Tiếp tục cảnh cáo về công việc khác thường của Đức Giê-hô-va
“Vì Đức Giê-hô-va sẽ dấy lên như ở núi Phê-ra-xim; Ngài nổi giận như tại trũng Ga-ba-ôn” (Ê-SAI 28:21).
1, 2. Vào thời Đa-vít, Đức Giê-hô-va đã làm một việc khác thường nào cho dân tộc của Ngài?
MỘT hành động lạ lùng! Một công việc khác thường! Đó là những gì mà Đức Giê-hô-va đã làm vì dân Ngài trong thời xưa, vào thế kỷ thứ 11 trước công nguyên (kỷ nguyên chung). Và hành động lạ lùng này là mẫu mực cho một việc khác thường mà Ngài sắp sửa làm trong một tương lai gần đây. Hành động thời xưa đó là gì? Chẳng bao lâu sau khi Đa-vít lên ngôi vua tại Giê-ru-sa-lem, xứ Phi-li-tin kế cận đã mở cuộc tấn công vào Y-sơ-ra-ên. Điều này đã làm Đức Giê-hô-va hành động lạ lùng. Trước tiên, dân Phi-li-tin bắt đầu đi bủa ra trong trũng Rê-pha-im. Vua Đa-vít hỏi Đức Giê-hô-va rằng ông nên làm gì và ông được chỉ thị tấn công. Vâng lệnh Đức Giê-hô-va, Đa-vít hoàn toàn đánh bại đạo binh Phi-li-tin hùng mạnh tại Ba-anh-Phê-rát-sim. Nhưng dân Phi-li-tin không nhận là chúng đã thua trận. Chẳng bao lâu sau đó chúng trở lại tàn phá và cướp bóc lần nữa trong trũng Rê-pha-im, và Đa-vít lại cầu vấn Đức Giê-hô-va.
2 Lần này, ông được lệnh đem quân đi vòng phía sau quân Phi-li-tin. Đức Giê-hô-va nói: “Và khi nào ngươi nghe tiếng bước trên ngọn cây dâu, bấy giờ hãy lật-đật xông tới, vì chính trong lúc đó, Đức Giê-hô-va sẽ đi trước ngươi đặng hãm đánh đạo quân Phi-li-tin”. Đó là điều đã xảy ra. Đa-vít đợi cho đến khi Đức Giê-hô-va làm tiếng bước trên ngọn cây dâu phát ra—có lẽ bởi một ngọn gió lớn. Tức thì Đa-vít và đoàn quân của ông nhảy ra khỏi nơi ẩn náu và tấn công quân Phi-li-tin đang bị bối rối, đánh bại và giết hại nhiều người. Hình tượng tôn giáo quân Phi-li-tin bỏ lại trên chiến trường được gom lại để hủy diệt (II Sa-mu-ên 5:17-25; I Sử-ký 14:8-17).
3. Tại sao hành động lạ lùng của Đức Giê-hô-va đáng cho người Do-thái thời Ê-sai chú ý, và tại sao ngày nay các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ cũng nên chú ý?
3 Đây là một việc khác thường, một hành động lạ lùng mà Đức Giê-hô-va đã thực hiện vì vị vua được xức dầu của Ngài nghịch lại quân Phi-li-tin. Hành động khác thường này rất đáng chú ý bởi vì nhà tiên tri Ê-sai đã cảnh cáo rằng Đức Giê-hô-va cũng sẽ làm một việc lạ lùng, mạnh mẽ giống như vậy nghịch lại xứ Giu-đa say sưa thiêng liêng. Vì thế, những lãnh tụ tôn giáo bất trung thời Ê-sai cần phải chú ý. Ngày nay các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ cũng nên chú ý bởi vì những gì xảy đến cho Giu-đa cũng là một gương mẫu cho số phận cuối cùng của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ.
