“Giờ phán-xét” đã đến
KHẢI-HUYỀN, sách cuối cùng của Kinh Thánh, cho chúng ta biết một thiên sứ bay giữa trời có “tin-lành đời đời, đặng rao-truyền”. Thiên sứ lớn tiếng công bố: “Hãy kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài, vì giờ phán-xét của Ngài đã đến”. (Khải-huyền 14:6, 7) “Giờ phán-xét” đó bao gồm cả việc công bố lẫn thi hành sự phán xét của Đức Chúa Trời. Một “giờ” là khoảng thời gian tương đối ngắn. Việc thi hành sự phán xét là cao điểm của “ngày sau-rốt” và hiện nay chúng ta đang sống trong ngày đó.—2 Ti-mô-thê 3:1.
“Giờ phán-xét” là tin mừng cho những người yêu mến sự công bình. Đó là thời kỳ Đức Chúa Trời giải thoát tôi tớ Ngài khỏi hệ thống hung bạo, thiếu tình thương này.
Hiện nay, trước khi “giờ phán-xét” kết thúc bằng sự hủy diệt hệ thống gian ác hiện tại, chúng ta được kêu gọi: “Hãy kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài”. Bạn có đang làm thế không? Điều này đòi hỏi nhiều hơn là chỉ nói: “Tôi tin Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 7:21-23; Gia-cơ 2:19, 20) Sự kính sợ chính đáng đối với Đức Chúa Trời phải khiến chúng ta tôn kính Ngài cách sâu xa. Sự kính sợ ấy phải khiến chúng ta tránh điều ác. (Châm-ngôn 8:13) Nó phải giúp chúng ta yêu điều lành và ghét điều dữ. (A-mốt 5:14, 15) Nếu tôn vinh Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ kính cẩn lắng nghe Ngài. Chúng ta sẽ không quá bận rộn với những việc khác để rồi lãng quên đọc Lời Ngài là Kinh Thánh một cách đều đặn. Chúng ta sẽ luôn luôn hết lòng tin cậy nơi Ngài. (Thi-thiên 62:8; Châm-ngôn 3:5, 6) Những người thật sự tôn vinh Đức Chúa Trời ý thức rằng, với tư cách Đấng Tạo Hóa của trời và đất, Ngài là Chúa Tối Thượng Hoàn Vũ. Họ yêu thích được phục tùng Ngài, coi Ngài là Đấng Tối Cao trong đời sống họ. Nếu ý thức rằng mình phải chú ý nhiều hơn đến những vấn đề này, chúng ta phải làm ngay.
Giờ thi hành sự phán xét mà thiên sứ rao báo cũng là “ngày của Đức Giê-hô-va”. Một “ngày” như thế đã đến trên Giê-ru-sa-lem xưa vào năm 607 TCN vì dân sự không nghe lời cảnh báo từ các tiên tri của Ngài. Vì nghĩ rằng ngày của Đức Giê-hô-va còn xa nên họ ở trong tình trạng nguy hiểm hơn. Đức Giê-hô-va đã cảnh báo họ: “[Nó] đã gần rồi; nó đến rất kíp”. (Sô-phô-ni 1:14) “Ngày của Đức Giê-hô-va” cũng đã đến trên Ba-by-lôn cổ xưa vào năm 539 TCN. (Ê-sai 13:1, 6) Tin vào thành trì kiên cố và thần của họ, người Ba-by-lôn lờ đi lời cảnh báo từ các tiên tri của Đức Giê-hô-va. Nhưng trong một đêm, Ba-by-lôn hùng mạnh đã sụp đổ, rơi vào tay người Mê-đi và Phe-rơ-sơ.
