Đồng một lòng hầu việc Đức Giê-hô-va
“Bấy giờ ta sẽ ban môi-miếng [ngôn ngữ, NW] thanh sạch cho các dân, hầu cho chúng nó thảy đều kêu-cầu danh Đức Giê-hô-va, đặng một lòng [vai kề vai, NW] hầu việc Ngài” (SÔ-PHÔ-NI 3:9).
1, 2. a) Đức Giê-hô-va hiện đang làm ứng nghiệm lời tiên tri nào? b) Lời tiên tri này nêu lên những câu hỏi nào?
Giê-hô-va Đức Chúa Trời đang làm một điều mà nhân loại không bao giờ có thể hoàn thành. Có khoảng 3.000 ngôn ngữ được xử dụng trên thế giới đầy chia rẽ này, nhưng Đức Chúa Trời hiện đang làm ứng nghiệm lời tiên tri này: “Bấy giờ ta sẽ ban môi-miếng [ngôn ngữ, NW] thanh sạch cho các dân, hầu cho chúng nó thảy đều kêu-cầu danh Đức Giê-hô-va, đặng một lòng hầu việc [vai kề vai phụng sự, NW] Ngài” (Sô-phô-ni 3:9).
2 “Ngôn ngữ thanh sạch” này là gì? Ai nói được ngôn ngữ đó? Và «phụng sự Đức Chúa Trời vai kề vai» có nghĩa gì?
Họ nói “ngôn ngữ thanh sạch”
3. “Ngôn ngữ thanh sạch” là gì, và tại sao những người nói ngôn ngữ đó không bị chia rẽ?
3 Trong ngày lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch, thánh linh Đức Chúa Trời đã đổ trên môn đồ của Giê-su Christ, ban sức cho họ nói được các thứ tiếng mà họ chưa từng học biết. Điều này khiến họ có thể nói với những người có ngôn ngữ khác về “những sự cao-trọng của Đức Chúa Trời”. Như thế Đức Giê-hô-va bắt đầu đem những người thuộc mọi gốc dân vào sự hợp nhất (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-21, 37-42). Sau đó, khi những người dân ngoại tin theo Giê-su và trở thành môn đồ, các tôi tớ Đức Chúa Trời quả là một dân có nhiều ngôn ngữ và thuộc mọi chủng tộc. Tuy nhiên, họ không bao giờ bị tách biệt bởi các hàng rào ngăn cách của thế gian, bởi vì họ nói cùng một “ngôn ngữ thanh sạch”. Đây là ngôn ngữ của lẽ thật mà Kinh-thánh đã báo trước nơi Sô-phô-ni 3:9 (Ê-phê-sô 4:25). Những người nói “ngôn ngữ thanh sạch” không bị chia rẽ nhưng “đồng một tiếng nói với nhau”, được “hiệp một ý một lòng cùng nhau” (I Cô-rinh-tô 1:10).
4. Sô-phô-ni 3:9 chỉ thế nào đến sự hợp tác giữa nhiều người có tiếng nói và màu da khác nhau ngày nay, và điều này có được ở đâu?
4 “Ngôn ngữ thanh sạch” có thể giúp những người thuộc mọi nước và mọi chủng tộc phụng sự Đức Giê-hô-va “vai kề vai”, theo nghĩa đen là «cùng một vai». Họ sẽ “đồng tâm” phụng sự Đức Chúa Trời (Bản dịch Trần Đức Huân); hoặc “chen vai thích cánh” (Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn; “cùng chung một nỗ lực”, theo phụ chú bên dưới). Một bản dịch khác bằng Anh-ngữ viết là: “Rồi ta sẽ làm cho môi mọi dân tộc được thanh sạch để tất cả họ có thể kêu cầu danh Đức Giê-hô-va và hợp tác trong việc thờ phượng Ngài” (Byington). Sự hợp tác giữa những người nói nhiều thứ tiếng và thuộc nhiều màu da khác nhau thể ấy trong việc phụng sự Đức Chúa Trời chỉ có được giữa Nhân-chứng Giê-hô-va mà thôi.
