Bạn có lên án thế gian bởi đức tin của bạn không?
“Bởi đức-tin Nô-ê... đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình; bởi đó người định tội thế-gian” (HÊ-BƠ-RƠ 11:7)
1, 2. Xem xét đời sống của Nô-ê có thể dạy chúng ta điều gì?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đã cho Nô-ê và gia đình ông—chỉ tám người—có đặc ân là những người duy nhất sống sót qua Trận Nước Lụt. Đời sống của những kẻ khác cùng thời với Nô-ê đã bị kết liễu khi Đức Chúa Trời khiến họ chết trong nước lụt. Do đó bởi vì Nô-ê là tổ tiên chung của chúng ta, chúng ta nên tỏ ra rất biết ơn về đức tin mà ông đã thực hành.
2 Xem xét đời sống của Nô-ê có thể dạy chúng ta nhiều điều. Kinh-thánh nói cho chúng ta biết tại sao Đức Chúa Trời làm ơn cho ông để được cứu sống trong khi Ngài diệt hết những kẻ thuộc thế hệ Nô-ê. Cũng Kinh-thánh này của Đức Chúa Trời cho thấy rõ ràng rằng thế hệ chúng ta cũng đương đầu một sự phán xét kiểu ấy bởi Đức Chúa Trời. Giê-su nói về điều này: “Lúc ấy sẽ có hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vây, mà sau nầy cũng không hề có nữa” (Ma-thi-ơ 24:21). Bằng cách bắt chước đức tin của Nô-ê chúng ta có thể có hy vọng chắc chắn là được sống sót qua khỏi sự hủy diệt gần đến bủa xuống trên hệ thống gian ác hiện tại. (Rô-ma 15:4; so sánh Hê-bơ-rơ 13:7).
3. Tại sao Đức Giê-hô-va đã giáng Trận Nước Lụt xuống?
3 Trong suốt 1.656 năm từ khi sáng tạo A-đam cho đến Trận Nước Lụt, rất ít có người nào trong nhân loại hướng về điều thiện. Đạo đức rơi xuống mức độ cực kỳ thấp kém. “Đức Giê-hô-va thấy sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn” (Sáng-thế Ký 6:5). Sự hung bạo, tìm kiếm thú vui và sự hiện diện của các thiên sứ lấy hình người cưới con gái loài người sanh ra dòng dõi khổng lồ là một vài yếu tố dẫn đến việc Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét của Ngài trên thế gian loài người thời xưa đó. Đức Giê-hô-va nói với Nô-ê: “Kỳ cuối-cùng của mọi xác-thịt đã đưa đến trước mặt ta; vì cớ loài người mà đất phải đầy-dẫy điều hung-hăng”. Đấng Tạo hóa, “Đấng đoán-xét toàn thế-gian” đã không thể kiên nhẫn thêm được nữa (Sáng-thế Ký 6:13; 18:25).
Nô-ê đồng đi cùng Đức Chúa Trời
4. a) Đức Giê-hô-va nghĩ sao về Nô-ê, và tại sao? b) Khi sự công bình của Đức Chúa Trời đòi hỏi hủy diệt thế gian hung ác thời xưa, Ngài đã biểu lộ sự yêu thương đối với Nô-ê và gia đình ông như thế nào?
4 Nô-ê thật khác với thiên hạ thời bấy giờ làm sao! Ông “được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va... Nô-ê trong đời mình là một người công-bình và trọn-vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời” (Sáng-thế Ký 6:8, 9). Nô-ê đồng đi thế nào cùng Đức Chúa Trời? Bằng cách làm điều thiện như rao giảng và ủng hộ sự công bình và đóng tàu trong đức tin và sự vâng lời. Vậy, dù thế gian xưa đó bị hủy diệt vì hoàn toàn thối nát, Đức Chúa Trời “sai nước lụt phạt đời gian-ác nầy, chỉ gìn-giữ Nô-ê là thầy giảng đạo công-bình, với bảy người khác mà thôi” (II Phi-e-rơ 2:5). Đúng, Giê-hô-va Đức Chúa Trời yêu thương và công bình của chúng ta đã không hủy diệt người công bình chung với kẻ ác. Ngài đã chỉ bảo cho Nô-ê đóng một tàu lớn để cứu chính ông, gia đình ông và một số thú vật, để cho trên đất sau thời Nước Lụt còn cả người và vật sinh sống. Và Nô-ê “làm các điều nầy y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn” (Sáng-thế Ký 6:22).
