Sự sắp đặt đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va về gia đình
“Ấy là vì cớ đó mà tôi quì gối trước mặt Cha, bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên” (Ê-PHÊ-SÔ 3:14, 15).
1, 2. a) Đức Giê-hô-va tạo ra đơn vị gia đình nhằm mục đích gì? b) Ngày nay gia đình giữ vị trí nào trong sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA tạo ra đơn vị gia đình. Qua gia đình, Ngài thực hiện nhiều hơn là chỉ thỏa mãn nhu cầu của con người cần có bè bạn, nơi nâng đỡ, hay sự mật thiết của con người (Sáng-thế Ký 2:18). Nhờ gia đình, mục đích huy hoàng của Đức Chúa Trời nhằm làm cho đất đầy dẫy loài người được thực hiện. Ngài nói với cặp vợ chồng đầu tiên: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng” (Sáng-thế Ký 1:28). Môi trường ấm cúng và dưỡng dục của gia đình sẽ chứng tỏ có lợi ích cho vô số con cái do A-đam và Ê-va và con cháu của họ sanh ra.
2 Tuy nhiên, cặp vợ chồng đầu tiên đã chọn con đường không vâng lời. Điều này mang lại hậu quả tai hại cho chính họ và con cháu của họ (Rô-ma 5:12). Vì thế, đời sống gia đình ngày nay không đúng với đời sống mà Đức Chúa Trời muốn. Dù vậy, gia đình vẫn tiếp tục giữ một vị trí quan trọng trong sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va, và là một đơn vị căn bản của xã hội tín đồ đấng Christ. Khi nói điều này, không phải chúng tôi tỏ sự thiếu quí trọng đối với những công việc tốt lành do nhiều tín đồ đấng Christ độc thân trong vòng chúng ta đang làm. Đúng hơn, chúng ta công nhận rằng gia đình cũng đóng góp rất nhiều vào sức khỏe thiêng liêng của tổ chức tín đồ đấng Christ nói chung. Hội-thánh vững chắc nhờ có gia đình vững chắc. Tuy nhiên, làm thế nào gia đình bạn có thể đầm ấm trước áp lực ngày nay? Để trả lời, chúng ta hãy xem xét Kinh-thánh nói gì về sự sắp đặt gia đình.
Gia đình trong thời Kinh-thánh được viết ra
3. Người chồng và người vợ đóng vai trò gì trong gia đình sắp đặt theo thể thức tộc trưởng?
3 Cả A-đam và Ê-va đều bác bỏ sự sắp đặt của Đức Chúa Trời về vấn đề ai cầm đầu gia đình. Nhưng những người có đức tin, chẳng hạn như Nô-ê, Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và Gióp đều đảm nhận cách chính đáng vai trò của mình là người đứng đầu trong gia đình (Hê-bơ-rơ 7:4). Gia đình sắp đặt theo thể thức tộc trưởng giống như một chính phủ nhỏ. Người cha đóng vai trò người lãnh đạo tôn giáo, thầy dạy và người xét xử (Sáng-thế Ký 8:20; 18:19). Người vợ cũng có vai trò quan trọng—không phải là nô lệ, nhưng là người phụ tá quản trị gia đình.
4. Đời sống gia đình thay đổi ra sao dưới Luật Môi-se, nhưng cha mẹ vẫn tiếp tục giữ vai trò nào?
4 Khi Y-sơ-ra-ên trở thành một quốc gia vào năm 1513 trước công nguyên, phép tắc trong gia đình trở nên phụ thuộc vào Luật quốc gia mà Đức Chúa Trời ban qua Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:3-8). Bấy giờ các quan xét được bổ nhiệm có quyền xét đoán, kể cả những vấn đề sinh tử (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:13-26). Thầy tế lễ dòng Lê vi đảm trách việc dâng của lễ trong sự thờ phượng (Lê-vi Ký 1:2-5). Tuy nhiên, người cha vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng. Môi-se khuyên các người làm cha: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7). Người mẹ cũng có ảnh hưởng đáng kể. Châm-ngôn 1:8 ra lệnh cho giới trẻ: “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên-dạy của cha, chớ bỏ phép-tắc của mẹ con”. Đúng thế, dưới quyền hạn của chồng, người vợ Hê-bơ-rơ có thể đặt và thi hành phép tắc gia đình. Bà phải được con cái kính trọng ngay cả trong lúc tuổi già (Châm-ngôn 23:22).