“Giường ngắn quá”
4, 5. a) Ê-sai đã dùng hình ảnh nào để miêu tả tình trạng khó chịu của các lãnh tụ tôn giáo vào thời ông? b) Ngày nay, nguyên nhân gây ra sự khó chịu cho các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ là gì?
4 Trước hết, Ê-sai phơi bày sự kiện là các thỏa hiệp mà những kẻ bợm rượu thiêng liêng thời xưa tin cậy chỉ là một sự lừa gạt, dối trá. Rồi ông dùng một hình ảnh chỉ rõ tình thế khó chịu của những người đặt hy vọng trên sự giả dối đó. Ông nói: “Giường ngắn quá không thể duỗi mình; mền hẹp quá không thể quấn mình” (Ê-sai 28:20). Bất cứ ai duỗi mình trên một cái giường ngắn quá thì thấy đôi chân bị ló ra ngoài và bị lạnh. Mặt khác, nếu người đó co gối lại để cho vừa với giường thì tấm chăn hẹp quá cũng sẽ làm một phần lớn của thân thể bị lộ ra. Vậy, bất kể người đó làm gì thì một phần nào đó cũng bị lộ ra ngoài và bị lạnh.
5 Nói một cách tượng trưng, đó là tình trạng của những kẻ vào thời Ê-sai đặt trông cậy vào nơi nương náu giả dối. Đây cũng là một tình thế khó chịu cho những kẻ thời nay đặt tin cậy vào nơi nương náu giả dối của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Họ như là người ở ngoài lạnh. Đây không phải là lúc tìm niềm an ủi qua những sắp đặt của thế gian nhằm đem lại hòa bình và an ninh. Dưới bóng của sự phán xét sắp đến của Đức Chúa Trời, các hiệp ước với các lãnh tụ chính trị sẽ chẳng cung cấp sự an ủi nào cho các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ.
Hành động lạ lùng của Đức Giê-hô-va
6. Đức Giê-hô-va đã hành động thế nào nghịch lại Giu-đa, và Ngài sẽ hành động thế nào nghịch lại các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ?
6 Sau khi đã dùng hình ảnh để miêu tả tình trạng khó chịu của Giê-ru-sa-lem bất trung trong thời xưa—và cũng là tình trạng của các tôn giáo bất trung, tự xưng theo đấng Christ ngày nay—Ê-sai nói tiếp: “Vì Đức Giê-hô-va sẽ dấy lên như ở núi Phê-ra-xim; Ngài nổi giận như tại trũng Ga-ba-ôn, đặng làm việc Ngài, là việc khác thường, và làm công Ngài, là công lạ-lùng (Ê-sai 28:21). Đúng vậy, Ê-sai đã cảnh cáo, Đức Giê-hô-va sắp sửa dấy lên như Ngài đã làm tại Ba-anh-Phê-rát-sim. Nhưng lần này, Ngài sẽ hành động nghịch lại dân tộc bất trung của Ngài và Ngài làm như một trận nước lũ không cản được đổ tràn qua một cái đập đổ nát. Giao ước Giê-ru-sa-lem kết với sự chết không còn hiệu lực gì nữa. Cũng tương tợ như thế, Đức Giê-hô-va sẽ hành động trong tương lai gần đây nghịch lại các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ và chúng sẽ thấy rằng những hiệp ước của chúng cùng với thế gian này đều là vô nghĩa. Tổ chức rộng lớn của chúng sẽ bị đập nát và các người theo chúng bị tản lạc. Các thần giả của chúng sẽ hoàn toàn bị đốt cháy rụi.
7. Tại sao ý định của Đức Giê-hô-va đối với xứ Giu-đa được gọi là “lạ-lùng” và “khác thường”?
7 Tại sao Ê-sai gọi hành động của Đức Giê-hô-va nghịch lại Giê-ru-sa-lem là công việc lạ lùng và khác thường? Bởi vì Giê-ru-sa-lem là nơi thờ phượng của Đức Giê-hô-va và là thành của vua được xức dầu của Ngài (Thi-thiên 132:11-18). Vì thế, thành ấy chưa bao giờ từng bị hủy diệt. Đền thờ chưa bao giờ từng bị đốt cháy. Hoàng tộc của vua Đa-vít chưa hề bị lật đổ. Những chuyện đó không thể tưởng tượng được. Đây là điều quá đỗi khác thường khó mà Đức Giê-hô-va nghĩ đến việc cho phép những chuyện đó xảy ra.