5. Kinh-thánh tả sự công bình và đức tin của Nô-ê như thế nào?
5 Khi tàu đóng xong, Đức Chúa Trời nói với Nô-ê: “Ngươi và cả nhà ngươi hãy vào tàu, vì về đời nầy ta thấy ngươi là công-bình ở trước mặt ta”. Phao-lô tóm tắt câu chuyện qua cách này: “Bởi đức-tin, Nô-ê được mách-bảo cho về những việc chưa thấy, và người thành-tâm kính-sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình; bởi đó người định tội thế-gian, và trở nên kẻ kế-tự của sự công-bình đến từ đức-tin vậy” (Sáng-thế Ký 7:1; Hê-bơ-rơ 11:7).
6. Làm thế nào Nô-ê định tội hay lên án thế gian thời bấy giờ qua đức tin của ông?
6 Nô-ê có đức tin phi thường. Ông tin nơi lời Đức Chúa Trời nói về việc diệt trừ thế hệ đó. Nô-ê có sự kính sợ lành mạnh không dám làm buồn lòng Đức Giê-hô-va và vâng lời mà đóng tàu theo như lệnh truyền của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, với tư cách người giảng đạo công bình, Nô-ê đã nói với người khác về sự hủy diệt gần đến. Dù họ không nghe lời ông giảng, ông không chịu “làm theo đời nầy” tức thế gian hung ác đó (Rô-ma 12:2). Thay vì thế, qua đức tin Nô-ê định tội hay lên án thế gian vì cớ sự gian ác và chứng tỏ nó đáng bị hủy diệt. Sự vâng lời và các hành vi công bình của ông chứng tỏ rằng người ông và gia đình ra có những người khác cũng có thể sống sót nếu họ sẵn lòng thay đổi lối sống của họ. Thật thế, Nô-ê chứng minh rằng, dù xác thịt bất toàn và bị thế gian hung ác chung quanh và Ma-quỉ làm áp lực, ông vẫn có thể sống một đời sống làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Tại sao Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt hệ thống này
7. Làm sao chúng ta biết đang sống trong ngày sau rốt?
7 Trong các thập niên của thế kỷ hai mươi này sự gian ác gia tăng càng ngày càng nhiều. Đặc biệt là thế kể từ khi Thế Chiến thứ I bắt đầu. Nhân loại đã trở nên chìm đắm vào những chuyện như tà dục, tội ác, hung bạo, chiến sự, ghét người, tham lam và lạm dụng máu đến nỗi những người yêu chuộng điều thiện tự hỏi không biết tình hình còn có thể xấu hơn thế nữa hay không. Tuy vậy Kinh-thánh nói trước cho biết về diễn biến của sự gian ác cùng cực trong thế hệ chúng ta, tạo thêm bằng chứng rằng chúng ta sống trong “ngày sau-rốt” (II Ti-mô-thê 3:1-5; Ma-thi-ơ 24:34).
8. Một số người nói gì về việc ý thức tội lỗi?
8 Ngày nay đại đa số quần chúng không còn ý niệm về tội lỗi. Cách đây hơn 40 năm Giáo hoàng Pius XII nhận xét: “Tội lỗi của thế kỷ này là mất hết mọi ý thức về tội lỗi”. Thế hệ này từ chối nhìn nhận tội lỗi. Trong sách “Tội lỗi đi đâu rồi?” (Whatever Became of Sin?), tiến sĩ Karl Menninger tuyên bố: “Chính chữ “tội lỗi”... đã biến mất—mất chữ đó, mất luôn cả khái niệm về tội lỗi. Tại sao? Phải chăng không còn ai phạm tội nữa?”. Nhiều người đã mất khả năng nhận định điều gì là phải, điều gì là quấy. Nhưng chúng ta không vì thế mà ngạc nhiên, bởi vì Giê-su đã nói trước cho biết về diễn biến thể ấy khi bàn tới “điềm của sự hiện diện của ngài” trong “kỳ cuối-cùng” (Đa-ni-ên 12:4).
Gương mẫu phán xét đặt ra thời Nô-ê
9. Giê-su so sánh thế nào thời Nô-ê với các biến cố xảy ra trong khi ngài sẽ hiện diện?
9 Giê-su nêu ra sự song song giữa các biến cố thời Nô-ê và điều sẽ xảy ra lúc ngài hiện diện trong quyền bính Nước Trời, bắt đầu năm 1914. Ngài nói: “Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người [Giê-su] đến cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu,—và người ta không ngờ [không để ý] chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy,—khi Con người đến cũng như vậy” (Ma-thi-ơ 24:37-39).
