CHƯƠNG 19
“Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời nằm trong sự mầu nhiệm”
1, 2. Chúng ta nên chú ý đến “sự mầu nhiệm” nào, và tại sao?
Khi con người biết một điều bí mật thì họ thường thấy khó giữ kín. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói: “Giữ kín một việc là vinh quang của Đức Chúa Trời” (Châm ngôn 25:2). Thật vậy, là Đấng Cai Trị Tối Thượng và Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va có quyền giữ kín một số điều cho đến đúng thời điểm ngài mới tiết lộ cho con người.
2 Tuy nhiên, có một bí mật thú vị mà Đức Giê-hô-va đã tiết lộ trong Lời ngài. Bí mật đó được gọi là “sự mầu nhiệm của ý muốn [Đức Chúa Trời]” (Ê-phê-sô 1:9). Tìm hiểu về sự mầu nhiệm này không chỉ giúp chúng ta thỏa mãn tính tò mò. Sự hiểu biết về sự mầu nhiệm có thể giúp chúng ta thoát khỏi tội lỗi và cái chết, cũng như hiểu một phần rất nhỏ về sự khôn ngoan vô tận của Đức Giê-hô-va.
Sự mầu nhiệm được tiết lộ dần dần
3, 4. Lời tiên tri nơi Sáng thế 3:15 cung cấp hy vọng nào, và “sự mầu nhiệm” trong lời tiên tri này là gì?
3 Đức Giê-hô-va có ý định cho con người hoàn hảo sống trong địa đàng trên đất. Khi A-đam và Ê-va phạm tội, ý định ấy có vẻ như thất bại. Nhưng Đức Chúa Trời lập tức hành động để xử lý vấn đề. Ngài phán: “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi [con rắn] và người nữ, giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi người nữ. Người sẽ giày đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ cắn gót chân người”.—Sáng thế 3:15.
4 Những lời này có nghĩa gì? Ai là người nữ? Ai là con rắn? Ai là “dòng dõi” sẽ giày đạp đầu con rắn? A-đam và Ê-va chỉ có thể phỏng đoán. Dù thế, những lời của Đức Chúa Trời cung cấp hy vọng cho bất cứ con cháu trung thành nào của cặp vợ chồng bất trung đó. Sự công chính sẽ chiến thắng. Ý định của Đức Giê-hô-va sẽ được thực hiện. Nhưng bằng cách nào? Đó là một điều bí ẩn! Kinh Thánh gọi đó là ‘sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời nằm trong sự mầu nhiệm, là sự khôn ngoan kín giấu’.—1 Cô-rinh-tô 2:7.
5. Tại sao Đức Giê-hô-va tiết lộ sự mầu nhiệm một cách dần dần? Hãy minh họa.
5 Là “Đấng Tiết Lộ về những việc kín nhiệm”, Đức Giê-hô-va sẽ tiết lộ thêm về sự mầu nhiệm này vào đúng thời điểm (Đa-ni-ên 2:28). Nhưng ngài làm thế một cách dần dần, từng bước một. Để minh họa cho điều này, chúng ta có thể nghĩ đến cách một người cha yêu thương trả lời khi cậu con trai bé bỏng hỏi: “Ba ơi, con từ đâu ra vậy?”. Một người cha khôn ngoan chỉ cung cấp lượng thông tin phù hợp với sự hiểu biết của con. Khi người con ấy lớn hơn, người cha sẽ cho con biết thêm. Tương tự, Đức Giê-hô-va quyết định khi nào là thời điểm tốt nhất để cho dân ngài biết thêm về những điều ngài sẽ làm.—Châm ngôn 4:18; Đa-ni-ên 12:4.
6. (a) Giao ước, hay hợp đồng, có mục đích gì? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va lập giao ước với con người?
