Trận Nước Lụt không thể quên được
KHOẢNG 4.300 năm trước, một trận Nước Lụt lớn khủng khiếp bao phủ cả trái đất. Một luồng nước khổng lồ đã một mạch cuốn đi hầu hết mọi sinh vật. Trận Nước Lụt khủng khiếp đến nỗi đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân loại, và câu chuyện này đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Vào khoảng 850 năm sau đó, Môi-se, một tác giả người Hê-bơ-rơ có viết lại trận Nước Lụt trên khắp đất. Câu chuyện này được ghi nơi sách Sáng-thế Ký trong Kinh-thánh. Chúng ta có thể đọc biết được những chi tiết linh động từ chương 6 tới chương 8. Ge 6-8
Câu chuyện về trận Nước Lụt trong Kinh-thánh
Sách Sáng-thế Ký ghi lại những chi tiết này, hiển nhiên của một người đã chứng kiến tận mắt: “Nhằm năm sáu trăm của đời Nô-ê, tháng hai, ngày mười bảy, chánh ngày đó, các nguồn của vực lớn nổ ra, và các đập trên trời mở xuống. Nước lụt phủ mặt đất bốn mươi ngày; nước dưng thêm nâng hỏng tàu lên khỏi mặt đất. Nước càng dưng lên bội phần trên mặt đất, hết thảy những ngọn núi cao ở dưới trời đều bị ngập” (Sáng-thế Ký 7:11, 17, 19).
Riêng về ảnh hưởng của trận Nước Lụt trên các loài sinh vật, Kinh-thánh nói: “Các xác-thịt hành-động trên mặt đất đều chết ngộp, nào chim, nào súc-vật, nào thú rừng, nào côn-trùng, và mọi người”. Tuy nhiên, Nô-ê và bảy người khác cùng sống sót với một số thú vật tiêu biểu gồm chim trời và động vật trên mặt đất (Sáng-thế Ký 7:21, 23). Tất cả đều được che chở trong một chiếc tàu lớn nổi trên mặt nước. Tàu có chiều dài 133 mét, chiều rộng 22 mét và chiều cao 13 mét. Vì công dụng của chiếc tàu là để nước không vào được và nổi trên mặt nước nên nó không có đáy tròn, mũi nhọn, chân vịt hoặc bánh lái. Chiếc tàu của Nô-ê chỉ giản dị là một chiếc tàu hình chữ nhật trông giống như một cái hòm.
Năm tháng sau khi trận Nước Lụt bắt đầu, chiếc tàu tấp vào rặng núi A-ra-rát nằm về phía đông của nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Một năm sau khi trận Nước Lụt bắt đầu, Nô-ê và gia đình ra khỏi tàu, bước xuống đất cạn và khởi đầu lại một cuộc sống mới với công việc bình thường hằng ngày (Sáng-thế Ký 8:14-19). Với thời gian, người ta sinh ra đông đúc đủ để bắt đầu xây thành Ba-bên với một cái tháp ô nhục gần sông Ơ-phơ-rát. Từ đó, người ta dần dà tản mác khắp nơi trên đất khi Đức Chúa Trời làm lộn xộn tiếng nói của loài người (Sáng-thế Ký 11:1-9). Nhưng còn chiếc tàu thì sao?
Tìm kiếm chiếc tàu
Kể từ thế kỷ 19, nhiều người đã cố gắng đi tìm chiếc tàu trên rặng núi A-ra-rát. Rặng núi này có hai ngọn cao nhất. Một ngọn cao 5.165 mét và ngọn kia 3.914 mét. Riêng ngọn cao hơn thì luôn luôn bị tuyết bao phủ. Vì có những sự thay đổi về khí hậu sau trận Nước Lụt cho nên tuyết đã chôn vùi chiếc tàu không lâu sau đó. Một vài người điều tra về việc này tin chắc rằng chiếc tàu vẫn còn ở đó và bị vùi sâu trong một tảng băng. Họ cho rằng có khi băng tan vừa đủ để cho người ta tạm thấy một phần tàu.
Sách “Đi tìm chiếc tàu của Nô-ê” (In Search of Noah’s Ark) trích dẫn lời của George Hagopian, một người Á Mỹ Ni, tuyên bố rằng ông có leo núi A-ra-rát và thấy chiếc tàu của Nô-ê vào năm 1902 và lần sau vào năm 1904. Ông nói là lần đầu ông đích thân trèo lên đỉnh của chiếc tàu. Ông kể lại: “Tôi đứng thẳng người lên và nhìn toàn thể chiếc tàu. Tôi thấy nó dài. Bề cao của nó vào khoảng 12 mét”. Riêng về sự quan sát của ông vào lần sau, ông cho biết: “Tôi không thấy một đường cong thật sự nào cả. Nó chẳng giống như bất cứ một chiếc tàu nào mà tôi đã từng thấy. Nó trông gần giống như một chiếc sà lan phẳng đáy”.
Từ năm 1952 đến 1969, Fernand Navarra đã bốn lần cố gắng đi tìm bằng chứng của chiếc tàu. Trong lần thứ ba lên núi A-ra-rát, ông cố hết sức để xuống được tới đáy một kẽ nứt của tảng băng. Tại đó ông tìm được một khúc gỗ mun lún vào băng. Ông nói: “Khúc gỗ này chắc là dài lắm và có lẽ nó còn dính liền với những phần khác của sườn tàu. Tôi chỉ có thể chặt dọc theo thớ gỗ cho đến khi tôi chẻ được một khúc dài độ 1 mét rưỡi”.
Giáo sư Richard Bliss, một trong số các chuyên viên nghiên cứu miếng gỗ, nói: “Khúc gỗ mẫu của Navarra là gỗ của cây xà ngang và được thấm chất nhựa hắc ín. Nó có lỗ mộng và những khớp nối mộng. Ngoài ra, nhất định là người ta đã phải đốn và dùng tay để đẽo cho vuông khúc gỗ này”. Người ta ước lượng gỗ già độ chừng bốn, năm ngàn năm.
Mặc dù người ta đã cố gắng đi tìm chiếc tàu trên núi A-ra-rát, bằng cớ chắc chắn là chiếc tàu đã được dùng để cứu người và thú vật qua khỏi trận Nước Lụt lớn khủng khiếp và câu chuyện này được ghi nơi sách Sáng-thế Ký trong cuốn Kinh-thánh. Rất nhiều chuyện cổ tích của những nhóm dân sơ khai trên toàn thế giới xác nhận những lời ghi chép đó. Hãy xem xét lời chứng nhận của họ trong bài tới.
[Hình nơi trang 4, 5]
Chiếc tàu của Nô-ê có trọng tải tương đương với trọng tải của 10 xe lửa chở hàng hóa và mỗi xe gồm 25 toa!