BÀI HỌC 15
Ngoại diện tề chỉnh
NGOẠI DIỆN nói lên nhiều điều về bạn. Mặc dù Đức Giê-hô-va nhìn trong lòng, nhưng loài người thường “xem bề ngoài” rồi rút ra kết luận. (1 Sa 16:7) Khi bạn ăn ở sạch sẽ, quần áo gọn gàng và lịch sự; rất có thể người khác sẽ kết luận rằng bạn có lòng tự trọng, nên họ dễ có khuynh hướng lắng nghe bạn. Cách ăn mặc thích hợp cũng sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp về tổ chức mà bạn đại diện, đồng thời tác động tốt đến quan điểm của người nghe về Đức Chúa Trời mà bạn thờ phượng.
Những nguyên tắc cần áp dụng. Tuy không quy định nhiều luật lệ về ngoại diện cá nhân, nhưng Kinh Thánh cung cấp những nguyên tắc hợp lý có thể giúp chúng ta quyết định sáng suốt. Cái chủ yếu trong hết thảy các nguyên tắc này là chúng ta “làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa”. (1 Cô 10:31, Tòa Tổng Giám Mục) Những nguyên tắc nào liên quan đến ngoại diện của chúng ta?
Thứ nhất, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta ăn ở sạch sẽ, cả về thân thể lẫn quần áo. Trong Luật Pháp ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Giê-hô-va ghi những quy định về sự sạch sẽ. Thí dụ, khi thi hành phận sự, các thầy tế lễ phải tắm và giặt quần áo vào những lúc nhất định. (Lê 16:4, 24, 26, 28) Tuy không ở dưới Luật Pháp Môi-se, nhưng đối với tín đồ Đấng Christ các nguyên tắc trong bộ luật này vẫn có giá trị. (Giăng 13:10; Khải 19:8) Đặc biệt là khi đến nơi thờ phượng hoặc tham gia rao giảng, thân thể, hơi thở, và quần áo chúng ta phải sạch sẽ để không gây khó chịu cho người khác. Những ai nói bài giảng hoặc tham gia trình diễn trước hội thánh phải nêu gương tốt về mặt này. Chú ý đến ngoại diện cho thấy chúng ta tôn trọng Đức Giê-hô-va và tổ chức của Ngài.
Thứ hai, Kinh Thánh khuyên chúng ta trau dồi tính khiêm tốn và biết suy xét. Sứ đồ Phao-lô khuyên giục các nữ tín đồ Đấng Christ “ăn-mặc một cách gọn-ghẽ, lấy nết-na và đức-hạnh giồi mình [“khiêm tốn và biết suy xét”, NW] , không dùng những tóc-gióc, vàng, châu-ngọc và áo-quần quí-giá, nhưng dùng việc lành, theo lẽ đương-nhiên của người đàn-bà tin-kính Chúa”. (1 Ti 2:9, 10) Tính khiêm tốn và biết suy xét cũng là hai yếu tố quan trọng trong cách ăn mặc chải chuốt của phái nam.
Người khiêm tốn thì quan tâm tránh xúc phạm đến người khác và tránh thu hút sự chú ý quá đáng vào chính mình. Người biết suy xét là người có óc phán đoán tốt. Người biểu hiện những đức tính này là người có sự thăng bằng, kết quả của việc tôn trọng các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Biểu hiện những đức tính này không có nghĩa là không được ăn mặc đẹp, nhưng giúp chúng ta biết suy xét hợp lý về ngoại diện, đồng thời tránh những cách ăn mặc chải chuốt quá đáng. (1 Giăng 2:16, TTGM) Chúng ta muốn áp dụng những nguyên tắc này dù ở nơi thờ phượng, khi tham gia rao giảng hoặc các hoạt động khác. Ngay cả khi ăn mặc thường, chúng ta cũng phải biểu hiện sự khiêm tốn và biết suy xét. Dù ở trường học hay sở làm, chúng ta cũng có những cơ hội làm chứng bán chính thức. Tuy có thể không ăn mặc như khi dự các buổi họp, đại hội và hội nghị, nhưng quần áo chúng ta vẫn phải gọn gàng, sạch sẽ và khiêm tốn.
