Làm thế nào chúng ta có thể đền ơn Đức Giê-hô-va?
GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI cho chúng ta gương mẫu tốt nhất về sự ban cho. Ngài đã ban cho nhân loại “sự sống, hơi sống, muôn vật” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:25). Đức Chúa Trời khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng người lành (Ma-thi-ơ 5:45). Quả thật Đức Giê-hô-va “làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa-màng nhiều hoa-quả, đồ-ăn dư-dật và lòng đầy vui-mừng” (Công-vụ các Sứ-đồ 14:15-17). Đúng vậy, “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng-láng mà xuống”! (Gia-cơ 1:17).
Ngoài những sự ban cho vật chất Ngài còn cho ánh sáng thiêng liêng và lẽ thật (Thi-thiên 43:3). Các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va được ân phước dư dật về thức ăn thiêng liêng mà Ngài cung cấp đúng lúc qua lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 24:45-47). Chúng ta có thể hưởng được những sự cung cấp thiêng liêng của Đức Chúa Trời vì Ngài đã làm cho loài người tội lỗi và đáng chết có thể hòa thuận lại với Ngài. Bằng cách nào? Qua sự chết của Con Ngài là Giê-su Christ, đấng đã phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người (Ma-thi-ơ 20:28; Rô-ma 5:8-12). Quả thật là một món quà to tát từ Đức Chúa Trời yêu thương là Đức Giê-hô-va! (Giăng 3:16).
Có cách nào để đền ơn không?
Hàng thế kỷ trước khi có sự cứu chuộc, một người được Đức Chúa Trời soi dẫn viết Thi-thiên đã biết quí trọng tận đáy lòng đối với sự thương xót, giải cứu và sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời nên ông đã nói: “Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn-lành mà Ngài đã làm cho tôi? Tôi sẽ cầm cái chén cứu-rỗi, mà cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va. Tôi sẽ trả xong cho Đức Giê-hô-va các sự tôi hứa-nguyện, tại trước mặt cả dân-sự Ngài” (Thi-thiên 116:12-14).
Nếu chúng ta hết lòng dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ cầu khẩn danh Ngài với lòng tin và thi hành những lời hứa nguyện với Ngài. Là Nhân-chứng Giê-hô-va, chúng ta có thể ca ngợi Đức Chúa Trời bằng cách nói tốt về Ngài bất cứ lúc nào và rao truyền thông điệp về Nước của Ngài (Thi-thiên 145:1, 2, 10-13; Ma-thi-ơ 24:14). Nhưng chúng ta không thể làm cho Đức Giê-hô-va trở nên giàu có hơn được vì tất cả đều thuộc về Ngài hoặc chúng ta cũng không có thể đền đáp lại cho Ngài tất cả các ân phước mà Ngài ban cho chúng ta (I Sử-ký 29:14-17).
Đóng góp tiền bạc cho quyền lợi Nước Trời không phải là cách để trả lại hoặc làm giàu cho Đức Giê-hô-va. Nhưng dầu sao những sự đóng góp như thế cũng cho chúng ta cơ hội để chứng tỏ tình yêu thương của chúng ta đối với Đức Chúa Trời. Chúng ta không nên đóng góp vì động lực ích kỷ hoặc vì muốn được người khác biết đến và khen ngợi, nhưng với tinh thần rộng lượng để phát huy sự thờ phượng thật. Sự đóng góp này giúp cho người đóng góp có hạnh phúc và nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va (Ma-thi-ơ 6:1-4; Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Chúng ta muốn chắc chắn là mình có thể dự phần vào việc đóng góp đó và nhận được hạnh phúc do việc mình làm thì chúng ta nên đều đặn để riêng một phần của cải vật chất để ủng hộ sự thờ phượng thật và để giúp những người đáng được giúp đỡ (I Cô-rinh-tô 16:1, 2). Vậy chúng ta có nên đóng góp một phần mười tiền lương của chúng ta không?
Có nên đóng góp một phần mười tiền lương không?
Qua trung gian nhà tiên tri Ma-la-chi Đức Giê-hô-va phán: “Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương-thực trong nhà ta; và từ nay các ngươi khá lấy điều nầy mà thử ta, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán, xem ta có mở các cửa-sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không [còn] chỗ chứa chăng!” (Ma-la-chi 3:10). Một bản dịch khác nói: “Thập phân, hãy đem lại cả vào nhà kho” (Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn).
Thập phân là một phần mười của một sự vật nào đó. Đóng thập phân là cho hoặc đóng góp 10%. Nguyên tắc thập phân đặc biệt được dùng với mục đích tôn giáo. Đây có nghĩa là đóng góp một phần mười lợi tức cá nhân để phát huy sự thờ phượng.