5. Trong sự sắp đặt gia đình, Luật Môi-se xác định bổn phận con cái như thế nào?
5 Luật Đức Chúa Trời cũng định rõ vai trò của con cái. Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:16 nói: “Hãy hiếu-kính cha mẹ ngươi, như Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi có phán dặn, hầu cho ngươi được sống lâu và có phước trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho”. Không kính trọng cha mẹ là một tội trọng dưới Luật Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:15, 17). Luật này định rõ: “Khi một người nào chửi cha mắng mẹ mình, thì phải bị xử-tử: nó đã chửi rủa cha mẹ; huyết nó sẽ đổ lại trên mình nó” (Lê-vi Ký 20:9). Chống lại cha mẹ chẳng khác gì chống lại chính Đức Chúa Trời.
Vai trò làm chồng của tín đồ đấng Christ
6, 7. Tại sao lời Phao-lô ghi nơi Ê-phê-sô 5:23-29 có vẻ quá mới mẻ đối với độc giả ở thế kỷ thứ nhất?
6 Đạo đấng Christ giúp chúng ta hiểu rõ sự sắp đặt gia đình, nhất là vai trò làm chồng. Ngoài phạm vi hội-thánh đạo đấng Christ, vấn đề chồng áp bức và đối xử với vợ mình một cách khắc nghiệt là điều thông thường vào thế kỷ thứ nhất. Người ta không nhìn nhận đàn bà có các quyền căn bản và nhân phẩm. Cuốn “Giải thích Kinh-thánh” (The Expositor’s Bible) trình bày: “Giới học thức Hy Lạp lấy vợ nhằm mục đích sinh con đẻ cái. Vợ không có quyền hạn chế sự đòi hỏi sinh dục của chồng. Tình yêu không có trong giao ước hôn nhân... Người đàn bà nô lệ không có quyền hạn nào cả. Người chủ có toàn quyền trên thân thể của bà”.
7 Trong môi trường đó, Phao-lô viết nơi Ê-phê-sô 5:23-29: “Chồng là đầu vợ, khác nào đấng Christ là đầu Hội-thánh, Hội-thánh là thân-thể Ngài, và Ngài là Cứu-Chúa của Hội-thánh... Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như đấng Christ đã yêu Hội-thánh, phó chính mình vì Hội-thánh... Chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi-nấng săn-sóc nó”. Những lời này quá là mới mẻ đối với độc giả ở thế kỷ thứ nhất. Cuốn “Giải thích Kinh-thánh” (The Expositor’s Bible) nói: “Khi so sánh với sự đồi trụy về luân lý vào thời đó, không có gì có vẻ mới lạ hơn và nghiêm khắc hơn là quan điểm về hôn nhân của tín đồ đấng Christ... [Quan điểm đó] mở đầu một thời đại mới cho nhân loại”.
8, 9. Thông thường đàn ông có những thái độ nào không được lành mạnh đối với đàn bà, và tại sao điều quan trọng là những nam tín đồ đấng Christ nên bác bỏ các quan điểm đó?
8 Ngày nay lời khuyên của Kinh-thánh cho người chồng cũng không kém mới lạ. Bất kể những tiếng nói của phong trào phụ nữ đòi quyền bình đẳng, nhiều người đàn ông vẫn coi đàn bà như đồ vật để thỏa mãn tình dục mà thôi. Nhiều người đàn ông tin chuyện hoang đường là đàn bà thật ra thích bị cai trị, kiềm chế, hoặc ức hiếp nên họ hành hạ vợ về phương diện thể xác và tình cảm. Nếu người nam tín đồ đấng Christ để cho tư tưởng thế gian ảnh hưởng mình và ngược đãi vợ thì thật là điều xấu hổ biết bao! Một nữ tín đồ đấng Christ nói: “Chồng tôi trước kia là một tôi tớ chức vụ và có đặc ân nói bài diễn văn”. Tuy nhiên, chị thổ lộ: “Tôi đã là nạn nhân bị chồng đánh”. Rõ ràng những hành động đó không phù hợp với sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. Đây là một trường hợp hiếm có. Người chồng đó cần tìm sự giúp đỡ để sửa chữa tính nóng giận của mình nếu ông hy vọng được Đức Chúa Trời ban ân phước (Ga-la-ti 5:19-21).
