“Xin Chúa giúp-đỡ trong sự không tin của tôi!”
“Cha đứa trẻ la lên rằng: Tôi tin; xin Chúa giúp-đỡ trong sự không tin của tôi!” (MÁC 9:24).
1. Điều gì đã khiến một người cha hô lên: “Xin Chúa giúp-đỡ trong sự không tin của tôi!”?
NGƯỜI cha của một đứa trẻ bị quỉ ám đến đứng trước mặt Giê-su Christ. Người đó hẳn mong mỏi làm sao cho đứa con nhỏ của mình được lành bệnh! Các môn đồ của Giê-su trước đó đã không đủ đức tin để đuổi quỉ ra, nhưng người cha kêu lên lớn tiếng: “Tôi tin; xin Chúa giúp-đỡ trong sự không tin của tôi!” Rồi với quyền phép do Đức Chúa Trời ban cho ngài, Giê-su đã đuổi quỉ ra được, chắc chắn việc này làm cho vững mạnh thêm đức tin của người cha đứa bé trai (Mác 9:14-29).
2. Về đức tin thì các tín đồ đấng Christ không hổ thẹn nhìn nhận hai điều gì?
2 Giống như người cha đầy hy vọng của đứa trẻ đó, một tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đã không hổ thẹn mà nói: “Tôi có đức tin!” Mấy kẻ nhạo báng có lẽ phủ nhận quyền năng của Đức Chúa Trời, sự chân thật của Lời Ngài và ngay cả sự hiện hữu của Ngài nữa. Nhưng các tín đồ thật của đấng Christ thì sẵn sàng nhìn nhận họ có đức tin nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Thế nhưng, khi nói chuyện riêng với Cha họ trên trời qua lời cầu nguyện, chính những người này có thể nài xin: “Xin Ngài giúp đỡ con trong sự không tin của con!” Họ cũng không hổ thẹn cầu nguyện như thế, biết rằng ngay đến các sứ đồ của Giê-su Christ đã nài xin: “Xin thêm đức-tin cho chúng tôi!” (Lu-ca 17:5).
3. Điều gì đáng chú ý qua cách Giăng dùng chữ “đức tin” trong sách Phúc-âm, và tại sao điều đó là thích hợp?
3 Đặc biệt Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp nói nhiều về đức tin. Thật thế, sách Phúc-âm theo Giăng dùng nhiều chữ Hy-lạp khác nhau liên quan đến “đức tin” trên 40% nhiều hơn so với ba sách Phúc-âm khác hợp lại. Giăng nhấn mạnh rằng chỉ có đức tin mà thôi thì không đủ; thực hành đức tin mới là điều trọng yếu. Viết vào khoảng năm 98 công nguyên, ông nhận thấy sự bội đạo độc hại như con bạch tuộc nhiều tua hăm he giăng bẫy các tín đồ nào yếu đức tin (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28-30; II Phi-e-rơ 2:1-3; I Giăng 2:18, 19). Vậy điều trọng yếu là thực hành đức tin, trưng ra bằng chứng cụ thể của đức tin qua các hành vi tin kính. Những thời kỳ khó khăn lúc đó sắp đến.
4. Tại sao đối với những người có đức tin thì không việc gì là không thể làm được?
4 Đức tin giúp cho tín đồ đấng Christ đối phó nổi với mọi sự khó khăn. Giê-su nói với môn đồ nếu họ có “đức-tin bằng một hột cải”, thì không có gì mà họ không thể làm được (Ma-thi-ơ 17:20). Bằng cách này ngài nhấn mạnh đến quyền lực của đức tin, một trái của thánh linh. Vậy Giê-su nhấn mạnh đến điều gì mà thánh linh, tức sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời có thể làm được, chứ không phải những điều con người có thể làm. Những người được thánh linh hướng dẫn không làm cho các trở ngại và vấn đề khó khăn nhỏ nhặt thành ra đại sự. Áp dụng sự khôn ngoan mà thánh linh Đức Chúa Trời ban cho sẽ giúp họ có quan niệm đúng về tầm quan trọng của mọi sự. Đức tin có quyền lực ngay cả làm cho các vấn đề hệ trọng trở nên dễ đối phó hơn (Ma-thi-ơ 21:21, 22; Mác 11:22-24; Lu-ca 17:5, 6).
