nhiên, lợi ích lớn nhất của việc đọc là giúp bạn “tìm được điều tri-thức của Đức Chúa Trời”. (Châm 2:5) Về nhiều phương diện, việc phụng sự Đức Chúa Trời đòi hỏi phải biết đọc. Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh được đọc trong các buổi họp của hội thánh. Mức độ hữu hiệu của bạn trong thánh chức rao giảng tùy thuộc phần lớn vào cách đọc. Và chuẩn bị cho các hoạt động này bao gồm việc đọc. Vì lý do đó, sự phát triển về thiêng liêng của bạn tùy thuộc phần lớn vào thói quen đọc.
Hãy tận dụng cơ hội
Một số người đang học đường lối Đức Chúa Trời có học vấn giới hạn. Có thể cần dạy cho họ biết đọc để tiến bộ về thiêng liêng. Hoặc họ có thể cần được giúp đỡ riêng để trau dồi khả năng đọc. Nơi nào có nhu cầu địa phương, thì hội thánh ở đó cố gắng tổ chức những lớp dạy đọc và viết. Hàng ngàn người đã hưởng nhiều lợi ích nhờ sự sắp đặt này. Bởi lẽ việc đọc lưu loát là quan trọng, nên một số hội thánh tổ chức thêm những lớp học nhằm cải thiện khả năng đọc, ngoài Trường Thánh Chức Thần Quyền. Ngay cả ở những nơi không có các lớp như thế, một người có thể đạt được tiến bộ khả quan bằng cách dành thì giờ mỗi ngày để tập đọc lớn tiếng, đều đặn đến dự và tham gia vào trường thánh chức.
Đáng buồn thay, những tranh truyện vui và truyền hình cũng như những điều khác đã đẩy việc đọc xuống hàng thứ yếu trong đời sống của nhiều người. Việc xem truyền hình và ít đọc có thể cản trở sự phát huy kỹ năng đọc, khả năng suy nghĩ và lý luận rõ ràng cũng như phát biểu rành mạch.
“Đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp những ấn phẩm giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh; những ấn phẩm này chứa đựng một kho tàng tài liệu phong phú về những vấn đề thiêng liêng thiết yếu. (Mat 24:45; 1 Cô 2:12, 13) Các ấn phẩm này cũng giúp chúng ta theo kịp những diễn biến quan trọng trên thế giới và ý nghĩa của chúng, giúp chúng ta quen thuộc hơn với thế giới tự nhiên, và dạy cách đối phó với những vấn đề ảnh hưởng đến chúng ta. Quan trọng hơn hết, những ấn phẩm này tập trung vào cách phụng sự sao cho đẹp lòng Đức Chúa Trời và được Ngài chấp nhận. Đọc các ấn phẩm lành mạnh như thế sẽ giúp bạn phát triển con người thiêng liêng.
Dĩ nhiên khả năng đọc giỏi tự nó không phải là một đức tính tốt. Cần sử dụng kỹ năng này một cách đúng đắn. Như việc ăn uống, phải chọn lọc trong việc đọc. Sao lại ăn những thứ không có giá trị dinh dưỡng thật sự hoặc thậm chí có thể đầu độc mình? Tương tự như vậy, sao lại đọc, dù chỉ tình cờ, những tài liệu có thể làm bại hoại lòng và trí bạn? Các nguyên tắc trong Kinh Thánh cung cấp tiêu chuẩn để thẩm định giá trị bất kỳ tài liệu nào chúng ta chọn đọc. Trước khi quyết định đọc điều gì, hãy nhớ các câu Kinh Thánh như Truyền-đạo 12:12, 13; Ê-phê-sô 4:22-24; 5:3, 4; Phi-líp 4:8; Cô-lô-se 2:8; 1 Giăng 2:15-17; và 2 Giăng 10.
