BÀI HỌC 2
Nói rõ ràng
ĐỂ GIAO TIẾP có hiệu quả, bạn phải nói rõ ràng. Những điều bạn muốn nói có thể lý thú, thậm chí quan trọng nữa, nhưng phần lớn những điều ấy sẽ vô bổ nếu người nghe không hiểu một cách dễ dàng.
Người nghe không được thúc đẩy bởi lời lẽ mà họ không thật sự hiểu. Cho dù một người có giọng nói mạnh, có thể nghe được dễ dàng, nhưng nếu nói không rõ ràng, thì không thúc đẩy được người khác hành động. Thật chẳng khác nào nói một thứ tiếng ngoại quốc mà người nghe không hiểu. (Giê 5:15) Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta: “Nếu kèn trổi tiếng lộn-xộn, thì ai sửa-soạn mà ra trận? Anh em cũng vậy, nếu dùng lưỡi nói chẳng rõ-ràng cho người ta nghe, thì làm sao họ được biết điều anh em nói? Vì anh em nói bông-lông”.—1 Cô 14:8, 9.
Nguyên nhân nào khiến lời nói không rõ ràng? Có thể vì miệng không mở ra đủ. Còn lời nói bị tắc nghẽn có thể là do các cơ ở quai hàm cứng nhắc và môi ít cử động.
Nói quá nhanh cũng có thể làm cho lời lẽ khó hiểu, giống như tiếng nói thâu băng được phát ra ở tốc độ nhanh hơn tốc độ ghi âm. Tuy có nghe thấy tiếng đấy, nhưng phần lớn không có lợi ích.
Trong một số trường hợp, do các cơ quan phát âm có khuyết tật nên nói không được rõ ràng. Nhưng ngay cả những người phải đối phó với khuyết tật như thế cũng có thể tiến bộ nhiều nhờ áp dụng những đề nghị trong bài học này.
Nhưng thường thường lời lẽ không rõ ràng là do nói líu nhíu—lời nói như dính quyện vào nhau khiến người nghe khó hiểu. Tật này có thể bao gồm việc nuốt chữ, hoặc bỏ những chữ cái quan trọng hoặc âm cuối. Khi một người nói líu nhíu một cách tùy tiện, người nghe có thể hiểu một số ý tưởng và từ ngữ nhưng phải đoán nghĩa những ý tưởng và từ ngữ khác. Phát âm không rõ ràng có thể phương hại đến mức độ hữu hiệu của việc dạy dỗ.
Làm thế nào nói rõ ràng? Một trong những bí quyết để nói rõ ràng là phải hiểu cách cấu tạo của từ ngữ trong ngôn ngữ của bạn. Trong đa số ngôn ngữ, từ ngữ được cấu tạo bằng các âm tiết. Mỗi âm tiết gồm có từ một chữ cái trở lên, được phát âm như một đơn vị. Trong các ngôn ngữ như thế, thường phải phát âm mỗi âm tiết khi bạn nói, dù rằng không phải tất cả các âm tiết đều có cùng độ nhấn giọng. Nếu muốn lời lẽ của bạn được rõ ràng hơn, hãy nói chậm lại và cố hết sức phát âm mỗi âm tiết. Lúc đầu, điều này có thể nghe như chính xác quá mức, nhưng khi tiếp tục tập luyện, bạn sẽ dần dần nói trơn tru trở lại. Để nói được lưu loát, chắc chắn bạn sẽ phải nói nhiều chữ liền một mạch, nhưng nên tránh lối nói này nếu lời lẽ bạn có nguy cơ tối nghĩa.
Đôi lời nhắc nhở: Để rèn luyện sự phát âm rõ ràng, bạn có thể tập nói và đọc chính xác hơn mức cần thiết. Nhưng đừng để trở thành thói quen thường ngày, vì lối nói ấy có vẻ giả tạo và thiếu tự nhiên.