Cầu nguyện cho đức tin đừng bị mất
5-7. a) Giê-su nêu ra những lời cảnh cáo nào về đức tin khi ngài thiết lập Lễ Kỷ niệm? b) Đức tin của Phi-e-rơ đã giúp đỡ ông thế nào để làm vững mạnh thêm các anh em của ông?
5 Năm 33 công nguyên, Giê-su đã dự lễ Vượt qua lần cuối với các môn đồ. Rồi, sau khi đuổi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt ra ngoài, ngài thiết lập buổi Lễ Kỷ niệm. Ngài nói: “Ta ban nước cho các ngươi cũng như Cha ta đã ban cho ta vậy,... Hỡi Si-môn, Si-môn, nầy, quỉ Sa-tan đã đòi sàng-sảy ngươi như lúa mì. Song ta cầu-nguyện cho ngươi hầu cho đức-tin ngươi không thiếu-thốn. Vậy, đến khi ngươi đã hối-cải, hãy làm cho vững chí anh em mình” (Lu-ca 22:28-32).
6 Giê-su đã cầu nguyện cho đức tin của Si-môn Phi-e-rơ không thiếu thốn. Dù Phi-e-rơ quá tự tin mà quả quyết là sẽ không bao giờ chối Giê-su, ít lâu sau ông đã chối ngài ba lần (Lu-ca 22:33, 34, 54-62). Thật thế, lời tiên tri có nói khi đấng Chăn chiên bị giết thì các chiên sẽ tản lạc (Xa-cha-ri 13:7; Mác 14:27). Tuy nhiên, khi Phi-e-rơ tỉnh ngộ, ra khỏi trạng thái sợ hãi, ông đã làm vững chí các anh em thiêng liêng. Ông nêu ra vấn đề tìm người thay thế Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là kẻ bất trung. Đứng ra làm phát ngôn nhân cho các sứ đồ vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, Phi-e-rơ dùng “chìa khóa” thứ nhất mà Giê-su đã giao phó cho ông, mở đường cho người Do-thái gia nhập Nước Trời (Ma-thi-ơ 16:19; Công-vụ các Sứ-đồ 1:15 đến 2:41). Sa-tan đã đòi sàng sảy các sứ đồ như lúa, nhưng Đức Chúa Trời canh giữ sao cho cho đức tin của họ không bị tiêu tán.
7 Hãy tưởng tượng Phi-e-rơ đã cảm thấy thế nào khi nghe Giê-su nói: “Ta cầu-nguyện cho ngươi hầu cho đức-tin ngươi không thiếu-thốn”. Hãy thử nghĩ! Giê-su là Chúa và Thầy của Phi-e-rơ đã cầu nguyện cho đức tin của ông không bị mất. Và đức tin của ông đã không bị mất, hoặc không tiêu tán. Thật thế, vào ngày lễ Ngũ tuần, Phi-e-rơ và những người khác đã trở thành những người đầu tiên nhận được thánh linh để trở thành con thiêng liêng của Đức Chúa Trời, với triển vọng trở thành những người cùng thừa kế với đấng Christ trong sự vinh hiển trên trời. Nhờ có thánh linh hoạt động trên họ đến một mức độ chưa hề thấy trước đó, họ đã bày tỏ các trái của thánh linh, trong số đó có đức tin, nhiều hơn bao giờ hết. Thật là một câu trả lời kỳ diệu làm sao đối với lời cầu xin: “Xin thêm đức-tin cho chúng tôi!”! (Lu-ca 17:5; Ga-la-ti 3:2, 22-26; 5:22, 23).
