Bình an cho những người được Đức Giê-hô-va dạy dỗ
“Hết thảy con-cái ngươi sẽ được Đức Giê-hô-va dạy-dỗ, và sự bình-an của con-cái ngươi sẽ lớn” (Ê-SAI 54:13).
1, 2. Sự vui hưởng bình an tùy thuộc nơi điều gì?
Bình an! Thật là một điều đáng ước ao thay! Nhưng lịch sử cho thấy nhân loại không có bình an. Tại sao thế?
2 Muốn vui hưởng sự bình an phải cần tới sự kính trọng uy quyền. Và ai là Đấng có uy quyền cao nhất trong vũ trụ? Chính là Đấng Tạo hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Do đó, một sự liên lạc tốt với Ngài là tối cần thiết cho sự bình an (Thi-thiên 29:11; 119:165). Nếu sự liên lạc quan trọng nhất đó đổ vỡ, thì không thể có bình an với Đức Chúa Trời, với người đồng loại và với chính bản thân mình (Ê-sai 57:21).
Tại sao thế gian không có bình an?
3. Sự liên lạc giữa loài người và Đức Chúa Trời đã bị phá hoại thế nào?
3 Như chúng ta biết rõ, chẳng bao lâu sau khi loài người được tạo ra, một con thần linh của Đức Chúa Trời đã nổi loạn chống lại Ngài. Nổi loạn đưa đến tình trạng chiến tranh. Kẻ phá hoại hòa bình đó là Sa-tan Ma-quỉ, đã xúi giục Ê-va chớ nên để luật pháp Đức Chúa Trời ngăn cản nàng làm điều gì nếu nàng cảm thấy điều đó có lợi cho nàng. Ma-quỉ đã bóp méo sự thật làm cho nàng nghĩ là nếu vâng lời Đức Chúa Trời sẽ bị mất đi điều gì tốt đẹp lắm. Sự quyến dụ đó là gợi đến lòng ích kỷ, muốn theo thái độ “ta trước hết”. Sau đó chồng nàng hợp với nàng trong hành vi bất pháp, kết quả là tất cả con cháu của họ bị nhiễm theo tinh thần đó (Sáng-thế Ký 3:1-6, 23, 24; Rô-ma 5:12).
4, 5. a) Sa-tan thành công trong việc ảnh hưởng đến tư tưởng của nhân loại đến độ nào? b) Điều này đã có ảnh hưởng gì trên các cố gắng của loài người trong việc đem lại hòa bình?
4 Không phải chỉ một phần nhỏ nhân loại bất kể luật pháp của Đức Chúa Trời. Kinh-thánh nói cho chúng ta biết Sa-tan “dỗ-dành cả thiên-hạ” (Khải-huyền 12:9). Một số người trắng trợn khinh thường luật pháp bất kể hoàn toàn tới Đức Chúa Trời và người đồng loại, còn một số khác thì đỡ hơn. Nhưng Sa-tan đã thành công trong việc ảnh hưởng đến tư tưởng của nhân loại đến nỗi sứ đồ Giăng có thể nói: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” (I Giăng 5:19). Dù người ta tin là Sa-tan có thật hay không đi nữa, họ làm theo ý muốn của hắn. Họ vâng lời hắn, vì vậy hắn là chúa của họ. Kết quả là nhân loại bị tách biệt khỏi Đức Chúa Trời, thù nghịch với Ngài. Trong một môi trường như vậy có gì ngạc nhiên chăng khi những cố gắng nhằm đem lại hòa bình của con người đều đã thất bại? (Cô-lô-se 1:21).
5 Tuy nhiên, có một số người càng ngày càng tăng nhiều thuộc mọi nước đang hưởng sự bình an đến từ Đức Chúa Trời. Làm sao điều này xảy ra được?
Đức Chúa Trời ban cho sự bình an đầy thỏa nguyện
6. a) Kinh-thánh nhấn mạnh gì về hòa bình? b) Chúng ta có thể hưởng được sự bình an của Đức Chúa Trời qua ai?