6 Đức Giê-hô-va tiết lộ thêm về sự mầu nhiệm ấy qua cách nào? Ngài làm thế bằng cách dùng một loạt giao ước, hay hợp đồng. Rất có thể anh chị cũng từng làm một hợp đồng, chẳng hạn như khi mua nhà, mượn hoặc cho vay tiền. Một hợp đồng như thế sẽ đảm bảo về mặt pháp lý để các điều khoản trong đó được thực hiện. Nhưng tại sao Đức Giê-hô-va cần lập giao ước, hay làm hợp đồng, với con người? Hẳn lời ngài cũng đủ để đảm bảo ngài sẽ thực hiện các lời hứa của ngài. Đúng là như vậy, nhưng có một số lần Đức Chúa Trời đã nhân từ củng cố lời ngài bằng những hợp đồng có giá trị pháp lý. Những thỏa thuận vững chắc này cung cấp cho chúng ta, là những người bất toàn, cơ sở chắc chắn hơn để tin nơi những lời hứa của Đức Giê-hô-va.—Hê-bơ-rơ 6:16-18.
Giao ước với Áp-ra-ham
7, 8. (a) Đức Giê-hô-va lập giao ước nào với Áp-ra-ham, và giao ước này tiết lộ điều gì về sự mầu nhiệm? (b) Đức Giê-hô-va dần dần thu hẹp phạm vi phả hệ như thế nào để dẫn đến dòng dõi đã hứa?
7 Hơn hai ngàn năm sau khi A-đam và Ê-va bị đuổi khỏi địa đàng, Đức Giê-hô-va phán với tôi tớ trung thành là Áp-ra-ham: “Ta sẽ… làm cho dòng dõi con gia tăng nhiều như sao trên trời… Nhờ dòng dõi con mà mọi dân tộc trên đất sẽ đạt được ân phước cho mình, vì con đã nghe lời ta” (Sáng thế 22:17, 18). Đức Giê-hô-va đã củng cố lời hứa này với Áp-ra-ham bằng cách lập giao ước với ông và khẳng định điều đó bằng một lời thề (Sáng thế 17:1, 2; Hê-bơ-rơ 6:13-15). Quả là đặc biệt khi Chúa Tối Thượng đã lập giao ước để ban phước cho nhân loại!
“Ta sẽ… làm cho dòng dõi con gia tăng nhiều như sao trên trời”
8 Giao ước với Áp-ra-ham tiết lộ rằng dòng dõi mà Đức Giê-hô-va đã hứa sẽ đến với tư cách là một con người, vì người ấy sẽ là con cháu của Áp-ra-ham. Nhưng đó là ai? Với thời gian, Đức Giê-hô-va tiết lộ rằng Y-sác, con trai của Áp-ra-ham, sẽ là tổ tiên của dòng dõi ấy. Trong số hai con trai của Y-sác thì Gia-cốp được chọn (Sáng thế 21:12; 28:13, 14). Về sau, Gia-cốp nói lời tiên tri sau về một trong 12 con trai của ông: “Vương trượng sẽ không rời khỏi Giu-đa, quyền trượng không lìa khỏi giữa chân nó, cho tới khi Đấng Si-lô [hay “đấng có quyền có được nó”, chú thích] đến, lúc ấy muôn dân sẽ phải vâng phục ngài” (Sáng thế 49:10). Giờ đây, dòng dõi ấy được biết là sẽ làm vua, một vị vua ra từ Giu-đa!
Giao ước với dân Y-sơ-ra-ên
9, 10. (a) Đức Giê-hô-va lập giao ước nào với nước Y-sơ-ra-ên, và giao ước này cung cấp sự che chở nào? (b) Làm thế nào Luật pháp cho thấy nhân loại cần một giá chuộc?
9 Vào năm 1513 TCN, Đức Giê-hô-va tiết lộ thêm về sự mầu nhiệm qua giao ước được lập với con cháu của Áp-ra-ham, tức nước Y-sơ-ra-ên. Dù hiện nay không còn hiệu lực nữa, nhưng giao ước Luật pháp Môi-se đã đóng một vai trò thiết yếu trong ý định của Đức Giê-hô-va, đó là sản sinh ra dòng dõi đã hứa. Như thế nào? Hãy xem ba cách. Thứ nhất, Luật pháp giống như một bức tường bảo vệ (Ê-phê-sô 2:14). Những điều luật công chính trong Luật ấy giúp ngăn cách dân Do Thái với dân ngoại. Nhờ thế, Luật pháp giúp bảo tồn dõng dõi đã hứa. Nhờ sự bảo vệ ấy mà nước Y-sơ-ra-ên vẫn còn tồn tại cho đến thời điểm Đức Giê-hô-va ấn định là Đấng Mê-si sẽ được sinh ra trong chi phái Giu-đa.
