BÀI HỌC 38
Nhập đề gợi sự chú ý
NHẬP ĐỀ là một phần quan trọng của bất cứ bài giảng nào. Nếu bạn thực sự gợi được sự chú ý của cử tọa, họ sẽ sẵn sàng hơn để chăm chú lắng nghe những điều kế tiếp. Trong thánh chức rao giảng, nếu phần nhập đề của bạn không gợi được sự chú ý, có lẽ bạn không thể tiếp tục lời trình bày của mình. Khi bạn nói bài giảng tại Phòng Nước Trời, cử tọa sẽ không đứng dậy bỏ đi, nhưng một số người có thể bắt đầu nghĩ sang những điều khác nếu bạn không thu hút được sự chú ý của họ.
Khi chuẩn bị phần nhập đề, hãy lưu ý đến những mục tiêu sau đây: (1) thu hút sự chú ý của cử tọa, (2) nói rõ đề tài của bạn, và (3) cho thấy tại sao đề tài đó là quan trọng đối với cử tọa. Trong một số trường hợp, có thể đạt được cả ba mục tiêu này hầu như cùng một lúc. Tuy nhiên, những mục tiêu này đôi khi được xem xét riêng, và theo thứ tự khác nhau.
Cách thu hút sự chú ý của cử tọa. Việc người ta nhóm lại để nghe một bài giảng không có nghĩa là họ sẵn sàng tập trung hoàn toàn vào đề tài. Tại sao không? Đời sống họ có đầy những điều chiếm sự chú ý của họ. Họ có thể quan tâm về một vấn đề ở nhà hay một mối lo âu khác trong cuộc sống. Là diễn giả, bạn đứng trước thách đố là thu hút và giữ được sự chú ý của cử tọa. Bạn có thể làm điều này bằng nhiều cách.
Một trong những bài giảng nổi tiếng nhất từ xưa đến nay là Bài Giảng trên Núi. Nó được bắt đầu như thế nào? Theo lời tường thuật của Lu-ca, Chúa Giê-su phán rằng: “Phước cho các ngươi nghèo-khó,... phước cho các ngươi hiện đương đói,... phước cho các ngươi hiện đương khóc-lóc,... phước cho các ngươi khi... thiên-hạ sẽ ghét... các ngươi”. (Lu 6:20-22) Tại sao cách đó gợi sự chú ý? Chỉ bằng vài lời, Chúa Giê-su công nhận một số vấn đề nghiêm trọng mà người nghe phải đương đầu. Rồi thay vì thảo luận chi tiết về những vấn đề đó, ngài cho thấy những người có vấn đề như thế vẫn có thể hạnh phúc, và ngài trình bày theo cách làm cho người ta muốn nghe thêm.
Có thể dùng câu hỏi một cách hữu hiệu để gợi sự chú ý, nhưng phải là những câu hỏi thích đáng. Nếu câu hỏi của bạn cho thấy bạn chỉ sắp nói về những gì cử tọa đã nghe rồi, họ sẽ nhanh chóng mất sự chú ý. Đừng nêu ra những câu hỏi làm cử tọa ngượng hay phản ánh điều không tốt đẹp về họ. Thay vì thế, hãy cố gắng đặt câu hỏi theo cách khuyến khích suy nghĩ. Hãy ngưng một chút sau mỗi câu hỏi để người nghe có thì giờ nghĩ ra câu trả lời. Khi họ cảm thấy đang đối thoại với bạn trong tâm trí, bạn được sự chú ý của họ.
Dùng một kinh nghiệm có thật trong đời sống là một cách hữu hiệu khác để thu hút sự chú ý. Nhưng chỉ đơn giản kể lại câu chuyện có thể không giúp bạn đạt được mục đích nếu kinh nghiệm ấy làm cho ai đó trong cử tọa cảm thấy ngượng. Nếu cử tọa nhớ câu chuyện bạn kể nhưng lại quên bài học đi kèm, thì bạn đã trệch mục tiêu. Khi dùng một kinh nghiệm trong phần nhập đề, nó phải đặt nền tảng cho một khía cạnh quan trọng nào đó của thân bài. Tuy có thể phải cần một số chi tiết để làm câu chuyện sống động, nhưng hãy cẩn thận đừng kể quá dài dòng.
Một số diễn giả bắt đầu bài giảng bằng một mẩu tin gần đây, lời trích dẫn từ một tờ báo địa phương, hoặc lời tuyên bố của một người có thẩm quyền. Những điều này cũng có thể hữu hiệu nếu ăn khớp với đề tài và thích hợp với cử tọa.