10. Làm thế nào thiên hạ nói chung không để ý gì cả đến các biến cố quan trọng liên kết với sự hiện diện của đấng Christ?
10 Đúng, như trong thời Nô-ê, thiên hạ ngày nay không để ý gì cả. Bận rộn sinh sống hằng ngày và theo đuổi những việc vị kỷ, họ từ chối không nhìn nhận rằng những tình trạng hiện nay khác rõ rệt với trong quá khứ và nghiệm đúng hết sức với những gì Giê-su nói là sẽ đánh dấu thời kỳ cuối cùng. Qua nhiều năm Nhân-chứng Giê-hô-va nói cho thế hệ thời nay biết rằng Giê-su đã bắt đầu hiện diện trong quyền bính Nước Trời của đấng Mê-si năm 1914 và “thời kỳ kết liễu hệ thống mọi sự” cũng bắt đầu năm đó (Ma-thi-ơ 24:3, NW). Nhiều người chế giễu thông điệp Nước Trời, nhưng ngay cả điều này cũng đã được tiên tri khi Phi-e-rơ viết: “Trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau-rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm-chê, dùng lời giễu-cợt, ở theo tình-dục riêng của mình, đến mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ-phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng-thế” (II Phi-e-rơ 3:3, 4).
11. Tại sao thế hệ ngày nay không có cớ để chạy tội khi hoạn nạn lớn xảy đến?
11 Tuy vậy, thế hệ ngày nay sẽ không có cớ để chạy tội khi hoạn nạn lớn xảy đến. Tại sao? Bởi vì Kinh-thánh tường thuật rõ ràng về sự phán xét thời xưa đặt ra gương mẫu cho điều mà Đức Chúa Trời sẽ làm thời nay (Giu-đe 5-7). Lời tiên tri trong Kinh-thánh đang được ứng nghiệm trước mắt chúng ta đưa đến kết luận rõ ràng cho thấy chúng ta ở thời điểm nào. Thế hệ này cũng được nghe các Nhân-chứng Giê-hô-va rao giảng và chứng kiến các thành tích trung kiên của họ giống như của Nô-ê.
12. Phi-e-rơ so sánh thế nào việc hủy diệt thế gian thời Nô-ê với điều xảy ra cho “trời đất thời bây giờ”?
12 Phi-e-rơ giải thích điều sẽ xảy ra cho những kẻ không để ý gì đến các thực trạng này. Giống như Giê-su, sứ đồ Phi-e-rơ giải thích bằng cách dựa vào các biến cố xảy ra thời Nô-ê, rằng: “Chúng nó có ý quên lững đi rằng buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng trời và trái đất, đất ra từ nước và làm nên ở giữa nước, thế-gian bấy giờ cũng bị hủy-phá như vậy, là bị chìm-đắm bởi nước lụt. Nhưng trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán-xét và hủy-phá kẻ ác” (II Phi-e-rơ 3:5-7).
13. Vì cớ các biến cố trọng đại sắp đến, chúng ta nên nghe theo lời khuyên nào của Phi-e-rơ?
13 Chúng ta chớ để cho những kẻ chế giễu lừa dối hoặc dọa nạt, vì cớ chúng ta đứng trước sự phán xét chắc chắn của Đức Chúa Trời. Chúng ta khỏi cần phải chịu chung số phận với chúng. Phi-e-rơ khuyên: “Vì mọi vật đó phải tiêu-tán thì anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào, trong khi chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu-tán, các thể-chất sẽ bị thiêu mà tan chảy đi! Vả, theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở” (II Phi-e-rơ 3:11-13).
Hãy bắt chước đức tin của Nô-ê để được sống sót
14. Các câu hỏi nào có thể giúp chúng ta tự phân tích mình?
14 Ngày nay, chúng ta đối phó với các thử thách tương tợ với các thử thách mà Nô-ê và gia đình ông gặp phải khi trở thành những người được chọn và giữ vững vị thế đó để được sống sót. Giống như Nô-ê, Nhân-chứng Giê-hô-va lên án thế gian bởi đức tin bày tỏ qua các việc làm tốt. Nhưng mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: “Cá nhân tôi thì có thể làm gì? Nếu như hoạn nạn lớn đến ngày mai, Đức Chúa Trời sẽ xét thấy tôi xứng đáng được sống sót hay không? Giống như Nô-ê “trong đời mình [tỏ ra] là một người trọn-vẹn”, tôi có can đảm để tỏ ra khác thế gian không? Hay phải chăng đôi khi khó thấy được sự khác biệt giữa tôi và một người thế gian do cách tôi hành động, nói năng hoặc ăn mặc?” (Sáng-thế Ký 6:9). Giê-su nói về môn đồ: “Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian”. (Giăng 17:16; so sánh I Giăng 4:4-6).