Tộc trưởng Áp-ra-ham đã cho vua và thầy tế-lễ Mên-chi-xê-đéc của thành Sa-lem một phần mười chiến lợi phẩm lấy được của vua Kết-rô-lao-me và các vua đồng minh (Sáng-thế Ký 14:18-20; Hê-bơ-rơ 7:4-10). Sau đó Gia-cốp cũng đã hứa nguyện dâng cho Đức Chúa Trời một phần mười của cải của ông (Sáng-thế Ký 28:20-22). Trong mỗi trường hợp, sự đóng góp một phần mười đều là tình nguyện, vì đối với những người Hê-bơ-rơ thuở xưa, không có luật pháp nào bắt buộc họ phải đóng như thế cả.
Nguyên tắc một phần mười dưới Luật Môi-se
Vì là dân sự của Đức Giê-hô-va, những người Y-sơ-ra-ên được Ngài ban cho luật pháp về nguyên tắc thập phân. Rõ ràng luật pháp này gồm có hai phần mười lợi tức hàng năm, mặc dù có một số học giả cho rằng hàng năm chỉ có một phần mười mà thôi. Vào năm Sa-bát thì người ta khỏi phải đóng thập phân vì năm ấy không có lợi tức (Lê-vi Ký 25:1-12). Ngoài hoa quả đầu mùa dâng lên cho Đức Chúa Trời, dân Y-sơ-ra-ên còn đóng thêm một phần mười nữa (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:19).
Một phần mười thổ sản và cây ăn trái và hiển nhiên một phần mười của phần gia tăng trong bầy gia súc được đem đến đền thờ và trao cho những người Lê-vi vì họ không được thừa hưởng đất đai. Về phần họ, họ sẽ đóng góp một phần mười những gì họ đã nhận được để giúp đỡ chức vụ tế lễ dòng A-rôn. Hiển nhiên lúa phải được đập, trái nho và trái ô-li-ve phải được làm thành rượu và dầu trước khi đóng thập phân. Một người Y-sơ-ra-ên có thể đóng góp tiền bạc thay vì thổ sản nếu muốn, nhưng phải phụ thêm vào đó một phần năm giá trị của thổ sản (Lê-vi Ký 27:30-33; Dân-số Ký 18:21-30).
Dường như có một phần mười khác cũng được để riêng ra. Thường thì được dùng bởi gia đình khi dân sự nhóm họp vào những buổi lễ. Nhưng nếu đường xá đi đến Giê-ru-sa-lem quá xa xôi không tiện cho việc chuyên chở đó thì sao? Lúc ấy thì ngũ cốc, rượu mới, dầu và thú vật được đổi ra tiền mặt để đem đi dễ dàng (Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:4-18; 14:22-27). Vào cuối mỗi năm thứ ba và năm thứ sáu của chu kỳ bảy năm (Sa-bát) thì một phần mười được để riêng dành cho những người Lê-vi, khách kiều ngụ, người góa bụa, và trẻ mồ côi cha (Phục-truyền Luật-lệ Ký 14:28, 29; 26:12).
Dưới Luật pháp Môi-se không có hình phạt nếu phạm luật thập phân. Tuy vậy Đức Giê-hô-va đặt dân sự trước một bổn phận luân lý mạnh mẽ để đóng góp thập phân. Đôi khi họ phải nói trước mặt Đức Giê-hô-va rằng họ đã đóng đủ một phần mười rồi (Phục-truyền Luật-lệ Ký 26:13-15). Bất cứ vật gì cầm giữ lại bất hợp pháp thì bị coi như đồ vật đánh cắp nơi Đức Chúa Trời (Ma-la-chi 3:7-9).
Nguyên tắc thập phân không phải là một sự sắp đặt nặng nề. Trên thực tế khi dân Y-sơ-ra-ên vâng giữ những điều luật này thì họ được thịnh vượng hơn. Nguyên tắc thập phân phát huy sự thờ phượng thật mà không cần phải chú ý quá đáng đến cách để có vật chất cung cấp cho việc ấy. Do đó, sự sắp đặt nguyên tắc thập phân có lợi cho tất cả mọi người dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng tín đồ đấng Christ có phải theo nguyên tắc thập phân không?
Tín đồ đấng Christ có phải đóng một phần mười không?