Nếu lời lẽ của bạn nghe có phần tắc nghẽn, hãy tập giữ đầu cho thẳng và nâng cằm cao lên. Cầm cao quyển Kinh Thánh khi đọc để lúc đưa mắt nhìn từ cử tọa sang Kinh Thánh, bạn chỉ cần hơi nhìn xuống. Điều này sẽ giúp lời nói bạn thoát ra dể dàng, không vướng mắc.
Cũng có thể nói rõ ràng hơn bằng cách tập thư giãn những cơ bắp ở mặt và những cơ điều khiển hơi thở. Người ta biết rõ rằng sự căng thẳng ở những cơ này có thể ảnh hưởng bất lợi đến cơ quan phát âm. Sự căng thẳng này gây trở ngại cho sự phối hợp hài hòa giữa não bộ, các cơ quan phát âm và việc điều khiển hơi thở—là một hoạt động cần suôn sẻ và tự nhiên.
Những bắp thịt ở quai hàm cần được thư giãn để sẵn sàng phản ứng khi có mệnh lệnh từ não đưa xuống. Môi cũng phải được thư giãn, sẵn sàng co giãn nhanh chóng để hoàn chỉnh những âm thanh xuất phát trong miệng và cổ họng. Nếu quai hàm và môi căng thẳng, miệng sẽ không mở ra đủ; do đó âm thanh bị buộc phải truyền qua răng, khiến giọng nói bị tắc nghẽn, không rõ ràng và có vẻ nghiêm khắc. Tuy nhiên, thư giãn quai hàm và môi không có nghĩa là trở nên cẩu thả trong việc phát âm. Điều này cần được cân bằng với thói quen tạo âm thanh để việc phát âm được rõ ràng.
Khi tự phân tích cách nói, đọc lớn tiếng có thể có ích. Hãy để ý kỹ cách bạn sử dụng những cơ quan phát âm kỳ diệu. Miệng bạn có mở ra đủ để âm có thể thoát ra dễ dàng không? Bạn phải nhớ rằng lưỡi không phải là cơ quan phát âm duy nhất, mặc dù nó là một trong những cơ quan hoạt động nhiều nhất. Cổ, hàm dưới, môi, các cơ bắp ở mặt và cổ, tất cả đều đóng một vai trò riêng. Khi nói, bạn có sử dụng những cơ bắp ở mặt không? Nếu không thì rất có thể lời lẽ của bạn không rõ ràng.
Nếu có máy thu băng, hãy ghi âm giọng nói tự nhiên của chính bạn, như khi đang rao giảng. Hãy ghi âm nhiều phút lời nói chuyện. Nghe lại băng có thể giúp bạn xác định xem bạn có bất cứ khó khăn nào trong việc phát âm rõ ràng các từ ngữ không. Hãy để ý tìm những chỗ bạn nói líu nhíu, giọng tắc nghẽn, hoặc cụt ngủn, và cố xác định nguyên nhân. Thường thường, có thể sửa chữa khuyết điểm bằng cách cố gắng luyện tập những điểm được thảo luận trên đây.
Bạn có khuyết tật nào về nói không? Hãy tập mở rộng miệng ra hơn một chút so với trước kia, và cố phát âm cẩn thận hơn. Hãy hít không khí vào đầy phổi, rồi nói chậm rãi. Nhờ tập như vậy mà nhiều người bị khuyết tật về ngôn ngữ đã có thể nói rõ ràng hơn trước. Nếu bạn bị ngọng, hãy cố điều khiển lưỡi; đừng đưa lưỡi gần phía răng cửa khi phát âm những từ ngữ có chữ cái s và x. Dù không thể hoàn toàn sửa chữa khuyết tật, nhưng bạn đừng tuyệt vọng. Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va đã chọn Môi-se, một người có thể đã có khuyết tật về nói, để chuyển giao những thông điệp hệ trọng cho cả dân Y-sơ-ra-ên lẫn Pha-ra-ôn, vua nước Ai Cập. (Xuất 4:10-12) Nếu bạn sẵn lòng, Ngài cũng sẽ dùng bạn, ban phước và giúp bạn thành công trong thánh chức.