15. a) Theo I Phi-e-rơ 4:3, 4 chúng ta nên nghĩ thế nào về tư tưởng và hạnh kiểm của chúng ta trước kia theo thế gian? b) Chúng ta nên làm gì khi các bạn cũ người thế gian chỉ trích chúng ta?
15 Phi-e-rơ khuyên: “Ngày trước cũng đã đủ làm theo ý-muốn người ngoại-đạo rồi, mà ăn-ở theo tà-tịch, tư-dục, say rượu, ăn-uống quá-độ, chơi-bời, và thờ hình-tượng đáng gớm-ghiếc. Họ thấy anh em chẳng cùng họ theo sự dâm-dật bậy-bạ ấy thì họ lấy làm lạ và gièm-chê” (I Phi-e-rơ 4:3, 4). Các người thế gian là bạn cũ của bạn có thể nói xúc phạm tới bạn vì bạn đang đồng đi cùng Đức Chúa Trời và không còn chạy với họ nữa. Nhưng, giống như Nô-ê, bạn có thể lên án họ bằng đức tin và các việc làm tốt do bạn lấy lòng khiêm tốn mà thực hiện (Mi-chê 6:8).
16. Đức Chúa Trời xem Nô-ê thế nào, và các câu hỏi nào có thể giúp chúng ta tự xem xét các tư tưởng và hành động của chúng ta?
16 Đức Chúa Trời xem Nô-ê là một người công bình. Tộc trưởng trung thành này “được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va” (Sáng-thế Ký 6:8). Khi xem xét các tư tưởng và hạnh kiểm của bạn dựa theo các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, bạn có cảm thấy Ngài chấp nhận điều bạn làm, tất cả nơi nào bạn đi, hay không? Đôi khi bạn có dính líu đến màn giải trí đồi trụy hiện đang thịnh hành không? Lời Đức Chúa Trời nói chúng ta nên nghĩ về những điều trong sạch, lành mạnh, và xây dựng (Phi-líp 4:8). Bạn có đang siêng năng học hỏi Lời Đức Chúa Trời hầu “dụng tâm-tư luyện-tập mà phân-biệt điều lành và dữ” không? (Hê-bơ-rơ 5:14). Bạn có từ bỏ bạn bè xấu và ưa thích làm bạn với anh em cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va tại các buổi nhóm họp của môn đồ đấng Christ và vào các dịp khác không? (I Cô-rinh-tô 15:33; Hê-bơ-rơ 10:24, 25; Gia-cơ 4:4).
17. Là Nhân-chứng Giê-hô-va, làm thế nào chúng ta có thể giống như Nô-ê?
17 Sau khi tường thuật về việc đóng xong chiếc tàu, Kinh-thánh nói: “Nô-ê làm các điều nầy y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn” (Sáng-thế Ký 6:22). Người tin kính đó cũng đã siêng năng rao giảng với tư cách một nhân-chứng của Đức Giê-hô-va. Giống như Nô-ê, bạn có thể là một người trung thành bênh vực điều thiện với tư cách một người đều đặn giảng đạo công bình. Hãy bền bỉ rao báo lời cảnh giác về sự cuối cùng của hệ thống ác này, ngay dù ít người nghe. Hãy làm việc hợp nhất với anh em cùng đạo trong công việc đào tạo môn đồ trước khi sự cuối cùng xảy đến (Ma-thi-ơ 28:19, 20).