Ngày nay chúng ta đối diện với điều gì? Một ngày khác của Đức Giê-hô-va lớn hơn nhiều. (2 Phi-e-rơ 3:11-14) Sự phán xét của Đức Chúa Trời đã được công bố trên “Ba-by-lôn lớn”. Theo Khải-huyền 14:8, một thiên sứ trên trời công bố: “Ba-by-lôn lớn kia, đã đổ rồi, đã đổ rồi”. Điều này đã xảy ra rồi. Y thị không còn kìm kẹp được những người thờ phượng Đức Giê-hô-va nữa. Sự bại hoại và can dự vào chiến tranh của y thị đã bị phơi bày. Giờ đây sự hủy diệt cuối cùng của Ba-by-lôn Lớn đã gần kề. Vì lý do này, Kinh Thánh khuyên giục người ta khắp nơi: “Hãy ra khỏi Ba-by-lôn, kẻo các ngươi dự phần tội-lỗi với nó, cũng chịu những tai-họa nó nữa chăng; vì tội-lỗi nó chất cao tày trời, và Đức Chúa Trời đã nhớ đến các sự gian-ác nó”.—Khải-huyền 18:4, 5.
Ba-by-lôn Lớn là gì? Đó là hệ thống tôn giáo toàn cầu mang những đặc tính của Ba-by-lôn cổ xưa. (Khải-huyền, chương 17, 18) Hãy xem xét một số điểm tương đồng:
• Các thầy tế lễ của Ba-by-lôn cổ xưa tham dự tích cực vào công việc chính trị của nhà nước. Phần lớn các tôn giáo ngày nay cũng thế.
• Các thầy tế lễ của Ba-by-lôn thường cổ động chiến tranh. Tôn giáo thời nay thường đứng hàng đầu trong những người ban phước cho binh lính khi quốc gia lâm chiến.
• Các dạy dỗ và thực hành của Ba-by-lôn cổ xưa đã đưa quốc gia vào sự vô luân đồi trụy. Khi giới lãnh đạo tôn giáo ngày nay gạt tiêu chuẩn Kinh Thánh qua một bên, sự vô luân lan tràn trong cả hàng giáo phẩm lẫn giáo dân. Điều cũng đáng chú ý là vì Ba-by-lôn Lớn phạm tội tà dâm với thế gian và với hệ thống chính trị nên sách Khải-huyền tả y thị là một dâm phụ.
• Kinh Thánh cũng nói rằng Ba-by-lôn Lớn “chìm-đắm trong sự xa-hoa”. Ở Ba-by-lôn cổ xưa, hệ thống đền đài đòi hỏi phải sở hữu nhiều vùng đất rộng lớn, và các thầy tế lễ là những nhân vật chính trong thương trường. Ngày nay, ngoài nơi thờ phượng, Ba-by-lôn Lớn còn sở hữu nhiều tài sản và cơ sở thương mại. Các dạy dỗ và ngày lễ của y thị đem lại sự giàu có cho cả y thị lẫn người khác trong thế giới thương mại.
• Việc dùng ảnh tượng, ma thuật và phù thủy rất phổ thông ở Ba-by-lôn cổ xưa cũng như ở nhiều nơi ngày nay. Chết được coi như một sự chuyển biến sang một cuộc sống khác. Ba-by-lôn có đầy dẫy đền đài, miếu để tôn kính các thần, nhưng lại chống đối những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Ba-by-lôn Lớn cũng có niềm tin và thực hành giống như vậy.
Vào thời xưa, Đức Giê-hô-va đã dùng các cường quốc về quân sự và chính trị để trừng phạt những nước tỏ ra khăng khăng khinh thường Ngài và ý muốn của Ngài. Bởi thế, Sa-ma-ri đã bị A-si-ri hủy diệt vào năm 740 TCN. Giê-ru-sa-lem đã bị phá hủy bởi quân Ba-by-lôn vào năm 607 TCN và bởi quân La Mã vào năm 70 CN. Rồi đến lượt Ba-by-lôn bị người Mê-đi và Phe-rơ-sơ chinh phục vào năm 539 TCN. Về thời chúng ta, Kinh Thánh tiên tri rằng các chính phủ, được ví như một con thú, sẽ tấn công con “dâm-phụ” và lột trần nó, phơi trần nó ra. Họ sẽ hủy diệt y thị tan tành.—Khải-huyền 17:16.