8. Đức Giê-hô-va đã cảnh cáo gì về hành động khác thường sắp tới của Ngài?
8 Nhưng Đức Giê-hô-va đã dùng các nhà tiên tri của Ngài để cảnh cáo trước về những biến cố kinh ngạc sẽ xảy ra (Mi-chê 3:9-12). Thí dụ, nhà tiên tri Ha-ba-cúc, sống vào thế kỷ thứ 7 trước công nguyên (kỷ nguyên chung) đã viết: “Hãy nhìn trong các nước mà xem, hãy lấy làm lạ và sững-sờ! Vì ta đang làm ra trong ngày các ngươi một việc, mà dầu có ai thuật lại cho các ngươi, các ngươi cũng không tin. Nầy, ta khiến người Canh-đê dấy lên, nó là một dân dữ tợn lung-lăng, hay đi khắp đất đặng chiếm lấy những chỗ ở không thuộc về mình. Nó thật là đáng sợ và đáng ghê” (Ha-ba-cúc 1:5-7).
9. Đức Giê-hô-va làm ứng nghiệm lời cảnh cáo của Ngài đối với Giê-ru-sa-lem như thế nào?
9 Vào năm 607 trước công nguyên (kỷ nguyên chung), Đức Giê-hô-va đã làm ứng nghiệm lời cảnh cáo của Ngài. Để cho quân đội Ba-by-lôn tiến đánh Giê-ru-sa-lem tức là Ngài đã cho phép họ hủy diệt thành phố và đền thờ (Ca-thương 2:7-9). Hơn nữa, Ngài còn để Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt lần thứ hai. Tại sao? Vì sau 70 năm lưu đày những người Do-thái biết ăn năn trở lại xứ sở họ, và cuối cùng họ xây lại một đền thờ khác tại Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, thêm một lần nữa dân Do-thái lại lìa xa Đức Giê-hô-va. Trong thế kỷ thứ nhất công nguyên (kỷ nguyên chung), Phao-lô đã trích dẫn lời của Ha-ba-cúc cho những người Do-thái thời của ông, vì vậy cho thấy là lời tiên tri đó còn có sự ứng nghiệm trong tương lai nữa (Công-vụ các Sứ-đồ 13:40, 41). Chính Giê-su đã đặc biệt cảnh cáo rằng Giê-ru-sa-lem và đền thờ sẽ bị hủy diệt bởi vì người Do-thái đã thiếu đức tin (Ma-thi-ơ 23:37 đến 24:2). Những người Do-thái thuộc thế kỷ thứ nhất đó có chú ý không? Không. Như tổ phụ của họ, họ hoàn toàn từ bỏ lời cảnh cáo của Đức Giê-hô-va. Vì thế, Đức Giê-hô-va đã làm công việc lạ lùng của Ngài lần nữa. Thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ lại bị đạo binh La-mã hủy diệt năm 70 công nguyên (kỷ nguyên chung).
10. Đức Giê-hô-va sẽ hành động thế nào nghịch lại các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ trong tương lai gần đây?
10 Vậy, tại sao ai đó lại nghĩ rằng Đức Giê-hô-va sẽ không làm điều tương tợ trong thời kỳ của chúng ta ngày nay? Sự thật là Ngài sẽ hoàn thành ý định của Ngài dù có vẻ lạ lùng và khác thường đối với người hay nghi ngờ. Lần này, mục tiêu hành động của Ngài sẽ là các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, vì như xứ Giu-đa ngày xưa, chúng cũng xưng là thờ phượng Đức Chúa Trời nhưng đã trở nên bại hoại quá mức. Qua Đa-vít Lớn là Giê-su Christ, Đức Giê-hô-va sẽ đến trên các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ như là trên dân Phi-li-tin vào giờ mà chúng không ngờ. Ngài sẽ làm công việc khác thường của Ngài cho đến độ xóa hẳn vết tích cuối cùng của hệ thống tôn giáo tự xưng theo đấng Christ (Ma-thi-ơ 13:36-43; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-10).