Nếu bài giảng của bạn là một phần trong bài thuyết trình phối hợp hoặc trong Buổi Họp Công Tác, thì thường tốt nhất là nên mở đầu vắn tắt và đi thẳng vào đề. Nếu bạn trình bày một bài giảng công cộng, hãy giữ đúng thời gian ấn định cho phần nhập đề. Thân bài mới là phần sẽ truyền đạt thông tin có giá trị nhất cho cử tọa.
Đôi khi bạn thấy mình nói trước một cử tọa chưa sẵn sàng tin hoặc thậm chí thiếu thiện cảm. Bằng cách nào bạn có thể làm họ chú ý? Ê-tiên là một tín đồ Đấng Christ thời ban đầu được miêu tả là “đầy-dẫy Đức Thánh-Linh và trí-khôn”. Khi bị giải đến trước Tòa Công Luận Do Thái, ông trình bày một bài diễn thuyết hùng hồn biện hộ cho đạo Đấng Christ. Ông bắt đầu như thế nào? Ông tỏ lòng tôn trọng và nói đến điều mà cả hai bên đều chấp nhận. “Hỡi các anh, các cha, xin nghe lời tôi! Đức Chúa Trời vinh-hiển đã hiện ra cùng tổ chúng ta là Áp-ra-ham”. (Công 6:3; 7:2) Trên đồi A-rê-ô-ba ở A-thên, sứ đồ Phao-lô thay đổi lời nhập đề cho thích nghi với cử tọa khác hẳn; ông nói: “Thưa quý vị người A-thên, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết”. (Công 17:22, Tòa Tổng Giám Mục) Nhờ nhập đề hữu hiệu, cả hai nhóm cử tọa này sẵn sàng nghe thêm.
Khi đi rao giảng, bạn cũng cần làm cho người ta chú ý. Nếu là cuộc viếng thăm không hẹn trước, thì chủ nhà có thể bận vì những việc khác. Ở một số nơi trên thế giới, khách đến thăm bất ngờ phải nhanh chóng cho biết lý do của cuộc viếng thăm. Nhưng ở những nơi khác, trước khi cho biết lý do, bạn phải tuân theo một số nghi thức nào đó.—Lu 10:5.
Trong cả hai trường hợp, sự thân thiện chân thật có thể giúp tạo một bầu không khí thuận lợi để nói chuyện. Bắt đầu với những gì liên quan trực tiếp đến điều người kia nghĩ, thường có lợi. Làm thế nào bạn có thể quyết định nên dùng điều gì? Khi bạn đến tiếp xúc, người đó đang làm gì? Có lẽ người ấy đang trồng trọt, chăm sóc vườn tược xung quanh nhà, sửa xe, nấu ăn, giặt giũ hoặc trông nom con cái. Người đó đang xem gì—một tờ báo hay một việc gì trên đường phố? Các vật xung quanh có phản ánh sở thích đặc biệt về câu cá, thể thao, âm nhạc, du lịch, máy vi tính hay điều gì khác không? Người ta thường quan tâm về những gì họ mới nghe trên radio hoặc thấy trên truyền hình. Một câu hỏi hay một lời bình luận vắn tắt về bất cứ vấn đề nào như thế có thể dẫn đến một cuộc nói chuyện thân thiện.
Cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và người đàn bà Sa-ma-ri tại giếng nước gần Si-kha là một thí dụ nổi bật về cách bắt đầu một cuộc nói chuyện với chủ ý làm chứng.—Giăng 4:5-26.
Bạn cần chuẩn bị kỹ phần nhập đề, đặc biệt là khu vực của hội thánh được rao giảng thường xuyên. Nếu không, bạn có thể không làm chứng được.
Nói rõ đề tài của bạn. Trong hội thánh Đấng Christ, thông thường chủ tọa hay một người nào khác có phần trước bạn trong chương trình sẽ thông báo tựa đề bài giảng của bạn và giới thiệu bạn. Tuy nhiên, có thể lợi ích nếu nhắc cử tọa về đề tài của bạn trong phần nhập đề, có thể nhắc từng chữ của chủ đề, tuy không nhất thiết phải như vậy. Trong bất kỳ trường hợp nào, chủ đề phải lộ ra dần khi bài giảng được triển khai. Bằng một cách nào đó trong phần nhập đề, bạn cần phải tập trung sự chú ý vào đề tài.