Các chính phủ thế gian có thật sự sẽ làm một điều như thế không? Kinh Thánh nói rằng “Đức Chúa Trời đã để cho chúng có lòng vâng làm theo ý-muốn Ngài”. (Khải-huyền 17:17) Điều này sẽ xảy ra thình lình, bất ngờ, gây sửng sốt, không dự đoán được và không xảy ra từ từ.
Bạn cần hành động ra sao? Hãy tự hỏi: ‘Tôi có còn bám víu vào tổ chức tôn giáo đã nhiễm các dạy dỗ và thực hành của Ba-by-lôn Lớn không?’ Dù không phải là hội viên, cũng nên tự hỏi: ‘Tôi có để cho tinh thần của nó ảnh hưởng đến tôi không?’ Loại tinh thần nào? Tinh thần dễ dãi đối với hạnh kiểm luông tuồng, ham của cải vật chất và thú vui hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, hoặc cố tình coi thường Lời của Đức Giê-hô-va (ngay cả trong những việc dường như nhỏ nhặt). Hãy suy nghĩ cẩn thận câu trả lời của bạn.
Để được Đức Giê-hô-va chấp nhận, điều thiết yếu là chúng ta cho thấy qua hành động và ước muốn trong lòng rằng chúng ta thật sự không thuộc về Ba-by-lôn Lớn. Không còn thời giờ để lần lữa. Khi cảnh báo chúng ta ngày cuối cùng sẽ đến bất thình lình, Kinh Thánh nói như sau: “Ba-by-lôn là thành lớn cũng sẽ bị quăng mạnh xuống như vậy, và không ai tìm thấy nó nữa”.—Khải-huyền 18:21.
Nhưng chưa hết. Trong một khía cạnh khác của “giờ phán-xét”, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ phán xét hệ thống chính trị toàn cầu, các nhà cai trị, và tất cả những người không đếm xỉa đến sự cai trị chính đáng của Nước Trời trong tay Chúa Giê-su Christ. (Khải-huyền 13:1, 2; 19:19-21) Sự hiện thấy có tính cách tiên tri ghi nơi Đa-ni-ên 2:20-45 mô tả quyền hành chính trị từ thời Ba-by-lôn cổ xưa tới thời hiện tại bằng một pho tượng khổng lồ bằng vàng, bạc, đồng, sắt và đất sét. Lời tiên tri báo trước về thời kỳ chúng ta: “Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy-diệt”. Về những gì Nước ấy sẽ còn làm trong “giờ phán-xét” của Đức Giê-hô-va, Kinh Thánh công bố: “Nó sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia [của con người], mà mình thì đứng đời đời”.—Đa-ni-ên 2:44.
Kinh Thánh cảnh báo những người thờ phượng thật chớ yêu “các vật ở thế-gian”, tức lối sống do thế gian xa cách Đức Chúa Trời thật cổ võ. (1 Giăng 2:15-17) Các quyết định và hành động của bạn có cho thấy bạn hết lòng ủng hộ Nước Trời không? Bạn có thật sự đặt Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống không?—Ma-thi-ơ 6:33; Giăng 17:16, 17.
[Khung nơi trang 14]
Khi nào sự cuối cùng sẽ đến?
“Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ”.—Ma-thi-ơ 24:44.
“Hãy tỉnh-thức, vì các ngươi không biết ngày, cũng không biết giờ”.—Ma-thi-ơ 25:13.
“Nó... không chậm-trễ”.—Ha-ba-cúc 2:3.
[Khung nơi trang 14]
Liệu bạn sẽ thay đổi nếu biết trước không?
Nếu biết chắc ngày phán xét của Đức Chúa Trời còn vài năm nữa mới tới, liệu bạn có thay đổi lối sống không? Nếu ngày tận cùng của hệ thống cũ này đến trễ hơn bạn mong đợi, bạn có để cho điều này làm bạn chậm lại trong công việc phụng sự Đức Giê-hô-va không?—Hê-bơ-rơ 10:36-38.