Từ lâu nay, nguyên tắc thập phân rất thông dụng trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Cuốn “Bách khoa Tự điển Hoa-kỳ” (The Encyclopedia Americana) nói: “Điều đó...dần dần trở nên phổ thông vào thế kỷ thứ sáu. Hội đồng Tours vào năm 567 và Hội đồng Macon lần thứ hai vào năm 585 biện hộ cho nguyên tắc thập phân...Nhưng sự lạm dụng trở nên thông thường, đặc biệt là khi quyền thâu thập phân được ủy thác hoặc bán cho dân thường. Bắt đầu với Giáo hoàng Gregory VII, việc này được tuyên bố là bất hợp pháp. Lúc đó nhiều người thường dân trao lại quyền thâu thập phân mình cho những tu viện và nhà thờ lớn. Phong trào Cải cách cũng không bãi bỏ nguyên tắc thập phân, và Công giáo La-mã và những nước theo đạo Tin lành vẫn tiếp tục thực hành nguyên tắc này”. Sau đó nguyên tắc thập phân bị bãi bỏ và được thay thế tại nhiều nơi, và bây giờ thì ít có đạo nào thực hành điều đó nữa.
Vậy thì các tín đồ đấng Christ có phải đóng thập phân không? Alexander Cruden viết trong cuốn bảng đối chiếu Kinh-thánh của ông rằng: “Đấng Cứu chuộc chúng ta và cả các sứ đồ của ngài không có răn bảo gì về vấn đề thập phân này cả”. Quả thật, không có điều luật nào buộc các tín đồ đấng Christ phải giữ theo nguyên tắc thập phân. Chính Đức Chúa Trời đã chấm dứt Luật pháp Môi-se cùng sự sắp đặt về nguyên tắc thập phân và Ngài đóng đinh Luật ấy trên cây khổ hình của Giê-su (Rô-ma 6:14; Cô-lô-se 2:13, 14). Do đó các tín đồ đấng Christ đóng góp một cách tình nguyện để trang trải những chi phí của hội-thánh thay vì bị buộc phải đóng một số tiền được qui định.
Làm vinh hiển Đức Giê-hô-va với những của cải quí báu
Hiển nhiên nếu một tín đồ đấng Christ muốn tình nguyện đóng góp phần mười lợi tức mình hầu làm tiến triển sự thờ phượng thật thì không vi phạm điều luật nào của Kinh-thánh cả. Tại Papua Tân Ghi-nê, một thiếu niên 15 tuổi đã gửi thư kèm theo một khoản tiền đóng góp. Em viết: “Hồi em còn nhỏ, ba em thường nói với em: ‘Khi con bắt đầu đi làm kiếm ra tiền thì con hãy dâng cho Đức Giê-hô-va trái đầu mùa’. Em nhớ những lời nơi Châm-ngôn 3:1, 9 nói rằng chúng ta hãy dâng cho Đức Giê-hô-va những trái đầu mùa để làm vinh hiển Ngài. Bởi thế cho nên em đã hứa sẽ làm điều này, và bây giờ em phải giữ lời hứa. Em rất vui mừng khi gửi số tiền đóng góp này cho công việc Nước Trời”. Kinh-thánh không kêu gọi tín đồ đấng Christ hứa như thế. Tuy nhiên, sự đóng góp rộng rãi là một cách tốt để bày tỏ lòng quan tâm sâu đậm đến việc truyền bá sự thờ phượng thật.
Một tín đồ đấng Christ không cần quyết định phải đặt một giới hạn nào trong sự đóng góp để phát triển công việc thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chẳng hạn như tại một hội nghị của các Nhân-chứng Giê-hô-va, hai chị lớn tuổi đang bàn luận về sự đóng góp cho công việc Nước Trời. Khi lấy phần ăn tại địa điểm hội nghị, chị 87 tuổi muốn biết phần ăn ấy giá bao nhiêu hầu chị có thể đóng góp cho phần của mình. Chị 90 tuổi trả lời: “Chị nghĩ phần ăn đáng giá bao nhiêu thì hãy đóng góp bấy nhiêu, và nhớ để thêm vào đó một ít nữa”. Quả thật chị lớn tuổi kia đã bày tỏ một thái độ tốt thay!
Vì các Nhân-chứng Giê-hô-va đã dâng mình trọn vẹn cho Ngài, họ sẵn lòng đóng góp tiền bạc và những thứ khác nữa để ủng hộ sự thờ phượng thật. (So sánh II Cô-rinh-tô 8:12). Thật ra, cách đóng góp của các tín đồ đấng Christ cho ta những dịp để chứng tỏ lòng cảm kích sâu đậm đối với sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Những sự đóng góp như thế không phải bị gò bó bởi một nguyên tắc thập phân hoặc phần mười, và có thể tùy hoàn cảnh, một người có thể động lòng đóng góp nhiều hơn để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời (Ma-thi-ơ 6:33).
Sứ đồ Phao-lô nói: “Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn-nàn hay là vì ép-uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng” (II Cô-rinh-tô 9:7). Nếu chúng ta đóng góp một cách vui vẻ và rộng lượng để ủng hộ sự thờ phượng thật thì chúng ta sẽ được thịnh vượng, vì câu châm ngôn khôn ngoan nói: “Hãy lấy tài-vật và huê-lợi đầu mùa của con, mà tôn vinh Đức Giê-hô-va; vậy, các vựa-lẫm con sẽ đầy dư-dật, và những thùng của con sẽ tràn rượu mới” (Châm-ngôn 3:9, 10).
