Kinh-thánh nói gì về “Thiên cách của đấng Christ”?
GIÊ-SU CHRIST có ảnh hưởng sâu đậm về tôn giáo đối với nhân loại. Điều này đúng như thế vì hàng triệu người tự xưng họ là môn đồ của ngài. Tuy nhiên, không phải tất cả những người đó đều đồng ý về cá tính của ngài.
Một số người nói rằng họ chấp nhận sự dạy dỗ của Giê-su, xem ngài là Con của Đức Chúa Trời, nhưng không xem chính ngài là Đấng Tạo hóa. Những người khác tin vào “thiên cách của đấng Christ” và nghĩ rằng ngài chính là Đức Chúa Trời. Họ tin rằng Giê-su luôn luôn hiện hữu và ngài là người siêu phàm khi ở trên đất. Họ nói có đúng không? Kinh-thánh nói gì?
Sự hiện hữu của Giê-su trước khi sinh ra làm người
Giê-su xác nhận ngài đã hiện hữu trước khi sinh ra làm người. Ngài nói: “Chưa hề có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, ấy là Con người vốn ở trên trời” (Giăng 3:13). Giê-su cũng tuyên bố: “Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô-cùng; và bánh mà ta sẽ ban cho vì sự sống của thế-gian tức là thịt ta” (Giăng 6:51).
Giê-su nói rõ ngài đã từng hiện hữu trước khi xuống đất: “Trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có ta” (Giăng 8:58). Áp-ra-ham sống từ năm 2018 tới năm 1843 trước công nguyên, trong khi Giê-su sống ở trên đất từ năm 2 trước công nguyên tới năm 33 công nguyên. Ngay trước khi ngài qua đời, Giê-su cầu nguyện: “Cha ôi! bây giờ xin lấy sự vinh-hiển Con vốn có nơi Cha trước khi chưa có thế-gian mà làm vinh-hiển Con nơi chính mình Cha” (Giăng 17:5).
Môn đồ của Giê-su cũng chứng nhận như vậy. Sứ đồ Giăng viết: “Ban đầu có Ngôi-Lời, Ngôi-Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi-Lời là [thần]. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi ngài... Ngôi-Lời đã trở nên xác-thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ-thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh-hiển của Ngài, thật như vinh-hiển của Con một đến từ nơi Cha” (Giăng 1:1, 3, 14). Đúng vậy, “Ngôi-Lời đã trở nên xác-thịt” tức người đàn ông tên là Giê-su.
Ám chỉ đến sự hiện hữu của Giê-su trước khi sinh ra làm người trên thế gian, sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy có đồng một tâm-tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình-đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm-giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi-tớ và trở nên giống như loài người” (Phi-líp 2:5-7). Phao-lô gọi Giê-su là “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên. Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài” (Cô-lô-se 1:13-16).
Không có thiên cách khi ở trên đất
Kinh-thánh cho thấy rõ ràng Giê-su hoàn toàn là một người từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời. Giăng không hề nói Ngôi-Lời chỉ có mặc lấy xác thịt. Giê-su “đã trở nên xác-thịt” và ngài không phải vừa có một phần xác thịt và vừa có một phần Đức Chúa Trời. Nếu Giê-su vừa là người và vừa là Đức Chúa Trời cùng một lúc, người ta không thể nói ngài “ở dưới các thiên-sứ một chút” (Hê-bơ-rơ 2:9; Thi-thiên 8:4, 5).
Nếu Giê-su vừa là Đức Chúa Trời và vừa là người khi ở trên đất thì tại sao ngài đã nhiều lần cầu nguyện với Đức Giê-hô-va? Phao-lô viết: “Khi Đấng Christ còn trong xác-thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc-lóc mà dâng những lời cầu-nguyện nài-xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng nhơn-đức Ngài, nên được nhậm lời” (Hê-bơ-rơ 5:7).
