Tiếp tục bước đi trong sự sáng của Đức Chúa Trời
“Đức Chúa Trời là sự sáng” (I GIĂNG 1:5).
Khi-hội thánh nhóm họp để học hỏi bài này và hai bài kế tiếp, người điều khiển buổi học nên cho đọc những phần trong I Giăng ghi trong bài nếu có đủ thì giờ.
1, 2. Lá thư thứ nhất của Giăng đã được viết ra khi nào, ở đâu và áp dụng cho ai?
Các Nhân-chứng Giê-hô-va cám ơn về sự sáng của Đức Chúa Trời và muốn tiếp tục bước đi trong sự sáng đó. Dù sao không phải dễ làm vậy, vì ngay cả những tín đồ của Giê-su trong thế kỷ thứ nhất đã phải đương đầu với sự bội đạo. Nhưng những sứ đồ trung thành của Giê-su đã hạn chế sự bành trướng của sự bội đạo, và sứ đồ Giăng là một trong những người hành động trong việc hạn chế đó (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-12). Lúc về già sống ở Ê-phê-sô hay gần đó vào khoảng năm 98 tây lịch ông đã viết lá thư đầu tiên của ông được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời. Những lời khuyên chứa đựng trong lá thư đó đã giúp những tín đồ đấng Christ sống trong thế kỷ thứ nhất tiếp tục bước đi trong sự sáng của Đức Chúa Trời. Nhưng về phần chúng ta thì sao?
2 Những lời của Giăng thật cũng có ích như thế cho những tín đồ sống trong thế kỷ 20. Vì thế trong khi học hỏi bài này và hai bài tiếp theo đây hãy nhớ đọc tất cả những đoạn Kinh-thánh trong I Giăng được soi dẫn và được bàn luận đến. Trong lá thư của sứ đồ này và những lời bình luận trong bài đây, đại danh từ “chúng ta” ám chỉ một cách chính yếu những môn đồ được xức dầu của Giê-su. Nhưng những nguyên tắc căn bản của lá thư về sự công bình, yêu thương, đức tin, v.v... cũng áp dụng cho những tín đồ đấng Christ có hy vọng sống trên đất.
Sự giao thông mang lại niềm vui
3. Điều gì chứng tỏ Con Đức Chúa Trời đã từng sống, chịu khổ và chết như một con người, và tại sao ngài được gọi là “Lời sự sống”?
3 Trước hết Giăng nói về một “sự giao-thông” vui vẻ. (Đọc I Giăng 1:1-4). Giê-su, “Lời sự sống”, đã ở với Đức Giê-hô-va “từ buổi ban đầu”, ngài là tạo vật đầu tiên của Đức Chúa Trời; “muôn vật đã được dựng nên” bởi ngài (Cô-lô-se 1:15, 16). Một số những kẻ bội đạo vào thế kỷ thứ nhất đã tự xưng là không có tội và chối bỏ địa vị hợp pháp của đấng Christ trong sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. Nhưng các sứ đồ của Giê-su đã nghe ngài nói, chăm chú nhìn ngài và sờ mó ngài. Họ biết quyền năng của Đức Chúa Trời có hoạt động qua ngài. Như thế họ đã chứng kiến tận mắt ngài là Con của Đức Chúa Trời, đã từng sống, chịu khổ và chết như một con người. Ngài là “Lời sự sống” vì Đức Chúa Trời đã cung cấp giá chuộc qua Giê-su, đấng “phô-bày sự sống” (Rô-ma 6:23; II Ti-mô-thê 1:9, 10).
4. Sự “giao-thông” của những người được xức dầu biểu lộ sự gì?
4 Các sứ đồ đã “làm chứng” về sự vô tội của Giê-su bằng lời nói và những lời họ viết ra. Giăng đã “ghi lại” những điều ấy hầu cho những người được xức dầu có thể “giao-thông” hay kết hợp với những người khác cùng thừa kế Nước Trời, với Cha và với Con Ngài. Sự “giao-thông” này biểu lộ sự đoàn kết và mang lại nhiều vui vẻ (Thi-thiên 133:1-3; Giăng 17:20, 21). Những kẻ bội đạo thù ghét những người mà chúng trước kia đã từng kết hợp với trong thánh chức của Đức Giê-hô-va nhưng giờ đây chúng không còn được kết hợp như thế nữa với Đức Chúa Trời và đấng Christ.
