CHƯƠNG NĂM
“Người đàn bà hiền đức”
1, 2. (a) Ru-tơ làm công việc gì? (b) Ru-tơ học được những khía cạnh tích cực nào từ Luật pháp và dân Đức Chúa Trời?
Ru-tơ quỳ xuống bên cạnh đống nhánh lúa mạch mà cô nhặt được cả ngày. Bóng chiều dần tàn trên khắp những cánh đồng xung quanh Bết-lê-hem, và nhiều thợ gặt đã đi lên cổng của thành nhỏ nằm cheo leo trên đỉnh đồi. Chúng ta có thể hình dung Ru-tơ hẳn mệt mỏi thế nào sau cả ngày làm việc từ sáng sớm. Thế nhưng, cô vẫn tiếp tục làm việc, dùng một cây nhỏ đập xuống những nhánh lúa để hạt tách ra. Dù công việc khó nhọc, nhưng hôm ấy quả là ngày tốt lành, tốt hơn điều cô từng ao ước.
2 Liệu mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn với góa phụ trẻ này không? Như chúng ta đã xem trong chương trước, cô quyết định theo mẹ chồng là Na-ô-mi, thề nguyện gắn bó với bà và thờ phượng Đức Chúa Trời của bà, Đức Giê-hô-va, như Đức Chúa Trời của cô. Từ xứ Mô-áp, hai góa phụ này cùng đi đến Bết-lê-hem. Ru-tơ người Mô-áp nhanh chóng biết Luật pháp của Đức Giê-hô-va có những sắp đặt thực tế, tôn trọng người nghèo ở Y-sơ-ra-ên, kể cả người ngoại bang. Ru-tơ cũng thấy một số người thuộc dân Đức Chúa Trời, những người sống dưới Luật pháp và được Luật pháp rèn luyện, đã thể hiện lòng tử tế và ước muốn vâng lời Đức Chúa Trời. Nhờ điều đó mà vết thương lòng của cô được chữa lành.
3, 4. (a) Bô-ô khích lệ Ru-tơ ra sao? (b) Làm thế nào gương của Ru-tơ giúp chúng ta trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay?
3 Một người trong số đó là Bô-ô, người đàn ông lớn tuổi giàu có, và Ru-tơ đang mót lúa trong ruộng của ông. Bô-ô quan tâm đến cô như là con gái ông. Ru-tơ vui thầm khi nghĩ đến việc Bô-ô tử tế khen cô đã chăm sóc mẹ chồng cũng như chọn nương náu dưới cánh của Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va.—Đọc Ru-tơ 2:11-14.
4 Nhưng có thể Ru-tơ còn lo lắng về cuộc sống phía trước. Là người ngoại bang nghèo nàn, không chồng không con, làm sao cô có thể nuôi sống mình cùng Na-ô-mi trong những tháng năm sắp tới? Liệu việc mót lúa có đủ sống không? Và ai sẽ chăm sóc cô khi cô về già? Những mối âu lo ấy cứ quanh quẩn trong đầu cô là điều đương nhiên. Trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều người cũng trăn trở những mối âu lo như thế. Khi hiểu đức tin của Ru-tơ đã giúp cô vượt qua các thử thách ấy như thế nào, chúng ta sẽ nhận ra nhiều điểm đáng noi theo.
Điều gì tạo nên một gia đình?
5, 6. (a) Ru-tơ đạt được kết quả nào trong ngày đầu mót lúa ở ruộng của Bô-ô? (b) Na-ô-mi phản ứng ra sao khi thấy Ru-tơ?
5 Lúc Ru-tơ đập hết lúa và gom lại, cô thấy mình đã mót được khoảng một ê-pha hạt lúa mạch, tức là khoảng 14kg! Có lẽ cô bọc chúng trong một miếng vải và đặt lên đầu, rồi mang về Bết-lê-hem khi hoàng hôn buông xuống.—Ru 2:17.