Cảnh cáo về hành động của Đức Giê-hô-va
11, 12. Các Nhân-chứng Giê-hô-va cảnh cáo thế nào về sự phán xét sắp đến của Đức Giê-hô-va?
11 Qua nhiều năm các Nhân-chứng Giê-hô-va đã cảnh cáo mọi người về hành động phán xét sắp đến của Đức Giê-hô-va. Họ đã chỉ cho thấy rõ rằng sự hủy diệt của thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ vào năm 607 trước công nguyên (kỷ nguyên chung) và lần thứ hai vào năm 70 công nguyên (kỷ nguyên chung) là lời cảnh cáo trước cho những gì sẽ xảy ra cho các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Hơn nữa, họ còn cho thấy vì sự bội đạo, các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã trở thành một phần trong đế quốc tôn giáo giả trên khắp thế giới tức Ba-by-lôn Lớn. Vì thế, sự phán xét của Đức Chúa Trời trên Ba-by-lôn Lớn sẽ đặc biệt giáng trên các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ vì chúng là phần có tội nhiều nhất trong khối của Sa-tan (Khải-huyền 19:1-3).
12 Nhân-chứng Giê-hô-va cũng đã chỉ rõ theo lời cảnh cáo trước của Kinh-thánh là khi đến thời điểm của Đức Giê-hô-va, các nước chính trị là tình nhân của Ba-by-lôn Lớn sẽ nghịch lại mụ này. Tượng trưng tình nhân này bằng con thú đỏ sặm có mười sừng, Kinh-thánh báo trước: “Mười cái sừng ngươi đã thấy, và chính mình con thú sẽ ghét dâm-phụ [Ba-by-lôn Lớn], sẽ bóc-lột cho nó lõa-lồ, ăn thịt nó và thiêu nó bằng lửa” (Khải-huyền 17:16). Các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ sẽ bị thiêu đốt và hủy diệt cùng với tất cả những tôn giáo giả khác. Đây sẽ là hành động lạ lùng của Đức Giê-hô-va, một việc khác thường của Ngài trong thời kỳ chúng ta.
13. Ngày nay, các phản ứng của người ta đối với lời cảnh cáo của Đức Giê-hô-va cũng giống thế nào với những gì Ê-sai gặp phải?
13 Khi Nhân-chứng Giê-hô-va chuyển lời cảnh cáo về tai họa sắp tới này, họ thường gặp phải sự chế nhạo. Nhiều người tự hỏi họ là ai mà dám nói như vậy. Các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ có vẻ vững vàng, có uy tín lâu đời. Một số người cảm thấy địa vị của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ còn đang được phát triển. Các chính phủ ngày trước đàn áp chúng nay đã cho chúng nhiều tự do hoạt động hơn. Dù vậy, các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ nên chú ý đến lời khuyên của Ê-sai: “Vậy bây giờ, đừng khinh-lờn nữa, e dây tói càng buộc chặt các ngươi chăng; vì ta có nghe từ nơi Chúa, là Đức Giê-hô-va vạn-quân, lịnh truyền hủy-diệt cả đất” (Ê-sai 28:22; II Phi-e-rơ 3:3, 4).
14. Các dây tói buộc các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ sẽ càng ngày càng chặt hơn thế nào?
14 Đa số các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ sẽ tiếp tục chống đối vị Vua và Nước Trời (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3, 4, 8). Tuy nhiên, dây tói buộc chúng đồng thời càng buộc chặt hơn. Nói một cách khác, sự hủy diệt dành cho chúng càng ngày càng trở nên chắc chắn hơn. Đức Giê-hô-va sẽ không thay đổi ý định hủy diệt các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ cũng như Ngài đã không đổi ý trong việc cho phép Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị hủy diệt năm 607 trước công nguyên (kỷ nguyên chung).