Hãy đọc với động cơ đúng đắn
Tầm quan trọng của việc có động cơ đúng đắn khi đọc, được thấy rõ khi xem xét các sách Phúc Âm. Thí dụ, trong sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, chúng ta thấy Chúa Giê-su chất vấn những nhà lãnh đạo tôn giáo thông thuộc luật pháp bằng các câu hỏi như: “Các ngươi há chưa đọc đến sao?” và “Các ngươi chưa hề đọc lời nầy... hay sao?” trước khi ngài đưa ra những câu trả lời dựa trên Kinh Thánh để đáp lại những câu hỏi xảo quyệt của họ. (Mat 12:3, 5; 19:4; 21:16, 42; 22:31) Bài học rút ra từ việc này là nếu đọc với động lực không đúng đắn, chúng ta có thể đi đến kết luận sai hoặc hoàn toàn không hiểu. Những người Pha-ri-si đọc Kinh Thánh vì nghĩ rằng nhờ thế họ sẽ được sự sống đời đời. Như Chúa Giê-su vạch rõ, phần thưởng đó không ban cho những kẻ không yêu thương Đức Chúa Trời và không chấp nhận phương tiện cứu rỗi của Ngài. (Giăng 5:39-43) Đầu óc của người Pha-ri-si là ích kỷ, vì thế họ có nhiều kết luận sai lầm.
Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va là động lực thanh khiết nhất mà chúng ta có thể có để đọc Lời Ngài. Tình yêu thương như thế thôi thúc chúng ta học biết ý muốn Đức Chúa Trời, bởi vì tình yêu thương “vui trong lẽ thật”. (1 Cô 13:6) Dù rằng trước kia chúng ta không thích đọc, tình yêu thương Đức Giê-hô-va “hết lòng” sẽ thúc đẩy chúng ta hăng hái vận dụng trí tuệ nhằm tiếp thu sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. (Mat 22:37) Tình yêu thương thức tỉnh sự chú ý, và sự chú ý thúc đẩy việc học tập.
Hãy xét nhịp độ đọc
Việc đọc đi đôi với khả năng nhận biết từ ngữ. Ngay lúc này khi đang đọc, bạn nhận ra mặt chữ và nhớ nghĩa của chúng. Bạn có thể đọc nhanh hơn nếu mở rộng tầm nhận biết từ ngữ. Thay vì ngừng lại để nhìn từng chữ, hãy cố nhìn vài chữ cùng lúc. Khi phát triển được khả năng này, bạn sẽ thấy rằng bạn hiểu những điều mình đang đọc một cách rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, khi đọc những tài liệu sâu sắc, các nỗ lực của bạn có thể sinh nhiều kết quả hơn, nếu sử dụng một phương pháp khác. Khi khuyên Giô-suê về việc đọc Kinh Thánh, Đức Chúa Trời phán: “Quyển sách luật-pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy-gẫm [“đọc nhẩm”, NW]”. (Giô-suê 1:8) Một người thường lẩm nhẩm khi suy tư. Do đó, từ ngữ tiếng Hê-bơ-rơ dịch là “đọc nhẩm” cũng được dịch là “suy-gẫm”. (Thi 63:6; 77:12; 143:5) Khi suy ngẫm, một người suy nghĩ sâu sắc, không vội vã. Đọc một cách trầm ngâm khiến Lời Đức Chúa Trời tác động đến lòng và trí nhiều hơn. Kinh Thánh chứa đựng lời tiên tri, khuyên bảo, châm ngôn, thơ ca, những lời công bố về sự phán xét của Đức Chúa Trời, những chi tiết về ý định của Đức Giê-hô-va, và nhiều gương mẫu có thật—tất cả các điều này đều quý giá đối với những ai muốn đi theo đường lối Đức Giê-hô-va. Đọc thế nào để Lời Đức Chúa Trời in sâu vào lòng và trí, bạn sẽ hưởng lợi ích biết bao!
Hãy học cách tập trung chú ý
Khi đọc, hãy tự đặt mình vào mỗi khung cảnh được mô tả. Hãy cố mường tượng ra các nhân vật, và tưởng tượng những cảm xúc của họ, gây ra bởi những sự việc xảy ra trong đời sống. Việc này tương đối dễ dàng khi đọc lời tường thuật chẳng hạn như về Đa-vít và Gô-li-át, ghi trong 1 Sa-mu-ên chương 17. Nhưng ngay cả những chi tiết trong Xuất Ê-díp-tô Ký và Lê-vi Ký về việc dựng đền tạm hoặc sự sắp đặt chức thầy tế lễ sẽ sống động, khi bạn hình dung ra kích thước và vật liệu, hoặc tưởng tượng mùi hương, mùi thơm của những con vật dâng lên làm của-lễ thiêu và của-lễ chay. Hãy nghĩ xem việc thi hành nhiệm vụ của chức tế lễ ắt đã phải gợi lên niềm kính sợ lớn biết bao! (Lu 1:8-10) Vận dụng các giác quan và xúc cảm của mình theo cách này sẽ giúp bạn nắm vững tầm quan trọng của những điều mình đọc và sẽ giúp bạn nhớ.
Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, trí óc có thể nghĩ vẩn vơ khi bạn cố đọc. Mắt bạn có thể nhìn vào trang giấy, nhưng trí óc có thể ở đâu đâu. Âm nhạc hoặc truyền hình đang mở chăng? Những người trong gia đình đang trò chuyện chăng? Tốt nhất là đọc ở nơi yên tĩnh, nếu có thể được. Tuy nhiên, sự phân tâm có thể đến từ bên trong. Có lẽ bạn đã trải qua một ngày bận rộn. Ôi thôi, việc ôn lại những hoạt động trong ngày thật dễ dàng thay! Dĩ nhiên là có lợi khi ngẫm nghĩ lại những việc xảy ra trong ngày—nhưng không nên làm thế khi bạn đang đọc. Có lẽ lúc đầu trí bạn tập trung, hay thậm chí bạn có thể mở đầu bằng lời cầu nguyện trước khi đọc. Nhưng rồi khi đọc, trí bạn bắt đầu nghĩ vẩn vơ. Hãy cố chăm chú trở lại. Hãy tự buộc mình phải tập trung tâm trí vào tài liệu đang đọc. Dần dà, bạn sẽ thấy tiến bộ.
Bạn làm gì khi đọc một chữ mình không hiểu? Một số chữ không quen thuộc có thể được định nghĩa hay thảo luận trong văn bản. Hay bạn có thể nhận ra ngữ nghĩa nhờ văn mạch. Nếu vẫn không hiểu, hãy dành thì giờ tra nghĩa của từ ngữ trong từ điển nếu có, hoặc đánh dấu chữ ấy để có thể hỏi người khác. Nhờ vậy, vốn từ vựng được mở mang và bạn lĩnh hội nhiều hơn khi đọc.
Đọc trước công chúng
Khi bảo Ti-mô-thê tiếp tục chăm chỉ đọc sách, sứ đồ Phao-lô đặc biệt nhắc đến việc đọc vì lợi ích của người khác. (1 Ti 4:13) Muốn việc đọc trước công chúng đạt được hiệu quả thì không phải chỉ đọc to lên từ trang giấy là đủ. Người đọc cần hiểu nghĩa của từ ngữ và lĩnh hội được ý tưởng mà các từ ngữ ấy biểu đạt. Chỉ khi đó người đọc mới có thể truyền đạt đúng ý tưởng và phản ánh cảm xúc một cách chính xác. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi phải sửa soạn và tập dượt kỹ càng. Do đó, Phao-lô khuyên: “Hãy chăm-chỉ đọc sách”. (Chúng tôi viết nghiêng). Bạn sẽ nhận được sự huấn luyện quý giá về kỹ năng này trong Trường Thánh Chức Thần Quyền.
Hãy dành thì giờ đọc sách
“Dự tính của người cần mẫn chỉ sinh lợi lộc; người vội vã chỉ đi đến thiếu thốn”. (Châm 21:5, Nguyễn Thế Thuấn) Nói đến lòng khát khao đọc của chúng ta, câu đó quả đúng biết bao! Để được “lợi lộc”, chúng ta cần thận trọng lập kế hoạch để những hoạt động khác không lấn át việc đọc của chúng ta.
Bạn đọc vào lúc nào? Đọc vào buổi sáng sớm có lợi cho bạn không? Hay trí óc bạn minh mẫn hơn vào chiều tối? Nếu có thể dành ra chỉ 15 hay 20 phút mỗi ngày để đọc, bạn sẽ ngạc nhiên về thành quả mình đạt được. Bí quyết là sự đều đặn.
Tại sao Đức Giê-hô-va lại quyết định cho ghi chép những ý định cao cả của Ngài trong một quyển sách? Để người ta có thể tra cứu Lời Ngài. Điều này khiến họ có thể xem xét những công việc kỳ diệu của Đức Giê-hô-va, để kể lại những công việc này cho con cái họ, và để ghi nhớ cách xử sự của Đức Chúa Trời. (Thi 78:5-7) Cách tốt nhất mà chúng ta biểu lộ lòng biết ơn của mình đối với lòng rộng lượng của Đức Giê-hô-va về khía cạnh này là chăm chỉ đọc Lời ban sự sống của Ngài.