10 Thứ hai, Luật pháp cho thấy rõ nhân loại cần một giá chuộc. Vì Luật này là hoàn hảo nên nó giúp dân Y-sơ-ra-ên thấy rằng con người tội lỗi không thể vâng theo Luật ấy một cách trọn vẹn. Như vậy, Luật pháp có tác dụng “phơi bày sự phạm pháp, cho tới khi dòng dõi đến, là dòng dõi đã được ban lời hứa ấy” (Ga-la-ti 3:19). Các con sinh tế mà dân Y-sơ-ra-ên được bảo phải dâng không thể che phủ hoàn toàn tội lỗi của họ. Sứ đồ Phao-lô cho biết rằng vì “huyết của bò đực và của dê không thể xóa được tội lỗi”, nên những con sinh tế này chỉ là hình bóng cho sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Ki-tô (Hê-bơ-rơ 10:1-4). Vậy, đối với những người Do Thái trung thành, giao ước đó trở thành “người giám hộ dẫn đến Đấng Ki-tô”.—Ga-la-ti 3:24.
11. Giao ước Luật pháp đưa ra triển vọng tuyệt vời nào cho dân Y-sơ-ra-ên, nhưng tại sao dân tộc này với tư cách tập thể đã đánh mất triển vọng ấy?
11 Thứ ba, giao ước ấy đưa ra một triển vọng tuyệt vời cho dân Y-sơ-ra-ên. Đức Giê-hô-va phán rằng nếu họ chứng tỏ là trung tín với giao ước thì họ sẽ trở thành “vương quốc thầy tế lễ và dân tộc thánh” (Xuất Ai Cập 19:5, 6). Về sau, những người đầu tiên của nước thầy tế lễ ở trên trời quả đã ra từ nước Y-sơ-ra-ên. Nhưng dân Y-sơ-ra-ên với tư cách tập thể đã phản bội giao ước Luật pháp và chối bỏ Đấng Mê-si nên họ đã đánh mất triển vọng ấy. Vậy những ai sẽ được chọn thêm vào để đủ số thành viên trong nước thầy tế lễ? Và nước thầy tế lễ ấy liên quan thế nào đến dòng dõi đã hứa? Những khía cạnh này của sự mầu nhiệm sẽ được tiết lộ vào đúng thời điểm của Đức Chúa Trời.
Giao ước với Đa-vít về một nước
12. Đức Giê-hô-va lập giao ước nào với Đa-vít, và giao ước này làm sáng tỏ điều gì về sự mầu nhiệm?
12 Vào thế kỷ 11 TCN, Đức Giê-hô-va làm sáng tỏ thêm về sự mầu nhiệm khi ngài lập một giao ước khác. Ngài hứa với vị vua trung thành là Đa-vít: “Ta sẽ dấy lên dòng dõi của con;... ta sẽ lập vương quốc nó vững bền... Ta sẽ lập ngôi nước nó vững bền đến muôn đời” (2 Sa-mu-ên 7:12, 13; Thi thiên 89:3). Những lời này tiết lộ rằng dòng dõi đã hứa sẽ đến từ gia tộc Đa-vít. Nhưng một con người bình thường có thể cai trị mãi mãi không? (Thi thiên 89:20, 29, 34-36). Và một vua loài người có thể giải cứu nhân loại khỏi tội lỗi và cái chết không?
13, 14. (a) Theo Thi thiên 110, Đức Giê-hô-va hứa điều gì với vị Vua mà ngài bổ nhiệm? (b) Các nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va tiết lộ điều gì khác về dòng dõi đã hứa?
