“Xin dạy chúng tôi cầu nguyện”
“Một môn-đồ thưa ngài rằng: Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu-nguyện” (LU-CA 11:1).
1-3. a) Tại sao môn đồ của Giê-su muốn được chỉ dạy để cầu nguyện? b) Có các cầu hỏi nào được nêu lên về sự cầu nguyện?
MỘT SỐ người được một giọng ca thiên phú. Số khác có thiên tài về âm nhạc. Nhưng để đạt đến khả năng tuyệt đỉnh, ngay cả những ca sĩ nầy và các người xử dụng nhạc cụ cũng cần phải được huấn luyện. Lời cầu nguyện cũng giống như vậy. Các môn đồ của Giê-su Christ nhận biết rằng họ cần lời chỉ dẫn để Đức Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện của họ.
2 Giê-su thường cầu nguyện riêng với Cha ngài như ngài đã làm trong đêm trước khi chọn lựa 12 sứ đồ (Lu-ca 6:12-16). Mặc dù ngài cũng đã khuyến khích các môn đồ ngài cầu nguyện riêng, họ nghe những lời cầu nguyện công cộng của ngài và thấy ngài khác với những nhà tôn giáo kẻ giả hình cầu nguyện để cho người ta thấy (Ma-thi-ơ 6:5, 6). Vậy thì, hiển nhiên các môn đồ của Giê-su muốn được ngài chỉ dẫn trước về việc cầu nguyện. Vì thế, chúng ta đọc: “Có một ngày, Chúa Giê-su cầu-nguyện ở nơi kia. Khi cầu-nguyện xong, một môn-đồ thưa ngài rằng: Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu-nguyện, cũng như Giăng đã dạy môn-đồ mình” (Lu-ca 11:1).
3 Giê-su trả lời thế nào? Chúng ta có thể học được gì về gương mẫu của ngài? Làm thế nào chúng ta có thể được lợi ích do lời chỉ dẫn của ngài về sự cầu nguyện?
Các bài học cho chúng ta
4. Tại sao chúng ta nên “cầu-nguyện không thôi”, và điều đó có nghĩa gì?
4 Chúng ta có thể học biết nhiều điều từ lời và gương mẫu của Giê-su về việc cầu nguyện. Một bài học là nếu Con hoàn toàn của Đức Chúa Trời cần cầu nguyện đều đều thì các môn đồ bất toàn của ngài còn cần phải liên tục hướng về Đức Chúa Trời nhiều hơn để được hướng dẫn, an ủi và nuôi dưỡng thiêng liêng. Vì thế chúng ta nên “cầu-nguyện không thôi” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). Dĩ nhiên, điều nầy không có nghĩa là chúng ta phải luôn luôn quì gối cầu nguyện hoài, nhưng có nghĩa là chúng ta nên luôn luôn có thái độ khẩn nguyện. Chúng ta nên trông mong nơi Đức Chúa Trời để được Ngài hướng dẫn trong mọi khía cạnh của đời sống hầu chúng ta có thể hành động với sự hiểu biết và luôn luôn được Ngài chấp nhận (Châm-ngôn 15:24).
5. Điều gì có thể chiếm lấy thì giờ đáng lý nên để cầu nguyện và chúng ta nên làm gì về điều nầy?
5 Trong “những ngày sau-rốt” nầy, nhiều điều có thể chiếm lấy thì giờ đáng lý nên dùng để cầu nguyện (II Ti-mô-thê 3:1). Nhưng nếu những lo lắng riêng trong nhà, chuyện làm ăn và những điều tương tợ cản trở chúng ta cầu nguyện đều đều với Cha trên trời thì chúng ta bị mệt nhọc quá nhiều với những lo lắng đời nầy. Tình trạng như thế phải sửa đổi không chậm trễ, vì việc không cầu nguyện dẫn đến sự mất đức tin. Hoặc là chúng ta nên giảm bớt những trách nhiệm ngoài đời hay là nên cân bằng sự chăm lo về đời sống với sự hướng lòng của chúng ta về Đức Chúa Trời một cách sốt sắng hơn và nhiều lần hơn để được hướng dẫn. Chúng ta nên “tỉnh-thức mà cầu-nguyện” (I Phi-e-rơ 4:7).