5. Nhân-chứng Giê-hô-va có thể dùng bất cứ thứ tiếng nào của loài người để làm gì?
5 Vì tất cả Nhân-chứng Giê-hô-va nói “ngôn ngữ thanh sạch” của lẽ thật trong Kinh-thánh, họ có thể dùng bất cứ thứ tiếng nào của loài người trong việc cao cả nhất—đó là ca ngợi Đức Chúa Trời và tuyên bố tin mừng về Nước Trời (Mác 13:10; Tít 2:7, 8; Hê-bơ-rơ 13:15). “Ngôn ngữ thanh sạch” thật là tuyệt đẹp vì vậy mà có thể làm cho những người từ mọi gốc dân có được cùng một lòng để phụng sự Đức Giê-hô-va!
6. Đức Giê-hô-va xem người ta như thế nào, nhưng làm gì sẽ được lợi ích nếu có một chút thiên vị nào còn sót lại trong lòng của một tín đồ nào đó?
6 Khi Phi-e-rơ làm chứng cho Cọt-nây và những người dân ngoại khác, ông nói: “Ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai (không thiên vị, NW), nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:34, 35). Trong nhiều bản dịch khác nhau, câu này được dịch là Đức Giê-hô-va “không hề tây vị” (Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn); “chẳng thiên tư ai” (Bản dịch Trần Đức Huân). Là tôi tớ Đức Giê-hô-va, chúng ta nên coi mọi người thuộc mọi giống dân như Ngài xem họ vậy. Nhưng nếu một tín đồ nào đó còn có phần nào sự thiên vị trong lòng thì sao? Vậy sẽ có lợi ích khi xem xét sự kiện Đức Chúa Trời không thiên vị đối xử thế nào với mọi tôi tớ Ngài thuộc mọi nước, mọi bộ lạc, mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ. (Cũng xem Awake! số ra ngày 8-11-1984, trang 3-11).
Họ đáng được ao ước
7. Về sự liên lạc với Đức Chúa Trời, làm sao không có sự khác biệt nào giữa một người tín đồ này với một tín đồ khác dù thuộc một nước hay chủng tộc khác nhau?
7 Nếu bạn là một nhân-chứng của Đức Giê-hô-va đã làm báp têm rồi, chắc hẳn thời trước bạn cũng đã “than-thở khóc-lóc về những sự đáng gớm-ghiếc” đang xảy ra trong hệ thống ác này (Ê-xê-chi-ên 9:4). Bạn đã “chết vì lầm-lỗi và tội-ác mình”, nhưng Đức Chúa Trời đã thương xót lôi kéo bạn đến với Ngài qua Giê-su Christ (Ê-phê-sô 2:1-5; Giăng 6:44). Về phương diện này bạn không khác với những người khác hiện đang có cùng đức tin với bạn. Họ cũng đã chịu khổ vì sự gian ác, đã “chết vì lầm-lỗi và tội-ác mình” và đã được Đức Chúa Trời rủ lòng thương xót qua Giê-su Christ. Và bất kể chúng ta thuộc chủng tộc hay quốc tịch nào, chỉ nhờ đức tin mà mỗi người chúng ta hiện có được một vị thế với Giê-hô-va Đức Chúa Trời với tư cách là các nhân-chứng của Ngài (Rô-ma 11:20).
8. A-ghê 2:7 hiện đang được ứng nghiệm thế nào?
8 Lời tiên tri nơi A-ghê 2:7 giúp chúng ta thấy chúng ta nên đối xử thế nào với những anh em cùng đức tin nhưng khác quốc tịch. Nơi đó Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Ta cũng làm rúng-động hết thảy các nước, và những sự [đáng] ao-ước của các nước hầu đến; rồi ta sẽ làm cho vinh-quang đầy-dẫy nhà nầy”. Lời báo trước về sự nâng cao của tôn giáo trong sạch đang xảy ra nơi đền thờ thật của Đức Chúa Trời, lãnh vực của sự thờ phượng Ngài (Giăng 4:23, 24). Nhưng, “những sự [đáng] ao-ước của các nước” là gì? Họ là hằng ngàn người yêu sự công bình đang đáp ứng công việc rao giảng về Nước Trời. Ra từ mọi nước và chủng tộc, họ đang đổ đến “núi của nhà Đức Giê-hô-va”, trở nên các nhân-chứng của Ngài đã làm báp têm và trở thành một phần của “đám đông” quốc tế (Ê-sai 2:2-4; Khải-huyền 7:9). Những người khen ngợi Đức Giê-hô-va là một phần của tổ chức trên đất của Ngài phải là những người thanh sạch, đạo đức, tin kính—quả là những sự đáng ao ước nhất. Chắc chắn, mỗi người tín đồ thật nên muốn bày tỏ tình yêu thương anh em cho tất cả những người đáng ao ước này được chấp nhận bởi Cha chung của chúng ta ở trên trời.
