Thông điệp chúng ta phải công bố
Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta một trách nhiệm và một đặc ân trọng đại, Ngài nói: “Các ngươi đều là người làm chứng, và ta là Đức Chúa Trời!” (Ê-sai 43:12) Chúng ta không chỉ tin một cách thụ động. Chúng ta là những người làm chứng công khai về những lẽ thật trọng yếu chứa đựng trong Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn. Ngày nay Đức Giê-hô-va ủy thác cho chúng ta rao báo thông điệp nào? Thông điệp này tập trung sự chú ý vào Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ, và Nước Trời của Đấng Mê-si.
“KHÁ KÍNH-SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ GIỮ CÁC ĐIỀU-RĂN NGÀI”
TỪ LÂU trước kỷ nguyên đạo Đấng Christ, Đức Giê-hô-va phán với người trung thành Áp-ra-ham về một sự sắp đặt nhờ đó mà “các dân thế-gian” được phước. (Sáng 22:18) Ngài cũng soi dẫn Sa-lô-môn để viết về một điều căn bản đòi hỏi nơi toàn thể nhân loại: “Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi”. (Truyền 12:13) Nhưng làm sao những người sống trong mọi nước biết được những điều này?
Mặc dù luôn luôn có một số người tin nơi lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh cho biết có một công việc làm chứng rộng lớn trên thế giới sẽ thật sự đem tin mừng đến với mọi dân trong “ngày của Chúa”. Ngày ấy đã bắt đầu vào năm 1914. (Khải 1:10) Về thời kỳ này, Khải-huyền 14:6, 7 báo trước về một sự công bố vô cùng quan trọng do thiên sứ điều khiển được rao ra cho “mọi nước, mọi chi-phái, mọi tiếng, và mọi dân-tộc”. Họ được khuyên giục: “Hãy kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài, vì giờ phán-xét của Ngài đã đến; hãy thờ-phượng Đấng dựng nên trời, đất, biển và các suối nước”. Ý muốn Đức Chúa Trời là thông điệp này phải được rao báo và chúng ta được đặc ân dự phần vào công việc này.
“Đức Chúa Trời thật”. Khi Đức Giê-hô-va tuyên bố “Các ngươi là kẻ làm chứng ta”, đó là trong bối cảnh vấn đề cương vị Đức Chúa Trời đang được tranh luận. (Ê-sai 43:10) Thông điệp phải được rao báo không chỉ là việc người ta nên có tôn giáo hoặc tin vào một thần nào, mà là việc họ cần được cho cơ hội để học biết rằng Đấng Tạo Hóa của trời đất là Đức Chúa Trời có một và thật. (Ê-sai 45:5, 18, 21, 22; Giăng 17:3) Chỉ Đức Chúa Trời thật mới có thể tiên tri về tương lai một cách đáng tin cậy. Chúng ta có đặc ân cho người ta thấy rằng sự ứng nghiệm của lời Đức Giê-hô-va trong quá khứ đã cung cấp cơ sở vững chắc để tin mọi điều Ngài hứa về tương lai sẽ thành sự thật.—Giô-suê 23:14; Ê-sai 55:10, 11.
Dĩ nhiên, nhiều người chúng ta làm chứng thờ những thần khác hay nói là không thờ thần nào cả. Để người ta nghe, chúng ta có lẽ cần bắt đầu với một điều mà cả hai bên đều chú ý đến. Lời tường thuật nơi Công-vụ 17:22-31 có thể mang lại lợi ích cho chúng ta. Hãy chú ý dù sứ đồ Phao-lô tế nhị, ông nói rõ rằng mọi người phải chịu trách nhiệm với Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của trời và đất.
Quảng bá danh Đức Chúa Trời. Chúng ta phải cho biết Đức Chúa Trời thật bằng danh Ngài. Đức Giê-hô-va yêu thích danh Ngài. (Xuất 3:15; Ê-sai 42:8) Ngài muốn mọi người biết danh ấy. Ngài cho viết trong Kinh Thánh danh vinh hiển này hơn 7.000 lần. Cho nên chúng ta có trách nhiệm cho người ta biết danh Ngài.—Phục 4:35.
Triển vọng về đời sống tương lai của toàn thể nhân loại tùy thuộc vào việc họ biết Đức Giê-hô-va và lấy đức tin kêu cầu Ngài. (Giô-ên 2:32; Mal 3:16; 2 Tê 1:8) Nhưng phần đông nhân loại không biết Đức Giê-hô-va. Con số này bao gồm phần đông những người tự cho là thờ Đức Chúa Trời của Kinh Thánh. Cho dù họ có và đọc Kinh Thánh họ vẫn có thể không biết danh riêng của Đức Chúa Trời vì danh này đã bị loại khỏi nhiều bản dịch hiện đại. Một số người chỉ biết đến danh Giê-hô-va khi những nhà lãnh đạo tôn giáo của họ bảo họ không được dùng danh ấy.