“Đức Chúa Trời là sự sáng”
5. Sứ đồ Giăng đã nhận được lời “truyền-giảng” nào từ Giê-su, và lời đó có ảnh hưởng gì trên hành vi của các Nhân-chứng Giê-hô-va?
5 Tiếp theo đó là lời “truyền-giảng” mà các sứ đồ đã nhận được từ Giê-su. (Đọc I Giăng 1:5-7). “Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối-tăm (không có sự gì không thánh, vô luân, giả dối hay gian ác). đâu”. Như thế các Nhân-chứng Giê-hô-va lánh xa mọi sự thực hành đầy tội lỗi đi đôi với sự tối tăm (Gióp 24:14-16; Giăng 3:19-21; Rô-ma 13:11-14; II Cô-rinh-tô 6:14; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:6-9). Bởi một số những kẻ bội đạo không tin có những việc làm tội lỗi, chúng ở trong tối tăm thiêng liêng. Chúng tự cho có sự hiểu biết bí mật, nhưng Đức Chúa Trời là sự sáng, chứ không phải là sự bí mật âm u. Ngài chỉ ban sự sáng thiêng liêng cho những nhân-chứng trung thành của Ngài (Ma-thi-ơ 5:14-16; I Phi-e-rơ 2:9).
6. Nếu “làm theo lẽ thật”, chúng ta sẽ nhận được những ân phước nào?
6 Nếu chúng ta nói mình “giao-thông” với Đức Chúa Trời nhưng “còn đi trong sự tối-tăm” sống trong tội lỗi, thì “chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật”, không sống phù hợp với lẽ thật. Nhưng nếu chúng ta theo đuổi đường lối phù hợp với lẽ thật, chúng ta ở trong sự sáng giống như Đức Chúa Trời. Chúng ta có “giao-thông” với anh em tín đồ đấng Christ; hết thảy đều đoàn kết trên bình diện giáo lý, quan điểm thiêng liêng, công việc đào tạo môn đồ và những khía cạnh khác của sự thờ phượng thật.
7. Tại sao huyết của Giê-su có thể “tẩy sạch mọi tội lỗi của chúng ta”?
7 Khác với những kẻ bội đạo sống vào thế kỷ thứ nhất, chúng ta “bước đi trong sự sáng” và nhìn nhận tội lỗi là ô uế. Máu của Giê-su “tẩy sạch mọi tội lỗi của chúng ta” vì chúng ta không cố ý làm tội (Ma-thi-ơ 12:31, 32). Quả chúng ta biết ơn biết bao vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra thương xót ngay cả đối với những tín đồ đã lầm lỗi nhưng ăn năn (Thi-thiên 103:8-14; Mi-chê 7:18, 19).
Căn bản cho sự chuộc tội
8, 9. a) Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ chúng ta dựa trên căn bản nào? b) Những kẻ bội đạo nói gì về tội lỗi, và tại sao chúng sai lầm?
8 Đoạn Giăng nêu ra căn bản cho sự tẩy sạch tội lỗi. (Đọc I Giăng 1:8 đến 2:2). Nếu chúng ta nói: “Mình không có tội chi hết” thì chúng ta từ chối việc hết thảy nhân loại bất toàn là người tội lỗi và “lẽ thật không ở trong chúng ta” (Rô-ma 5:12). Nhưng Đức Chúa Trời “thành-tín” và tha thứ chúng ta “nếu chúng ta xưng tội mình” với Ngài với một tâm trạng ăn năn khiến chúng ta từ bỏ việc làm xấu (Châm-ngôn 28:13). Đức Chúa Trời nói về những người ở trong giao ước mới: “Ta sẽ chẳng nhớ tội chúng nó nữa” (Giê-rê-mi 31:31-34; Hê-bơ-rơ 8:7-12). Khi Ngài tha thứ họ Ngài tỏ ra thành tín đối với lời hứa đó.
