“Ngôi Lời” có phải là “Đức Chúa Trời” không?
Những người tin Đức Chúa Trời là một Chúa Ba Ngôi, và tin Giê-su là Đức Chúa Trời thường vịn vào các câu Kinh-thánh ở Giăng 1:1 và Giăng 20:28 cho đó là bằng chứng cho sự tin tưởng của họ.
Theo nhiều bản dịch, Giăng 1:1 được viết như sau: “Ban đầu có Ngôi-Lời, Ngôi-Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi-Lời là Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên các dịch-giả đứng đắn thấy cần phải công nhận là có một sự khác biệt giữa hai cách dùng chữ “Đức Chúa Trời” trong các câu trên.
The New English Bible (Kinh-thánh bằng tân Anh-ngữ) viết: “Đức Chúa Trời như thế nào thì Ngôi-Lời thế nấy”. Today’s English Version (Bản dịch bằng Anh-ngữ hiện-đại) thì viết: “Ngài giống như Đức Chúa Trời”. An American Translation (Bản dịch Hoa-kỳ) thì viết: “Ngôi-Lời có tính-chất thần thiêng”.
Tại sao các bản dịch trên không nói một cách giản-dị Ngôi-Lời “là Đức Chúa Trời”? Đó là vì các câu trên được viết bằng tiếng Hy-lạp, và chữ “Đức Chúa Trời” thứ hai không được dùng giống như chữ “Đức Chúa Trời” thứ nhứt. Định-quán-từ “ho” có đứng trước chữ “Đức Chúa Trời” nhứt nhưng không có trước chữ thứ hai. Thế nên bản dịch The Anchor Bible (Bản dịch Mỏ Neo) mới viết: “Để cho bản dịch Anh-ngữ giữ được sự khác biệt có giữa danh-từ Hy-lạp theos (đức chúa trời) dùng với định-quán-từ hay không có định-quán-từ, một vài dịch-giả (như Moffatt) dịch: “Ngôi Lời có tính-chất thần thiêng”.
Chúng ta sẽ hiểu rõ lời của Giăng hơn nếu phân-tách kỹ câu nói của ông. Xin lưu ý một lần nữa là ông viết: “Ban đầu có Ngôi-Lời”. Câu này tất nhiên không nói về sự bắt đầu của Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời không có sự bắt đầu (Thi-thiên 90:1, 2). Đó là sự khởi đầu của các việc mà Giăng sắp thảo-luận, trong số đó có sự sáng-tạo tất cả mọi sự khác bởi “Ngôi-Lời”. Kế tiếp Giăng bảo: “Ngôi-Lời ở cùng Đức Chúa Trời”. Một người nào ở với ai khác tất không phải cùng là một với người ấy.
Điều quan-trọng hiển nhiên là điều mà Giăng muốn nói khi viết đoạn trên. Vấn-đề này có gì khó khăn không? Có, nếu chúng ta muốn hiểu đoạn văn này nói rằng Giê-su là “ĐỨC CHÚA TRỜI”, bởi vì các sách của Giăng cho thấy một cách hiển nhiên là ông không hề hiểu Giê-su là Đức Chúa Trời theo cùng một nghĩa với Cha là Đức Chúa Trời. Ví dụ, cũng trong đoạn ấy Giăng viết: “Thiên Chúa, không ai đã thấy bao giờ; Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha, chính Ngài đã thông tri” (Giăng 1:18, bản dịch của linh-mục Nguyễn thế Thuấn). Có ai đã thấy Đức Chúa Trời chưa? Chưa. Có ai đã thấy Giê-su không? Tất nhiên là có!
Theo tín-điều A-ta-na-si-a của các đạo tự xưng theo đấng Christ, vốn cho định-nghĩa về thuyết Tam-vị Nhất-thể thì “ba ngôi đều bằng nhau, không ngôi nào lớn hơn hoặc nhỏ hơn ngôi khác”. Tuy nhiên, Giăng không ngớt ghi chép nhiều lời của chính Giê-su thốt ra cho thấy ngài tùng phục Cha mình. Ngài được Cha “sai đến”, được Cha giao cho công việc, được Cha bảo phải làm gì, và ngài bảo rằng ngài xuống thế-gian không phải để làm theo ý mình mà làm theo “ý Đấng sai (ngài) đến” (Giăng 6:38; 3:17; 5:36; 8:28; 12:49, 50).
Giăng còn ghi chép những lời của chính Giê-su nói rằng Cha là “Đức Chúa Trời có một và thật” và “Cha tôn-trọng hơn ta” (Giăng 17:3; 14:28). Giăng có ghi chép sáu trường-hợp mà Giê-su đã gọi Cha ngài là “Đức Chúa Trời của tôi”, trong số đó có năm trường-hợp thuộc khoảng thời-gian sau khi Giê-su được sống lại và lên trời (Giăng 20:17; Khải-huyền 3:2, 12). Có ít nhứt năm lần khác Giăng đã cẩn thận ghi chép sự khác biệt không những chỉ giữa Cha và Chiên Con nhưng còn giữa Đức Chúa Trời và Chiên Con Giê-su Christ (Khải-huyền 1:1; 7:10; 21:22; 22:1-3). Giăng bảo là ông viết, không phải để cho thấy Giê-su là Đức Chúa Trời, hay là “Đức Chúa Con”, nhưng “để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời” (Giăng 20:31).
Các lời nói này cho thấy là Giăng biết rõ về sự liên-hệ giữa Giê-su và Đấng mà Giăng bảo cho ta biết là được Giê-su gọi bằng “Đức Chúa Trời”. Câu Giăng 1:1 không nói ngược lại những gì nói ở trên. Câu này đúng ra phải được viết như sau: “Ban đầu có Ngôi-Lời, và Ngôi-Lời, ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi-Lời là một vị thần (chúa)”. Chúng ta thấy một lối viết tương-tự ở Công-vụ các Sứ-đồ 28:6 nói rằng dân ở đảo Man-tơ nghĩ Phao-lô là một “vì thần”.
Thế còn về lời sửng-sốt của Thô-ma khi ông thấy Giê-su được sống lại và đã buột miệng thốt: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!” thì sao? (Giăng 20:24-29). Tâm-thần Thô-ma giao-động mạnh khi hiểu ra là Giê-su đã sống lại và đang đứng trước mặt mình đây. Tuy nhiên không có điểm nào trong sự tường thuật cho thấy là Thô-ma nghĩ rằng Giê-su ngang hàng với Cha ngài. Chính Giăng, người đã chép lại các lời nói của Thô-ma, có trích-dẫn lời của Giê-su phán rằng ngay cả con người cũng được gọi là “thần”. Chắc hẳn là Chúa Giê-su Christ sau khi được sống lại có địa-vị cao hơn bất cứ một người nào (Giăng 10:34, 35). Và cùng trong đoạn có ghi các lời nói của Thô-ma, ta thấy Giăng có chép lời của Giê-su nói rằng Cha là Đức Chúa Trời của Giê-su (Giăng 20:17).
Phao-lô cho thấy là các tín-đồ đấng Christ vào thế-kỷ thứ nhứt đã hiểu đúng về mối liên-hệ giữa Giê-su và Cha trên trời của ngài khi ông viết là “về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha...lại chỉ có một Chúa mà thôi, là Đức Chúa Giê-su Christ” (I Cô-rinh-tô 8:6).