Làm sao chúng ta có thể cho người ta biết danh Đức Chúa Trời? Không có gì hữu hiệu hơn là chỉ cho họ thấy trong Kinh Thánh—chính cuốn Kinh Thánh của họ, nếu được. Một số bản dịch có ghi danh ấy nhiều ngàn lần. Trong những bản dịch khác, danh ấy có lẽ chỉ thấy nơi Thi-thiên 83:18 hoặc Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3-6, hay trong phần cước chú của Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14, 15 hoặc Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3. Trong một số bản dịch, người ta dùng những từ được viết hoa để thay thế, chẳng hạn như “Chúa” và “Đức Chúa Trời” khi bản gốc ghi danh riêng của Đức Chúa Trời. Nơi nào những người dịch hiện đại loại hẳn danh riêng Đức Chúa Trời, bạn có thể phải dùng bản Kinh Thánh xưa hơn để chỉ cho người ta thấy điều gì đã xảy ra. Trong một vài xứ, bạn có thể chỉ cho người ta thấy danh Đức Chúa Trời trong những bài thánh ca hoặc chữ khắc ở nơi công cộng.
Ngay cả với những người thờ các thần khác, dùng Giê-rê-mi 10:10-13 có thể hữu hiệu. Câu này không những nói rõ danh Đức Chúa Trời mà còn giải thích rõ ràng Ngài là ai nữa.
Đừng nên che giấu danh Đức Giê-hô-va qua những tước hiệu như “Đức Chúa Trời” và “Chúa” như khối đạo xưng theo Đấng Christ. Điều này không có nghĩa là mỗi khi mở đầu câu chuyện mình phải xưng danh ấy ra. Vì thành kiến, một số người cắt đứt cuộc thảo luận. Nhưng sau khi lập nền tảng cho cuộc thảo luận thì đừng ngại dùng danh Đức Chúa Trời.
Một điều đáng chú ý là Kinh Thánh dùng danh riêng Đức Chúa Trời nhiều hơn tất cả những lần dùng từ “Chúa” và “Đức Chúa Trời”. Dù vậy, những người viết Kinh Thánh không cố nói đến danh Đức Chúa Trời trong mỗi câu. Họ chỉ dùng danh Ngài một cách tự nhiên và kính trọng. Đó là một mẫu mực tốt cho chúng ta noi theo.
Đấng được nhận diện bằng danh riêng. Mặc dù sự kiện Đức Chúa Trời có danh riêng là một lẽ thật quan trọng, nhưng đó chỉ mới là bước đầu để biết Ngài.
Để yêu mến Đức Giê-hô-va và lấy đức tin kêu cầu Ngài, người ta cần biết Ngài là Đức Chúa Trời như thế nào. Trên Núi Si-na-i, khi cho Môi-se biết danh Ngài, Đức Giê-hô-va không chỉ nhắc đi nhắc lại từ “Giê-hô-va” mà còn làm nhiều hơn thế nữa. Ngài nhấn mạnh đến một số đức tính nổi bật của Ngài. (Xuất 34:6, 7) Đó là một gương cho chúng ta noi theo.
Dù bạn làm chứng cho những người mới chú ý hoặc nói bài giảng trong hội thánh, khi nói về những ân phước của Nước Trời, hãy nêu rõ những điều ấy cho biết gì về Đức Chúa Trời, Đấng đưa ra những lời hứa đó. Khi nhắc đến những điều răn của Ngài, hãy nhấn mạnh sự khôn ngoan và tình yêu thương phản ánh trong đó. Hãy nói rõ rằng những đòi hỏi của Đức Chúa Trời không gây khó khăn nhưng nhằm đem lại lợi ích cho chúng ta. (Ê-sai 48:17, 18; Mi 6:8) Hãy cho thấy mỗi khi biểu dương quyền năng, Đức Giê-hô-va tiết lộ về cá tính, tiêu chuẩn, ý định của Ngài. Hãy nhấn mạnh đến sự thăng bằng trong cách Đức Giê-hô-va biểu lộ các đức tính của Ngài. Hãy cho người ta nghe bạn biểu lộ cảm nghĩ về Đức Giê-hô-va. Tình yêu thương của bạn đối với Đức Giê-hô-va có thể giúp người khác yêu mến Ngài.