Lời của Phi-e-rơ nói rằng Giê-su “cũng vì tội lỗi chịu chết một lần... về phần xác thịt thì ngài đã chịu chết, nhưng về phần thần-linh thì được sống (I Phi-e-rơ 3:18, NW) chứng tỏ Giê-su không phải là một phần thần linh khi ở trên đất. Chính nhờ ở chỗ Giê-su đã sống hoàn toàn như một con người nên ngài trải qua những gì mà loài người bất toàn trải qua và vì thế ngài trở thành một thầy tế lễ thượng phẩm có khả năng cảm thương hay thông cảm được những người khác. Phao-lô viết: “Vì chúng ta không có thầy tế-lễ thượng-phẩm chẳng có thể cảm-thương sự yếu-đuối chúng ta, bèn có một thầy tế-lễ bị thử-thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê-bơ-rơ 4:15).
Là “Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội-lỗi thế-gian đi”, Giê-su “đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người” (Giăng 1:29; I Ti-mô-thê 2:6). Bằng cách đó Giê-su chuộc lại chính điều mà A-đam đánh mất—tức sự sống đời đời với tư cách con người hoàn toàn. Vì luật pháp của Đức Chúa Trời đòi hỏi “mạng đền mạng” nên Giê-su phải như A-đam vào thuở ban đầu. Đó là một người hoàn toàn chứ không phải là một nhân vật vừa là người vừa là Đức Chúa Trời (Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:21; I Cô-rinh-tô 15:22).
Không nên hiểu khác nghĩa với Kinh-thánh
Những người nói rằng Giê-su là một nhân vật vừa là người vừa là Đức Chúa Trời dùng nhiều câu Kinh-thánh khác nhau để cố chứng tỏ rằng ngài là một ngôi trong thuyết Chúa Ba Ngôi của những đạo tự xưng theo đấng Christ và ngài ngang hàng với Đức Chúa Trời về bản chất, quyền năng, vinh hiển và thời gian. Tuy nhiên, khi chúng ta xem xét những câu Kinh-thánh này một cách cẩn thận, chúng ta nhận thấy rằng những người biện luận cho “thiên cách của đấng Christ” cho những câu Kinh-thánh này có nghĩa khác hơn là nghĩa của những câu Kinh-thánh này thật sự muốn nói.
Một số người nói rằng có những câu Kinh-thánh, trong đó Đức Chúa Trời dùng đại danh từ “chúng ta”, làm cho Giê-su (Ngôi-Lời) trước khi sinh ra làm người ngang hàng với Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, lối dùng đại danh từ này không có nghĩa là Đức Chúa Trời đang nói chuyện với một người ngang hàng với Ngài. Lối dùng chữ này cùng lắm có nghĩa là trong số các thiên sứ ở trên trời có một tạo vật giữ địa vị ưu ái đối với Đức Chúa Trời. Trên thực tế, trước khi sinh ra làm người trên thế gian, Giê-su là cộng sự viên mật thiết của Đức Chúa Trời. Giê-su là Thợ cái và Phát ngôn nhân (Sáng-thế Ký 1:26; 11:7; Châm-ngôn 8:30, 31; Giăng 1:3).
Những sự kiện chung quanh phép báp têm của Giê-su không cho thấy Đức Chúa Trời, Giê-su Christ và thánh linh đều bằng nhau. Là một người, Giê-su làm báp têm để tượng trưng việc trình diện trước mặt Đức Chúa Trời ở trên trời. Vào dịp đó “các từng trời mở ra” và thánh linh của Đức Chúa Trời ngự xuống Giê-su như một con chim bồ câu. Hơn nữa, “từ trên trời” người ta nghe thấy tiếng của Đức Giê-hô-va phán rằng: “Nầy là con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:13-17).