Dĩ nhiên, không phải mọi người đều ăn mặc giống nhau. Chúng ta không bắt buộc phải làm thế. Mỗi người có sở thích riêng, và điều này hoàn toàn thích đáng. Nhưng những tiêu chuẩn của Kinh Thánh phải luôn luôn được áp dụng.
Sứ đồ Phi-e-rơ cho thấy rằng bộ y phục của “con người nội tâm thầm kín” còn quan trọng hơn kiểu tóc và quần áo bên ngoài. (1 Phi 3:3, 4, TTGM) Khi lòng chúng ta tràn đầy yêu thương, vui mừng, bình an, tử tế và đức tin có cơ sở vững chắc, thì những phẩm chất này sẽ trở thành bộ y phục thiêng liêng thật sự tôn vinh Đức Chúa Trời.
Thứ ba, Kinh Thánh khuyên giục chúng ta xét xem ngoại diện chúng ta có gọn gàng chỉnh tề không. Nơi 1 Ti-mô-thê 2:9, Kinh Thánh đề cập đến việc “ăn-mặc một cách gọn-ghẽ”. Tuy sứ đồ Phao-lô nói đến cách ăn mặc của nữ giới, nhưng tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho nam giới. Người ăn mặc gọn ghẽ thì gọn gàng, ngay ngắn, chỉnh tề. Dù có khá giả hay không, chúng ta vẫn có thể có ngoại diện gọn gàng.
Một trong các điểm về ngoại diện mà người khác để ý đến đầu tiên là đầu tóc chúng ta. Nó phải gọn gàng, hay chỉnh tề. Cả phong tục địa phương lẫn yếu tố di truyền đều ảnh hưởng đến kiểu tóc của người ta. Theo 1 Cô-rinh-tô 11:14, 15, có thể khẳng định rằng sứ đồ Phao-lô đã xét đến cả hai yếu tố trên khi cho lời khuyên về kiểu tóc. Tuy nhiên, khi kiểu tóc của một người gây ấn tượng là họ muốn giống người khác phái, thì điều này ngược lại với các nguyên tắc của Kinh Thánh.—Phục 22:5.
Đối với phái nam, ngoại diện gọn gàng có thể bao gồm việc cạo râu nhẵn nhụi. Ở những vùng đàn ông để ria mép được đa số người xem là đường hoàng, những ai để ria mép phải tỉa cho gọn ghẽ.
Thứ tư, ngoại diện của chúng ta không được phản ánh lòng yêu chuộng thế gian và đường lối của nó. Sứ đồ Giăng khuyến cáo: “Đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian”. (1 Giăng 2:15-17, TTGM) Đặc điểm của thế gian này là có nhiều ham muốn tội lỗi. Trong số này, Giăng đề cập đến lòng ham muốn của xác thịt tội lỗi và tính hay phô trương của cải. Kinh Thánh cũng lưu ý chúng ta đến tinh thần nổi loạn, tức không tuân phục uy quyền. (Châm 17:11; Ê-phê 2:2) Những ham muốn và thái độ này thường bộc lộ ra trong cách người ta ăn mặc và chải chuốt. Do đó, ngoại diện của họ có thể thiếu khiêm tốn, khiêu dâm, lòe loẹt, luộm thuộm, lôi thôi hoặc cẩu thả. Là tôi tớ Đức Giê-hô-va, chúng ta tránh những kiểu ăn mặc chải chuốt phản ánh phong cách ngược với đạo Đấng Christ.
Thay vì bắt chước thế gian, thật tốt hơn biết bao khi noi gương tốt về cách ăn mặc chải chuốt của những anh chị em thành thục về thiêng liêng trong hội thánh tín đồ Đấng Christ! Những thanh thiếu niên muốn một ngày kia trở thành diễn giả trước công chúng, có thể quan sát cách ăn mặc của những anh đã hội đủ điều kiện nói diễn văn công cộng. Tất cả đều có thể noi gương những người đã nhiều năm trung thành trong thánh chức rao giảng.—1 Ti 4:12; 1 Phi 5:2, 3.