Thông điệp khẩn cấp cho thời kỳ chúng ta khuyên giục mọi người hãy kính sợ Đức Chúa Trời. Qua những gì chúng ta nói, chúng ta nên tìm cách khuyến khích sự kính sợ như thế. Đây là sự kính sợ lành mạnh, một sự tôn kính sâu đậm đối với Ngài. (Thi 89:7) Nó bao hàm việc nhận biết Đức Giê-hô-va là Quan Xét tối cao và triển vọng về đời sống tương lai của chúng ta tùy thuộc vào việc được Ngài chấp nhận. (Lu 12:5; Rô 14:12) Do đó, sự kính sợ như thế cộng với tình yêu thương sâu đậm đối với Ngài đưa đến kết quả là chúng ta tha thiết muốn làm đẹp lòng Ngài. (Phục 10:12, 13) Sự kính sợ Đức Chúa Trời cũng khiến chúng ta ghét điều ác, vâng theo điều răn Đức Chúa Trời, và hết lòng thờ phượng Ngài. (Phục 5:29; 1 Sử 28:9; Châm 8:13) Nó che chở chúng ta khỏi việc yêu những vật trong thế gian trong khi phụng sự Đức Chúa Trời.—1 Giăng 2:15-17.
Danh Đức Chúa Trời—“Một ngọn tháp kiên-cố”. Những người thật sự biết Đức Giê-hô-va được che chở rất nhiều. Đây không phải chỉ vì họ dùng danh riêng của Ngài hoặc có thể kể ra một số đức tính của Ngài, nhưng chính là vì họ đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Châm-ngôn 18:10 nói về họ: “Danh Đức Giê-hô-va vốn một ngọn tháp kiên-cố; kẻ công-bình chạy đến đó, gặp được nơi ẩn-trú cao”.
Hãy tận dụng mọi dịp để khuyến giục người khác tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. (Thi 37:3; Châm 3:5, 6) Sự tin cậy như thế cho thấy chúng ta có đức tin nơi Đức Giê-hô-va và lời hứa của Ngài. (Hê 11:6) Khi người ta “kêu cầu danh Đức Giê-hô-va” vì biết rằng Ngài là Đấng Thống Trị Hoàn Vũ, vì yêu mến đường lối Ngài và hết lòng tin rằng chỉ có Ngài mới đem lại sự cứu rỗi thật thì—Lời Đức Chúa Trời cam đoan với chúng ta—họ sẽ được cứu. (Rô 10:13, 14, NW) Khi bạn dạy người khác, hãy giúp họ phát triển một đức tin như thế trong mọi khía cạnh của đời sống.
Nhiều người đương đầu với những vấn đề to lớn riêng. Có lẽ họ không thấy lối thoát. Hãy khuyến giục họ học biết đường lối Đức Giê-hô-va, tin cậy nơi Ngài và áp dụng những điều họ học. (Thi 25:5) Hãy khuyến khích họ tha thiết cầu nguyện xin Đức Chúa Trời giúp đỡ và cám ơn về những ân phước mà Ngài ban cho. (Phi-líp 4:6, 7) Khi biết Đức Giê-hô-va, không phải chỉ bằng cách đọc những lời trong Kinh Thánh mà còn bằng cách nghiệm thấy việc Ngài thực hiện lời hứa trong đời sống, họ sẽ bắt đầu có sự an ổn đến từ việc thật sự hiểu những gì danh Đức Giê-hô-va tiêu biểu.—Thi 34:8; Giê 17:7, 8.
Hãy tận dụng mọi cơ hội giúp người ta quý trọng sự khôn ngoan của việc kính sợ Đức Chúa Trời thật là Đức Giê-hô-va, và giữ các điều răn Ngài.
“LÀM CHỨNG VỀ CHÚA GIÊ-SU”
SAU KHI được sống lại và trước khi trở về trời, Chúa Giê-su Christ đã chỉ thị các môn đồ: “Các ngươi sẽ... làm chứng về ta... cho đến cùng trái đất”. (Công 1:8) Những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời trong thời kỳ chúng ta được miêu tả là những người “làm chứng về Chúa Giê-su”. (Khải 12:17, NW) Bạn sốt sắng làm chứng đến mức nào?
Nhiều người thành thật nói rằng họ tin Chúa Giê-su, nhưng không biết gì về sự hiện hữu của ngài trước khi xuống đất làm người. Họ không nhận thức được rằng ngài đã thật sự là người khi ở trên đất. Họ không hiểu việc ngài là Con Đức Chúa Trời có nghĩa gì. Họ hiểu rất ít về vai trò của ngài trong việc thực hiện ý định của Đức Chúa Trời. Họ không biết hiện nay ngài đang làm gì, và họ không nhận thức được những gì ngài làm trong tương lai sẽ ảnh hưởng thế nào đến đời sống họ. Có lẽ họ còn lầm tưởng rằng Nhân Chứng Giê-hô-va không tin Chúa Giê-su. Đặc ân của chúng ta là cố gắng phổ biến lẽ thật về những điều này.