Dùng đức tin để đối phó với những thử thách sắp đến
8. Tổ chức Đức Chúa Trời đã cho chúng ta lời cảnh cáo đúng thì nào về sự ứng nghiệm của I Tê-sa-lô-ni-ca 5:3?
8 Để làm ứng nghiệm lời tiên tri của Kinh-thánh, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ nghe lời rêu rao “Bình-hòa và an-ổn” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:3). Điều này có thể thử thách đức tin của chúng ta không? Có, bởi vì chúng ta có thể lâm vào mối nguy cơ là thiếu đề phòng khi nhìn thấy các nước có vẻ thành công trong việc đem lại hòa bình. Nhưng chúng ta sẽ không hùa theo tinh thần của những kẻ hô hào hòa bình như thế nếu chúng ta nhớ kỹ trong trí rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời không dùng bất cứ công cụ nào của thế gian này để đem lại hòa bình. Ngài có cách riêng của Ngài để đem lại hòa bình thật sự, và hòa bình chỉ đến qua Nước Trời trong tay Giê-su Christ. Bởi vậy, dù các nước có thành công đến đâu trong việc thiết lập hòa bình, đó chỉ là hòa bình tạm bợ và giả tạo bề ngoài mà thôi. Để giúp chúng ta tiếp tục cảnh giác đề phòng dưới khía cạnh này, lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” sẽ tiếp tục xuất bản những lời cảnh giác đúng thì hầu cho các tôi tớ của Đức Giê-hô-va sẽ không bị thiếu đề phòng vì cớ lời hô hào “Bình-hòa và an-ổn” của các nước trong hệ thống mọi sự cũ này (Ma-thi-ơ 24:45-47).
9. Tại sao sự hủy diệt giáng xuống Ba-by-lôn Lớn đòi hỏi chúng ta phải có can đảm và đức tin?
9 Lời rêu rao “Bình-hòa và an-ổn” sẽ là dấu hiệu báo trước “tai-họa thình-lình” bủa xuống trên Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo giả thế giới (Khải-huyền 17:1-6; 18:4, 5). Đây cũng sẽ là điều thử thách đức tin của tín đồ đấng Christ. Một khi các tôn giáo giả tan tành, các Nhân-chứng Giê-hô-va sẽ tiếp tục đứng vững trong đức tin không? Dĩ nhiên họ sẽ đứng vững. Biến cố này—bất ngờ và nhiều người không thể hiểu nổi—sẽ không phải là công trình của loài người. Người ta phải biết rằng thật ra đó là sự phán xét của Đức Giê-hô-va, để làm thánh danh Ngài mà tôn giáo giả từ lâu đã bôi nhọ. Nhưng làm thế nào người ta có thể biết được nếu không có ai nói cho họ biết? Và có ai ngoài các Nhân-chứng Giê-hô-va ra sẽ nói cho họ biết điều đó? (So sánh Ê-xê-chi-ên 35:14, 15; Rô-ma 10:13-15).
10. Bằng cách nào cuộc tấn công của Gót chống lại dân sự của Đức Chúa Trời cũng là một việc thử thách đức tin?
10 Các Nhân-chứng Giê-hô-va được xức dầu và những người kết hợp với họ có hy vọng sống trên đất đã có đủ can đảm để nói với người khác về việc Đức Giê-hô-va sắp sửa thi hành án lệnh nghịch lại Ba-by-lôn Lớn và phần còn lại của hệ thống mọi sự của Sa-tan (II Cô-rinh-tô 4:4). Trong vai trò Gót ở đất Ma-gốc, ngụ ý nói đến địa vị thấp hèn hiện tại của hắn, Sa-tan sẽ thống lãnh các đạo binh trên đất của hắn mở cuộc tổng tấn công chống lại dân sự của Đức Chúa Trời. Điều đó sẽ thử thách đức tin của Nhân-chứng Giê-hô-va về quyền năng che chở của Ngài đối với họ. Nhưng chúng ta có thể tin cậy rằng, đúng như Lời Đức Chúa Trời có nói trước, Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu dân sự của Ngài (Ê-xê-chi-ên 38:16; 39:18-23).
11, 12. a) Điều gì bảo đảm cho sự cứu rỗi của Nô-ê và gia đình ông trong Trận Nước Lụt? b) Chúng ta không cần phải lo âu về những gì trong hoạn nạn lớn?