13 Đa-vít được soi dẫn để viết: “Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi: ‘Hãy ngồi bên tay hữu ta cho đến khi ta đặt quân thù con làm bệ chân con’. Đức Giê-hô-va đã thề và sẽ không đổi ý rằng: Con là thầy tế lễ muôn đời theo cách của Mên-chi-xê-đéc!’” (Thi thiên 110:1, 4). Những lời của Đa-vít áp dụng trực tiếp cho dòng dõi đã hứa, tức Đấng Mê-si (Công vụ 2:35, 36). Vị Vua này sẽ cai trị từ trời “bên tay hữu” Đức Giê-hô-va, chứ không phải từ Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-hô-va sẽ ban cho ngài quyền cai trị không chỉ trên xứ Y-sơ-ra-ên mà còn trên khắp đất (Thi thiên 2:6-8). Cũng có một điều khác được tiết lộ ở đây. Hãy lưu ý Đức Giê-hô-va trang trọng thề rằng Đấng Mê-si sẽ là “thầy tế lễ... theo cách của Mên-chi-xê-đéc”. Giống như Mên-chi-xê-đéc, người làm vua kiêm thầy tế lễ vào thời Áp-ra-ham, dõng dõi đã hứa sẽ được Đức Chúa Trời bổ nhiệm làm Vua kiêm Thầy Tế Lễ!—Sáng thế 14:17-20.
14 Với thời gian, Đức Giê-hô-va dùng các nhà tiên tri để tiết lộ thêm về sự mầu nhiệm của ngài. Chẳng hạn, Ê-sai tiết lộ rằng dòng dõi sẽ hy sinh mạng sống để làm vật tế lễ (Ê-sai 53:3-12). Mi-chê báo trước về nơi sinh ra của Đấng Mê-si (Mi-chê 5:2). Đa-ni-ên thậm chí tiên tri chính xác thời điểm mà dòng dõi xuất hiện và hy sinh.—Đa-ni-ên 9:24-27.
Sự mầu nhiệm được tiết lộ trọn vẹn!
15, 16. (a) Làm thế nào Con của Đức Giê-hô-va được sinh ra bởi một người nữ? (b) Chúa Giê-su thừa hưởng điều gì từ cha mẹ người phàm của ngài, và khi nào ngài đến với tư cách là dòng dõi đã hứa?
15 Cách những lời tiên tri về Đấng Mê-si ứng nghiệm vẫn còn là điều bí ẩn cho đến khi dòng dõi thật sự xuất hiện. Ga-la-ti 4:4 nói: “Khi thời hạn đã đến, Đức Chúa Trời phái Con ngài đến, bởi người nữ sinh ra”. Vào năm 2 TCN, một thiên sứ phán với trinh nữ người Do Thái tên là Ma-ri: “Này! Cô sẽ mang thai và sinh một con trai, cô phải đặt tên con là Giê-su. Con trai ấy sẽ trở nên cao trọng và được gọi là Con của Đấng Tối Cao; Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ ban cho ngài ngôi Đa-vít, tổ phụ ngài… Thần khí thánh sẽ ngự trên cô và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ che phủ cô. Vì thế con trẻ sinh ra sẽ được gọi là thánh, là Con Đức Chúa Trời”.—Lu-ca 1:31, 32, 35.
16 Sau đó, Đức Giê-hô-va chuyển sự sống của Con ngài từ trời vào lòng Ma-ri, nên người Con ấy được sinh ra bởi một người nữ. Dù Ma-ri là người bất toàn nhưng Chúa Giê-su không bị di truyền sự bất toàn của cô, vì ngài là “Con Đức Chúa Trời”. Nhưng có một điều mà Chúa Giê-su thừa hưởng từ cha mẹ người phàm của ngài. Vì cả hai đều là hậu duệ của vua Đa-vít nên Chúa Giê-su có quyền thừa hưởng ngôi của Đa-vít và trở thành vua (Công vụ 13:22, 23). Lúc Chúa Giê-su báp-têm vào năm 29 CN, Đức Giê-hô-va xức dầu cho ngài bằng thần khí thánh và phán: “Đây là Con yêu dấu của ta” (Ma-thi-ơ 3:16, 17). Cuối cùng, dõng dõi ấy đã xuất hiện! (Ga-la-ti 3:16). Đã đến lúc Đức Giê-hô-va tiết lộ thêm về sự mầu nhiệm.—2 Ti-mô-thê 1:10.