6. Giờ đây chúng ta sẽ học lời cầu nguyện nào và với mục đích nào?
6 Trong bài cầu nguyện mẫu, Giê-su đã dạy môn đồ ngài cầu nguyện thế nào chứ không phải nói y theo lời nào. Sự tường thuật của Lu-ca hơi khác với Ma-thi-ơ vì những trường hợp liên hệ là khác nhau. Chúng ta sẽ học lời cầu nguyện nầy như là kiểu mẫu cho cách thức cầu nguyện của chúng ta với tư cách là môn đồ của Giê-su và Nhân-chứng Giê-hô-va.
Cha chúng ta và Danh Ngài
7. Ai được đặc ân thưa với Đức Giê-hô-va là “Cha chúng tôi”?
7 “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 6:9; Lu-ca 11:2). Vì Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo hóa của nhân loại và Ngài ở trên trời, cho nên chúng ta thưa cùng Ngài là “Cha chúng tôi ở trên trời” là đúng (I Các Vua 8:49; Công-vụ các Sứ-đồ 17:24, 28). Dùng chữ “chúng tôi” tức là nhận biết người khác cũng có sự liên lạc mật thiết với Đức Chúa Trời. Nhưng ai là người có đặc ân hiếm có gọi Ngài là Cha của họ? Chỉ có những người đã dâng mình và làm báp têm trong gia đình gồm những người thờ phượng Ngài. Gọi Đức Giê-hô-va là “Cha chúng tôi” ám chỉ là chúng ta có đức tin nơi Đức Chúa Trời và nhận biết căn bản duy nhất để hòa thuận với Ngài là hoàn toàn chấp nhận sự hy sinh chuộc tội của Giê-su (Hê-bơ-rơ 4:14-16; 11:6).
8. Tại sao chúng ta nên mong mỏi để thì giờ cầu nguyện với Đức Giê-hô-va?
8 Chúng ta cảm thấy gần gũi với Cha của chúng ta trên trời biết bao! Như con cái không bao giờ chán đến gần cha chúng, chúng ta nên ao ước mong mỏi dùng thì giờ để cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Sự biết ơn sâu xa về ân phước thiêng liêng và vật chất nên khiến chúng ta cám ơn về lòng nhân từ của Ngài. Chúng ta nên cảm thấy muốn trao cho Ngài gánh nặng làm chúng ta mệt mỏi, tin cậy là Ngài sẽ nâng đỡ chúng ta (Thi-thiên 55:22). Chúng ta có thể chắc chắn nếu chúng ta trung thành, mọi sự gì cuối cùng rồi cũng sẽ tốt đẹp hết bởi vì Ngài chăm sóc chúng ta (I Phi-e-rơ 5:6, 7).
9. Lời cầu xin làm thánh danh của Đức Chúa Trời là cầu xin về điều gì?
9 “Danh Cha được thánh” (Ma-thi-ơ 6:9; Lu-ca 11:2). Chữ “danh” đôi khi chỉ chính người đó và “làm thánh” có nghĩa là “làm cho thánh, tách riêng hay giữ thánh khiết” (So sánh Khải-huyền 3:4). Như vậy, lời cầu nguyện để làm thánh danh Đức Chúa Trời là cầu xin Đức Giê-hô-va hành động cho chính Ngài được thánh. Làm thế nào? Bằng cách tẩy sạch những sự nhơ nhuốc đã chồng chất trên danh Ngài (Thi-thiên 135:13). Đến lúc đó, Đức Chúa Trời sẽ loại trừ sự gian ác, làm rạng danh Ngài và cho các nước biết rằng Ngài là Đức Giê-hô-va (Ê-xê-chi-ên 36:23; 38:23). Nếu chúng ta mong mỏi được thấy ngày ấy và thật sự quí trọng sự uy nghi của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ luôn luôn đến gần Ngài với tinh thần tôn kính được bao hàm trong những chữ “danh Cha được thánh”.