9 Hơn nữa, Đức Chúa Trời là “công-bình”, lúc nào cũng đi đúng với những tiêu chuẩn công bình của Ngài. Ngài đã làm thỏa mãn công lý qua giá chuộc và có thể “tha thứ những tội lỗi của chúng ta và tẩy sạch hết những điều bất chính của chúng ta” nếu chúng ta xưng tội mình với lòng tin nơi của-lễ của Giê-su (Hê-bơ-rơ 9:11-15). Qua sự chết của ngài đấng Mê-si đã cất đi tội lỗi, giống như khi xưa con dê đực gánh đầy tội lỗi đã bị đuổi đi thả vào đồng vắng trong ngày Chuộc tội (Lê-vi Ký 16:20-22; Ê-sai 53:5, 8, 11, 12; I Phi-e-rơ 2:24). Một số những kẻ bội đạo nói: “Chúng tôi không có phạm tội”, như thế chúng “cho Đức Giê-hô-va là kẻ nói dối”. Nhưng “Đức Chúa Trời không thể nói dối”, và Lời của Ngài cho thấy tất cả những người bất toàn đều có tội (Tít 1:2; Truyền đạo 7:20; Rô-ma 3:23). Như vậy, nói rằng “mình không có tội chi hết” cũng đồng nghĩa là lời Đức Chúa Trời không có “ở trong chúng ta”, không ở trong lòng chúng ta! (So sánh Hê-bơ-rơ 8:10).
10. Giê-su là “của-lễ chuộc tội” bằng cách nào?
10 Giăng viết “những điều nầy” về tội lỗi, sự tha tội, và sự tẩy uế hầu cho chúng ta không tái phạm tội lỗi. Những lời của ông hẳn phải thúc đẩy chúng ta cố gắng thật nhiều để khỏi phạm tội (I Cô-rinh-tô 15:34). Nếu chúng ta có phạm “tội” và ăn năn, chúng ta có “đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Giê-su Christ, tức là đấng công-bình”, biện hộ cho chúng ta cùng Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 7:26; so sánh Giăng 17:9, 15, 20). Giê-su là “của-lễ chuộc tội”. Sự chết của ngài đã thỏa mãn công lý và khiến cho Đức Chúa Trời có thể tỏ lòng thương xót và cất đi gánh nặng tội lỗi khỏi những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng và “cả thế-gian”, trong đó có “đám đông vô-số người” (Rô-ma 6:23; Ga-la-ti 6:16; Khải-huyền 7:4-14). Chúng ta cảm thấy biết ơn về của-lễ ấy làm sao!
Vâng phục Đức Chúa Trời và tỏ lòng yêu thương
11. Có bằng chứng nào cho chúng ta biết mình “ở trong” Đức Chúa Trời?
11 Để tiếp tục bước đi trong sự sáng của Đức Chúa Trời, chúng ta phải vâng phục Đức Giê-hô-va. (Đọc I Giăng 2:3-6). Chúng ta hiểu rằng chúng ta “biết” Đức Chúa Trời, hiểu biết về Ngài và các đức tính của Ngài, nếu “chúng ta giữ các điều-răn của Ngài”. Ai tự cho là biết Đức Giê-hô-va nhưng không vâng phục Ngài ấy “là người nói dối”. Ngược lại, “lòng kính-mến Đức Chúa Trời thật là trọn-vẹn”, hay đầy đủ, nếu chúng ta giữ lời Ngài. “Bởi đó”, tức bởi bằng chứng chúng ta vâng phục và yêu thương Đức Chúa Trời, chúng ta biết mình “ở trong Ngài”, tức kết hợp cùng Ngài. Và chúng ta có bổn phận làm theo Con Ngài, trong công việc đào tạo môn đồ, trong các liên lạc của chúng ta với người khác, v.v...