6 Nơi Rô-ma 15:33 Đức Giê-hô-va được miêu tả một cách thích hợp là “Đức Chúa Trời bình-an”. Từ lúc ban đầu, ý định của Ngài là cho tất cả tạo vật được vui hưởng hòa bình. Lời được soi dẫn của Ngài là Kinh-thánh nói đến sự bình an hơn 300 lần. Kinh-thánh cũng nói rõ Giê-su Christ là “Chúa Bình-an” (Ê-sai 9:5, 6). Ngài được bổ nhiệm bởi Đức Chúa Trời để hủy phá các việc làm của kẻ phá hoại hòa bình Sa-tan Ma-quỉ (I Giăng 3:8). Và bởi “Chúa Bình-an” mỗi người chúng ta có thể vui hưởng sự bình an đầy thỏa nguyện mà Đức Chúa Trời ban cho.
7. a) Sự bình an do Đức Chúa Trời ban cho gồm có điều gì? b) Tại sao muốn có được sự bình an không phải đợi cho tới khi hệ thống cũ này qua đi và tới khi đạt được sự hoàn toàn?
7 Thật là một sự bình an tuyệt vời biết bao! Không chỉ là không có chiến tranh. Chữ Hê-bơ-rơ sha·lohmʹ, thường được dịch là “hòa bình” bao hàm sức khỏe, thịnh vượng và no ấm. Sự bình an của Đức Chúa Trời mà các tín đồ đấng Christ được vui hưởng thật rất đặc biệt vì không tùy thuộc nơi môi trường xung quanh. Điều này không có nghĩa là ngoại cảnh khó chịu không ảnh hưởng đến họ. Nhưng họ có được một sức mạnh nội tâm giúp họ tránh góp phần vào sự rối loạn bằng cách trả thù khi có gì đụng đến họ (Rô-ma 12:17, 18). Dù một người có thể bị bệnh về mặt thể xác hay có ít của cải, người đó vẫn có thể khỏe khoắn và phát đạt về phương diện thiêng liêng và như thế hưởng được sự bình an mà Đức Chúa Trời ban cho. Hiển nhiên, sự bình an mà những người như thế có được sẽ tăng thêm khi thế gian ích kỷ này qua đi, và sẽ được sâu thêm khi tất cả nhân loại đạt được sự hoàn toàn. Nhưng sự bình an mà Đức Chúa Trời ban cho ngày nay là một tình trạng yên tịnh của tâm trí, một trạng thái nội tâm bình tịnh bất kể những gì đang xảy ra bên ngoài (Thi-thiên 4:8). Trạng thái đó đến từ một sự liên lạc tốt với Đức Chúa Trời. Quả là một tài sản vô giá!
Con cái được Đức Giê-hô-va dạy dỗ
8. Ai là những người trước hết được hưởng sự bình an với Đức Chúa Trời qua Giê-su Christ?
8 Ai có được sự bình an như thế vì được Đức Giê-hô-va dạy dỗ và lắng nghe các điều răn của Ngài? Để trả lời Kinh-thánh hướng sự chú ý của chúng ta trước hết trên những người hợp thành dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng. Họ được nói đến trong Ga-la-ti 6:16 như sau: “Nguyền xin sự bình-an và sự thương-xót giáng trên hết thảy những kẻ noi theo mẫu-mực nầy, lại giáng trên dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời nữa!”. Đây là số 144.000 người đã được chọn bởi Đức Chúa Trời để sống trên trời với Giê-su Christ (Khải-huyền 14:1).
9. “Mẫu mực hạnh kiểm” nào liên quan tới việc Y-sơ-ra-ên thiêng liêng vui hưởng sự bình an?
9 Trở lại thế kỷ thứ nhất, những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng đã học lẽ thật căn bản, một “mẫu mực hạnh kiểm” có liên hệ trực tiếp đến việc họ vui hưởng hòa bình. Điều tối cần thiết là họ nắm vững được mẫu mực này. Trải qua hơn 15 thế kỷ, Đức Giê-hô-va đã dùng luật pháp Môi-se để cho thấy hình bóng của sự tốt lành sẽ đến. Nhưng sau sự chết hy sinh của Giê-su Christ, những đòi hỏi của Luật pháp Môi-se không còn ràng buộc nữa (Hê-bơ-rơ 10:1; Rô-ma 6:14). Điều này được biểu lộ qua quyết định của ủy ban lãnh đạo trung ương ở Giê-ru-sa-lem của tín đồ đấng Christ qua vấn đề cắt bì (Công-vụ các Sứ-đồ 15:5, 28, 29). Điều đó lại được nhấn mạnh lần nữa qua lá thư được soi dẫn viết cho người Ga-la-ti. Những sự tốt lành hình bóng qua Luật Môi-se đã được thể hiện. Đức Giê-hô-va đã kiên nhẫn đặt trong trí và lòng những môn đồ được xức dầu của đấng Christ sự quan trọng về lòng thương xót của Ngài qua đấng Christ. Bằng cách thực hành đức tin và sống phù hợp với sự cung cấp đó, họ có thể vui hưởng một loại bình an mà không bao giờ loài người tội lỗi có thể có trước đó (Ga-la-ti 3:24, 25; 6:16, 18).