11 Ngày nay, chúng ta không biết chính xác Đức Giê-hô-va sẽ che chở dân tộc Ngài như thế nào trong “hoạn-nạn lớn”, nhưng không có lý do nào nghi ngờ là Ngài sẽ không làm điều đó (Ma-thi-ơ 24:21, 22). Tình thế của các tôi tớ thời nay của Đức Chúa Trời lúc đó sẽ giống như tình thế Nô-ê và gia đình sống sót qua Trận Nước Lụt. Ở bên trong tàu được đóng chặt nhìn ra ngoài thấy nước lũ thác loạn chảy cuồn cuộn gieo rắc sự hủy diệt chung quanh hẳn họ cảm thấy thán phục về sự bày tỏ quyền năng này của Đức Chúa Trời và hẳn họ đã hết lòng cầu nguyện Ngài. Không có gì trong Kinh-thánh cho thấy họ lo âu và tự hỏi: ‘Không biết chiếc tàu có đủ chắc để giúp họ sống sót qua khỏi sức tàn phá của nước không? Chúng ta có đủ lương thực để cầm cự cho đến khi Trận Nước Lụt chấm dứt không? Không hiểu rồi đây chúng ta sẽ đủ sức đối phó với hoàn cảnh đã thay đổi trên đất không?’ Các biến cố diễn ra sau đó cho thấy không có lý do gì để họ bận tâm lo âu như vậy.
12 Để bảo đảm cho sự giải cứu của họ, Nô-ê và gia đình ông cần phải thực hành đức tin. Điều đó có nghĩa làm theo các sự hướng dẫn và chỉ dẫn của thánh linh Đức Chúa Trời. Trong hoạn nạn lớn, chúng ta cũng sẽ phải làm theo sự chỉ dẫn của thánh linh và phục tùng sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va qua tổ chức của Ngài. Vậy chúng ta sẽ không có lý do nào để lo âu và tự hỏi: ‘Làm sao chúng ta sẽ thỏa mãn những nhu cầu thiêng liêng và vật chất của chúng ta? Sẽ có những sắp đặt nào cho những người lớn tuổi hoặc cho những ai cần được chăm sóc hay điều trị đặc biệt về sức khỏe? Đức Giê-hô-va làm cách nào để cho chúng ta có thể sống sót và bước vào thế giới mới?’ Với đức tin mạnh mẽ, tất cả các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va sẽ để cánh tay quyền năng của Ngài lo liệu mọi sự. (So sánh Ma-thi-ơ 6:25-33).
13. Một khi hoạn nạn lớn bắt đầu, tại sao chúng ta cần có đức tin giống như đức tin của Áp-ra-ham?
13 Một khi hoạn nạn lớn bắt đầu, chắc chắn đức tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời sẽ lớn mạnh thêm nhiều. Rốt lại, chúng ta sẽ thấy tận mắt Đức Giê-hô-va thi hành những gì mà Ngài nói là sẽ làm. Chúng ta sẽ chứng kiến tận mắt cảnh Ngài thi hành sự phán xét của Ngài! Nhưng cá nhân chúng ta có đủ đức tin để tin rằng trong khi hủy diệt kẻ ác, Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ dân sự của Ngài không? Chúng ta có giống như Áp-ra-ham, là người tin rằng “Đấng đoán-xét toàn thế-gian...làm sự công-bình” hẳn sẽ không hủy diệt người công bình chung với kẻ dữ, phải không? (Sáng-thế Ký 18:23, 25).
14. Các câu hỏi nào sẽ khiến chúng ta phân tích đức tin của mình và cố gắng hết sức để làm cho mạnh thêm?
14 Việc chúng ta bây giờ cần xây dựng đức tin là quan trọng làm sao! Bởi lẽ sự cuối cùng của hệ thống mọi sự ác này rất gần kề, chúng ta hãy để cho thánh linh Đức Chúa Trời thúc giục chúng ta “đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình” (II Phi-e-rơ 3:11-14). Rồi trong hoạn nạn lớn chúng ta sẽ không bị dày xéo bởi các ý tưởng bất ổn như: ‘Tôi có xứng đáng được Đức Giê-hô-va che chở không? Hồi trước tôi đã có thể nào phụng sự Ngài nhiều hơn không? Tôi có thật sự cố gắng hết sức mình để mặc lấy “nhân cách mới” không? Tôi có phải là hạng người mà Đức Giê-hô-va muốn cho sống trong thế giới mới không?’ Các câu hỏi nghiêm chỉnh ấy sẽ khiến chúng ta phân tích đức tin mình và cố gắng làm mạnh mẽ đức tin ấy ngay bây giờ! (Cô-lô-se 3:8-10).
Đức tin chữa lành bệnh
15. Đôi khi Giê-su nói gì với những người mà ngài chữa lành cho, nhưng tại sao điều này không yểm trợ việc chữa bệnh bằng đức tin ngày nay?