12. Tín đồ đấng Christ phải tuân theo “điều-răn cũ” nào, và tại sao điều răn ấy cũng “mới” nữa?
12 Lòng yêu mến giữa các anh em cũng cần yếu. (Đọc I Giăng 2:7, 8). Giăng viết một “điều-răn cũ” mà những người trung thành đã nhận được “từ lúc ban đầu”, từ lúc họ đã bắt đầu sống như tín đồ đấng Christ. Điều răn đó “cũ” bởi Giê-su đã ban điều răn ấy trước đó nhiều năm khi ngài nói các môn đồ ngài «phải yêu nhau; như ngài đã yêu họ thể nào, thì họ hãy yêu nhau thể ấy» (Giăng 13:34). Nhưng điều răn ấy cũng “mới” kêu gọi ta sẵn sàng hiến sự sống mình vì những anh em cùng đạo; bởi vậy nên sâu sắc hơn lòng yêu thương người lân cận như Luật pháp đòi hỏi (Lê-vi Ký 19:18; Giăng 15:12, 13). Vì tình yêu thương vị tha của chúng ta chứng tỏ chúng ta theo «điều-răn mới là điều chơn-thật trong Chúa và trong chúng ta, vì sự tối-tăm đã tan rồi, và sự sáng thật đã soi-sáng» trong chúng ta.
13. Theo I Giăng 2:9-11, ai “ở trong sự sáng”, và ai không “ở trong sự sáng”?
13 Nhưng ai thật sự “ở trong sự sáng”? (Đọc I Giăng 2:9-11). “Kẻ nào nói mình ở trong sự sáng, mà ghét anh em mình, thì còn ở trong sự tối-tăm” về thiêng liêng. Nhưng “ai yêu-mến anh em mình, thì ở trong sự sáng”, và “nơi người đó chẳng có điều chi gây cho vấp-phạm”. Chữ Hy-lạp được dùng ở đây gợi ra ý tưởng một cái bẫy dành cho thú vật và nói đến điều gì có thể sắp đưa người ta vào tội lỗi. Thật vậy, ai nói mình là tín đồ Đấng Christ nhưng lại ghét anh em mình thì “không biết mình đi đâu, vì bóng tối-tăm đã làm mù mắt người” (Ma-thi-ơ 13:13-15). Lời cảnh cáo này sẽ khiến chúng ta xa lánh sự tối tăm thiêng liêng bằng cách tránh để cho những khác biệt giữa cá nhân, những sự xuyên tạc của những kẻ bội đạo, hay bất cứ việc gì khác hủy phá lòng yêu thương của chúng ta đối với anh em mình hay không?
Căn bản để tin cậy
14. Ai là “các con-cái bá-mọn”, và ai là “các phụ-lão” được Giăng viết đến?
14 Kế đến Giăng bày tỏ niềm tin cậy nơi “các con-cái bé-mọn”, dường như ám chỉ toàn thể hội-thánh. (Đọc I Giăng 2:12-14). Tội lỗi của chúng ta đã “nhờ danh Chúa (đấng Christ) được tha cho”, vì sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời chỉ có thể thực hiện được qua Giê-su mà thôi (Công-vụ các Sứ-đồ 4:12). Những người được xức dầu “biết Đức Chúa Cha” vì Ngài đã nhận họ làm con nuôi bằng thánh linh của Ngài. Một số người là “phụ-lão”—có lẽ vì họ là những người tin đạo lớn tuổi hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn và tiến bộ nhiều về mặt thiêng liêng hơn. Họ biết Giê-su, đấng hiện hữu “từ lúc ban đầu” vì Đức Chúa Trời đã tạo ra Giê-su trước hết thảy mọi tạo vật khác.
15.a) Ai là những “kẻ trẻ tuổi” được Giăng viết đến và tại sao họ “đã thắng được ma-quỉ”? b) Hãy nêu một thí dụ cho thấy chúng ta có thể “thắng” Sa-tan ngày nay.