Họ có nhân cách mới
9. Ngay dù trong quá khứ chúng ta không nghĩ tốt về người ngoại quốc, tại sao bây giờ là tín đồ đấng Christ, mọi sự nên đổi khác?
9 Anh chị em thiêng liêng của chúng ta trên trái đất cũng đáng được ao ước vì họ đã nghe theo lời khuyên “hãy từ bỏ nhân cách cũ cùng công việc nó, mà mặc lấy nhân cách mới đang đổi mới theo hình tượng Đấng dựng nên nhân cách ấy, đặng đạt đến sự hiểu biết trọn vẹn. Tại đây không còn phân biệt người Hy-lạp hoặc người Giu-đa, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, ngoại kiều hoặc dân mọi, kẻ nô lệ, người tự do, nhưng đấng Christ là mọi sự và trong mọi người” (Cô-lô-se 3:9-11, NW). Nếu một người ngày trước không nghĩ tốt về dân Do-thái, dân Hy-lạp hoặc dân xa lạ với mình, mà bây giờ người đó đã trở thành tín đồ đấng Christ thì mọi sự phải khác. Bất kể đến chủng tộc, quốc tịch, hay văn hóa, những người có “nhân cách mới” vun trồng và bày tỏ bông trái của thánh linh—“lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, đức tin, mềm mại, tự chủ” (Ga-la-ti 5:22, 23, NW). Điều này làm cho họ được mến chuộng bởi những người cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va.
10. Nếu chúng ta bị cám dỗ mà nói những lời không tốt về người cùng đức tin thuộc bất cứ chủng tộc hay nước nào, Tít 1:5-12 có thể giúp chúng ta ra sao?
10 Khác với tôi tớ Đức Giê-hô-va, nhiều người thế gian thường gièm pha, chê bai những người thuộc giống dân khác với họ. Thật vậy, ngay cả một tiên tri người Cơ-rết đã nói về chính dân ông: “Người Cơ-rết hay nói dối, là thú dữ, ham ăn mà làm biếng”! Sứ đồ Phao-lô đã nhắc đến lời đó khi ông thấy cần bịt miệng các giáo sư giả giữa tín đồ đấng Christ trên đảo Cơ-rết. Nhưng chắc chắn Phao-lô không nói: «Tất cả tín đồ đấng Christ trên đảo Cơ-rết nói dối, là thú dữ, lười biếng và ham ăn» (Tít 1:5-12). Không, vì tín đồ đấng Christ không coi rẻ người khác. Hơn nữa, đa số các tín đồ đấng Christ ở Cơ-rết đã phải “mặc lấy nhân cách mới” và vài người đã hội đủ điều kiện thiêng liêng để được bổ nhiệm làm trưởng lão. Điều này đáng để suy nghĩ nếu chúng ta có bao giờ bị cám dỗ mà nói những lời không tốt gộp chung hết anh chị em thiêng liêng của chúng ta thuộc chủng tộc hay quốc tịch nào khác.