6 Na-ô-mi rất vui khi thấy nàng dâu thân yêu của mình, có lẽ bà cũng vô cùng ngạc nhiên khi thấy cô mang bao hạt lúa mạch nặng đến thế. Ru-tơ cũng đem về phần ăn mà Bô-ô đã phát cho những người làm công, nên hai mẹ con dùng chung một bữa ăn đạm bạc. Na-ô-mi hỏi: “Ngày nay, con có mót ở đâu? Con có làm việc ở đâu? Phước cho người đã nhận-tiếp con!” (Ru 2:19). Na-ô-mi rất tinh ý, thấy Ru-tơ mang về bao hạt lúa mạch nặng thì biết có ai đó đã quan tâm và đối xử tử tế với góa phụ trẻ này.
7, 8. (a) Na-ô-mi xem lòng tử tế của Bô-ô là đến từ ai, và tại sao? (b) Ru-tơ thể hiện tình yêu thương thành tín với mẹ chồng như thế nào?
7 Hai mẹ con bắt đầu trò chuyện, và Ru-tơ kể cho Na-ô-mi nghe về lòng tử tế của Bô-ô. Na-ô-mi xúc động nói: “Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho người, vì Ngài không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết!” (Ru 2:20). Bà xem lòng tử tế của Bô-ô là đến từ Đức Giê-hô-va, đấng thôi thúc dân ngài biểu lộ lòng rộng rãi và hứa ban thưởng cho những tôi tớ nào tử tế với người khác.a—Đọc Châm-ngôn 19:17.
8 Na-ô-mi khuyến khích Ru-tơ nhận lời đề nghị của Bô-ô là mót lúa trong ruộng của ông và ở gần những đầy tớ gái nhà ông để cô không bị những thợ gặt quấy rầy. Ru-tơ làm theo lời khuyên và tiếp tục ở nhà của mẹ chồng (Ru 2:22, 23). Một lần nữa, chúng ta lại thấy đức tính nổi trội của Ru-tơ, đó là yêu thương thành tín. Gương mẫu của cô có thể thôi thúc chúng ta tự hỏi là mình có xem trọng mối quan hệ trong gia đình, luôn ủng hộ, giúp đỡ người thân yêu khi cần hay không. Đức Giê-hô-va lúc nào cũng để ý đến tình yêu thương thành tín như thế.
Gương của Ru-tơ và Na-ô-mi nhắc chúng ta quý trọng gia đình mình
9. Qua gương của Ru-tơ và Na-ô-mi, chúng ta học được gì về gia đình?
9 Ru-tơ và Na-ô-mi có phải là một gia đình thật sự không? Một số người cho rằng gia đình “thật sự” phải có đủ thành viên để làm tròn mỗi vai trò như chồng, vợ, con trai, con gái, ông bà v.v. Nhưng gương của Ru-tơ và Na-ô-mi nhắc chúng ta rằng tôi tớ của Đức Giê-hô-va có thể mở rộng lòng mình, và dù gia đình ít người nhưng vẫn tràn đầy sự nồng ấm, tử tế và yêu thương. Bạn có quý trọng gia đình mình không? Chúa Giê-su nhắc nhở các môn đồ rằng hội thánh đạo Đấng Ki-tô có thể như là gia đình của những ai không có người nhà.—Mác 10:29, 30.
‘Người đó là trong những người có quyền chuộc sản-nghiệp’
10. Na-ô-mi muốn giúp Ru-tơ qua cách nào?
10 Từ mùa thu hoạch lúa mạch vào tháng tư kéo dài cho đến mùa thu hoạch lúa mì vào tháng sáu, Ru-tơ tiếp tục mót lúa trong ruộng của Bô-ô. Nhiều tuần trôi qua, chắc chắn Na-ô-mi suy nghĩ thêm về việc bà có thể làm gì cho nàng dâu thân yêu. Khi còn ở Mô-áp, Na-ô-mi không bao giờ tin rằng bà có thể tìm một tấm chồng cho Ru-tơ (Ru 1:11-13). Nhưng giờ đây, bà lại nghĩ khác. Bà nói với Ru-tơ: “Hỡi con gái ta, mẹ phải lo cho con một chỗ an-thân” (Ru 3:1). Tập tục thời đó là cha mẹ tìm người hôn phối cho con cái, và Ru-tơ đã trở thành con gái thật sự của Na-ô-mi. Bà muốn tìm cho Ru-tơ “một chỗ an-thân”, tức là sự an toàn, che chở mà mái nhà và người chồng có thể mang lại. Thế nhưng, Na-ô-mi có thể làm gì?