Như thế thì Giê-su có ngụ ý gì khi ngài nói với những người theo ngài làm báp têm cho các môn đồ “nhân danh Cha, Con và thánh linh”? (Ma-thi-ơ 28:19, 20, NW). Giê-su không ngụ ý hoặc nói rằng ngài, Cha ngài và thánh linh đều bằng nhau. Đúng hơn, những người làm báp têm công nhận Đức Giê-hô-va là Đấng Ban cho sự sống và là Đức Chúa Trời Toàn năng và dâng đời sống của họ cho Ngài. Họ chấp nhận Giê-su là đấng Mê-si và là người mà Đức Chúa Trời ban cho để làm giá chuộc cho những ai tin nơi ngài. Ngoài ra họ nhận thức rõ rằng thánh linh là sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời mà họ phải phục tùng. Tuy nhiên, những người làm báp têm để trở thành môn đồ của Giê-su không xem Đức Giê-hô-va, Giê-su và thánh linh là một Đức Chúa Trời có ba ngôi.
Tuy nhiên, có phải những phép lạ của Giê-su có chứng tỏ rằng ngài là vừa là người vừa là Đức Chúa Trời hay không? Không, vì Môi-se, Ê-li, Ê-li-sê, sứ đồ Phi-e-rơ và Phao-lô cùng với những người khác đều đã làm phép lạ mặc dù họ không phải là vừa là người vừa là Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:15-31; I Các Vua 18:18-40; II Các Vua 4:17-37; Công-vụ các Sứ-đồ 9:36-42; 19:11, 12). Cũng như họ, Giê-su là một người làm nhiều phép lạ với quyền năng mà Đức Chúa Trời ban cho (Lu-ca 11:14-19).
Ê-sai nói tiên tri về đấng chịu xức dầu Giê-su là “Đức Chúa Trời Quyền-năng” (Ê-sai 9:5). Nơi Ê-sai 10:21, cũng nhà tiên tri đó nói đến Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời quyền-năng”. Một số người cố dùng cách viết giống nhau này để chứng tỏ Giê-su là Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận về việc hiểu ngoài nghĩa của những câu Kinh-thánh này. Chữ Hê-bơ-rơ diễn tả “Đức Chúa Trời quyền-năng” không có hạn chế riêng cho Đức Giê-hô-va như là chữ “Đức Chúa Trời Toàn-năng” (Sáng-thế Ký 17:1). Ai cũng phải thừa nhận rằng có sự khác biệt giữa quyền năng và toàn năng. Toàn năng có nghĩa là không ai hơn được.
Thể theo Ê-sai 43:10, Đức Giê-hô-va phán: “Chẳng có Đức Chúa Trời tạo-thành trước ta, và cũng chẳng có sau ta nữa”. Nhưng những chữ đó không chứng tỏ rằng Giê-su là Đức Chúa Trời. Điểm cốt yếu là không ai có trước Đức Chúa Trời vì Ngài hiện hữu đời đời. Sẽ không có thần nào sau Đức Giê-hô-va vì Ngài luôn luôn hiện hữu và Ngài sẽ không có người nối ngôi làm Chúa Tối thượng. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã tạo ra những người khác mà chính Ngài gọi họ là thần. Kinh-thánh cho thấy điều này khi nói về một số người nào đó: “Ta đã nói: Các ngươi là thần, hết thảy đều là con trai của Đấng Chí-Cao. Dầu vậy, các ngươi sẽ chết như loài người, sa-ngã như một quan-trưởng” (Thi-thiên 82:6, 7). Cũng như thế, Ngôi-Lời là một thần mà Đức Chúa Trời tạo ra, nhưng điều này dù lúc nào đi nữa cũng không làm Giê-su ngang hàng với Đức Chúa Trời Toàn năng.
Địa vị chính xác của Giê-su
Những người cho rằng Đức Chúa Trời nhận sự sống làm người dưới hình thức vừa là người vừa là Đức Chúa Trời nên lưu ý rằng Kinh-thánh không mảy may gợi ý rằng Giê-su tự xem mình như vậy. Đúng hơn, Kinh-thánh luôn luôn cho thấy rằng Giê-su lúc nào cũng ở địa vị thấp hơn Cha ngài. Khi ở trên đất, Giê-su không bao giờ tự cho mình cao hơn là Con của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, đấng Christ nói: “Cha tôn trọng hơn ta” (Giăng 14:28).