Xem người khác trọng hơn mình
11. Nếu có sự thiên vị nào còn ở trong lòng một người tín đồ đấng Christ, người đó có thể làm gì?
11 Mặt khác, nếu một tín đồ đấng Christ có sự thiên vị về một chủng tộc hay một nước nào thì người đó có lẽ qua lời nói hay hành động sẽ để lộ điều này ra. Do đó, điều này sẽ gây ra những cảm giác tai hại, nhất là trong một hội-thánh có những người thuộc các gốc dân khác nhau. Chắc chắn không tín đồ nào muốn làm sứt mẻ sự hợp nhất của dân tộc Đức Chúa Trời (Thi-thiên 133:1-3). Vậy nếu có sự thiên vị nào còn tồn tại trong lòng của một tín đồ đấng Christ, người đó có thể cầu nguyện: “Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra-xét tôi, và biết lòng tôi; hãy thử-thách tôi, và biết tư-tưởng tôi; xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, xin dắt tôi vào con đường đời đời” (Thi-thiên 139:23, 24).
12. Tại sao chúng ta không nên khoe mình và người khác thuộc chủng tộc của chúng ta?
12 Nên có quan điểm thực tế là tất cả chúng ta đều là những người bất toàn không thể có vị thế nào cả trước mặt Đức Chúa Trời nếu không nhờ sự hy sinh của Giê-su Christ (I Giăng 1:8 đến 2:2). Vậy thì điều gì làm chúng ta khác với những người khác? Vì tất cả những điều chúng ta có là do chúng ta đã được ban cho, vậy tại sao chúng ta lại khoe mình hay khoe về người khác thuộc chủng tộc của chúng ta? (So sánh I Cô-rinh-tô 4:6, 7).
13. Chúng ta có thể góp phần thế nào vào sự hợp nhất của hội-thánh, và chúng ta học được gì nơi Phi-líp 2:1-11?
13 Chúng ta có thể góp phần vào sự hợp nhất của hội-thánh nếu chúng ta nhận biết và quí trọng các đức tính tốt của người khác. Sứ đồ Phao-lô người Do-thái làm tất cả chúng ta phải suy nghĩ khi ông nói với những người dân ngoại ở thành Phi-líp: “Anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu-thương, đồng tâm, đồng tư-tưởng mà làm cho tôi vui-mừng trọn-vẹn. Chớ làm sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh, nhưng hãy khiêm-nhường, coi người khác như tôn-trọng hơn mình”. Thái độ đúng mà chúng ta nên bày tỏ với người thuộc mọi chủng tộc và quốc tịch là theo gương của Giê-su. Mặc dù ngài là một thiên sứ quyền năng, ngài “trở nên giống như loài người” và hạ mình xuống đến độ chết trên cây khổ hình vì nhân loại tội lỗi thuộc mọi chủng tộc và mọi nước (Phi-líp 2:1-11). Vậy chúng ta là môn đồ của Giê-su, há chẳng nên yêu thương, khiêm nhường, thông cảm, coi người khác đáng trọng hơn mình, hay sao?
Lắng nghe và quan sát
14. Chúng ta được giúp thế nào để xem người khác trọng hơn chúng ta?
14 Chúng ta có thể được giúp để coi người khác đáng trọng hơn mình, nếu chúng ta thật sự lắng nghe khi họ nói và cẩn thận quan sát hạnh kiểm của họ. Thí dụ, chúng ta có thể thành thật công nhận là một anh trưởng lão—có lẽ thuộc một chủng tộc khác—có khả năng hơn chúng ta về việc đưa lời khuyên bảo có hiệu quả trong Trường học Chức vụ Thần quyền. Chúng ta có thể nhận định rằng chính tình trạng thiêng liêng của anh, chứ không nhất thiết cách phát âm hay cách nói của anh, giúp anh có kết quả tốt trong việc giúp người cùng đức tin trở nên những người rao giảng thành thạo về Nước Trời. Rõ ràng là Đức Giê-hô-va ban ơn cho sự cố gắng của anh.
15. Chúng ta có thể chú ý điều gì khi nghe những lời nói của các anh em cùng thờ phượng?
15 Khi chúng ta nói chuyện với những anh chị em hay nghe họ bình luận ở các buổi nhóm họp, chúng ta có thể nhận thức là có một số người hiểu rõ những lẽ thật trong ít câu Kinh-thánh nào đó hơn chúng ta. Chúng ta có thể nhận định rằng tình yêu thương anh em của họ hiện ra mạnh hơn, họ dường như có nhiều đức tin hơn hay là họ chứng tỏ có sự tin cậy nhiều hơn nơi Đức Giê-hô-va. Vậy dù họ có cùng chủng tộc với chúng ta hay không, họ đã khuyên giục chúng ta về lòng yêu thương và việc tốt lành, giúp làm vững mạnh đức tin của chúng ta và thúc đẩy chúng ta tin cậy trọn vẹn hơn nơi Cha trên trời (Châm-ngôn 3:5, 6; Hê-bơ-rơ 10:24, 25, 39). Đức Giê-hô-va rõ ràng đã đến gần họ, vậy chúng ta cũng nên đến gần họ. (So sánh Gia-cơ 4:8).