11, 12. (a) Khi Na-ô-mi gọi Bô-ô là ‘người có quyền chuộc sản-nghiệp’, bà nhắc đến sự sắp đặt yêu thương nào của Luật pháp Đức Chúa Trời? (b) Ru-tơ phản ứng ra sao khi nghe lời khuyên của mẹ chồng?
11 Khi Ru-tơ nhắc đến Bô-ô lần đầu, Na-ô-mi nói: ‘Người đó là bà-con của chúng ta, vốn là trong những người có quyền chuộc sản-nghiệp ta lại’ (Ru 2:20). Điều này có nghĩa gì? Luật pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên bao gồm những sắp đặt yêu thương dành cho gia đình nghèo hoặc mất người thân rồi rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nếu một phụ nữ mất chồng khi chưa có con thì nàng càng bị thiệt thòi hơn, vì tên tuổi của người chồng sẽ bị mất do không có người nối dõi. Tuy nhiên, Luật pháp Đức Chúa Trời cho phép anh em của người đã khuất kết hôn với người góa phụ để nàng có thể sinh con. Đứa con này mang danh và thừa kế tài sản của người đã khuất.b—Phục 25:5-7.
12 Na-ô-mi vạch ra cho Ru-tơ một kế hoạch. Chúng ta có thể hình dung đôi mắt người phụ nữ trẻ mở to khi nghe mẹ chồng dặn bảo. Luật pháp của Y-sơ-ra-ên và nhiều phong tục vẫn còn khá mới lạ với Ru-tơ. Dù vậy, cô rất kính trọng Na-ô-mi nên cẩn thận lắng nghe từng lời của mẹ chồng. Những điều Na-ô-mi khuyến khích cô làm có thể khiến cô ngại ngùng, thậm chí có thể gây nhục nhã, nhưng Ru-tơ vẫn đồng ý. Cô khiêm nhường nói: “Mọi điều mẹ đã nói với con, con sẽ làm”.—Ru 3:5.
13. Qua Ru-tơ, chúng ta học được gì về việc chấp nhận lời khuyên của người lớn tuổi hơn? (Cũng xem Gióp 12:12).
13 Đôi khi người trẻ khó nghe theo lời khuyên của người lớn tuổi và có kinh nghiệm hơn. Người trẻ dễ cho rằng người lớn tuổi hơn không thật sự hiểu những thử thách và vấn đề mà mình đương đầu. Nhưng thật ra họ yêu thương và mong muốn những điều tốt nhất cho chúng ta. Vì thế, gương khiêm nhường của Ru-tơ nhắc chúng ta rằng nếu lắng nghe sự khôn ngoan của người lớn tuổi hơn, chúng ta sẽ được nhiều lợi ích. (Đọc Thi-thiên 71:17, 18). Tuy nhiên, Na-ô-mi đã khuyên điều gì, và Ru-tơ có thật sự được lợi ích nhờ nghe theo lời khuyên ấy không?
Ru-tơ tại sân đạp lúa
14. Sân đạp lúa là gì, và người ta làm gì ở đó?
14 Chiều tối hôm ấy, Ru-tơ đi đến sân đạp lúa, khoảng sân có nền đất cứng để người nông dân đập và sàng lúa. Khu này thường nằm trên sườn đồi hoặc đỉnh đồi, nơi có những cơn gió mạnh thổi qua vào khoảng xế chiều. Để hạt rơi ra khỏi trấu và rơm, người làm công dùng một cái chĩa lớn hoặc xẻng để hất tung tất cả trước gió. Gió thổi trấu đi còn hạt thì rơi xuống sân.