Phao-lô phân biệt Đức Giê-hô-va với Giê-su trong câu nói: “Về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha, muôn vật bởi Ngài mà ra, và chúng ta hướng về Ngài; lại chỉ có một Chúa mà thôi, là Đức Chúa Giê-su Christ, muôn vật đều nhờ Ngài mà có, và chúng ta cũng vậy” (I Cô-rinh-tô 8:6). Phao-lô cũng nói: “Anh em thuộc về Đấng Christ, Đấng Christ thuộc về Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 3:22). Thật thế, như những tín đồ đấng Christ thuộc về Chủ của họ là Giê-su Christ, thì Giê-su cũng thuộc về Đầu của ngài là Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
Để nêu rõ quan điểm tương tự đó, Phao-lô viết: “Đấng Christ là đầu mọi người; người đờn-ông là đầu người đờn-bà; và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ” (I Cô-rinh-tô 11:3). Mối liên hệ cha con giữa Đức Chúa Trời và đấng Christ sẽ tiếp tục vì sau Một Ngàn Năm Trị vì của Giê-su “Ngài sẽ giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha” và “chính mình Con sẽ phục Đấng đã làm cho muôn vật phục mình, hầu cho Đức Chúa Trời làm muôn sự trong muôn sự” (I Cô-rinh-tô 15:24, 28; Khải-huyền 20:6).
Xem xét các phần khác của Kinh-thánh
Về việc Giê-su sinh ra, Ma-thi-ơ viết: “Mọi việc đã xảy ra như vậy, để cho ứng-nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên-tri [nơi Ê-sai 7:14] mà phán rằng: Nầy, một gái đồng-trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên; nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” (Ma-thi-ơ 1:22, 23). Tuy Giê-su không được đặt tên là Em-ma-nu-ên, nhưng vai trò của ngài lúc sống trên đất đã làm trọn ý nghĩa của cái tên đó. Sự hiện diện của Giê-su trên đất với tư cách Dòng dõi được xức dầu và Người thừa kế ngôi của Đa-vít chứng tỏ cho những người thờ phượng Đức Giê-hô-va thấy rằng Đức Chúa Trời ở cùng họ, ở bên họ và trợ giúp họ trong các công việc họ làm (Sáng-thế Ký 28:15; Xuất Ê-díp-tô Ký 3:11, 12; Giô-suê 1:5, 9; Thi-thiên 46:5-7; Giê-rê-mi 1:19).
Khi nói với Giê-su lúc ngài sống lại, sứ đồ Thô-ma thốt lên: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!” (Giăng 20:28). Sự tường thuật ở đây và các phần khác được “chép, để cho [chúng ta] tin rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời”. Ngoài ra, Thô-ma không có mâu thuẫn với Giê-su vì ngài có cho các môn đồ của ngài biết: “Ta lên...Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi” (Giăng 20:17, 30, 31). Do đó, Thô-ma không nghĩ rằng Giê-su là Đức Chúa Trời Toàn năng. Thô-ma có thể đã gọi Giê-su là “Đức Chúa Trời tôi” với ý nghĩa Giê-su là “một thần” chứ không phải là “Đức Chúa Trời có một và thật” (Giăng 1:1, NW; Giăng 17:1-3). Hoặc khi nói “Đức Chúa Trời tôi”, Thô-ma có thể đã thừa nhận Giê-su là Phát ngôn nhân hay là Người đại diện của Đức Chúa Trời, cũng như những người khác gọi một thiên sứ đi đưa tin như thể thiên sứ đó là Đức Giê-hô-va. (So sánh Sáng-thế Ký 18:1-5, 22-33; 31:11-13; 32:24-30; Các Quan Xét 2:1-5; 6:11-15; 13:20-22).
