BÀI HỌC 44
Dùng câu hỏi một cách hữu hiệu
BỞI LẼ câu hỏi cần câu trả lời—bằng lời nói hay trong tâm trí—người nghe được khích lệ tham gia. Câu hỏi có thể giúp bạn bắt đầu cuộc thảo luận và có được một cuộc trao đổi tư tưởng thú vị. Là diễn giả và người dạy, bạn có thể dùng câu hỏi để gợi sự chú ý, giúp người khác lý luận về một đề tài, hoặc nhấn mạnh thêm điều bạn nói. Khi sử dụng hữu hiệu câu hỏi, bạn khuyến khích người khác suy nghĩ tích cực thay vì lắng nghe một cách thụ động. Hãy có sẵn mục tiêu trong trí, và đặt câu hỏi sao cho đạt được mục tiêu đó.
Để khuyến khích nói chuyện. Khi rao giảng, hãy tinh ý nắm cơ hội mời người ta phát biểu nếu họ muốn.
Nhiều Nhân Chứng bắt đầu những cuộc thảo luận thú vị bằng cách giản dị hỏi: “Ông/Bà có bao giờ tự hỏi...?” Khi chọn một câu hỏi mà nhiều người thật sự nghĩ đến, hầu như chắc chắn họ sẽ có được một ngày rao giảng thích thú. Dù câu hỏi mới lạ đối với người đối thoại, nó có thể kích thích sự tò mò. Có thể dẫn vào nhiều vấn đề khác nhau bằng những lời như “Ông/Bà nghĩ gì...?”, “Ông/Bà cảm thấy thế nào...?”, và “Ông/Bà có tin...?”
Khi người rao giảng tin mừng là Phi-líp đến gặp một vị quan người Ê-thi-ô-bi đang đọc lớn tiếng sách tiên tri Ê-sai, Phi-líp giản dị hỏi: “Ông hiểu lời mình đọc đó chăng?” (Công 8:30) Câu hỏi này mở đường cho Phi-líp giải thích lẽ thật về Chúa Giê-su Christ. Dùng một câu hỏi tương tự, một số Nhân Chứng thời nay đã tìm được những người thật sự ao ước hiểu rõ lẽ thật của Kinh Thánh.
Một khi có cơ hội phát biểu quan điểm, nhiều người sẽ sẵn sàng lắng nghe bạn hơn. Sau khi đặt một câu hỏi, bạn hãy chăm chú lắng nghe. Hãy tử tế thừa nhận câu trả lời của người đối thoại thay vì phê phán. Khi có thể, hãy khen họ một cách chân thành. Vào một dịp nọ, sau khi một thầy thông giáo “trả lời như người khôn”, Chúa Giê-su khen ông: “Ngươi chẳng cách xa nước Đức Chúa Trời đâu”. (Mác 12:34) Ngay dù không có cùng quan điểm với người đối thoại, bạn vẫn có thể cám ơn họ đã phát biểu ý kiến. Những gì họ nói có thể cho bạn biết về một quan điểm mà bạn cần lưu ý đến khi chia sẻ lẽ thật của Kinh Thánh với họ.
Để đưa ra những ý tưởng quan trọng. Khi nói với một nhóm người hoặc với một người, hãy cố dùng câu hỏi để dẫn tới những ý tưởng quan trọng. Hãy chắc chắn là câu hỏi của bạn liên quan đến những vấn đề cử tọa thực sự chú ý. Bạn cũng có thể dùng những câu hỏi kích thích tính hiếu kỳ vì không dễ trả lời. Nếu bạn tạm ngừng sau khi đặt câu hỏi, cử tọa chắc sẽ rất chú ý lắng nghe điều tiếp theo sau.