15, 16. (a) Hãy miêu tả khung cảnh sân đạp lúa khi Bô-ô kết thúc công việc vào buổi chiều tối. (b) Làm sao Bô-ô biết có người đang nằm dưới chân mình?
15 Ru-tơ thận trọng quan sát khi công việc gần xong vào buổi chiều tối. Bô-ô giám sát công việc sàng lúa, và hạt được chất thành một đống to. Sau khi ăn uống no nê, ông nằm nghỉ bên cạnh đống hạt lúa mạch. Đây là việc thông thường, có lẽ để canh chừng kẻ trộm hay kẻ cướp đánh cắp thành quả thu hoạch. Ru-tơ nhìn thấy Bô-ô ngả lưng để nghỉ qua đêm. Đã đến lúc phải thực hiện kế hoạch của Na-ô-mi.
16 Ru-tơ nhẹ nhàng bò lại gần, tim đập mạnh. Cô thấy người đàn ông này đang ngủ say. Thế nên như Na-ô-mi nói, cô lại gần chân Bô-ô, giở vạt áo choàng ra, nằm xuống rồi chờ đợi. Thời gian trôi qua. Đối với Ru-tơ, thời gian dường như dài vô tận. Cuối cùng, khoảng nửa đêm, Bô-ô trở mình. Run vì lạnh, ông chồm dậy, có lẽ để đắp lại chân. Thế nhưng, ông cảm thấy có người nằm ở đó. Lời tường thuật cho biết: “Kìa thấy có một người nữ nằm tại dưới chân mình”.—Ru 3:8.
17. Những người cho rằng hành động của Ru-tơ là không đứng đắn đã lờ đi hai điều đơn giản nào?
17 Bô-ô hỏi: “Ngươi là ai?”. Ru-tơ trả lời, có lẽ với giọng run run: “Tôi là Ru-tơ, kẻ tớ gái ông; xin đắp mền [“vạt áo choàng”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ] ông trên kẻ tớ gái ông, vì ông có quyền chuộc sản-nghiệp tôi” (Ru 3:9). Một số nhà giảng giải Kinh Thánh hiện đại cho rằng hành động và lời nói của Ru-tơ có ý khêu gợi, nhưng họ đã lờ đi hai điều đơn giản. Thứ nhất, Ru-tơ làm theo phong tục thời bấy giờ, nhiều phong tục ấy không còn phổ biến ngày nay. Do đó, thật là sai lầm khi so sánh hành vi của Ru-tơ với quan điểm đạo đức suy đồi hiện giờ. Thứ hai, lời đáp của Bô-ô cho thấy rõ ông xem Ru-tơ có hạnh kiểm trong sạch và đáng khen.
18. Bô-ô nói gì để trấn an Ru-tơ? Ông nhắc đến hai việc làm nhân từ nào của cô?
18 Bô-ô nhẹ nhàng trấn an Ru-tơ: “Hỡi con gái ta, nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho con! Việc nhân từ con làm lần sau nầy, lại còn trọng hơn lần trước; vì con chẳng có theo những gã trai trẻ, vô-luận nghèo hay giàu” (Ru 3:10). Việc “lần trước” ám chỉ tình yêu thương thành tín của Ru-tơ khi theo Na-ô-mi trở về xứ Y-sơ-ra-ên và chăm sóc bà. Việc “lần sau” là lúc này. Bô-ô nhận thấy một phụ nữ trẻ như Ru-tơ có thể dễ dàng tìm một tấm chồng trong vòng những chàng trai trẻ, dù giàu hay nghèo. Thay vì thế, cô muốn làm điều tốt, không những cho Na-ô-mi mà còn cho người chồng quá cố của bà, để lưu danh ông tại quê nhà. Chúng ta có thể hiểu tại sao Bô-ô cảm động trước tinh thần bất vị kỷ của người phụ nữ trẻ này.