Việc không biết đích xác giờ nào nó đến cho chúng ta cơ hội chứng tỏ chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời với động lực trong sạch. Những ai biết Đức Giê-hô-va đều ý thức rằng, là Đấng nhìn thấu lòng người, Ngài không chấp nhận việc tỏ ra sốt sắng vào phút chót.—Giê-rê-mi 17:10; Hê-bơ-rơ 4:13.
Những người thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va luôn luôn để Ngài lên hàng đầu. Như bao người khác, tín đồ thật của Đấng Christ phải làm công việc ngoài đời. Tuy nhiên, mục tiêu của họ không phải là để làm giàu mà là đủ sống và dư chút ít để giúp người khác. (Ê-phê-sô 4:28; 1 Ti-mô-thê 6:7-12) Họ cũng giải trí lành mạnh, nghỉ ngơi nhưng nhằm lấy lại sức chứ không chỉ bắt chước người khác. (Mác 6:31; Rô-ma 12:2) Giống như Chúa Giê-su Christ, họ vui thích thực thi ý muốn của Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 37:4; 40:8.
Tín đồ thật của Đấng Christ muốn sống và phụng sự Đức Giê-hô-va muôn đời. Triển vọng đó không kém phần quý giá vì phải chờ đợi những ân phước nào đó lâu hơn một số người nghĩ.
[Khung/Hình nơi trang 15]
Vấn đề quyền tối thượng
Để hiểu tại sao Đức Chúa Trời cho phép có quá nhiều đau khổ, chúng ta cần hiểu vấn đề quyền tối thượng.
Là Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va có quyền cai trị trái đất và tất cả dân cư trên đó. Tuy nhiên, Kinh Thánh giải thích rằng vào thời ban đầu trong lịch sử loài người, quyền tối thượng của Đức Chúa Trời bị thách thức. Sa-tan Ma-quỉ cho rằng Đức Giê-hô-va quá khắt khe, rằng Ngài đã nói dối cha mẹ đầu tiên của chúng ta về hậu quả sẽ xảy ra nếu họ lờ đi luật pháp của Ngài và làm theo ý riêng, rằng tốt hơn hết là họ tự cai trị lấy mà khỏi cần Đức Chúa Trời.—Sáng-thế Ký, chương 2, 3.
Nếu Đức Chúa Trời diệt những kẻ phản nghịch ngay lập tức thì chỉ chứng tỏ Ngài có quyền năng, chứ không giải quyết vấn đề được nêu lên. Thay vì xử tử những kẻ phản nghịch tại chỗ, Đức Giê-hô-va đã để cho tất cả các tạo vật thông minh chứng kiến hậu quả của cuộc phản nghịch. Mặc dù điều này có đưa đến đau khổ nhưng nó cũng đã cho chúng ta cơ hội được sinh ra.
Hơn nữa, dù phải hy sinh nhiều nhưng Đức Giê-hô-va đã yêu thương sắp đặt để những người vâng lời Ngài và thực hành đức tin nơi giá chuộc của Con Ngài có thể được giải thoát khỏi tội lỗi, hậu quả của nó và được sống trong Địa Đàng. Để điều này được thành tựu, những người chết sẽ được sống lại.
Việc Đức Giê-hô-va cho phép một thời gian để giải quyết vấn đề cũng cho tôi tớ Ngài cơ hội chứng tỏ họ có thể đáp lại tình yêu của Ngài và trung kiên với Ngài trong mọi hoàn cảnh. Việc giải quyết vấn đề quyền tối thượng cùng vấn đề lòng trung kiên của loài người là cần yếu để luật pháp của Đức Chúa Trời được tôn trọng đúng mức trong vũ trụ, nếu không thì hòa bình thật không bao giờ có được.a
[Chú thích]
a Những vấn đề này cùng với ý nghĩa của chúng được bàn luận trong sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
[Hình]
Hệ thống chính trị toàn cầu sẽ đi đến chỗ chấm dứt