Nước Đức Chúa Trời và ý định Ngài
10. Chúng ta cầu nguyện cho Nước Trời đến có nghĩa gì?
10 “Nước Cha được đến” (Ma-thi-ơ 6:10; Lu-ca 11:2). Nước Trời ở đây có nghĩa là sự cai trị của Đức Giê-hô-va được thể hiện qua chính phủ trên trời trong tay của Giê-su Christ và “các đấng thánh” kết hợp với ngài (Đa-ni-ên 7:13, 14, 18, 27; Ê-sai 9:5, 6; 11:1-5). Cầu nguyện cho Nước Trời được “đến” có nghĩa là gì? Điều nầy có nghĩa là chúng ta xin Nước Đức Chúa Trời đến để chống lại tất cả những kẻ trên đất chống đối sự cai trị trên trời. Sau khi Nước Trời “đánh tan và hủy-diệt các nước trên đất”, nước đó sẽ biến đổi cả trái đất thành địa-đàng (Đa-ni-ên 2:44; Lu-ca 23:43).
11. Nếu chúng ta mong thấy ý định Đức Giê-hô-va được hoàn thành trong cả vũ trụ, chúng ta sẽ làm gì?
11 “Ý Cha được nên”, ở đất như trời” (Ma-thi-ơ 6:10). Đây là lời cầu xin Đức Chúa Trời làm thành ý định đối với trái đất, điều nầy bao hàm việc tẩy sạch mọi kẻ thù nghịch Ngài (Thi-thiên 83:9-18; 135:6-10). Thật vậy, điều đó ngụ ý là chúng ta mong mỏi được thấy ý định Đức Chúa Trời hoàn thành trong cả vũ trụ. Nếu đó là những gì có ở trong lòng chúng ta, chúng ta sẽ luôn luôn hết sức làm ý định của Đức Giê-hô-va. Chúng ta không thể nào thật sự nài xin điều đó nếu chúng ta không cố gắng để ý định của Đức Chúa Trời được thành trong trường hợp riêng của chúng ta. Do đó, nếu chúng ta cầu nguyện như vậy, chúng ta nên chắc rằng chúng ta không làm điều gì trái ngược với ý định đó, chẳng hạn như là theo đuổi một người không tin đạo hay là đi theo đường lối của thế gian (I Cô-rinh-tô 7:39; I Giăng 2:15-17). Thay vì thế chúng ta nên luôn luôn nhớ trong trí ý tưởng nầy: “Ý muốn của Đức Chúa Trời là gì trong vấn đề nầy?” Đúng thế, nếu chúng ta trọn lòng yêu thương Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ tìm sự chỉ dẫn của Ngài trong mọi vấn đề trong đời sống (Ma-thi-ơ 22:37).
Đồ ăn đủ ngày
12. Chỉ cầu xin “ngày nào đủ bánh ngày nấy” có ảnh hưởng tốt nào trên chúng ta?
12 “Xin cho chúng tôi hôm nay đồ-ăn đủ ngày” (Ma-thi-ơ 6:11). Lời tường thuật của Lu-ca là: “Xin cho chúng tôi ngày nào đủ bánh ngày ấy” (Lu-ca 11:3). Hỏi xin Đức Chúa Trời cung cấp đồ ăn cần thiết cho “hôm nay” là đặt đức tin nơi khả năng của Ngài để chăm sóc cho nhu cầu hằng ngày của chúng ta. Những người Y-sơ-ra-ên lượm ma-na “mỗi ngày nào thâu bánh đủ cho ngày nấy” chứ không phải thâu cho cả tuần hay lâu hơn nữa (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:4). Đây không phải là cầu nguyện cho được cao lương mỹ vị và sự cung cấp dư dật nhưng cho nhu cầu cần thiết hằng ngày của chúng ta. Hỏi xin chỉ đồ ăn ngày nào đủ cho ngày nấy cũng giúp chúng ta không trở thành người tham lam (I Cô-rinh-tô 6:9, 10).
13. a) Theo nghĩa rộng, hỏi xin đồ ăn hằng ngày có nghĩa gì? b) Chúng ta nên có thái độ nào dù cho chúng ta làm việc siêng năng mà chỉ vừa xém (xuýt) để đủ sống?