Nhưng còn những người khác không tin rằng có một nhân vật như Chúa Giê-su mà Kinh Thánh miêu tả đã thật sự hiện hữu. Một số người chỉ xem Chúa Giê-su như một vĩ nhân. Nhiều người bác bỏ ý tưởng ngài là Con Đức Chúa Trời. “Làm chứng về Chúa Giê-su” giữa những người như thế đòi hỏi nhiều nỗ lực, kiên nhẫn, và tế nhị.
Bất luận những người nghe bạn có quan điểm nào, họ cần tiếp thu sự hiểu biết về Chúa Giê-su Christ nếu muốn được Đức Chúa Trời ban cho sự sống đời đời. (Giăng 17:3) Đức Chúa Trời bày tỏ rõ ràng ý muốn của Ngài là tất cả những người đang sống phải “xưng Jêsus-Christ là Chúa” và phải vâng phục uy quyền của ngài. (Phi-líp 2:9-11) Vì vậy, chúng ta không thể chỉ tránh né vấn đề khi gặp những người có những ý kiến cứng rắn nhưng sai lầm hoặc đầy thành kiến. Trong một số trường hợp chúng ta có thể tự do nói về Chúa Giê-su Christ, ngay cả trong lần viếng thăm đầu tiên, còn trong những trường hợp khác chúng ta có thể cần phải nói khéo để giúp người nghe có được sự suy nghĩ đúng về ngài. Chúng ta có thể cũng cần nghĩ đến cách giới thiệu những khía cạnh khác của đề tài này trong những lần viếng thăm sau đó. Tuy nhiên, mọi vấn đề liên hệ chỉ có thể được bàn luận khi chúng ta điều khiển buổi học hỏi Kinh Thánh với người ta.—1 Ti 2:3-7.
Vai trò trọng yếu của Chúa Giê-su trong ý định của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần giúp người ta hiểu rằng vì Chúa Giê-su là “đường đi” và ‘chẳng bởi ngài thì không ai được đến cùng Cha’, cho nên không thể nào có mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời mà không đặt đức tin nơi Chúa Giê-su Christ. (Giăng 14:6) Nếu một người không nhận biết vai trò trọng yếu mà Đức Giê-hô-va đã giao cho Con đầu lòng của Ngài, thì không thể nào hiểu được Kinh Thánh. Tại sao? Vì Đức Giê-hô-va đã dùng người Con này làm nhân vật chính yếu trong việc thực hiện mọi ý định của Ngài. (Cô 1:17-20) Các lời tiên tri Kinh Thánh đều xoay quanh sự kiện này. (Khải 19:10) Chính là qua Chúa Giê-su Christ mà Đức Chúa Trời cung cấp giải pháp cho mọi vấn đề đã dấy lên do sự phản nghịch của Sa-tan và tội lỗi của A-đam.—Hê 2:5-9, 14, 15.
Để hiểu vai trò của Đấng Christ, một người phải nhận biết rằng nhân loại đang ở trong tình trạng đáng thương mà họ không thể tự giải thoát. Tất cả chúng ta đều sinh ra trong tội lỗi. Điều này có thể ảnh hưởng đến chúng ta qua nhiều cách trong suốt cuộc sống, và sớm hay muộn gì cũng đưa đến sự chết. (Rô 3:23; 5:12) Lý luận về sự kiện này với những người mà bạn làm chứng. Rồi nêu rõ rằng qua sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ, Đức Giê-hô-va đã yêu thương giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết cho những ai thực hành đức tin nơi sự cung cấp ấy. (Mác 10:45; Hê 2:9) Điều này mở đường cho họ để hưởng sự sống đời đời trong sự hoàn toàn. (Giăng 3:16, 36) Không thể có cách nào khác. (Công 4:12) Là người dạy, dù dạy riêng hay trong hội thánh, chúng ta không chỉ nói lên những sự thật này mà còn phải tử tế và kiên nhẫn xây đắp trong lòng người nghe một cảm giác biết ơn đối với vai trò của Đấng Christ là Đấng Cứu Chuộc. Lòng biết ơn về sự cung cấp này có thể ảnh hưởng sâu đậm đến thái độ, hạnh kiểm và mục tiêu trong đời sống của một người.—2 Cô 5:14, 15.