Vậy theo Kinh-thánh thì Giê-su đã hiện hữu trước khi sinh ra làm người với tư cách là Ngôi-Lời. Khi ở trên đất ngài không phải vừa là người vừa là Đức Chúa Trời. Ngài là một con người hẳn hoi, nhưng ngài hoàn toàn cũng như A-đam lúc ban đầu. Từ lúc sống lại, Giê-su là một thần linh vinh hiển và bất tử, luôn luôn ở dưới quyền Đức Chúa Trời. Bởi thế, thật rõ ràng là Kinh-thánh không chấp nhận quan niệm “thiên cách của đấng Christ”.
[Khung nơi trang 23]
Thiên sứ có thờ phượng Giê-su không?
MỘT VÀI bản dịch viết câu Hê-bơ-rơ 1:6 như sau: “Tất cả thiên sứ của Đức Chúa Trời, hãy thờ lạy người [Giê-su]” (King James Version; The Jerusalem Bible). Hình như sứ đồ Phao-lô trích Thi-thiên 97:7 trong bản dịch Septuagint như sau: “Hỡi các thiên sứ, khá thờ lạy Ngài [Đức Chúa Trời]” (C. Thomson).
Chữ Hy-lạp pro·sky·neʹo dịch là “thờ lạy” nơi Hê-bơ-rơ 1:6 cũng là chữ mà bản dịch Septuagint dùng để dịch chữ Hê-bơ-rơ sha·chahʹ nơi Thi-thiên 97:7. Sha·chahʹ có nghĩa là “cúi lạy”. Đối với loài người, đây có thể được xem là một hành vi kính trọng (Sáng-thế Ký 23:7; I Sa-mu-ên 24:9; II Các Vua 2:15). Hoặc động tác này có liên quan đến sự thờ lạy Đức Chúa Trời Thật, hay thờ lạy những thần giả một cách sai lầm (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:24; 24:1; 34:14; Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:19).
Thường thường chữ pro·sky·neʹo được dùng trong trường hợp Giê-su tương đương với sự cúi mình xuống quì lạy trước mặt vua chúa và những người khác. (So sánh Ma-thi-ơ 2:2, 8; 8:2; 9:18; 15:25; 20:20 với I Sa-mu-ên 25:23, 24; II Sa-mu-ên 14:4-7; I Các Vua 1:16; II Các Vua 4:36, 37). Thường thường, điều rõ ràng là sự quì lạy trước mặt Giê-su không phải là sự thờ lạy Giê-su với tư cách là Đức Chúa Trời, nhưng với tư cách là “Con Đức Chúa Trời” hay “Con người” với tư cách là đấng Mê-si (Ma-thi-ơ 14:32, 33; Lu-ca 24:50-52; [Giăng 6:27]; Giăng 9:35, 38).
Hê-bơ-rơ 1:6 xác định rõ Giê-su có địa vị thấp hơn Đức Chúa Trời (Phi-líp 2:9-11). Đây là vài chữ dịch từ chữ pro·sky·neʹo: “tỏ lòng kính trọng” (The New English Bible), “lạy” (New World Translation), hay “quì lạy trước” (An American Translation). Nếu ai thích chữ “thờ lạy” thì sự thờ lạy đó chỉ tương đối mà thôi, vì Giê-su phán cùng Sa-tan: “Ngươi phải thờ-phượng [một dạng của chữ pro·sky·neʹo] Chúa là Đức Chúa Trời, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Ma-thi-ơ 4:8-10).
Mặc dầu Thi-thiên 97:7 nói về thờ phượng Đức Chúa Trời được quy cho Giê-su nơi Hê-bơ-rơ 1:6, Phao-lô đã cho thấy rõ rằng khi sống lại Giê-su là “sự chói-sáng của sự vinh-hiển Đức Chúa Trời và hình-bóng của bổn-thể Ngài” (Hê-bơ-rơ 1:1-3). Vì thế cho nên bất cứ sự “thờ lạy” nào mà thiên sứ dâng lên Con Đức Chúa Trời chỉ là tương đối mà thôi và những sự “thờ lạy” này được dâng lên Đức Giê-hô-va qua Giê-su.