19, 20. (a) Tại sao Bô-ô không cưới Ru-tơ ngay lập tức? (b) Bô-ô biểu lộ lòng tử tế và quan tâm tới Ru-tơ cũng như danh tiếng của cô qua những cách nào?
19 Bô-ô nói tiếp: “Vậy bây giờ, hỡi con gái ta, chớ sợ chi: ta sẽ làm cho nàng mọi điều nàng sẽ nói; vì cả dân-sự trong thành ta đều biết rằng nàng là một người đàn bà hiền-đức” (Ru 3:11). Bô-ô vui khi biết mình có thể cưới Ru-tơ, và có lẽ ông hoàn toàn không ngạc nhiên khi được yêu cầu làm người chuộc sản nghiệp cho cô. Dù vậy, là người công chính nên Bô-ô không hành động theo ý mình. Ông cho Ru-tơ biết rằng một người có quyền chuộc sản nghiệp khác là bà con gần hơn với gia đình bên chồng quá cố của Na-ô-mi. Trước tiên, Bô-ô sẽ đến gặp người đó và cho ông ấy cơ hội trở thành chồng của Ru-tơ.
Vì tôn trọng và đối xử tử tế với người khác, Ru-tơ tạo được danh tiếng nổi trội
20 Bô-ô khuyên Ru-tơ cứ nằm nghỉ cho đến gần sáng, sau đó cô có thể trở về nhà mà không gây sự chú ý. Ông muốn bảo vệ danh tiếng của Ru-tơ cũng như của ông, vì người ta có thể cho rằng chuyện trái đạo đức đã xảy ra. Ru-tơ nằm lại nơi chân ông, có lẽ cô cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau khi được ông tử tế đáp lại lời cầu xin. Rồi khi trời hãy còn tối thì Ru-tơ dậy. Bô-ô rộng rãi đổ đầy hạt lúa mạch vào áo choàng của Ru-tơ và cô trở về Bết-lê-hem.—Đọc Ru-tơ 3:13-15.
21. Điều gì cho thấy Ru-tơ là “người đàn bà hiền-đức”? Chúng ta có thể noi gương cô bằng cách nào?
21 Hẳn Ru-tơ vui khi ngẫm nghĩ những lời của Bô-ô, rằng mọi người đều biết cô là “người đàn bà hiền-đức”! Chắc chắn cô có được danh tiếng ấy là nhờ đã sốt sắng tìm hiểu về Đức Giê-hô-va và thờ phượng ngài. Cô cũng đã biểu lộ lòng tử tế và quan tâm tới Na-ô-mi và dân tộc của bà, sẵn lòng thích nghi với lối sống cũng như phong tục xa lạ với mình. Nếu bắt chước đức tin của Ru-tơ, chúng ta sẽ cố gắng tôn trọng người khác cũng như phong tục và lối sống của họ. Khi làm thế, có thể chúng ta cũng sẽ tạo được danh tiếng nổi trội.
Một chỗ an thân cho Ru-tơ
22, 23. (a) Có lẽ món quà Bô-ô tặng cho Ru-tơ mang ý nghĩa gì? (Cũng xem chú thích). (b) Na-ô-mi khuyên Ru-tơ làm gì?
22 Khi Ru-tơ về đến nhà, Na-ô-mi hỏi: “Có phải con gái ta chăng?”. Có lẽ trời còn tối nên Na-ô-mi không thấy rõ, nhưng bà cũng muốn biết Ru-tơ vẫn là góa phụ hay là người có triển vọng tái hôn. Ru-tơ nhanh chóng thuật lại mọi chuyện xảy ra giữa cô và Bô-ô. Cô cũng cho Na-ô-mi xem món quà hạt lúa mạch mà Bô-ô gửi cho bàc.—Ru 3:16, 17.
23 Na-ô-mi đã khôn ngoan khuyên Ru-tơ không nên ra đồng mót lúa ngày hôm đó. Bà đảm bảo với cô: “Nếu ngày nay việc nầy chưa rồi, thì người ấy chẳng nghỉ đâu”.—Ru 3:18.