Dĩ nhiên Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống chỉ một lần. (Hê 9:28) Tuy nhiên, hiện nay ngài đang tích cực phục vụ với tư cách Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm. Hãy giúp người ta hiểu điều đó có nghĩa gì. Họ có đang căng thẳng, thất vọng, đau khổ hoặc khó khăn vì sự nhẫn tâm của những người chung quanh không? Khi là người, Chúa Giê-su cũng đã từng trải qua mọi điều đó. Ngài hiểu được cảm xúc của chúng ta. Vì bất toàn, chúng ta có cảm thấy cần sự thương xót của Đức Chúa Trời không? Nếu chúng ta cầu nguyện xin Đức Chúa Trời tha thứ dựa trên sự hy sinh của Chúa Giê-su, ngài sẽ hành động với vai trò “đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha”. Với lòng trắc ẩn, ngài “cầu-nguyện thế cho chúng ta”. (1 Giăng 2:1, 2; Rô 8:34) Dựa trên sự hy sinh của Chúa Giê-su và qua việc ngài phục vụ với vai trò Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, chúng ta có thể đến gần “ngôi ơn-phước” của Đức Giê-hô-va để nhận được sự giúp đỡ đúng lúc. (Hê 4:15, 16) Dù chúng ta là những người bất toàn, sự giúp đỡ mà Chúa Giê-su cung cấp với tư cách là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm có thể giúp chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời với một lương tâm trong sạch.—Hê 9:13, 14.
Ngoài ra, với tư cách là đấng được Đức Chúa Trời chỉ định, Chúa Giê-su cũng sử dụng quyền hành cao cả để làm Đầu hội thánh tín đồ Đấng Christ. (Mat 28:18; Ê-phê 1:22, 23) Qua vai trò này, ngài cung cấp sự hướng dẫn cần thiết phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời. Khi dạy người khác, hãy giúp họ hiểu rằng chính Chúa Giê-su Christ là Đầu hội thánh, chứ không phải bất cứ ai khác. (Mat 23:10) Ngay lần đầu gặp gỡ người chú ý, hãy mời họ đến buổi họp của hội thánh địa phương, nơi chúng ta học Kinh Thánh bằng những tài liệu do “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp. Hãy giải thích cho họ biết không những “đầy-tớ” là ai mà còn Chủ là ai để họ nhận biết cương vị làm đầu của Chúa Giê-su. (Mat 24:45-47) Hãy giới thiệu họ với các trưởng lão và giải thích những điều kiện mà những trưởng lão phải hội đủ theo tiêu chuẩn Kinh Thánh. (1 Ti 3:1-7; Tít 1:5-9) Hãy giải thích rõ hội thánh không thuộc về các trưởng lão nhưng họ giúp chúng ta noi theo dấu chân của Chúa Giê-su Christ. (Công 20:28; Ê-phê 4:16; 1 Phi 5:2, 3) Hãy giúp những người chú ý này hiểu rằng có một hiệp hội quốc tế có tổ chức, hoạt động dưới quyền chỉ đạo của Đấng Christ.
Qua Phúc Âm, chúng ta biết rằng khi Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem chẳng bao lâu trước khi ngài chết, các môn đồ đã hoan hô ngài là “Vua nhân danh Chúa mà đến!” (Lu 19:38) Khi người ta học Kinh Thánh sâu hơn, họ biết rằng Đức Giê-hô-va hiện nay đã ban cho Chúa Giê-su quyền cai trị và quyền này ảnh hưởng đến mọi dân. (Đa 7:13, 14) Khi bạn nói bài giảng trong hội thánh hoặc điều khiển học hỏi, hãy giúp thính giả hiểu và biết ơn về sự cai trị của Chúa Giê-su có nghĩa gì cho tất cả chúng ta.
Hãy nhấn mạnh rằng lối sống của chúng ta cho thấy chúng ta có thật sự tin Chúa Giê-su là Vua và có sẵn sàng vâng phục quyền cai trị của ngài hay không. Hãy nhấn mạnh đến công việc mà Chúa Giê-su, sau khi được xức dầu làm Vua, đã giao cho các môn đồ. (Mat 24:14; 28:18-20) Hãy thảo luận những gì Chúa Giê-su, Đấng Mưu Luận, nói về những điều ưu tiên trong cuộc sống. (Ê-sai 9:5, 6; Mat 6:19-34) Hãy nhấn mạnh đến tinh thần mà Chúa Bình An đã nói môn đồ ngài sẽ biểu lộ. (Mat 20:25-27; Giăng 13:35) Hãy cẩn thận chớ nên tự ý phán đoán người khác có làm hết mức độ họ nên làm hay không, nhưng khuyến khích họ tự xét xem hành động của họ có thể hiện sự vâng phục vương quyền của Đấng Christ hay không. Khi khuyến khích người khác, hãy ý thức chính mình cũng phải làm như vậy.