10. a) Y-sơ-ra-ên thiêng liêng đã thấy được sự ứng nghiệm của lời hứa nào được ghi nơi Ê-sai 54:13? b) Việc Đức Giê-hô-va sửa trị họ đã là yếu tố cho sự vui hưởng bình an của họ thế nào?
10 Những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng đã thấy được sự ứng nghiệm của lời hứa quan trọng ghi trong Ê-sai 54:13. Ở đoạn này chính Đức Chúa Trời đã nói với tổ chức như vợ của Ngài gồm các tạo vật thiêng liêng trung thành: “Hết thảy con-cái ngươi sẽ được Đức Giê-hô-va dạy-dỗ, và sự bình-an của con-cái ngươi sẽ lớn”. Dĩ nhiên người con chính của tổ chức Ngài chính là Giê-su Christ, xuất hiện là đấng Mê-si khi ngài được xức dầu bằng thánh linh vào năm 29 tây lịch. Nhưng “người nữ” trên trời của Đức Giê-hô-va còn có nhiều con nữa—144.000 người khác trở thành phần phụ của dòng dõi được tiên tri trong Sáng-thế Ký 3:15. Đức Giê-hô-va đã hứa là Ngài sẽ là Đấng Dạy dỗ cao cả cho tất cả các con này. Ngài đã dạy họ lẽ thật về Ngài và ý định của Ngài. Ngài cho họ biết cách để phụng sự Ngài. Đôi khi Ngài đã phải sửa phạt họ. Điều này là cần thiết khi họ không làm theo lời Ngài. Sự sửa phạt có thể khó chịu nhưng họ phải khiêm nhường nhận biết là họ cần được sửa phạt và làm những thay đổi đường lối cần thiết rồi thì sự sửa phạt đó đem lại kết quả tốt là “bông-trái bình-an, công-bình” (Hê-bơ-rơ 12:7, 11; Thi-thiên 85:8).
“Một đám đông” được dạy dỗ trong đường lối của Đức Chúa Trời
11. a) Ngày nay, có những ai khác được Đức Giê-hô-va dạy dỗ? b) Họ chứng tỏ họ nghiệm đúng theo lời miêu tả nơi Ê-sai 2:2, 3 thế nào? Và điều đó có ảnh hưởng gì trên người khác?
11 Trong thời kỳ ngày nay, Y-sơ-ra-ên thiêng liêng không chỉ là nhóm duy nhất được Đức Giê-hô-va dạy dỗ. Từ nửa thế kỷ qua, những người khác cũng đã được chú ý đến. Ê-sai được soi dẫn để viết về những người đó trong đoạn 2, câu 2 và 3: “Sẽ xảy ra trong những ngày sau-rốt, núi của nhà Đức Giê-hô-va sẽ được lập vững trên đỉnh các núi, cao hơn các đồi. Mọi nước sẽ đổ về đó”. Đúng vậy, những người đi theo sự thờ phượng của Đức Chúa Trời thật duy nhất đã đặt điều đó lên chỗ cao cả nhất trong đời sống họ. Vì thế sự thờ phượng đó trổi cao hơn các sự thờ phượng khác mà khi trước họ đã theo và thế gian chung quanh họ vẫn còn đang theo. Các dân trong mọi nước nhận xét được điều này. Họ thấy rằng, bất kể những đòi hỏi của các nhà cầm quyền thế gian hay sự lan tràn trong thế gian của các thực hành trái với đạo đấng Christ, những người thờ phượng Đức Giê-hô-va đặt sự liên lạc với Ngài lên trên hết mọi sự. Người khác cũng xem thấy kết quả sanh ra trong đời sống của những người thờ phượng Đức Chúa Trời và nhiều người muốn tham gia vào sự thờ phượng thật. Như thế hơn ba triệu người hiện đang nói với các dân: “Hãy đến; chúng ta hãy lên núi Đức Giê-hô-va, nơi nhà Đức Chúa Trời của Gia-cốp: Ngài sẽ dạy chúng ta về đường-lối Ngài, chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài”. (Cũng xem Xa-cha-ri 8:23).