Khi phái các môn đồ đi rao giảng, Chúa Giê-su nói rõ thông điệp mà họ phải rao truyền. “Khi đi đường, hãy rao-giảng rằng: Nước thiên-đàng gần rồi”. (Mat 10:7) Về thời chúng ta, Chúa Giê-su nói: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra”. (Mat 24:14) Chúng ta được khuyến giục “hãy rao giảng lời Chúa”, tức là theo sát Kinh Thánh khi làm chứng. (2 Ti 4:2, TTGM) Tuy nhiên, trước khi mở Kinh Thánh hoặc hướng sự chú ý đến Nước Trời, thường cần phải nói rõ một vấn đề nào đó người ta hiện đang quan tâm. Bạn có thể bình luận về tội ác, nạn thất nghiệp, sự bất công, chiến tranh, cách giúp những người trẻ, bệnh tật hoặc sự chết. Nhưng đừng nói lâu về những vấn đề tiêu cực; thông điệp của bạn là tích cực. Hãy cố gắng hướng cuộc nói chuyện đến Lời Đức Chúa Trời và hy vọng về Nước Trời.
Hãy cho thấy tại sao đề tài đó quan trọng đối với cử tọa. Nếu nói bài giảng trong hội thánh, bạn có thể khá chắc chắn là cử tọa nói chung sẽ chú ý đến điều bạn thảo luận. Nhưng liệu họ có lắng nghe như một người lắng nghe khi đang học hỏi một điều gì đó rõ ràng liên quan đến mình không? Liệu họ có chú ý vì nhận thức rằng những gì họ đang nghe phù hợp với hoàn cảnh của họ trong đời sống và vì bạn đang khích động lòng họ, khiến họ muốn làm một điều gì đó không? Bạn chỉ đạt được hiệu quả đó nếu xem xét kỹ cử tọa—hoàn cảnh, mối quan tâm, thái độ của họ—khi chuẩn bị bài giảng. Nếu bạn đã làm thế, hãy cho thấy điều đó trong phần nhập đề.
Dù bạn nói trên bục hay làm chứng cho một người nào, một trong những cách hữu hiệu nhất để gợi sự chú ý vào đề tài là cho cử tọa thấy đề tài liên quan đến họ. Hãy cho thấy những vấn đề, nhu cầu hoặc thắc mắc mà họ nghĩ đến liên hệ thế nào đến đề tài bạn đang thảo luận. Nếu bạn cho thấy rõ là bạn sẽ không chỉ nói chung chung mà thảo luận về những khía cạnh cụ thể của vấn đề, họ sẽ còn chăm chú nhiều hơn nữa. Muốn làm thế, bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng.
Cách bạn trình bày. Những gì bạn nói trong phần nhập đề là quan trọng hàng đầu, nhưng cách bạn nói những điều đó cũng có thể gợi sự chú ý. Vì thế, khi chuẩn bị bài, bạn không những phải lưu ý đến điều bạn sẽ nói mà còn cách bạn sẽ nói nữa.
Dùng đúng từ là quan trọng để đạt mục tiêu, cho nên bạn có thể thấy có lợi khi chuẩn bị hai hay ba câu đầu khá cẩn thận. Những câu ngắn gọn và giản dị thường là tốt nhất. Đối với một bài giảng trong hội thánh, có lẽ bạn muốn viết những câu đó ra giấy, hoặc thuộc lòng để lời mở đầu của bạn sẽ có tác động cần thiết. Thong thả trình bày lời nhập đề hữu hiệu có thể giúp bạn có được sự điềm tĩnh cần thiết trong suốt bài giảng.
Khi nào nên chuẩn bị lời nhập đề. Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Một số diễn giả kinh nghiệm cho rằng khi chuẩn bị một bài giảng nên bắt đầu với phần nhập đề. Những người khác đã nghiên cứu nghệ thuật diễn thuyết thì nghĩ rằng nên chuẩn bị phần nhập đề sau khi làm xong thân bài.
Chắc chắn bạn cần biết đề tài của mình là gì và những điểm chính nào bạn dự tính khai triển trước khi có thể nghĩ ra những chi tiết cho một lời nhập đề thích hợp. Nhưng nói gì nếu bạn chuẩn bị bài giảng từ một dàn bài in sẵn? Sau khi đọc dàn bài, nếu bạn có ý kiến cho phần nhập đề, chắc chắn việc bạn viết ra không có gì là bất lợi cả. Cũng hãy nhớ rằng muốn nhập đề hữu hiệu, bạn phải lưu ý đến cử tọa cũng như tài liệu trong dàn bài.