13 Theo nghĩa rộng hơn, hỏi xin đồ ăn hằng ngày cho thấy chúng ta không cảm thấy độc lập nhưng lúc nào cũng nhờ nơi Đức Chúa Trời về đồ ăn, nước uống, quần áo và những điều cần thiết khác. Là người dâng mình trong gia đình những người thờ phượng Đức Chúa Trời, chúng ta tin cậy Cha của chúng ta nhưng không ngồi bất động đợi Ngài làm phép lạ cung cấp cho chúng ta. Chúng ta làm việc và dùng mọi phương tiện mà chúng ta có để có được đồ ăn và những nhu cầu cần thiết khác. Nhưng chúng ta vẫn cám ơn Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện bởi vì chúng ta thấy phía sau sự cung cấp nầy là tình yêu thương, sự khôn ngoan và quyền năng của Cha chúng ta ở trên trời. (Công-vụ các Sứ-đồ 14:15-17; so sánh Lu-ca 22:19). Sự cần mẫn của chúng ta có thể đem lại sự thịnh vượng. Nhưng ngay cho dù chúng ta có làm việc siêng năng mà lại chỉ vừa xém (xuýt) để đủ dùng đi nữa, chúng ta cũng hãy biết ơn và thỏa lòng (Phi-líp 4:12; I Ti-mô-thê 6:6-8). Thật vậy, một người tin kính với thức ăn và quần áo tầm thường có thể có hạnh phúc hơn một số người giàu có về vật chất. Thế thì dù chúng ta có ít của bởi vì hoàn cảnh quá sức kiểm soát của chúng ta, chúng ta không nên ngã lòng. Chúng ta vẫn có thể giàu có thiêng liêng. Thật vậy, chúng ta không cần bị nghèo nàn về đức tin, niềm hy vọng và tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va là Đấng mà chúng ta cầu nguyện để ca ngợi và cảm tạ tận đáy lòng.
Tha thứ tội chúng tôi
14. Chúng ta hỏi xin tha nợ nào và Đức Chúa Trời dùng gì để trừ nợ?
14 “Xin tha tội-lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi” (Ma-thi-ơ 6:12). Lời tường thuật của Lu-ca cho thấy những tội lỗi nầy coi như là những món nợ (Lu-ca 11:4). Tội lỗi di truyền ngăn cản chúng ta làm tất cả những điều theo ý muốn hoàn toàn của Cha chúng ta. Như vậy, những sự lầm lỗi có ý nghĩa như nợ hay là bổn phận đối với Đức Chúa Trời vì chúng ta bắt đầu “sống và bước đi theo thánh linh” (Ga-la-ti 5:16-25; so sánh Rô-ma 7:21-25). Chúng ta mang những nợ nầy bởi vì chúng ta bất toàn và giờ đây không có thể nào làm cho đúng với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Chúng ta có được đặc ân cầu nguyện là nhờ sự tha tội. Vui mừng thay, Đức Chúa Trời có thể áp dụng giá chuộc hy sinh của Giê-su Christ để trừ những nợ hay tội lỗi nầy (Rô-ma 5:8; 6:23).
15. Chúng ta nên có thái độ nào đối với sự sửa trị cần thiết?
15 Nếu chúng ta mong muốn Đức Chúa Trời tha thứ những nợ hay tội lỗi của chúng ta, chúng ta phải ăn năn và sẵn sàng nhận chịu sự sửa phạt (Châm-ngôn 28:13; Công-vụ các Sứ-đồ 3:19). Vì Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta, Ngài ban sự sửa trị cần thiết cho cá nhân chúng ta để có thể sửa lại những yếu đuối của chúng ta (Châm-ngôn 6:23; Hê-bơ-rơ 12:4-6). Dĩ nhiên, chúng ta có thể vui mừng nếu sự lớn mạnh trong đức tin và sự hiểu biết làm cho lòng chúng ta hòa hợp trọn vẹn với luật pháp và nguyên tắc của Đức Chúa Trời để chúng ta không bao giờ cố ý phạm tội. Nhưng nếu chúng ta tự biết có sự cố tình làm điều quấy thì sao? Vậy thì chúng ta phải đau buồn sâu xa và phải sốt sắng cầu xin sự tha thứ (Hê-bơ-rơ 10:26-31). Áp dụng lời khuyên mà chúng ta nhận được, chúng ta nên mau mắn sửa đổi đường lối của chúng ta.