15 Những “kẻ trẻ tuổi” được Giăng đề cập đến có lẽ là những tín đồ trẻ tuổi hơn, có ít kinh nghiệm hơn. Họ “đã thắng được ma-quỉ”, Sa-tan, bằng cách không để cho “mưu-chước” của hắn lừa gạt (II Cô-rinh-tô 2:11). Thí dụ, ngày nay điều này có thể bao gồm những thứ phải tránh như những thú tiêu khiển ô uế, âm nhạc khêu gợi và sách báo dâm dục có thể ngấm ngầm làm suy giảm hiệu lực của các nguyên tắc đạo đấng Christ và đưa đến việc phạm tội tà dâm. Những “kẻ trẻ tuổi” đã thắng Sa-tan vì họ “mạnh-mẽ” về mặt thiêng liêng và “lời Đức Chúa Trời” ở trong họ. Mong rằng chúng ta cũng giống như họ trong việc chấp nhận những sự sắp đặt của Đức Chúa Trời về thiêng liêng, từ bỏ sự bội đạo và tiếp tục bước đi trong sự sáng của Đức Chúa Trời.
Một thứ tình yêu chúng ta phải tránh
16. Tình yêu nào chúng ta phải tránh, nhưng nếu chúng ta có những tư tưởng và mơ ước của thế gian, chúng ta thuộc hạng người nào?
16 Dù chúng ta là tín đồ lớn tuổi hay trẻ tuổi, có một thứ tình yêu mà chúng ta phải tránh. (Đọc I Giăng 2:15-17). Chúng ta “chớ yêu thế-gian, cũng đừng yêu các vật ở thế-gian nữa”. Trái lại, chúng ta cần phải giữ mình hầu cho sự thối nát của xã hội loài người bất công khỏi làm ô uế chúng ta và chúng ta không nên nhiễm “tinh thần” thế-gian, hay để cho khuynh hướng tội lỗi của nó xui khiến chúng ta hành động (Ê-phê-sô 2:1, 2; Gia-cơ 1:27). Nếu chúng ta có tư tưởng và ham muốn theo lối của thế gian, “sự kính-mến Đức Chúa Cha” chẳng ở trong chúng ta (Gia-cơ 4:4). Đó thật là điều mà chúng ta cần phải nghiền ngẫm kỹ lưỡng, phải không?
17. Tín đồ đấng Christ không được thỏa mãn những ham muốn nào của thế gian?
17 “Mọi sự trong thế-gian” đều không phát xuất từ Đức Chúa Trời. Một trong những sự đó là “sự mê-tham của xác-thịt”, có nghĩa muốn thỏa mãn những ham muốn của xác thịt và chìu theo những dục vọng của tội lỗi, như những dục vọng về tính dục vô luân (I Cô-rinh-tô 6:15-20; Ga-la-ti 5:19-21). Ta cũng cần phải tránh chìu theo “sự mê-tham của mắt”. Ê-va đã bị quyến rũ vì thấy trái cấm đẹp mắt, và Đa-vít vì cứ tiếp tục nhìn Bát-Sê-ba tắm nên sau đó phạm tội nặng (Sáng-thế Ký 3:6; II Sa-mu-ên 11:2-17). Vậy, để tiếp tục bước đi trong sự sáng của Đức Chúa Trời chúng ta phải tránh xa những thú tiêu khiển đồi trụy và những điều khác kích thích những ham muốn tội lỗi và làm cho lòng hư nát (Châm-ngôn 2:10-22; 4:20-27).
18. Tại sao “sự kiêu-ngạo” là vô ích, và điều đó sẽ không mang lại kết quả gì?
18 Một sự khác đến từ thế gian là “sự kiêu-ngạo”. Một người kiêu ngạo có thể khoe khoang tài sản, quần áo của y và những vật tương tự như vậy, tất cả đều có thể bị mất. “Sự kiêu-ngạo” của y có thể làm cho một số người trầm trồ khen ngợi và nịnh hót nhưng không thể mang lại ân phước của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 6:2, 5, 16, 19-21; Gia-cơ 4:16).
19. Điều gì sẽ xảy ra cho thế gian này, và điều đó phải có ảnh hưởng gì đối với chúng ta?
19 Hãy nhớ “thế-gian... qua đi” và sẽ bị hủy diệt (II Phi-e-rơ 3:6). Những ham muốn và mơ ước của thế gian sẽ bị tiêu tán theo nó, những kẻ yêu mến thế gian cũng vậy. Giăng nói: “Song ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời». Vậy chúng ta hãy tiếp tục nhắm về sự sống đời đời, “chừa-bỏ sự không tin-kính và tình-dục thế-gian”, và tiếp tục bước đi trong sự sáng của Đức Chúa Trời (Tít 2:11-14).