18. Dựa theo căn bản nào Đức Giê-hô-va ấn định ai sẽ sống sót qua hoạn nạn lớn?
18 Áp dụng cùng nguyên tắc công bình và tiêu chuẩn đúng như Ngài đã làm thời Nô-ê, Đức Chúa Trời hiện đang ấn định ai sẽ sống sót và ai sẽ bị diệt trong hoạn nạn lớn. Giê-su ví công việc phân chia thời nay với công việc của một người chăn chiên tách rời chiên ra khỏi dê (Ma-thi-ơ 25:31-46) Những kẻ cứ dồn hết đời họ vào việc đeo đuổi các mục tiêu vị kỷ thì không muốn thế gian cũ này chấm dứt và họ sẽ không sống sót. Nhưng những người tránh dính líu tới sự nhơ bẩn của thế gian này, giữ mạnh đức tin nơi Đức Chúa Trời và tiếp tục rao giảng thông điệp Nước Trời, rao báo lời cảnh giác về sự phán xét của Đức Giê-hô-va gần đến, họ sẽ hưởng ân huệ Đức Chúa Trời và được sống sót. Giê-su nói: “Lúc ấy, sẽ có hai người nam ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị để lại; và có hai người nữ đương xay cối, một người được đem đi, còn một người bị để lại” (Ma-thi-ơ 24:40, 41; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-9; Khải-huyền 22:12-15).
Thừa hưởng ân phước cùng với Nô-ê
19. Ê-sai và Mi-chê đã thấy trước cuộc thâu nhóm nào xảy ra trong ngày sau rốt?
19 Trong các lời tiên tri song song, cả hai nhà tiên tri của Đức Chúa Trời là Ê-sai và Mi-chê diễn tả điều sẽ xảy ra trong ngày sau rốt. Họ thấy trước điều mà chúng ta đang thấy ứng nghiệm ngày nay—một đoàn người có lòng công bình ra khỏi thế gian cũ này và đi lên ngọn núi tượng trưng cho sự thờ phượng thật. Họ mời những người khác: “Hãy đến; chúng ta hãy lên núi Đức Giê-hô-va, nơi nhà Đức Chúa Trời của Gia-cốp; Ngài sẽ dạy chúng ta về đường-lối Ngài, chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài” (Ê-sai 2:2, 3; Mi-chê 4:1, 2). Bạn có đang bước đi với đoàn người hân hoan này không?
20. Những người lấy đức tin mình lên án thế gian sẽ vui hưởng các ân phước nào?
20 Ê-sai và Mi-chê cũng có kể ra các ân phước của những người lấy đức tin của họ lên án thế gian này. Hòa bình thật sự và công lý ngự trị giữa họ, và họ sẽ chẳng còn tập sự chiến tranh. Họ sẽ có hy vọng chắc chắn về di sản đến từ nơi Đức Giê-hô-va và “ai nấy sẽ ngồi dưới cây nho mình và dưới cây vả mình”. Nhưng mỗi người phải làm một quyết định khẳng khái, vì Mi-chê cho thấy có thể chọn hai con đường khi ông nói: “Mọi dân-tộc ai nấy bước theo danh của thần mình; [còn chúng ta thì] sẽ bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô-cùng!” (Mi-chê 4:3-5; Ê-sai 2:4).
21. Bằng cách nào bạn có thể chia xẻ các ân phước lớn về sự sống đời đời trên đất?
21 Kinh-thánh cho thấy rõ cần phải làm gì để sống sót qua khỏi hoạn nạn lớn: có đức tin mạnh mẽ. Nô-ê xưa có đức tin thể ấy, nhưng bạn thì có không? Nếu có, bạn sẽ giống như ông mà trở thành “kẻ kế-tự của sự công-bình đến từ đức-tin vậy” (Hê-bơ-rơ 11:7). Nô-ê sống sót qua khỏi trận hủy diệt do Đức Chúa Trời truyền lệnh phải giáng xuống trên thế hệ của ông. Ông sống thêm được 350 năm nữa sau Trận Nước Lụt, không những thế mà ông sẽ được sống lại với triển vọng sống đời đời trên đất. Thật là một ân phước lớn! (Hê-bơ-rơ 11:13-16). Bạn có thể chia xẻ ân phước đó với Nô-ê, gia đình ông và hằng triệu người khác nữa yêu chuộng sự công bình. Bằng cách nào? Bằng cách bền bỉ chịu đựng cho đến cùng và lên án thế gian bởi đức tin của bạn.
Bạn có nhớ không?
◻ Tại sao học biết đời sống của Nô-ê là quan trọng cho tín đồ đấng Christ?
◻ Thiên hạ thuộc thế hệ này không để ý đến gì, do đó sẽ bị hủy diệt?
◻ Giống như Nô-ê, làm thế nào chúng ta có thể định tội hay lên án thế gian?
◻ Làm thế nào chúng ta có thể giống như Nô-ê làm người giảng đạo công bình?