Vào một dịp nọ, nhà tiên tri Mi-chê dùng một số câu hỏi. Sau khi hỏi Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi những người thờ phượng Ngài, nhà tiên tri đưa ra thêm bốn câu hỏi nữa, mỗi câu bao gồm một câu trả lời hợp lý. Tất cả câu hỏi ấy giúp chuẩn bị người đọc cho câu trả lời sâu sắc mà ông dùng để kết luận phần đó của cuộc thảo luận. (Mi 6:6-8) Bạn có thể làm như thế khi dạy dỗ không? Hãy thử xem.
Để lý luận về một đề tài. Câu hỏi có thể được dùng để giúp người khác hiểu được tính hợp lý của một lập luận. Khi đưa ra lời tuyên bố nghiêm trọng với dân Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va đã dùng cách này, như được ghi nơi Ma-la-chi 1:2-10. Trước hết Ngài bảo họ: “Ta yêu các ngươi”. Họ đã không biết quý trọng tình yêu thương đó, vì thế Ngài hỏi: “Ê-sau há chẳng phải là anh Gia-cốp sao?” Rồi Đức Giê-hô-va nêu ra tình trạng hoang tàn của Ê-đôm là bằng chứng cho thấy rằng vì sự độc ác của họ, Đức Chúa Trời không yêu dân đó. Tiếp theo sau Ngài dùng những minh họa xen lẫn các câu hỏi để nhấn mạnh việc dân Y-sơ-ra-ên không đáp ứng thích đáng lòng yêu thương của Ngài. Một số câu hỏi được diễn đạt như thể do các thầy tế lễ bất trung đặt ra. Những câu hỏi khác là do Đức Giê-hô-va đặt ra cho các thầy tế lễ. Đoạn văn đối thoại này khơi động cảm xúc và thu hút sự chú ý của chúng ta; cách lập luận không thể bác được; lời phán truyền không thể quên được.
Một số diễn giả sử dụng hữu hiệu câu hỏi theo cách tương tự. Mặc dù không đòi hỏi phải trả lời, nhưng cử tọa tham gia trong tâm trí, như thể dự phần vào cuộc đối thoại.
Khi điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh, chúng ta sử dụng phương pháp có sự tham gia của người học. Tất nhiên, người học sẽ được lợi ích nhiều hơn là chỉ đọc thuộc lòng câu trả lời trong sách. Bằng một giọng thân ái, hãy dùng những câu hỏi phụ để lý luận với người học. Khi bàn về những ý tưởng then chốt, hãy khuyến khích họ trả lời dựa trên Kinh Thánh. Bạn cũng có thể hỏi: “Điều đang thảo luận liên hệ thế nào với điểm mà chúng ta đã học? Tại sao điều này quan trọng? Nó nên ảnh hưởng thế nào đến đời sống chúng ta?” Phương pháp như thế hữu hiệu hơn là phát biểu niềm tin quyết riêng của bạn hoặc tự mình giải thích chi tiết. Bằng cách này bạn giúp người học dùng “khả năng suy luận” để thờ phượng Đức Chúa Trời.—Rô 12:1, NW.
Nếu người học chưa nắm được một ý nào đó, hãy kiên nhẫn. Họ có thể đang cố so sánh những gì bạn nói với những gì họ đã tin qua nhiều năm. Lý luận về đề tài từ một khía cạnh khác có thể giúp họ hiểu. Tuy nhiên, đôi khi chỉ cần một sự lý luận rất cơ bản. Hãy tận dụng Kinh Thánh. Dùng minh họa. Đồng thời dùng những câu hỏi đơn giản đề nghị họ lý luận dựa trên bằng chứng.
Để khuyến khích bộc lộ cảm nghĩ. Khi trả lời câu hỏi, người ta không luôn luôn bộc lộ cảm nghĩ thật sự của mình. Có thể họ chỉ đưa ra câu trả lời mà họ nghĩ bạn muốn nghe. Bạn cần có sự thông sáng. (Châm 20:5) Như Chúa Giê-su đã làm, bạn có thể hỏi: ‘Ông/Bà tin điều đó không?’—Giăng 11:26.