16. Tại sao tiếp tục hỏi xin Đức Chúa Trời tha tội chúng ta là có lợi?
16 Đều đặn hỏi xin Đức Chúa Trời tha tội cho chúng ta là có lợi. Làm như thế là để tội lỗi ở trước mặt và làm chúng ta khiêm nhường (Thi-thiên 51:3, 4, 7). Chúng ta cần được Cha trên trời “tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian-ác” (I Giăng 1:8, 9). Hơn nữa, nói về tội lỗi chúng ta trong lời cầu nguyện giúp chúng ta cố gắng chống lại tội lỗi. Do đó, chúng ta cũng vẫn còn được nhắc nhở là chúng ta cần giá chuộc và huyết của Giê-su (I Giăng 2:1, 2; Khải-huyền 7:9, 14).
17. Cầu xin sự tha tội giúp chúng ta thế nào trong sự liên lạc với người khác?
17 Cầu xin được tha tội cũng giúp chúng ta có lòng thương xót, thông cảm và quảng đại đối với những người phạm tội cùng chúng ta, dù chuyện lớn hay là chuyện nhỏ. Lời tường thuật của Lu-ca nói: “Xin tha tội chúng tôi, vì chúng tôi cũng tha kẻ mích lòng mình [thiếu nợ chúng tôi]” (Lu-ca 11:4). Thật vậy, chúng ta có thể được Đức Chúa Trời tha thứ chỉ khi nào chúng ta đã “tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng ta” (Ma-thi-ơ 6:12; Mác 11:25). Giê-su thêm: “Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha-thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 6:14, 15). Cầu nguyện để tội lỗi chúng ta được tha thứ nên khiến chúng ta nhường nhịn người khác và tha thứ cho họ. Sứ đồ Phao-lô viết: “Như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy” (Cô-lô-se 3:13; Ê-phê-sô 4:32).
Sự cám dỗ và kẻ ác
18. Tại sao chúng ta không bao giờ nên trách Đức Chúa Trời về những cám dỗ và thử thách?
18 “Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ” (Ma-thi-ơ 6:13; Lu-ca 11:4). Những lời nầy không ngụ ý là Đức Chúa Trời cám dỗ chúng ta để phạm tội. Kinh-thánh đôi khi nói Đức Chúa Trời làm hay khiến những gì xảy ra chỉ có nghĩa là Ngài cho phép mà thôi. (Ru-tơ 1:20, 21; so sáng Truyền-đạo 11:5). Nhưng “Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám-dỗ được, và chính Ngài cũng không cám-dỗ ai”, như môn đồ Gia-cơ viết (Gia-cơ 1:13). Vì vậy, chúng ta đừng bao giờ đổ lỗi cho Cha của chúng ta ở trên trời về những cám dỗ và thử thách về những điều ác, vì chính Sa-tan là Kẻ Cám dỗ, ráng sức dùng thủ đoạn khiến chúng ta phạm tội cùng Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 4:3; I Tê-sa-lô-ni-ca 3:5).
19. Chúng ta có thể cầu nguyện thế nào liên quan đến sự cám dỗ?
19 Lời cầu xin “chớ để chúng tôi bị cám-dỗ” có nghĩa chúng ta xin Đức Chúa Trời đừng để chúng ta sa ngã khi bị cám dỗ hay bị áp lực mà không vâng lời Ngài. Chúng ta có thể nài xin Cha hướng dẫn bước đi của chúng ta để không có sự cám dỗ nào quá sức chịu đựng của chúng ta. Về phương diện nầy, Phao-lô đã viết: “Những sự cám-dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành-tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám-dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (I Cô-rinh-tô 10:13). Chúng ta có thể cầu nguyện Đức Giê-hô-va hướng dẫn chúng ta để không bị cám dỗ quá sức chịu đựng và để Ngài cung cấp một lối thoát khi chúng ta bị nguy khốn. Sự cám dỗ đến từ Ma-quỉ, xác thịt tội lỗi và những yếu kém của người khác. Nhưng Cha yêu thương trên trời có thể hướng dẫn chúng ta để không bị ngã quỵ.