Đề phòng sự bội đạo
20. Những kẻ “chống lại đấng Christ” được gọi bằng gì, và sự xuất hiện của chúng chứng tỏ điều gì đã đến?
20 Sau đó Giăng cảnh cáo chống lại những kẻ địch lại đấng Christ. (Đọc I Giăng 2:18, 19). Ông nhắc nhở những anh em cùng đạo rằng họ đã nghe các sứ đồ nói “Kẻ địch lại đấng Christ phải đến”. Lúc đó “nhiều kẻ địch lại đấng Christ” hiện ra, chứng tỏ ấy là “giờ cuối-cùng”, tức là giai đoạn chót của thời kỳ các sứ đồ. Dù cho những kẻ “chống lại đấng Christ” họp lại nhóm người gọi là “Kẻ địch lại đấng Christ”, cũng có những cá nhân biệt lập địch lại đấng Christ, hô hào là thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng “vốn chẳng phải thuộc về chúng ta” và đã từ bỏ đạo thật của đấng Christ. Ngày nay chúng ta vui mừng vì những kẻ dường ấy tự ý bỏ đi hay bị trục xuất hầu cho hội-thánh khỏi bị tiêm nhiễm.
21. Tại sao những tín đồ được thánh linh thọ sanh “biết”, và họ biết “lẽ thật” nào?
21 Những tín đồ được xức dầu trung thành từ chối những tư tưởng bội đạo. Vì sự “xức dầu từ nơi Đấng thánh”, Đức Giê-hô-va, giúp họ hiểu Lời Ngài nên họ “đã biết mọi sự rồi”. (Đọc I Giăng 2:20, 21). Chắc chắn họ biết “lẽ thật” về Giê-su, dù cho các kẻ bội đạo có những tư tưởng sai lạc về ngài. Bởi lẽ “chẳng có sự dối-trá nào bởi lẽ thật mà ra”, tất cả những người yêu mến Đức Giê-hô-va từ chối những tư tưởng sai lầm ấy và những kẻ nào chủ trương những tư tưởng ấy.
22. Ông C. T. Russell đã làm gì khi một trong những người hợp tác vào lúc đầu với ông đã chối bỏ giá chuộc?
22 Sau hết, “ai là kẻ nói dối, há chẳng phải kẻ chối Đức Chúa Giê-su là đấng Christ (Ky-tô)”, đấng Được xức dầu của Đức Chúa Trời, hay sao? (Đọc I Giăng 2:22-25). Hễ “ai chối Con, thì cũng không có Cha” vậy! Cần lưu ý là hồi trước, khi một người hợp tác vào lúc đầu với học viên Kinh-thánh Charles T. Russell chối bỏ giá chuộc, ông Russell đã đoạn giao với y và bắt đầu xuất bản tạp chí này, luôn luôn tuyên bố lẽ thật về nguồn gốc của đấng Christ, vai trò làm đấng Mê-si của ngài và “của-lễ chuộc tội” đầy yêu thương của ngài.
23. Việc “xưng Con” có ảnh hưởng gì đối với liên lạc của chúng ta với Đức Chúa Trời, và đối với hy vọng của chúng ta?
23 Những kẻ bội đạo từ chối đấng Christ thì không thể là bạn của Đức Giê-hô-va (Giăng 5:23). Nhưng vì chúng ta công khai “xưng Con, thì cũng có Cha nữa”, bởi có liên lạc với Đức Chúa Trời, được Ngài chấp nhận (Ma-thi-ơ 10:32, 33). Những môn đồ trung thành của Giê-su vào thế kỷ thứ nhất cứ tiếp tục tin theo những điều họ đã nghe về Con Đức Chúa Trời “từ lúc ban đầu” khi họ trở thành tín đồ ngài. Và nếu trong lòng chúng ta có cùng lẽ thật đó, chúng ta sẽ “ở trong” Đức Chúa Trời và đấng Christ và sẽ nhận lãnh “lời hứa”, là sự sống đời đời (Giăng 17:3).