Thứ năm, khi cân nhắc xem điều gì là thích hợp, chúng ta phải nhớ rằng chính “Đấng Christ cũng không làm cho đẹp lòng mình”. (Rô 15:3) Mối quan tâm hàng đầu của Chúa Giê-su là thực thi ý muốn của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su cũng đặt việc giúp người khác lên trên lợi ích cá nhân. Chúng ta nên làm gì nếu cách ăn mặc chải chuốt của chúng ta có thể gây ngăn cách giữa chúng ta và những người trong khu vực rao giảng? Noi theo tinh thần khiêm nhường của Đấng Christ có thể giúp chúng ta quyết định một cách khôn ngoan. Sứ đồ Phao-lô nêu ra nguyên tắc sau: “Chúng tôi chẳng làm cho ai vấp-phạm”. (2 Cô 6:3) Vì lý do đó, chúng ta tránh những kiểu tóc hoặc quần áo khiến người khác có thành kiến, không muốn nghe chúng ta rao giảng.
Tư thế. Ngoại diện tề chỉnh cũng đòi hỏi phải có tư thế đúng đắn. Dĩ nhiên, không phải tất cả chúng ta đều có dáng bộ như nhau, và chúng ta không cố rập khuôn theo một mẫu nào đó. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là theo Kinh Thánh, tư thế đứng thẳng biểu thị phẩm giá và tinh thần lạc quan. (Lê 26:13; Lu 21:28) Tuy nhiên, vì làm việc nhiều năm ở tư thế khom lưng hoặc vì tuổi già sức yếu, nên một anh hay chị không thể đứng thẳng hoặc cần tựa vào một vật gì đó. Nhưng những ai đứng thẳng được thì nên đứng ngay ngắn khi nói chuyện với người khác, để tránh tạo cảm tưởng là mình có thái độ hờ hững hoặc sợ gây ra phiền hà. Tương tự như thế, dù thỉnh thoảng đặt tay lên bục giảng không có gì sai, nhưng diễn giả thường tạo được ấn tượng tốt nơi cử tọa nếu không tựa người vào đó.
Dụng cụ gọn ghẽ. Không những ngoại diện chúng ta phải sạch sẽ, chỉnh tề mà dụng cụ dùng trong thánh chức rao giảng cũng phải sạch sẽ, gọn gàng.
Hãy xem xét quyển Kinh Thánh của bạn. Không phải mọi người chúng ta đều có đủ điều kiện để thay thế quyển Kinh Thánh đã sờn rách. Tuy nhiên, vô luận chúng ta có quyển Kinh Thánh được bao lâu, cần cho thấy rằng sách ấy đã được giữ gìn cẩn thận.
Dĩ nhiên, có nhiều cách sắp xếp cặp rao giảng, nhưng cần phải gọn gàng. Bạn đã từng chứng kiến cảnh sau đây chưa: những tờ giấy rơi ra từ quyển Kinh Thánh khi một người công bố sắp sửa đọc cho chủ nhà nghe, hoặc khi một anh đang nói bài giảng trước hội thánh? Bạn bị phân tâm, đúng thế không? Nếu những tờ giấy kẹp trong Kinh Thánh làm cho người nghe thiếu tập trung, có lẽ nên cất vào chỗ khác để dụng cụ được ngăn nắp. Cũng hãy nhớ rằng trong một số nền văn hóa, đặt Kinh Thánh hay các ấn phẩm tôn giáo trên sàn nhà bị xem là rất bất kính.
Đối với chúng ta, ngoại diện tề chỉnh phải là điều quan trọng. Nó cũng ảnh hưởng đến cách người khác đánh giá chúng ta. Nhưng trên hết, chúng ta cẩn thận chú ý đến ngoại diện vì muốn “làm cho tôn-quí đạo Đức Chúa Trời, là Cứu-Chúa chúng ta, trong mọi đường”.—Tít 2:10.