Lập nền trên Đấng Christ. Kinh Thánh ví công việc đào tạo môn đồ Đấng Christ với việc xây một căn nhà trên nền là Chúa Giê-su Christ. (1 Cô 3:10-15) Để thực hiện điều này, hãy giúp người ta biết Chúa Giê-su đúng như Kinh Thánh mô tả. Hãy cẩn thận tránh cho họ xem bạn là người mà họ noi theo. (1 Cô 3:4-7) Hãy hướng sự chú ý của họ đến Chúa Giê-su Christ.
Nếu nền tảng đã được lập vững vàng, những người học sẽ hiểu rằng Đấng Christ để lại một gương hầu chúng ta “noi dấu chân ngài”. (1 Phi 2:21) Để xây trên nền ấy, hãy khuyến khích học viên không chỉ xem Phúc Âm như lịch sử có thật mà còn là một khuôn mẫu để theo. Hãy giúp họ ghi nhớ thái độ và đức tính biểu thị con người của Chúa Giê-su. Hãy khuyến khích họ chú ý xem xét cảm xúc của Chúa Giê-su đối với Cha ngài, cách ngài đã đối phó với cám dỗ và thử thách, cách ngài tỏ lòng vâng phục Đức Chúa Trời, và cách ngài cư xử với loài người trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Hãy nhấn mạnh đến hoạt động mà Chúa Giê-su đã chú trọng đến trong đời sống của ngài. Như thế, khi đứng trước những quyết định và thử thách trong đời sống, người học sẽ tự hỏi: ‘Chúa Giê-su làm gì trong tình huống này? Đường lối của tôi có chứng tỏ mình thật sự biết ơn đối với những điều ngài đã làm cho tôi không?’
Khi nói trước hội thánh, chớ kết luận rằng vì anh em đã có đức tin nơi Chúa Giê-su rồi, nên không cần đặc biệt nhấn mạnh đến ngài nữa. Những điều bạn nói sẽ có ý nghĩa hơn nếu được xây dựng trên đức tin đó. Khi nói về các buổi họp, hãy liên kết với vai trò của Chúa Giê-su là Đầu hội thánh. Khi bàn luận về công việc rao giảng, hãy lưu ý cử tọa đến tinh thần mà Chúa Giê-su bày tỏ khi ngài thực hiện thánh chức, và hãy trình bày thánh chức theo sự hiểu biết về những gì Đấng Christ đang làm với tư cách là Vua, để thu nhóm người ta và đưa vào thế giới mới.
Hiển nhiên, chỉ học biết những sự thật căn bản về Chúa Giê-su thì không đủ mà còn cần nhiều hơn nữa. Để trở thành tín đồ thật của Đấng Christ, người ta phải thực hành đức tin nơi ngài và thật lòng yêu ngài. Tình yêu thương này thúc đẩy người ta trung thành vâng lời. (Giăng 14:15, 21) Nó giúp người ta có thể giữ vững đức tin trong nghịch cảnh, tiếp tục bước đi theo dấu chân của Đấng Christ trong suốt cuộc sống, chứng tỏ mình là những tín đồ thành thục đã “đâm rễ vững nền” một cách chắc chắn. (Ê-phê 3:18) Đường lối này làm vinh hiển Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời và Cha của Chúa Giê-su Christ.
“TIN-LÀNH NẦY VỀ NƯỚC ĐỨC CHÚA TRỜI”
KHI cho biết các chi tiết về điềm chỉ sự hiện diện của ngài và sự kết liễu của hệ thống mọi sự, Chúa Giê-su đã báo trước: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”.—Mat 24:14.
Thật ra thông điệp này là gì mà lại được phổ biến rộng rãi đến thế? Đó là về Nước Trời mà Chúa Giê-su đã dạy chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Nước Cha được đến”. (Mat 6:10) Khải-huyền 11:15 miêu tả đó là “Nước... thuộc về Chúa [Đức Giê-hô-va] chúng ta và Đấng Christ của Ngài”, bởi vì quyền cai trị bắt nguồn từ Đức Giê-hô-va, và Ngài đã ban cho Đấng Christ quyền làm Vua. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng thông điệp mà Chúa Giê-su giảng đang được công bố trong thời chúng ta, vượt xa những gì mà các môn đồ ngài rao giảng trong thế kỷ thứ nhất. Họ nói với dân chúng: “Nước Đức Chúa Trời đến gần các ngươi”. (Lu 10:9) Chúa Giê-su, đấng được xức dầu làm Vua, lúc ấy đang ở giữa họ. Nhưng như Ma-thi-ơ 24:14 ghi lại, Chúa Giê-su báo trước về một thông báo trên khắp đất, liên quan đến một biến cố quan trọng khác trong việc làm ứng nghiệm ý định của Đức Chúa Trời.