12. Những người được nói đến nơi Ê-sai 2:2, 3 có lợi ích gì khi có Đức Chúa Trời là Đấng Dạy dỗ? Và phần đặc biệt trong sự dạy dỗ họ nhận được là gì?
12 Hãy suy nghĩ điều này có nghĩa gì. Được chính Đức Chúa Trời dạy dỗ! Có nghĩa là những người nhận sự dạy dỗ và thật sự biết ơn sẽ không bị quấy nhiễu bởi những sự tương phản trong trí. Họ không bị dày xéo bởi hai quan niệm hay bị đặt trong tình thế khó xử về điều gì là đúng. Lẽ thật từ Lời Đức Chúa Trời rất là rõ ràng và trong suốt. Ê-sai 2:4 đã nói về điều gì sẽ là phần rất đặc biệt trong sự dạy dỗ mà họ nhận được? Điều đó quan hệ đến việc vui hưởng sự bình an trong một thế gian đầy xung đột. Vì thế, bất kể những người khác chọn làm gì, những người được Đức Giê-hô-va dạy dỗ cứ tự động trong việc lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm. Họ chẳng còn tập sự chiến tranh.
13. “Đám đông” đến từ đâu? Nhưng điều gì đã làm họ trở nên những người như ngày nay?
13 Đó cũng là nhóm người được Khải-huyền 7:9, 10, 14 mô tả như những người sống sót bước vô trái đất mới bình an của Đức Chúa Trời sau ngày “hoạn-nạn lớn”. “Đám đông” được sống sót này đến từ mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng. Nhiều người trong họ ngày trước thuộc vào các bè phái tranh chiến lẫn nhau. Một số thì trước kia chỉ đeo đuổi theo một đời sống hoàn toàn ích kỷ; tuy nhiên, điều này cũng làm cản trở khiến họ không được vui hưởng bình an. Nhưng bây giờ những người này đã ra từ mọi nước và trở thành một dân tộc yêu chuộng hòa bình, khuyến khích sự bình an. Và điều gì đã làm họ trở nên như thế? Họ đã được Đức Giê-hô-va dạy dỗ! (Ê-sai 11:9).
Một loại bình an độc nhất
14. Sự bình an của dân tộc Đức Giê-hô-va đặt căn bản trên điều gì? Và như vậy là thế nào?
14 Sự bình an mà Đức Giê-hô-va ban cho dân tộc Ngài thật là độc nhất. Đây không phải là kết quả có được khi một thỏa hiệp không vững chắc được ký kết giữa hai bên không tin cậy nhau. Sự bình an này không do thương lượng, nhưng căn cứ trên sự công bình (Ê-sai 32:17). Nhưng làm thế nào có sự bình an thật được với những người bất toàn? Là con người tội lỗi, chúng ta có được sự công bình nào chăng? Bởi đức tin chúng ta có thể được Ngài cho là công bình, do sắp đặt nhờ giá trị của-lễ hy sinh chuộc tội của Giê-su.
15. Vào thời Giê-su làm thánh chức trên đất, Đức Giê-hô-va dạy dỗ cho các con tương lai điều gì là cần thiết cho hòa bình?
15 Điều này giúp chúng ta hiểu rõ những lời của Giê-su ghi nơi Giăng 6:45-47. Ở đây ngài nói với những người Do-thái không xem ngài là đấng Mê-si và đang lằm bằm về ngài. Nhưng hướng về các môn đồ ngài nói: “Các sách tiên-tri [chính xác hơn, nơi Ê-sai 54:13] có chép rằng: Ai nấy đều sẽ được Đức Chúa Trời dạy-dỗ. Hễ ai nghe Cha và học theo Ngài thì đến cùng ta. Ấy chẳng phải kẻ nào đã từng thấy Cha, trừ ra đấng từ Đức Chúa Trời mà đến; đấng ấy đã thấy Cha. Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ ai tin thì được sự sống đời đời”. Những môn đồ đó đã chấp nhận sự dạy dỗ mà Đức Giê-hô-va đang ban cho họ. Họ đã đến với Giê-su. Trong khi những người khác bác bỏ những điều Giê-su dạy và bỏ mà đi, các môn đồ ở lại. Như Phi-e-rơ nói: “Chúng tôi đã tin, và nhận biết rằng Chúa là đấng Thánh của Đức Chúa Trời” (Giăng 6:69). Nhờ có đức tin nơi Giê-su Christ, họ có thể có được sự liên lạc hòa thuận với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, một mối liên lạc có kèm theo sự đảm bảo về sự sống đời đời.