17. Những nhân vật được nói nơi Sáng thế 3:15 được nhận diện là ai?
17 Trong thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su nhận diện con rắn được nói nơi Sáng thế 3:15 là Sa-tan và dòng dõi con rắn là những kẻ theo phe hắn (Ma-thi-ơ 23:33; Giăng 8:44). Về sau, Kinh Thánh cho biết tất cả những kẻ này sẽ bị hủy diệt vĩnh viễn như thế nào (Khải huyền 20:1-3, 10, 15). Và người nữ được nhận diện là “Giê-ru-sa-lem trên cao”, hay vợ của Đức Chúa Trời, tức phần trên trời của tổ chức ngài gồm các tạo vật thần linh.a—Ga-la-ti 4:26; Khải huyền 12:1-6.
Giao ước mới
18. Mục đích của “giao ước mới” là gì?
18 Có lẽ điều đáng ngạc nhiên nhất về sự mầu nhiệm là điều được tiết lộ vào đêm trước khi Chúa Giê-su chết, lúc ngài nói với các môn đồ trung thành về “giao ước mới” (Lu-ca 22:20). Giống như giao ước Luật pháp Môi-se, giao ước mới này có mục đích là sản sinh “vương quốc thầy tế lễ” (Xuất Ai Cập 19:6; 1 Phi-e-rơ 2:9). Tuy nhiên, giao ước này không lập ra một dân xác thịt, mà là một dân thiêng liêng. Dân ấy được hợp thành bởi các môn đồ trung thành được xức dầu của Đấng Ki-tô và được gọi là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 6:16). Những người có phần trong giao ước mới sẽ cùng Chúa Giê-su mang lại ân phước cho nhân loại!
19. (a) Tại sao giao ước mới thành công trong việc sản sinh “vương quốc thầy tế lễ”? (b) Tại sao những tín đồ được xức dầu được gọi là “tạo vật mới”, và bao nhiêu người sẽ cai trị từ trời cùng Đấng Ki-tô?
19 Nhưng tại sao giao ước mới thành công trong việc sản sinh “vương quốc thầy tế lễ” để ban phước cho nhân loại? Đó là thay vì kết án những môn đồ của Đấng Ki-tô là người tội lỗi, giao ước này làm cho tội lỗi của họ được tha nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của ngài (Giê-rê-mi 31:31-34). Một khi họ có được vị thế thanh sạch trước mắt Đức Giê-hô-va thì ngài tiếp nhận họ vào gia đình trên trời của ngài và xức dầu cho họ bằng thần khí thánh (Rô-ma 8:15-17; 2 Cô-rinh-tô 1:21). Như vậy, họ “được sinh lại để nhận niềm hy vọng hằng sống... dành sẵn trên trời” (1 Phi-e-rơ 1:3, 4). Vì loài người được tạo ra để sống trên đất nên những tín đồ được xức dầu này được gọi là “tạo vật mới” (2 Cô-rinh-tô 5:17). Kinh Thánh tiết lộ rằng 144.000 tín đồ được xức dầu sẽ cai trị nhân loại từ trời.—Khải huyền 5:9, 10; 14:1-4.
20. (a) Vào năm 36 CN, Đức Giê-hô-va tiết lộ điều gì về sự mầu nhiệm? (b) Những ai sẽ hưởng ân phước mà Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham?
20 Cùng với Chúa Giê-su, những tín đồ được xức dầu này trở thành “dòng dõi của Áp-ra-ham”b (Ga-la-ti 3:29). Những người đầu tiên được chọn là những người gốc Do Thái. Nhưng vào năm 36 CN, một khía cạnh khác của sự mầu nhiệm được tiết lộ, đó là dân ngoại cũng sẽ có hy vọng lên trời (Rô-ma 9:6-8; 11:25, 26; Ê-phê-sô 3:5, 6). Phải chăng chỉ những tín đồ được xức dầu mới được hưởng ân phước mà Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham? Không, vì sự hy sinh của Chúa Giê-su mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại (1 Giăng 2:2). Với thời gian, Đức Giê-hô-va tiết lộ rằng “một đám đông lớn” không ai đếm được sẽ sống sót khi thế gian của Sa-tan chấm dứt (Khải huyền 7:9, 14). Vô số người khác sẽ được sống lại và có triển vọng sống mãi trong địa đàng!—Lu-ca 23:43; Giăng 5:28, 29; Khải huyền 20:11-15; 21:3, 4.
Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và sự mầu nhiệm
21, 22. Sự mầu nhiệm của Đức Giê-hô-va cho thấy ngài là đấng khôn ngoan như thế nào?
21 Sự mầu nhiệm là một biểu hiện đáng kinh ngạc về “sự khôn ngoan đa dạng và phong phú của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 3:8-10). Sự khôn ngoan vô song của Đức Giê-hô-va được thấy rõ khi ngài lập tức thiết lập sự mầu nhiệm này và sau đó tiết lộ dần dần cho con người! Là Đấng Tạo Hóa khôn ngoan, ngài biết con người không thể hiểu những điều sâu sắc đó cùng một lúc. Và qua việc tiết lộ sự mầu nhiệm này từng bước một, ngài cho họ cơ hội thể hiện lòng tin cậy nơi ngài.—Thi thiên 103:14.
22 Đức Giê-hô-va cũng thể hiện sự khôn ngoan vô song trong việc chọn Chúa Giê-su làm Vua. Con của Đức Giê-hô-va đáng tin cậy hơn bất cứ tạo vật nào khác trong vũ trụ. Trong thời gian làm người trên đất, Chúa Giê-su đã trải qua nhiều loại thử thách khác nhau. Ngài hiểu rõ những vấn đề mà con người gặp phải (Hê-bơ-rơ 5:7-9). Còn về những người cùng cai trị với Chúa Giê-su thì sao? Qua nhiều thế kỷ, Đức Giê-hô-va đã chọn những người nam và người nữ từ mọi chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa. Dù phải đối mặt với bất cứ vấn đề nào, chúng ta có thể tin chắc rằng có những người trong số họ cũng từng đối mặt với vấn đề tương tự và đã đương đầu thành công (Ê-phê-sô 4:22-24). Thật tuyệt vời biết bao khi được ở dưới sự cai trị của những vị vua kiêm thầy tế lễ đầy lòng thương xót này!
23. Tại sao việc biết về sự mầu nhiệm là một đặc ân, và chúng ta nên quyết tâm làm gì?
23 Sứ đồ Phao-lô viết: “Sự mầu nhiệm được giấu kín qua các thời đại và thế hệ trước đây… đã được tiết lộ cho những người thánh của ngài” (Cô-lô-se 1:26). Thật vậy, những người thánh được xức dầu của Đức Giê-hô-va đã hiểu được nhiều điều về sự mầu nhiệm, và họ chia sẻ sự hiểu biết đó cho hàng triệu người. Quả là đặc ân khi được biết sự mầu nhiệm ấy! Đức Giê-hô-va đã “cho chúng ta biết sự mầu nhiệm của ý muốn ngài” (Ê-phê-sô 1:9). Vậy, hãy chia sẻ sự mầu nhiệm tuyệt vời này cho người khác và giúp họ cũng biết về sự khôn ngoan vô tận của Đức Giê-hô-va!
a “Sự mầu nhiệm của lòng sùng kính” cũng được tiết lộ nơi Chúa Giê-su (1 Ti-mô-thê 3:16). Từ lâu có một câu hỏi bí ẩn: “Có người nào có thể giữ lòng trọn thành tuyệt đối với Đức Giê-hô-va không?”. Chúa Giê-su đã cung cấp câu trả lời. Ngài giữ lòng trọn thành trước mọi thử thách đến từ Sa-tan.—Ma-thi-ơ 4:1-11; 27:26-50.
b Chúa Giê-su cũng lập ‘giao ước về một nước’ với cùng nhóm người này (Lu-ca 22:29, 30). Qua giao ước này, Chúa Giê-su hứa với những người thuộc “bầy nhỏ” rằng họ sẽ cùng ngài cai trị ở trên trời với tư cách là thành phần phụ của dòng dõi Áp-ra-ham.—Lu-ca 12:32.