9 Đức Chúa Trời phán là chồng phải yêu vợ như chính bản thân mình. Từ chối làm như vậy là chống lại chính sự sắp đặt của Đức Chúa Trời và có thể làm tổn thương mối liên lạc của mình với Đức Chúa Trời. Lời sứ đồ Phi-e-rơ thật rõ ràng: “Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình, như là với giống yếu-đuối hơn;... hầu cho không điều gì làm rối-loạn sự cầu-nguyện của anh em” (I Phi-e-rơ 3:7). Đối xử tàn nhẫn với vợ cũng có thể đưa đến hậu quả tai hại cho tình trạng thiêng liêng của vợ và con cái.
10. Người chồng có thể đảm nhận vai trò người cầm đầu giống như đấng Christ qua vài cách nào?
10 Hỡi người làm chồng, gia đình bạn sẽ hưng thịnh dưới quyền cầm đầu gia đình của bạn nếu bạn hành quyền đó theo cách giống như đấng Christ vậy. Đấng Christ không bao giờ khắc nghiệt hay ngược đãi ai. Ngược lại, ngài có thể nói: “Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường;.. [hãy] học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:29). Gia đình bạn có thể nói về bạn như thế không? Đấng Christ cư xử với môn đồ ngài như những người bạn và ngài tin cậy họ (Giăng 15:15). Bạn có tôn trọng phẩm giá của vợ bạn như thế không? Kinh-thánh nói đến “người nữ [vợ] tài-đức” như sau: “Lòng người chồng tin-cậy nơi nàng” (Châm-ngôn 31:10, 11). Điều này có nghĩa là bạn phải cho vợ có một mức độ tự do nào đó và không gò bó vợ một cách vô lý. Hơn nữa, Giê-su khuyến khích môn đồ ngài phát biểu cảm tưởng và ý kiến của họ (Ma-thi-ơ 9:28; 16:13-15). Bạn có khuyến khích vợ bạn giống như vậy không? Hoặc bạn coi sự bất đồng ý kiến thành thật như là sự thách thức uy quyền của bạn? Bằng cách để ý đến cảm tưởng của vợ thay vì làm ngơ, bạn thật sự giúp cho vợ tôn trọng quyền cầm đầu của bạn.
11. a) Làm thế nào người cha có thể trông nom nhu cầu thiêng liêng của con cái? b) Tại sao trưởng lão và tôi tớ chức vụ phải làm gương tốt trong việc trông nom gia đình?
11 Nếu là cha, bạn có bổn phận đảm nhận vai trò người cầm đầu trong việc trông nom nhu cầu thiêng liêng, tình cảm và vật chất của con cái. Điều này gồm có nề nếp sinh hoạt thiêng liêng thường xuyên cho gia đình như: đi rao giảng chung với con cái, dạy chúng Kinh-thánh, thảo luận với chúng đoạn mỗi ngày. Điều đáng lưu ý là Kinh-thánh cho thấy trưởng lão hay tôi tớ chức vụ phải “khéo cai-trị nhà riêng mình”. Vì vậy, những anh phục vụ với tư cách trưởng lão hay tôi tớ chức vụ phải là người chủ gia đình gương mẫu. Trong khi họ có lẽ gánh vác trách nhiệm nặng nề trong hội-thánh, họ phải dành ưu tiên cho gia đình mình. Phao-lô cho biết lý do tại sao: “Vì nếu có ai không biết cai-trị nhà riêng mình, thì làm sao cai-trị được Hội-thánh của Đức Chúa Trời?” (I Ti-mô-thê 3:4, 5, 12).
Người vợ tín đồ đấng Christ ủng hộ chồng
12. Người vợ có vai trò gì trong sự sắp đặt của đạo đấng Christ?
12 Bạn có phải là người vợ tín đồ đấng Christ không? Vậy thì bạn cũng có một vai trò quan trọng trong sự sắp đặt gia đình. Người vợ tín đồ đấng Christ được khuyến khích “biết yêu chồng con mình, có nết-na, trinh-chánh, trông-nom việc nhà; lại biết ở lành, vâng-phục chồng mình” (Tít 2:4, 5). Vì thế, bạn nên gắng sức làm người nội trợ gương mẫu, trông nom nhà cửa cho được sạch sẽ và giữ cho không khí gia đình được thoải mái. Công việc nội trợ có nhiều lúc nhàm chán, nhưng nó không phải là công việc hèn hạ hoặc tầm thường. Với tư cách là người vợ, bạn “cai-trị nhà mình” và bạn có thể có được nhiều quyền hạn trong vấn đề này (I Ti-mô-thê 5:14). Thí dụ, “người nữ [vợ] tài-đức” sắm đồ dùng cho gia đình, mua ruộng đất, và lại còn thâu thêm lợi tức nhờ trông nom một công việc buôn bán nhỏ. Thảo nào bà được chồng ngợi khen! (Châm ngôn, đoạn 31). Đương nhiên, các việc bà tự làm đó đều nằm trong phạm vi mà chồng bà với vai trò người cầm đầu đã vạch ra.