“Hãy ra khỏi Ba-by-lôn”
15. Lối thoát nào được mở ra cho những người có lòng ngay thẳng?
15 Làm sao một người có thể tránh khỏi số phận của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ? Vào thời của Y-sơ-ra-ên ngày xưa, Đức Giê-hô-va sai các nhà tiên tri trung thành của Ngài kêu gọi những người có lòng ngay thẳng trở lại sự thờ phượng thanh sạch. Ngày nay, Ngài đã dấy lên các Nhân-chứng của Ngài, hiện thời con số đó lên đến hàng triệu, để cùng làm một công việc như vậy. Họ không sợ hãi vạch trần tình trạng chết về thiêng liêng của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Như thế, họ trung thành nói vang lên các tiếng kèn của thiên sứ thông báo về tai họa trong Khải-huyền đoạn 8 và 9. Hơn nữa, họ siêng năng rao truyền lời khuyên ghi nơi Khải-huyền 18:4: “Hỡi dân ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn, kẻo các ngươi dự phần tội-lỗi với nó, cũng chịu những tai-họa của nó nữa chăng”. Ở đây, Ba-by-lôn Lớn là đế quốc tôn giáo giả mà thành phần chính yếu là các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ.
16. Hàng triệu người thoát ra khỏi các tôn giáo giả bằng cách nào?
16 Từ năm 1919, và nhất là kể từ năm 1922, một đám đông người hiền từ đã đáp ứng lại lời khuyên đó và ra khỏi Ba-by-lôn Lớn. Mới đầu hàng ngàn, rồi đến hàng trăm ngàn và giờ đây hàng triệu người đã tách rời khỏi các tôn giáo giả, đặc biệt là các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ để đến với sự thờ phượng thật (Ê-sai 2:2-4). Họ biết rằng chỉ bằng cách rời bỏ Ba-by-lôn Lớn họ mới có thể tránh khỏi các hoạn nạn và sau cùng sự hủy diệt của tôn giáo giả khi Đức Giê-hô-va sẽ hoàn thành công việc lạ lùng này của Ngài đúng vào thời điểm đã định.
17, 18. Đức Giê-hô-va đã trở thành mão triều thiên chói sáng và mão miện rực rỡ cho dân tộc Ngài như thế nào?
17 Nhà tiên tri Ê-sai miêu tả tình trạng vui vẻ của những người đứng về phía sự thờ phượng thanh sạch. Ông nói: “Trong ngày đó, Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ trở nên mão triều-thiên chói-sáng và mão-miện rực-rỡ của dân sót Ngài; sẽ trở nên thần công-chính cho [đấng] ngồi trên tòa xét-đoán, và sức mạnh cho những kẻ đuổi giặc nơi cửa thành” (Ê-sai 28:5, 6).
18 Đức Giê-hô-va là vương miện rực rỡ không tàn phai cho các thành viên của lớp người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, bởi vì họ trung thành với lẽ thật. Điều này đặc biệt thấy rõ từ năm 1926. Tạp chí Tháp Canh, số tháng 1 năm 1926 nhấn mạnh đến việc cần thiết làm rạng danh Đức Giê-hô-va qua một bài gây xúc động với tựa đề: “Ai sẽ tôn vinh Đức Giê-hô-va?” Từ đó, các tín đồ được xức dầu của đấng Christ đã công bố danh Ngài trên khắp đất đến độ trước đây chưa từng có. Vào năm 1931, họ được nhận diện rõ ràng với Đức Giê-hô-va hơn nhờ chấp nhận danh hiệu Nhân-chứng Giê-hô-va. Hơn nữa, một đám đông các chiên khác cũng đã ra khỏi các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ và phần còn lại của Ba-by-lôn Lớn. Những người này cũng mang danh của Đức Chúa Trời. Kết quả là gì? Chính Đức Giê-hô-va—chứ không phải một nước độc lập nào trên đất—đã trở thành mão triều thiên chói sáng và mão miện rực rỡ cho hơn bốn triệu người trong 212 nước và hải đảo. Thật là điều vinh hạnh cho những người này được mang danh của Đức Chúa Trời hằng sống có một và thật!
“Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên ngài”
19. Ai là đấng ngồi trên tòa xét đoán, và Đức Giê-hô-va đã trở nên thần công chính của ngài như thế nào?
19 Đức Giê-hô-va đã trở nên “thần công-chính” đối với Giê-su, “[đấng] ngồi trên ngôi xét-đoán”. Khi Giê-su còn ở trên đất, ngài không chịu để tinh thần say sưa của các nước thế gian thắng nổi ngài. Ngày nay, với tư cách là Vua đương kim của Đức Giê-hô-va, ngài được đầy dẫy thánh linh điều khiển để đi đến những quyết định thăng bằng và rõ ràng. Lời tiên tri này đã ứng nghiệm trên Giê-su: “Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên ngài, tức là thần khôn-ngoan và thông-sáng, thần mưu-toan và mạnh-sức, thần hiểu-biết và kính-sợ Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 11:2). Thật vậy, qua Giê-su, Đức Giê-hô-va sẽ “lấy sự chánh-trực làm dây đo, sự công-bình làm chuẩn-mực” (Ê-sai 28:17). Khi những kẻ thù nghịch say sưa về thiêng liêng bị chôn vùi trong sự hủy diệt, danh thánh và quyền thống trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va sẽ được sáng tỏ.
20, 21. Những lời nơi Ê-sai 28:1-22 ảnh hưởng thế nào đến bạn?
20 Vậy, lời tiên tri trong Ê-sai đoạn 28 mang một ý nghĩa lớn lao thay cho chúng ta ngày nay! Nếu chúng ta xa lánh các bợm rượu thiêng liêng của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ và bám sát vào sự thờ phượng thanh sạch, chúng ta sẽ được bảo vệ khi Đức Giê-hô-va thực hiện hành động lạ lùng và công việc khác thường của Ngài. Chúng ta vui mừng xiết bao khi biết được điều này! Và chúng ta vui mừng biết bao khi nghĩ đến lúc mà những lời tiên tri này ứng nghiệm, tất cả sẽ phải biết rằng Đức Giê-hô-va vạn quân đã ra tay vì dân tộc trung thành của Ngài và để làm thánh danh Ngài qua Giê-su Christ (Thi-thiên 83:17, 18).
21 Thế thì mong rằng tất cả các tín đồ thật của đấng Christ tiếp tục mạnh dạn cảnh cáo về hành động lạ lùng của Đức Giê-hô-va. Mong rằng họ bền lòng thông báo về công việc khác thường của Ngài. Khi làm thế, mong họ thông báo cho mọi người biết niềm hy vọng không lay chuyển về Nước Đức Chúa Trời dưới quyền Vua Giê-su Christ. Mong rằng lòng sốt sắng, sự quyết tâm và lòng trung thành của họ góp phần vào việc ca ngợi đời đời dâng lên Đức Chúa Trời Toàn năng, Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 146:1, 2, 10).
Bạn có thể nhớ không?
◻ Tại sao các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ ở trong tình thế khó chịu?
◻ Đức Giê-hô-va khi xưa có ý định gì đối với Giê-ru-sa-lem và tại sao điều này là “lạ-lùng” và “khác thường”?
◻ Nhân-chứng Giê-hô-va đã công bố lời cảnh cáo nào về các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, và họ đã gặp phải phản ứng nào?
◻ Làm sao người ta có thể tránh khỏi số phận của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ?
[Hình nơi trang 12]
Đức Giê-hô-va sẽ làm lại hành động lạ lùng, lần này nghịch lại các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