Nhà tiên tri Đa-ni-ên đã được ban cho sự hiện thấy về biến cố này. Ông thấy “một người giống như con người” là Chúa Giê-su Christ nhận được từ “Đấng Thượng-cổ”, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, “quyền-thế, vinh-hiển, và nước; hầu cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều hầu-việc người”. (Đa 7:13, 14) Biến cố có tầm quan trọng liên quan đến vũ trụ ấy đã diễn ra trên trời vào năm 1914. Sau đó, Ma-quỉ và các quỉ theo hắn đã bị quăng xuống đất. (Khải 12:7-10) Hệ thống mọi sự cũ đã bước vào những ngày sau rốt. Nhưng trước khi hệ thống này hoàn toàn bị loại trừ, sẽ có một sự loan báo trên khắp đất là Vua Mê-si của Đức Giê-hô-va hiện đang cai trị từ ngai trên trời. Mọi người khắp nơi đang được cho biết về điều này. Phản ứng của họ thể hiện thái độ của họ đối với Đấng Chí Cao là Đấng Cai Trị “nước của loài người”.—Đa 4:32.
Đành rằng nhiều người—nhiều người nữa—hãy còn đến, và chúng ta vẫn còn cầu nguyện “Nước Cha được đến” nhưng không phải với ý tưởng Nước Đức Chúa Trời sẽ được thành lập trong tương lai. Đúng hơn, với ý tưởng Nước Trời sẽ hành động quyết liệt để làm ứng nghiệm những lời tiên tri như Đa-ni-ên 2:44 và Khải-huyền 21:2-4. Nước Trời sẽ biến đổi trái đất thành địa đàng đầy dẫy những người yêu mến Đức Chúa Trời và người đồng loại. Khi rao giảng “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời”, chúng ta nói đến những triển vọng tương lai ấy. Nhưng chúng ta cũng tin tưởng báo cho mọi người biết rằng Đức Giê-hô-va đã ban trọn quyền cai trị cho Con Ngài. Bạn có nhấn mạnh tin mừng này khi làm chứng về Nước Trời không?
Giải thích về Nước Trời. Làm sao chúng ta có thể thực hiện sứ mạng thông báo Nước Đức Chúa Trời? Chúng ta có thể gợi sự chú ý bằng cách mở đầu cuộc đối thoại về những đề tài khác nhau, nhưng hãy mau chóng nói rõ nội dung thông điệp của chúng ta là Nước Đức Chúa Trời.
Một khía cạnh quan trọng của công việc này liên quan đến việc đọc hoặc trích dẫn phần Kinh Thánh nhắc đến Nước Trời. Khi nói đến Nước Trời, hãy chắc chắn là những người nghe bạn hiểu Nước Trời là gì. Chỉ nói Nước Đức Chúa Trời là một chính phủ thì không đủ, có thể cần phải giải thích thêm nữa. Một số người có thể thấy khó mường tượng được một chính phủ vô hình. Bạn có thể lý luận với họ bằng nhiều cách. Thí dụ, trọng lực tuy vô hình nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống chúng ta. Tuy không thể thấy Đấng tạo ra định luật về trọng lực, nhưng hiển nhiên quyền lực của Ngài thật vĩ đại. Kinh Thánh nói Ngài là “Vua muôn đời”. (1 Ti 1:17) Hoặc bạn có thể lý luận rằng trong một nước lớn, nhiều người chưa hề đến thủ đô hoặc tận mắt thấy người cai trị; họ chỉ biết những điều này qua tin tức. Cũng vậy, Kinh Thánh được xuất bản trên 2.200 thứ tiếng, cho chúng ta biết về Nước Đức Chúa Trời; Kinh Thánh cho biết ai đã được giao cho quyền hành và Nước Trời đang làm gì. Tháp Canh, xuất bản trong nhiều thứ tiếng hơn bất cứ tạp chí nào khác, được dành riêng cho việc “Thông báo Nước của Đức Giê-hô-va” như in trên trang bìa.
Để giúp người ta hiểu Nước Trời là gì, bạn có thể đề cập một số điều mà họ mong muốn chính phủ thực hiện: kinh tế ổn định, hòa bình, không có tội ác, đối xử công bằng với mọi nhóm sắc tộc, giáo dục, và chăm sóc y tế. Hãy cho thấy rằng chỉ có Nước Trời mới thỏa mãn trọn vẹn những điều này và tất cả những ước muốn chính đáng khác của nhân loại.—Thi 145:16.