13. a) Tại sao sự phục tùng chồng có thể là điều khó khăn đối với một số người đàn bà? b) Tại sao việc người vợ tín đồ đấng Christ vâng phục chồng là điều có lợi?
13 Tuy nhiên, phục tùng chồng có lẽ không phải là một điều luôn luôn dễ dàng. Không phải người chồng nào cũng đáng được kính trọng. Và bạn rất có lẽ có đầy đủ khả năng trong việc quản lý tài chánh, phác họa kế hoạch, hay tổ chức. Bạn có lẽ có việc làm và đóng góp đáng kể vào ngân quỹ gia đình. Hay là bạn có thể bị đau khổ về một mặt nào đó vì bị đàn ông áp bức trong quá khứ và có thể cảm thấy khó phục tùng đàn ông. Tuy nhiên, biểu lộ sự “kính” chồng chứng tỏ bạn tôn trọng sự lãnh đạo của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 5:33; I Cô-rinh-tô 11:3). Sự phục tùng cũng rất quan trọng đối với hạnh phúc của gia đình bạn; nó giúp bạn tránh đưa hôn nhân vào sự căng thẳng không cần thiết.
14. Người vợ có thể làm gì khi bất đồng ý kiến với chồng?
14 Tuy vậy, phải chăng điều này có nghĩa là bạn phải nín lặng khi bạn cảm thấy chồng có quyết định đưa đến hậu quả tai hại cho quyền lợi của gia đình? Không hẳn như vậy. Vợ Áp-ra-ham là Sa-ra không lặng tiếng khi nhận thấy hạnh phúc của con bà là Y-sác bị đe dọa (Sáng-thế Ký 21:8-10). Tương tự như thế, đôi khi bạn có thể cảm thấy có bổn phận phát biểu cảm tưởng của mình. Nếu bạn tỏ lòng kính nể chồng và chọn “đúng lúc” để phát biểu cảm tưởng, người chồng tín đồ đấng Christ có lòng tin kính Đức Chúa Trời sẽ lắng nghe bạn (Châm-ngôn 25:11). Tuy nhiên, nếu đề nghị của bạn không được chấp nhận và không có nguyên tắc nào trong Kinh-thánh bị vi phạm trầm trọng thì vấn đề chống lại ý chồng không phải là việc tự mình chuốc lấy thất bại hay sao? Nên nhớ rằng “người nữ khôn-ngoan xây-cất nhà mình; song kẻ ngu-dại lấy tay mình mà phá-hủy nó đi” (Châm-ngôn 14:1). Một cách để xây dựng gia đình là ủng hộ quyền cầm đầu của chồng, khen ngợi thành quả và đồng thời bỏ qua những lỗi lầm của chồng.
15. Người vợ có thể phụ giúp chồng trong việc sửa trị và dạy dỗ con cái bằng những cách nào?
15 Một cách khác để xây dựng gia đình là phụ giúp chồng trong việc sửa trị và dạy dỗ con cái. Thí dụ, bạn có thể góp phần vào việc trông nom học hỏi Kinh-thánh gia đình được đều đặn và mọi người được gây dựng. “Chớ nghỉ tay ngươi” trong việc chia xẻ lẽ thật với con cái vào bất cứ cơ hội nào, chẳng hạn như khi đi đường hay chỉ trong lúc đi mua sắm với chúng (Truyền-đạo 11:6). Hãy giúp chúng sửa soạn những câu trả lời cho các buổi họp và sửa soạn những phần trong Trường Chức vụ Thần quyền. Hãy để ý đến những bạn bè của con cái (I Cô-rinh-tô 15:33). Hãy cho chúng biết là bạn và chồng bạn đều hợp nhất trong những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn và việc sửa trị con cái theo ý Đức Chúa Trời. Chớ để chúng lợi dụng bạn để làm ngược với ý chồng bạn.
16. a) Gương mẫu nào trong Kinh-thánh khuyến khích những người mẹ đơn độc nuôi con và những người có chồng không tin đạo? b) Các người khác trong hội-thánh có thể giúp đỡ những người đó thế nào?