15 Công việc của Giê-su không chỉ là chữa lành bệnh cho những người có đức tin (Giăng 5:5-9, 13). Vì thế hoạt động của ngài không yểm trợ giáo lý phản Kinh-thánh về sự chữa bệnh bằng đức tin. Đành rằng Giê-su đôi khi nói với những người được ngài chữa bệnh: “Đức-tin con đã làm cho con được lành” (Ma-thi-ơ 9:22; Mác 5:34; 10:52; Lu-ca 8:48; 17:19; 18:42). Nhưng khi nói như thế, ngài chỉ nêu ra một lẽ thật hiển nhiên: Nếu những người có bệnh không tin Giê-su có khả năng chữa bệnh, hẳn họ sẽ không đi tìm ngài làm gì.
16. Giê-su đang chỉ huy một chương trình chữa lành nào ngày nay?
16 Ngày nay, Giê-su Christ đang chỉ huy một chương trình chữa bệnh thiêng liêng, và có hơn 4.000.000 người đã được chữa lành qua chương trình này. Với tư cách Nhân-chứng Giê-hô-va, họ đang vui hưởng sức khỏe thiêng liêng dù có thể mắc các chứng bệnh ngoài thể xác. Các tín đồ được xức dầu trong số họ thì có hy vọng lên trời, và họ “chăm sự không thấy được” (II Cô-rinh-tô 4:16-18; 5:6, 7). Và tín đồ đấng Christ với hy vọng sống trên đất nóng lòng trông đợi sự chữa lành về thể chất sẽ diễn ra trong thế giới mới của Đức Chúa Trời.
17, 18. Khải-huyền 22:1, 2 miêu tả sự sắp đặt nào của Đức Giê-hô-va, và làm thế nào chúng ta cần phải biểu lộ đức tin để nhận được sự sắp đặt đó?
17 Sứ đồ Giăng nhắc đến sự sắp đặt của Đức Chúa Trời nhằm ban sự sống đời đời bằng những lời này ghi nơi Khải-huyền 22:1, 2: “Thiên-sứ chỉ cho tôi xem sông nước sự sống, trong như lưu-ly, từ ngôi Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra. Ở giữa phố thành và trên hai bờ sông cũng có cây sự sống trổ mười hai mùa, mỗi tháng một lần ra trái; và những lá cây đó dùng để chữa lành cho các dân”. “Nước sự sống” bao gồm Lời lẽ thật của Đức Chúa Trời và mọi sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va nhằm chữa lành nhân loại biết vâng lời khỏi tội lỗi và sự chết cũng như để ban cho họ sự sống đời đời dựa trên căn bản giá chuộc hy sinh của Giê-su (Ê-phê-sô 5:26; I Giăng 2:1, 2). Trong khi còn ở trên đất, 144.000 môn đồ được xức dầu của Giê-su uống lấy sự sắp đặt để được sống qua đấng Christ và họ được gọi là “cây của sự công-bình” (Ê-sai 61:1-3; Khải-huyền 14:1-5). Họ đã sản xuất nhiều bông trái thiêng liêng trên đất. Là những người được sống lại trên trời, trong triều đại Một Ngàn Năm Trị vì của đấng Christ, họ sẽ dự phần vào việc phân phát những gì mà giá chuộc cung cấp để “chữa lành cho các dân” khỏi tội lỗi và sự chết.
18 Hễ đức tin của chúng ta nơi các sự sắp đặt này càng mạnh chừng nào, chúng ta sẽ càng sẵn lòng noi theo sự chỉ dẫn của thánh linh để hưởng thụ các sự sắp đặt ấy chừng nấy. Hiển nhiên một người sẽ đạt đến sự hoàn toàn nhờ đặt đức tin nơi đấng Christ và tiến bộ về thiêng liêng. Dù một người được chữa lành bằng phép lạ, không còn mắc phải các chứng bệnh tật trầm trọng, người đó sẽ tiến đến gần sự hoàn toàn hơn khi thực hành điều thiện. Người đó sẽ đều đặn nhận được các sự sắp đặt của Đức Chúa Trời nhằm chữa lành nhờ sự hy sinh của đấng Christ. Như vậy đức tin sẽ có ảnh hưởng trong việc chúng ta được chữa lành và nhận được sự hoàn toàn theo nghĩa thể chất.