Được ban phước và chăm sóc
16, 17. Hãy cho thí dụ điển hình về sự kiện Đức Giê-hô-va không thiên vị trong việc ban ơn cho tôi tớ Ngài thuộc bất cứ quốc tịch hay chủng tộc nào.
16 Đức Giê-hô-va không thiên vị trong việc ban phước cho tôi tớ Ngài thuộc bất cứ quốc tịch hay chủng tộc nào. Thí dụ, hãy xem xét nước Ba-tây. Khoảng năm 1920, những người Ba-tây mới bắt đầu nghe thông điệp Nước Trời, không phải do các giáo sĩ người ngoại quốc mà do miệng của 8 người thủy thủ Ba-tây. Đức Chúa Trời hiển nhiên đã ban ơn vì đến năm công tác 1988 xứ Ba-tây đã có số cao nhất là 245.610 người tuyên bố về Nước Trời với dân số là 144.000.000 người, một tỉ lệ là một người tuyên bố cho mỗi 586 người dân.
17 Hãy xem một thí dụ khác về ân phước của Đức Chúa Trời. Tháng 4 năm 1923 có hai nhân-chứng da đen của Đức Giê-hô-va người đảo Trinidad thuộc vùng Ca-ríp được gởi đi rao giảng thông điệp Nước Trời ở Tây Phi. Vì thế mà anh chị W. R. Brown phụng sự ở đó nhiều năm, anh được đặt cho biệt hiệu là “Brown Kinh-thánh”. Họ đã “trồng” và “Đức Chúa Trời làm cho lớn lên” trong khi những người khác cũng làm việc trong vùng rộng lớn đó (I Cô-rinh-tô 3:5-9). Ngày nay, số người tuyên bố về Nước Trời đã lên đến hơn 34.500 ở xứ Ghana và hơn 134.500 người ở riêng xứ Ni-giê-ri.
18, 19. Hãy cho thí dụ về cách thức thế nào Đức Chúa Trời không thiên vị của chúng ta đã chăm sóc cho các tôi tớ Ngài thuộc mọi chủng tộc và mọi nước được vững mạnh.
18 Đức Giê-hô-va không những ban ơn cho các tôi tớ Ngài trong mọi nước và mọi chủng tộc mà còn chăm sóc cho họ được vững mạnh. Thí dụ, hãy xem trường hợp của hai nhân-chứng Giê-hô-va người Nhựt. Ngày 21-6-1939 anh Katsuo Miura và vợ bị bắt vô cớ, bị bỏ tù và bị tách rời khỏi đứa con trai mới lên năm tuổi, đã phải nhờ bà nội nó nuôi hộ. Chị Miura được thả ra tám tháng sau, nhưng anh Miura bị giam đến hơn hai năm rồi mới được đưa ra tòa. Anh bị bạc đãi, bị kết án có tội và lãnh án 5 năm tù. Trong tù ở Quảng-đảo (Hiroshima), Đức Chúa Trời giữ cho anh vững mạnh qua Kinh-thánh, nhờ đó mà anh được an ủi và có sức. Hình như nhờ có phép lạ mà anh Miura được sống sót khi quả bom nguyên tử nổ tung, giật sập nhà tù ngày 6-8-1945. Hai tháng sau, anh đã được đoàn tụ với vợ con ở miền Bắc nước Nhựt.