Được Giê-hô-va Đức Chúa Trời dạy dỗ
24. Ai được thánh linh “xức dầu”, và tại sao họ “không cần ai dạy cho hết”?
24 Để bước đi trong sự sáng của Đức Chúa Trời và khỏi bị những kẻ bội đạo lường gạt, chúng ta cần phải có sự hướng dẫn về thiêng liêng đầy đủ. (Đọc I Giăng 2:26-29). Những người đã được thánh linh thọ sanh, “chịu xức dầu” bởi thánh linh, biết Đức Chúa Trời và Con Ngài, và “không cần ai (một kẻ bội đạo nào) dạy cho hết”. Khi xức dầu họ bằng thánh linh, Đức Chúa Trời “dạy” những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng “đủ mọi việc” cần phải biết để thờ phượng Ngài cách hợp phép (Giăng 4:23, 24; 6:45). Là Nhân-chứng Giê-hô-va, chúng ta sung sướng nhận lãnh những chỉ thị thiêng liêng từ nơi Đức Chúa Trời qua lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 24:45-47).
25, 26.a) Tại sao những người được xức dầu có thể “đầy sự vững lòng”? b) “Làm theo sự công-bình” có nghĩa gì?
25 Giăng khuyến khích những người được xức dầu đã được dạy dỗ đầy đủ “hãy ở trong” Đức Chúa Trời. Những người “ở trong” Đức Giê-hô-va thì cũng hợp nhất với Con Ngài (Giăng 14:19-21). Sự hợp nhất đó cần thiết hầu cho, “nếu ngài hiện đến, chúng ta cũng đầy sự vững lòng, không bị hổ-thẹn và quăng xa khỏi ngài trong kỳ ngài ngự đến”, tức trong thời kỳ hiện diện của ngài.
26 Vì giờ đây chúng ta đang sống trong thời kỳ “hiện diện” của Giê-su, làm sao chúng ta có thể biết chắc không có điều gì hổ thẹn và thật sự bước đi trong sự sáng của Đức Chúa Trời? Bằng cách “làm theo sự công-bình”. Giăng lý luận: «Nếu chúng ta biết Ngài là công-bình, thì hãy biết rằng người nào làm theo sự công-bình, ấy là kẻ bởi Ngài mà sanh ra». “Làm theo sự công-bình” có nghĩa là vâng theo những điều răn của Đức Chúa Trời, tránh sự bất hợp pháp và tham gia trong những việc tốt lành như đào tạo môn đồ và giúp đỡ những anh em cùng đạo (Mác 13:10; Phi-líp 4:14-19; I Ti-mô-thê 6:17, 18). “Bởi Đức Chúa Trời mà sanh ra” có nghĩa là được “sanh lại” thành con thiêng liêng của Ngài (Giăng 3:3-8).
27. Kế đến sứ đồ Giăng sẽ giải thích điều gì?
27 Như thế Giăng đã chỉ cho thấy phải bước đi trong sự sáng của Đức Chúa Trời ra sao. Kế đến ông giải thích phải sống như con cái của Đức Chúa Trời như thế nào. Việc sống như con cái của Đức Chúa Trời đòi hỏi gì?
Bạn trả lời ra sao?
◻ Sứ đồ Giăng đã chứng tỏ Con Đức Chúa Trời đã từng sống, chịu khổ và chịu chết với tư cách là một con người như thế nào?
◻ Giê-su là “của-lễ chuộc tội” bằng cách nào?
◻ Tín đồ đấng Christ phải làm theo điều răn nào vừa “cũ” vừa “mới”?
◻ Điều gì sẽ xảy ra cho thế gian này, và điều này phải có ảnh hưởng gì với chúng ta là tín đồ đấng Christ?
◻ Làm sao những người được xức dầu có thể biết chắc họ đang bước đi trong sự sáng của Đức Chúa Trời?
[Câu nổi bật nơi trang 10]
Bạn có quí trọng sự hy sinh của Giê-su không?