16. a) Bắt đầu từ Lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch, các môn đồ của Giê-su được hưởng lợi ích gì do sự cung cấp qua đấng Christ? b) Sau đó, có gì đòi hỏi nơi họ?
16 Bắt đầu từ Lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch lợi ích của sự hy sinh của đấng Christ bắt đầu được áp dụng cho những môn đồ trung thành của ngài. Những gì Phao-lô viết sau này nơi Rô-ma 5:1 đã áp dụng đúng cho họ: “Vậy chúng ta đã được xưng công-bình bởi đức-tin, thì được hòa-thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta”. Tất cả những người này được sanh ra là con cháu của A-đam. Là người tội lỗi, họ xa cách với Đức Chúa Trời. Không có việc lành nào mà riêng cá nhân họ làm có thể xóa được sự di truyền của tội lỗi. Nhưng bởi sự thương xót, Đức Giê-hô-va đã nhận sự hy sinh mạng sống làm người hoàn toàn mà Giê-su đã dâng vì con cháu của A-đam. Thế nên những ai đặt đức tin nơi giá chuộc nay có thể được xưng công bình và được Đức Chúa Trời nhận làm con với triển vọng sống trên trời (Ê-phê-sô 1:5-7). Nhưng có điều gì đòi hỏi thêm về phần họ? Có, họ phải đi trong đường lối của Đức Giê-hô-va. Họ không được thực hành tội lỗi nữa. Nhưng họ nhận biết rằng bất cứ sự công bình nào họ có cũng là do lòng thương xót của Đức Chúa Trời biểu lộ qua đấng Christ. Như Kinh-thánh nói, họ «vui hưởng sự bình an trong Đức Chúa Trời qua Giê-su Christ».
17, 18. a) Những “chiên khác” có vui hưởng được sự bình an như thế với Đức Chúa Trời không? b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài tới?
17 Còn về những người mà Giê-su nói đến như “chiên khác” của ngài, thì sao? (Giăng 10:16). Họ có được vui hưởng sự bình an như thế với Đức Chúa Trời không? Không phải như con của Đức Chúa Trời, nhưng Cô-lô-se 1:19, 20 có bao gồm họ trong những người nhận lãnh được sự bình an của Đức Chúa Trời. Câu này nói rằng Đức Chúa Trời đã làm sự sắp đặt qua Giê-su “và bởi huyết ngài trên [cây khổ hình] thì [Giê-su] đã làm nên hòa-bình, khiến muôn vật dưới đất [tức là những người sẽ được đặc ân nhận lãnh sự sống đời đời trong địa-đàng trên đất] [và] trên trời đều nhờ ngài mà hòa-thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời”. Những người này với hy vọng sống trên đất được xưng công bình và vui hưởng bình an với Đức Chúa Trời ngay bây giờ, không phải như con mà như “bạn của Đức Chúa Trời”, như Áp-ra-ham khi xưa vậy. Quả là một địa vị đầy ân phước! (Gia-cơ 2:23).
18 Cá nhân bạn có vui hưởng sự bình an đó không? Bạn có đang hưởng thật đầy đủ sự bình an đó như có thể được cho loài người hiện sống trong thời kỳ đặc biệt nhất này của lịch sử không? Trong bài tiếp theo đây, chúng ta sẽ xem xét vài điều có thể giúp bạn thực hiện điều đó.
Câu hỏi ôn lại
◻ Tại sao thế gian không có sự bình an?
◻ Đức Chúa Trời ban cho sự bình an nào ngày nay?
◻ Ai có thể vui hưởng sự bình an đó?
◻ Tại sao sự công bình là một yếu tố tối cần trong sự bình an này?
[Hình nơi trang 12]
“Hễ ai đã nghe Cha và học theo Ngài thì đến cùng ta”