“Bởi đức-tin, mà anh em được cứu”
19. Tại sao đứng vững trong đức tin là điều trọng yếu?
19 Cho đến chừng ánh sáng rạng đông của thế giới mới của Đức Chúa Trời đánh tan màn đêm dày đặc của thế gian hung ác hiện nay, việc các tôi tớ của Đức Giê-hô-va cần đứng vững trong đức tin là trọng yếu! Những kẻ “chẳng tin” sẽ bị quăng xuống “hồ có lửa và diêm cháy bừng-bừng”, tức sự chết thứ hai. Điều đó sẽ diễn ra chậm nhất là sau cuộc thử thách cuối cùng vào giai đoạn chót của Triều đại Một Ngàn Năm của đấng Christ (Khải-huyền 20:6-10; 21:8). Thật là phước thay cho những người tiếp tục thực hành đức tin và sống sót lúc đó để vui hưởng một tương lai vô tận!
20. Vào cuối Triều đại Một Ngàn Năm của đấng Christ, I Cô-rinh-tô 13:13 sẽ mang ý nghĩa đặc biệt nào?
20 Khi đó những lời này của Phao-lô nơi I Cô-rinh-tô 13:13 sẽ đượm ý nghĩa đặc biệt: “Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức-tin, sự trông-cậy, tình yêu-thương; nhưng tình điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu-thương”. Khi đó chúng ta sẽ không cần phải thực hành đức tin là lời hứa tiên tri nơi Sáng-thế Ký 3:15 sẽ trở thành thực tại hoặc hy vọng rằng lời hứa đó sẽ được thực hiện. Vì khi mọi việc đều đã diễn ra rồi. Là những người giữ sự trung thành, chúng ta sẽ tiếp tục hy vọng nơi Đức Giê-hô-va, tin tưởng nơi Ngài và Con Ngài và yêu mến hai Đấng đã làm ứng nghiệm lời tiên tri này. Hơn nữa, lòng yêu thương sâu đậm và sự biết ơn hết lòng vì đã được cứu rỗi sẽ thắt chặt chúng ta lại với Đức Chúa Trời bằng một sự tin kính không gì lay chuyển cho đến mãi mãi (I Phi-e-rơ 1:8, 9).
21. Ngày nay chúng ta nên làm gì để “bởi đức-tin, mà...được cứu”?
21 Qua tổ chức hữu hình của Ngài, Đức Giê-hô-va đã sắp đặt một cách kỳ diệu để làm vững đức tin của chúng ta. Hãy tận dụng các sự sắp đặt đó. Hãy đều đặn có mặt và tham gia vào các buổi nhóm họp của dân sự Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Hãy siêng năng học hỏi Lời của Ngài cùng các sách báo của tín đồ đấng Christ. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho thánh linh của Ngài (Lu-ca 11:13). Hãy bắt chước đức tin của những người khiêm nhường dẫn dắt chúng ta trong hội-thánh (Hê-bơ-rơ 13:7). Hãy cưỡng lại các sự cám dỗ của thế gian. Đúng, và hãy thắt chặt mối liên lạc cá nhân của bạn với Đức Giê-hô-va cho sâu đậm thêm bằng đủ mọi cách. Trên hết mọi sự, hãy tiếp tục thực hành đức tin. Rồi bạn có thể có mặt trong số những người làm vui lòng Đức Giê-hô-va và đạt đến sự cứu rỗi, vì Phao-lô tuyên bố: “Ấy là nhờ ân-điển, bởi đức-tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:8).
Bạn trả lời ra sao?
◻ Chúng ta sắp sửa phải gặp thử thách nào về đức tin?
◻ Đức tin chúng ta có thể giúp chữa lành bệnh cho chúng ta qua hai cách nào?
◻ Theo I Phi-e-rơ 1:9, chúng ta phải giữ vững đức tin trong thời gian bao lâu?
◻ Chúng ta có những sự sắp đặt nào để làm vững đức tin của chúng ta?
[Hình nơi trang 15]
Giống như người cha có đứa con trai được Giê-su chữa lành, cá nhân bạn có cảm thấy cần vun trồng đức tin nhiều hơn nữa không?
[Hình nơi trang 17]
Sẽ cần phải có đức tin giống như của Nô-ê và gia đình ông để sống sót qua khỏi “hoạn-nạn lớn”