20. Tại sao cầu nguyện cho được giải cứu khỏi “kẻ ác”?
20 “Cứu chúng tôi khỏi kẻ ác” (Ma-thi-ơ 6:13). Đức Chúa Trời chắc chắn có thể ngăn cản Sa-tan, “kẻ ác”, để hắn không thắng được chúng ta (II Phi-e-rơ 2:9). Không bao giờ có thời kỳ nào cần sự giải cứu khỏi Ma-quỉ hơn là bây giờ vì “ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu” (Khải-huyền 12:12). Chúng ta không phải là không biết mưu chước của Sa-tan và hắn không phải là không biết sự yếu đuối của chúng ta. Vì thế, chúng ta cần cầu xin Đức Giê-hô-va gìn giữ chúng ta khỏi nanh vuốt kẻ thù giống sư tử đó (II Cô-rinh-tô 2:11; I Phi-e-rơ 5:8, 9; so sánh Thi-thiên 141:8, 9). Thí dụ, nếu chúng ta muốn lập gia đình, chúng ta cần cầu xin Đức Giê-hô-va giải cứu chúng ta khỏi mưu chước của Sa-tan và khỏi sự cám dỗ vun trồng sự quen biết với người thế gian, điều nầy có thể đưa đến sự vô luân hay không vâng lời Đức Chúa Trời, đi đến kết hôn với người không tin đạo (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:3, 4; I Cô-rinh-tô 7:39). Chúng ta có mong giàu sang không? Thế thì có thể cần sự cầu nguyện để giúp chúng ta chống cự sự cám dỗ của cờ bạc hay gian lận. Vì muốn tiêu hủy sự liên lạc của chúng ta với Đức Giê-hô-va, Sa-tan sẽ dùng đủ mọi khí giới để cám dỗ. Vậy mong rằng chúng ta tiếp tục cầu nguyện với Cha trên trời, Đấng không bao giờ bỏ rơi người công bình cho sự cám dỗ và Đấng cung cấp sự giải cứu khỏi “kẻ ác”.
Cầu nguyện xây dựng đức tin và hy vọng
21. Cầu nguyện về Nước Trời có lợi cho chúng ta thế nào?
21 Cha trên trời giải cứu chúng ta khỏi kẻ ác sẽ vui lòng ban ơn dồi dào cho chúng ta. Thế thì tại sao Ngài lại để cho dân tộc yêu dấu của Ngài cầu xin Nước Cha được đến trong thời gian lâu như vậy? Qua nhiều năm, lời cầu xin như thế đã làm gia tăng ước muốn và lòng biết ơn của chúng ta đối với Nước Trời. Lời cầu nguyện đó nhắc nhở là chúng ta rất cần chính phủ nhân từ nầy ở trên trời. Lời cầu xin nầy cũng giữ hy vọng sống dưới sự cai trị của Nước Trời trước mặt chúng ta (Khải-huyền 21:1-5).
22. Chúng ta nên tiếp tục có thái độ nào về việc cầu nguyện với Cha trên trời là Đức Giê-hô-va?
22 Chắc chắn không nghi ngờ gì là lời cầu nguyện xây dựng đức tin nơi Đức Giê-hô-va. Chúng ta gắn bó chặt chẽ với Ngài hơn khi Ngài đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta. Vì thế, mong rằng chúng ta không bao giờ chán đến với Ngài hằng ngày bằng lời ngợi khen, cảm tạ và nài xin. Và mong rằng chúng ta biết ơn về sự đáp lời của Giê-su đối với lời cầu xin của các môn đồ: “Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu-nguyện”.
Bạn có nhớ không?
◻ Chúng ta học được những bài học nào do lời nói và gương mẫu của Giê-su?
◻ Chúng ta nên cầu nguyện về điều gì liên quan đến Cha trên trời và danh Ngài?
◻ Chúng ta hỏi xin gì khi cầu nguyện cho Nước Đức Chúa Trời được đến và ý Cha được nên ở trên đất?
◻ Chúng ta hỏi xin gì khi cầu nguyện về đồ ăn đủ ngày?
◻ Khi chúng ta cầu xin được tha nợ có nghĩa là gì?
◻ Tại sao cần cầu nguyện liên quan đến sự cám dỗ và sự giải cứu khỏi “kẻ ác” là Sa-tan?
[Hình nơi trang 20]
Các môn đồ của Giê-su xin ngài dạy họ cầu nguyện. Bạn có biết làm thế nào chúng ta có thể thâu thập lợi ích do các dạy dỗ của ngài về sự cầu nguyện không?