16 Nếu bạn là người mẹ đơn độc nuôi con hoặc có chồng không tin đạo, bạn rất có thể phải dẫn đầu về phương diện thiêng liêng. Điều này có thể khó khăn và có lúc lại còn làm bạn nản lòng. Nhưng bạn không nên bỏ cuộc. Mẹ Ti-mô-thê là Ơ-nít đã đạt được kết quả tốt đẹp trong việc dạy Kinh-thánh cho con khi con “còn thơ ấu” dù chồng bà không tin đạo (II Ti-mô-thê 1:5; 3:15). Và nhiều người trong số chúng ta cũng đang gặt được kết quả tương tự. Nếu bạn muốn được giúp đỡ về phương diện này, bạn có thể cho các trưởng lão biết. Họ có thể sắp xếp để có người đưa bạn đi họp và đi rao giảng. Họ có thể khuyến khích những người khác mời gia đình bạn trong các cuộc đi chơi giải trí hoặc họp mặt chung vui. Hoặc họ có thể sắp xếp cho một người tuyên bố có nhiều kinh nghiệm giúp bạn bắt đầu học hỏi Kinh-thánh với gia đình.
Con cái biết ơn cha mẹ
17. a) Làm thế nào người trẻ có thể góp phần vào hạnh phúc của gia đình? b) Giê-su đã nêu gương gì về phương diện này?
17 Người trẻ tín đồ đấng Christ có thể góp phần vào hạnh phúc của gia đình bằng cách tuân theo lời khuyên nơi Ê-phê-sô 6:1-3: “Hỡi kẻ làm con-cái, hãy vâng-phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn-kính cha mẹ ngươi (ấy là điều-răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất”. Bằng cách nghe lời cha mẹ, bạn chứng tỏ là bạn tôn kính Đức Giê-hô-va. Giê-su Christ là người hoàn toàn và ngài có thể dễ dàng lý luận rằng việc vâng phục cha mẹ bất toàn là điều làm hạ phẩm giá của ngài. Tuy nhiên, “[ngài] chịu lụy cha mẹ... Đức Chúa Giê-su khôn-ngoan càng thêm, thân-hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Lu-ca 2:51, 52).
18, 19. a) Tôn kính cha mẹ có nghĩa gì? b) Làm sao gia đình có thể trở thành nơi nghỉ ngơi thoải mái?
18 Chẳng lẽ bạn không nên tôn kính cha mẹ giống như vậy hay sao? “Tôn kính” ở đây có nghĩa là công nhận uy quyền chính đáng được ban cho cha mẹ (So sánh I Phi-e-rơ 2:17). Trong hầu hết các trường hợp, con cái phải tôn kính cha mẹ dù cha mẹ là những người không tin đạo hay không nêu gương tốt cho con cái. Bạn càng phải tôn kính cha mẹ nhiều hơn nữa nếu cha mẹ là những tín đồ gương mẫu. Bạn cũng nên nhớ rằng sự sửa trị và lời chỉ bảo của cha mẹ không nhằm mục đích gò bó bạn một cách không chính đáng. Đúng hơn, những điều đó nhằm che chở bạn để bạn có thể “tiếp tục sống” (Châm-ngôn 7:1, 2, NW).
19 Vậy gia đình quả thật là một sự sắp đặt đầy yêu thương! Khi vợ, chồng và con cái đều tuân theo luật của Đức Chúa Trời ban cho thì gia đình trở thành một tổ ấm, nơi nghỉ ngơi thoải mái. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn liên quan đến việc thông tri và dạy dỗ con cái có thể xảy ra. Bài tới sẽ thảo luận làm sao để giải quyết được một số các vấn đề này.
Bạn có nhớ không?
◻ Vào thời Kinh-thánh được viết ra, vợ, chồng và con cái kính sợ Đức Chúa Trời nêu ra gương mẫu gì?
◻ Đạo đấng Christ cho biết gì về vai trò của người chồng?
◻ Người vợ nên giữ vai trò gì trong gia đình theo đạo đấng Christ?
◻ Người trẻ tín đồ đấng Christ góp phần vào hạnh phúc gia đình bằng cách nào?
[Hình nơi trang 9]
“Khi so sánh với sự đồi trụy về luân lý vào thời đó, không có gì có vẻ mới lạ hơn và nghiêm khắc hơn là quan điểm về hôn nhân của tín đồ đấng Christ... [Quan điểm đó] mở đầu một thời đại mới cho nhân loại”
[Hình nơi trang 10]
Người chồng tín đồ đấng Christ khuyến khích vợ phát biểu cảm tưởng, lưu tâm đến cảm tưởng của vợ