Hãy cố gắng gợi lòng người ta mong muốn trở thành công dân Nước Trời do Chúa Giê-su Christ làm Vua cai trị. Hãy nêu lên những phép lạ ngài đã thực hiện để cho thấy trước những gì ngài sẽ làm với tư cách là Vua Nước Trời. Hãy thường xuyên nói về những đức tính đáng chuộng mà ngài đã biểu lộ. (Mat 8:2, 3; 11:28-30) Hãy giải thích rằng ngài đã hy sinh mạng sống cho chúng ta và sau đó được Đức Chúa Trời làm sống lại để sống bất tử trên trời. Chính từ trên trời ngài làm Vua cai trị.—Công 2:29-35.
Hãy nhấn mạnh rằng Nước Đức Chúa Trời hiện đang cai trị từ trời. Tuy nhiên, hãy nhận biết rằng đa số người không nghĩ rằng những tình trạng họ thấy là bằng cớ của sự cai trị đó. Hãy thừa nhận điều ấy, và hỏi xem họ có biết Chúa Giê-su Christ nói điều gì là bằng cớ hay không. Hãy nêu bật một số đặc điểm của điềm tổng hợp trong Ma-thi-ơ chương 24, Mác chương 13 và Lu-ca chương 21. Rồi hỏi tại sao việc Đấng Christ lên ngôi ở trên trời lại dẫn đến tình trạng như thế trên đất. Hãy hướng sự chú ý của họ đến Khải-huyền 12:7-10, 12.
Để đưa ra bằng chứng cụ thể về những gì Nước Trời đang làm, hãy đọc Ma-thi-ơ 24:14, và miêu tả chương trình giáo dục về Kinh Thánh trên toàn cầu hiện đang diễn ra. (Ê-sai 54:13) Hãy cho biết về những lớp học khác nhau mang lại lợi ích cho Nhân Chứng Giê-hô-va—tất cả đều dựa vào Kinh Thánh, và đều miễn phí. Hãy giải thích rằng ngoài công việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia, chúng ta cũng giúp nhiều cá nhân và gia đình học hỏi Kinh Thánh miễn phí trong hơn 230 xứ. Có chính phủ nào của loài người có thể cung cấp một chương trình giáo dục rộng lớn như thế, không những cho thần dân của mình mà còn cho các dân khắp đất không? Hãy mời họ đến Phòng Nước Trời, dự hội nghị và đại hội của Nhân Chứng Giê-hô-va, để thấy được bằng chứng về ảnh hưởng của sự giáo dục ấy trên đời sống người ta.—Ê-sai 2:2-4; 32:1, 17; Giăng 13:35.
Nhưng chủ nhà có hiểu chương trình ấy sẽ ảnh hưởng đến chính đời sống mình như thế nào không? Bạn có thể tế nhị nêu ra mục đích của cuộc viếng thăm là nhằm thảo luận về cơ hội được mở ra cho mọi người để chọn sự sống với tư cách là thần dân của Nước Đức Chúa Trời. Bằng cách nào? Bằng cách học biết những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi và sống phù hợp với những điều ấy ngay bây giờ.—Phục 30:19, 20; Khải 22:17.
Giúp người khác đặt Nước Trời lên hàng đầu. Ngay cả sau khi chấp nhận thông điệp Nước Trời, người học vẫn còn những điều phải quyết định. Người ấy xem Nước Đức Chúa Trời quan trọng đến mức nào trong đời sống mình? Chúa Giê-su khuyến giục các môn đồ ‘hãy [tiếp tục] tìm-kiếm Nước Trời trước hết’. (Mat 6:33) Làm sao chúng ta có thể giúp anh em tín đồ Đấng Christ làm điều này? Bằng cách chính mình làm gương tốt và thảo luận về những cơ hội sẵn có. Đôi khi bằng cách hỏi xem người ấy có nghĩ tới những triển vọng nào hay không, và bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm cho thấy những điều người khác đang làm. Bằng cách thảo luận những sự tường thuật trong Kinh Thánh sao cho những điều này khiến tình yêu thương Đức Giê-hô-va của người ấy thêm sâu đậm. Bằng cách nhấn mạnh đến thực tại Nước Đức Chúa Trời và đến tầm quan trọng thực sự của việc công bố về Nước Trời. Lợi ích lớn nhất thường đạt được, không phải là bảo người ta cần phải làm gì, nhưng bằng cách gợi cho họ ước muốn làm điều ấy.
Chắc chắn, thông điệp trọng yếu mà mọi người chúng ta phải công bố chủ yếu tập trung vào Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ, và Nước Trời. Những lẽ thật trọng yếu này phải được nhấn mạnh trong công việc làm chứng, trong hội thánh và trong đời sống riêng của chúng ta. Khi làm điều đó, chúng ta cho thấy rằng mình thật sự được lợi ích từ sự giáo dục của Trường Thánh Chức Thần Quyền.