Khi nhiều môn đồ của Chúa Giê-su vấp phạm trước những điều ngài nói, và bỏ đi, Chúa Giê-su mời các sứ đồ bày tỏ cảm nghĩ. Ngài hỏi: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?” Diễn đạt cảm nghĩ của họ, Phi-e-rơ nói: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời; chúng tôi đã tin, và nhận biết rằng Chúa là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời”. (Giăng 6:67-69) Vào một dịp khác, Chúa Giê-su hỏi các môn đồ: “Theo lời người ta nói thì Con người là ai?” Tiếp theo đó, ngài đặt một câu hỏi mời họ phát biểu những gì trong lòng họ. “Còn các ngươi thì xưng ta là ai?” Phi-e-rơ trả lời: “Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống”.—Mat 16:13-16, chúng tôi viết nghiêng.
Khi điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh, bạn có thể thấy lợi ích khi áp dụng phương pháp tương tự cho một số vấn đề nào đó. Bạn có thể hỏi: “Bạn học (hay bạn đồng nghiệp) của anh/chị xem vấn đề này như thế nào?” Kế đến bạn có thể hỏi: “Còn anh/chị nghĩ thế nào?” Khi biết cảm nghĩ thật sự của một người, bạn có thể giúp họ hữu hiệu nhất với tư cách người dạy.
Để nhấn mạnh thêm. Câu hỏi cũng có thể được dùng để nhấn mạnh thêm ý tưởng. Sứ đồ Phao-lô đã làm điều này, như ghi nơi Rô-ma 8:31, 32: “Nếu Đức Chúa Trời vùa-giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta? Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” Hãy lưu ý rằng trong mỗi trường hợp, câu hỏi giải thích thêm chi tiết mệnh đề ngay trước đó.
Sau khi ghi lại lời phán xét của Đức Giê-hô-va nghịch lại vua Ba-by-lôn, nhà tiên tri Ê-sai bày tỏ niềm tin chắc khi nói thêm: “Vì Đức Giê-hô-va vạn-quân đã toan-định, thì ai bãi đi được? Tay Ngài đã dang ra, thì ai day lại được?” (Ê-sai 14:27) Bằng chính nội dung, những câu hỏi như thế cho thấy ý tưởng diễn đạt không thể phủ nhận được. Không cần có câu trả lời.
Để vạch ra lối suy nghĩ sai lầm. Câu hỏi được suy xét kỹ cũng là công cụ hữu hiệu để vạch ra lối suy nghĩ sai lầm. Trước khi chữa lành một người, Chúa Giê-su hỏi người Pha-ri-si và những người thông thạo Luật Pháp: “Trong ngày Sa-bát, có nên chữa bịnh hay không?” Sau khi chữa lành người bệnh, ngài đặt thêm một câu hỏi khác: “Nào có ai trong các ngươi, đương ngày Sa-bát, nếu có con trai hay là bò mình té xuống giếng mà không kéo liền lên sao?” (Lu 14:1-6) Không cần câu trả lời mà cũng không có ai trả lời. Hai câu hỏi đó đã vạch trần lối suy nghĩ sai lầm của họ.
Đôi khi cả tín đồ thật của Đấng Christ cũng có thể rơi vào lối suy nghĩ sai lầm. Một số người ở Cô-rinh-tô vào thế kỷ thứ nhất đưa anh em ra tòa để giải quyết vấn đề lẽ ra họ có thể giải quyết với nhau. Sứ đồ Phao-lô đã xử lý vấn đề như thế nào? Ông đặt một loạt câu hỏi thẳng thắn để sửa lại lối suy nghĩ của họ.—1 Cô 6:1-8.
Qua thực hành, bạn có thể biết cách dùng câu hỏi một cách hữu hiệu. Tuy nhiên, hãy nhớ phải lễ độ, nhất là khi nói với người lớn hơn, những người bạn không biết rõ, và những người có uy quyền. Hãy dùng câu hỏi để trình bày lẽ thật của Kinh Thánh theo một cách hấp dẫn.