Chúng ta không thể làm cho Đấng Chí Cao giàu hơn. Mọi vật đều thuộc về Ngài: vàng, bạc, thú rừng trên ngàn núi đồi, cùng vô số những châu báu (Thi-thiên 50:10-12). Không bao giờ chúng ta có thể đền nổi ơn của Đức Chúa Trời vì tất cả các ân phước mà Ngài ban cho chúng ta. Tuy nhiên chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn sâu đậm của chúng ta đối với Ngài và đối với đặc ân làm thánh chức để ca ngợi Ngài. Chúng ta có thể tin chắc rằng những ân phước dồi dào được đổ xuống cho những người đóng góp một cách dư dật để phát triển sự thờ phượng thật và ca ngợi Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời đầy lòng yêu thương và rộng lượng (II Cô-rinh-tô 9:11).
[Khung nơi trang 22]
MỘT SỐ NGƯỜI ĐÓNG GÓP THẾ NÀO CHO CÔNG VIỆC NƯỚC TRỜI
▫ ĐÓNG GÓP CHO HOẠT ĐỘNG KHẮP THẾ GIỚI: Nhiều người để riêng ra hoặc lập một ngân khoản để bỏ vào các hộp có ghi: “Đóng góp cho hoạt động của Hội trên khắp thế giới (Ma-thi-ơ 24:14)”. Mỗi tháng các hội-thánh chuyển các khoản tiền này cho trụ sở trung ương tại Brooklyn, Nữu-ước, hoặc cho chi nhánh gần nhất của Hội.
▫ BIẾU TIỀN HAY TẶNG QUÀ: Có thể gửi tiền đóng góp tình nguyện đến thẳng cho Hội Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania, 25 Columbia Heights, Brooklyn, New York 11201, U.S.A., hoặc gửi đến văn phòng chi nhánh gần nhất của Hội. Cũng có thể đóng góp nữ trang hoặc những đồ quí báu khác. Người gửi quà nên đính kèm một lá thư ngắn xác nhận đó là quà tặng.
▫ QUI CHẾ TẶNG CÓ ĐIỀU KIỆN: Một người có thể gửi tiền tặng cho Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) để Hội giữ hộ cho người đó cho đến khi người đó qua đời với điều kiện là Hội hoàn tiền lại cho người đó khi người đó cần dùng.
▫ BẢO HIỂM: Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) có thể được chỉ định thừa hưởng bảo hiểm nhân mạng hoặc quỹ hồi hưu. Nên thông báo cho Hội biết về sự sắp đặt đó.
▫ TRƯƠNG MỤC NGÂN HÀNG: Trương mục ngân hàng, chứng chỉ ký quỹ, hoặc trương mục hồi hưu cá nhân được ủy thác hoặc ghi trả cho Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) khi đương sự chết để cho phù hợp với qui chế của ngân hàng địa phương. Nên thông báo cho Hội biết về những sự sắp đặt đó.
▫ CỔ PHẦN VÀ NGÂN KHỐ PHIẾU: Một người có thể tặng cổ phần và ngân khố phiếu cho Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) như quà tặng dứt khoát hoặc với qui chế là người tặng vẫn tiếp tục nhận được lợi tức.
▫ BẤT ĐỘNG SẢN: Một người có thể tặng thẳng cho Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) bất động sản có thể bán được hoặc mình vẫn tiếp tục sống ở đó, nhưng nhượng lại cho Hội quyền sở hữu chủ sau khi mình qua đời. Người đó nên liên lạc với Hội trước khi ký giấy cho Hội bất động sản.
▫ DI CHÚC VÀ TÍN DỤNG (TRUSTS): Một người có thể làm chúc thư chính thức để tài sản và tiền bạc lại cho Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) hoặc Hội có thể được chỉ định làm pháp nhân thừa hưởng giao kèo tín dụng (trust). Giao cho một tổ chức tôn giáo hưởng tín dụng có thể đem lại lợi ích về mặt thuế vụ. Nên gửi cho Hội một bản sao của tờ di chúc hay giao kèo tín dụng.
Muốn biết thêm chi tiết về vấn đề này, xin viết thư về Văn phòng Thủ quỹ Hội Tháp Canh (Watch Tower Society, Treasurer’s Office), 25 Columbia Heights, Brooklyn, New York 11201, U.S.A., hoặc gửi đến văn phòng chi nhánh gần nhất của Hội. Xin lưu ý là một số hình thức đóng góp ghi trên không có hiệu lực tại Pháp.