19 Trong Thế Chiến thứ II, Nhân-chứng Giê-hô-va đã trải qua sự bắt bớ cam go tại nhiều xứ. Thí dụ, anh Robert A. Winkler người Đức đã bị khổ sở trong nhiều trại tập trung Đức Quốc xã ở Đức và Hòa-lan. Vì không muốn phản bội các anh em Nhân-chứng khác, anh đã bị đánh đập tàn nhẫn đến độ không ai nhìn ra anh nổi. Nhưng anh viết: “Nghĩ về lời của Đức Giê-hô-va hứa giúp một người trong mọi hoàn cảnh khổ sở đã cho tôi có được sự an ủi và sức mạnh để chịu đựng mọi sự này... Ngày Thứ Bảy, tôi đã bị lính mật vụ Gestapo đánh, và ngày Thứ Hai sau đó tôi đã bị họ tra gạn một lần nữa. Nhưng bây giờ điều gì sẽ xảy ra và tôi phải làm gì? Tôi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, tin cậy nơi các lời hứa của Ngài. Tôi biết điều này có nghĩa là dùng chiến lược của chiến tranh thần quyền vì quyền lợi Nước Trời và nhằm che chở anh em tín đồ. Thật là một sự thử thách lớn mà tôi phải chịu đựng, và ngày thứ 17 tôi đã hoàn toàn kiệt sức, nhưng tôi cám ơn Đức Giê-hô-va vì nhờ sức mạnh Ngài mà tôi đã có thể chịu đựng được sự thử thách này và giữ lòng trung kiên của tôi” (Thi-thiên 18:35; 55:22; 94:18).
Biết ơn về các anh em
20. Lòng quí trọng của chúng ta đối với những người cùng đức tin thuộc mọi chủng tộc và mọi nước có thể gia tăng thế nào?
20 Chắc chắn Đức Giê-hô-va ban ơn và chăm sóc cho các nhân-chứng của Ngài thuộc mọi nước và chủng tộc được vững mạnh. Ngài không thiên vị, và vì là tôi tớ sốt sắng của Ngài, chúng ta không có cớ hay lý do nào để tỏ sự thiên vị. Hơn nữa, sự quí trọng đối với anh chị em chúng ta thuộc mọi chủng tộc và mọi nước sẽ gia tăng nếu chúng ta xem xét những khía cạnh mà họ đáng trọng hơn chúng ta. Họ cũng áp dụng sự khôn sáng từ trên trời là sự khôn sáng không thiên vị ai, nhưng đem lại bông trái tuyệt hảo (Gia-cơ 3:13-16). Đúng, lòng tử tế, rộng lượng, yêu thương và các đức tính khác của họ cung cấp cho chúng ta những gương mẫu tốt.
21. Chúng ta nên nhất quyết làm gì?
21 Vậy, chúng ta thật nên biết ơn vì chúng ta có các anh chị em thiêng liêng của chúng ta thuộc mọi nước! Với sự giúp đỡ và ban ơn của Cha trên trời chúng ta hãy “phụng sự Ngài vai kề vai” trong tình yêu thương anh em và quí trọng lẫn nhau. Quả thật đó là ý muốn chân thành và lòng cương quyết của chúng ta để đồng một lòng hầu việc Đức Giê-hô-va.
Bạn bình luận thế nào?
◻ “Ngôn ngữ thanh sạch” giúp tôi tớ Đức Giê-hô-va thuộc mọi chủng tộc làm được gì?
◻ A-ghê 2:7 hiện đang được ứng nghiệm thế nào, và điều này ảnh hưởng ra sao đến quan điểm của chúng ta đối với các tôi tớ khác của Đức Chúa Trời?
◻ Phi-líp 2:3 ảnh hưởng thế nào đến sự liên lạc của chúng ta với những người thuộc mọi chủng tộc và mọi nước?
◻ Nếu lắng nghe và quan sát, chúng ta sẽ nhận định gì về anh em cùng đức tin gốc ở nước khác?
[Các hình nơi trang 11]
Những người từ mọi chủng tộc và mọi nước đang đồng một lòng ngợi khen Đức Giê-hô-va
[Các hình nơi trang 12]
Hãy lắng nghe thật kỹ và quan sát. Bạn sẽ được đưa đẩy bởi sự yêu thương và đức tin hiện rõ qua lời nói và việc làm của các nhân-chứng khác của Đức Giê-hô-va