24, 25. (a) Bô-ô cho thấy ông là người công chính và bất vị kỷ như thế nào? (b) Ru-tơ được ban những ân phước nào?
24 Na-ô-mi đã đoán đúng về Bô-ô. Ông đến cổng thành, nơi những trưởng lão thường gặp nhau, và chờ cho đến khi người bà con gần nhất đi qua. Trước mặt những nhân chứng, Bô-ô đề nghị người đó cưới Ru-tơ để chuộc sản nghiệp cho Na-ô-mi. Tuy nhiên, người ấy từ chối vì sợ sản nghiệp của mình bị hủy hoại. Rồi, trước những nhân chứng tại cổng thành, Bô-ô cho biết ông sẽ làm người chuộc sản nghiệp, mua lại sản nghiệp của Ê-li-mê-léc, chồng quá cố của Na-ô-mi, cũng như kết hôn với Ru-tơ, vợ góa của Mạc-lôn, con trai Ê-li-mê-léc. Bô-ô cho biết ông làm thế “để nối danh của kẻ chết cho sản-nghiệp người” (Ru 4:1-10). Bô-ô quả là một người công chính và bất vị kỷ.
25 Bô-ô kết hôn với Ru-tơ. Sau đó, Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va làm cho nàng được thọ-thai và sanh một con trai”. Những phụ nữ ở Bết-lê-hem chúc phước cho Na-ô-mi và khen ngợi Ru-tơ vì những gì cô làm cho Na-ô-mi còn tốt hơn bảy người con trai có thể làm. Chúng ta biết sau này con trai của Ru-tơ trở thành tổ phụ của vị vua uy quyền là Đa-vít (Ru 4:11-22). Rồi Đa-vít là tổ phụ của Chúa Giê-su Ki-tô.—Mat 1:1d.
26. Gương của Ru-tơ và Na-ô-mi nhắc chúng ta điều gì?
26 Đức Chúa Trời đã ban phước cho Ru-tơ cũng như Na-ô-mi, người đã nuôi đứa bé như con ruột của mình. Đời sống của hai phụ nữ này là sự nhắc nhở sống động rằng Đức Giê-hô-va để ý đến tất cả những ai khiêm nhường lao động cần cù để chu cấp cho gia đình, và những người trung thành phụng sự ngài cùng với dân được ngài chọn. Ngài không bao giờ quên ban thưởng cho những người trung thành, như Bô-ô, Na-ô-mi và Ru-tơ.
a Như Na-ô-mi đã nói, lòng tử tế của Đức Giê-hô-va không chỉ dành cho người sống mà còn cho người chết. Chồng và hai con trai của bà đã qua đời, trong đó có chồng của Ru-tơ. Chắc chắn, cả ba người đàn ông ấy rất có ý nghĩa đối với hai phụ nữ này. Lòng tử tế được thể hiện với Na-ô-mi và Ru-tơ thì thật ra đang thể hiện với các người quá cố của họ, tức những người đã mong muốn người thân yêu của mình được chăm sóc.
b Anh em của người đã khuất được quyền ưu tiên kết hôn với người góa phụ, rồi mới đến người bà con nam gần nhất. Sự sắp đặt này cũng áp dụng cho quyền thừa kế tài sản.—Dân 27:5-11.
c Bô-ô đã cho Ru-tơ sáu đấu hạt lúa mạch, không rõ trọng lượng là bao nhiêu. Có lẽ điều này gợi ý rằng giống như sau sáu ngày làm việc thì đến ngày nghỉ là Sa-bát, thế nên không lâu nữa, những ngày lao động vất vả của góa phụ Ru-tơ sẽ không còn. Tiếp theo là ngày nghỉ, tức sự “an thân” nhờ có một mái ấm và người chồng. Ngoài ra, sáu đấu hạt lúa mạch (có lẽ sáu lần xúc bằng xẻng) có thể là trọng lượng tối đa mà Ru-tơ mang được.